Chủ tịch Hồ Chí Minh là người quan tâm hàng đầu đến vấn đề đạo đức, Người đã tiếp thu những quan điểm đạo đức Mác - Lênin và làm một cuộc cách mạng trên lĩnh vực đạo đức. Người gọi đó là đạo đức mới - đạo đức cách mạng: “Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu, nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải là danh vọng của cá nhân mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người” [19]. Quan điểm của Người về đạo đức là những quan điểm khoa học, biện chứng, phù hợp với sự tiến hoá của xã hội loài người. Để có được đạo đức cách mạng. Mỗi người phải chăm lo tu dưỡng, kiên trì bền bỉ suốt đời: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” [19].
Hồ Chí Minh khẳng định những giá trị đạo đức truyền thống, đồng thời tiếp thu tinh hoa đạo đức của nhân loại, đặc biệt là nội dung tư tưởng đạo đức Mác - Lê Nin. Theo Người: “Đạo đức cách mạng là bất kì ở cương vị nào, bất kì làm công việc gì đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đạo đức cách mạng là đạo đức tập thể, nó phải đánh thắng và tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân” [19].
Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng, coi đó là cái gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối. Người cách mạng phải có ĐĐCM làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang vì sự nghiệp độc lập dân tộc, vì CNXH. Người quan niệm đạo đức tạo ra sức mạnh, là nhân tố quyết định sự thắng lợi của mọi công việc, Người nói: “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Quan niệm lấy đức làm gốc của Hồ Chí Minh không có nghĩa là tuyệt đối hoá mặt đức, coi nhẹ mặt tài. Người cho rằng có tài mà không có đức là người vô dụng nhưng có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Cho nên, đức là gốc, đức và tài phải kết hợp với nhau để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.