1.5.2.1. Nội dung quản lý
Nội dung quản lý công tác giáo dục đạo đức cho học sinh THPT bao gồm: - QL việc xây dựng nội dung, chương trình, hình thức và biện pháp GDĐĐ: Cơ sở để xác định nội dung GDĐĐ là nội dung chương trình môn giáo dục công dân và một số môn khoa học xã hội, các chủ điểm của hoạt động NGLL, truyền thống văn hoá của dân tộc và địa phương... Nội dung QL thông qua các hoạt động của nhà trường như: học các môn văn hóa, hoạt động NGLL, hoạt động của GVCN, hoạt động của sao nhi đồng và đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, hoạt động kỉ niệm các ngày lễ lớn trong năm... Vì vậy, cần có kế hoạch xây dựng chương trình, hình thức GDĐĐ cho HS một cách đa dạng, sinh động, hấp dẫn với những mục tiêu, hình thức, biện pháp thực hiện cụ thể.
Yêu cầu của nội dung QL này là:
+ Đảm bảo mục tiêu GDĐĐ và mục tiêu giáo dục của nhà trường
+ Lựa chọn nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của học sinh.
+ Có chỉ tiêu và giải pháp cụ thể, mang tính khả thi.
- QL công tác GDĐĐ cho HS của đội ngũ GVCN: Ban Giám hiệu nhà trường lập kế hoạch chung và chỉ đạo thực hiện. GVCN căn cứ vào đó, tuỳ vào đặc điểm của từng lớp, từng học sinh để triển khai thực hiện có hiệu quả. Mặt khác, Ban Giám hiệu cần có các biện pháp kiểm tra, đánh giá để khen thưởng, phê bình, động viên kịp thời với đội ngũ GVCN lớp.
- QL công tác phối hợp với các lực lượng giáo dục ngoài nhà trường để GDĐĐ cho HS: Các lực lượng giáo dục ngoài nhà trường bao gồm: chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, Hội cha mẹ học sinh... Để hoạt động này có hiệu quả, nhà trường cần có mối quan hệ chặt chẽ, phân công cụ thể công việc và biện pháp thực hiện của từng bộ phận.
- QL cơ sở vật chất, nguồn kinh phí phục vụ tốt nhất cho các hoạt động GDĐĐ cho HS. Đồng thời, động viên, thu hút các nguồn lực khác tham gia vào hoạt động GDĐĐ.
- QL quá trình hình thành và rèn luyện đạo đức của HS, giáo dục HS phấn đấu và tu dưỡng tốt.
- Triển khai chỉ đạo thực hiện kế hoạch đã đề ra và thường xuyên kiểm tra, đánh giá, khen thưởng, trách phạt kịp thời nhằm động viên các lực lượng tham gia quản lý và tổ chức GDĐĐ.
1.5.2.2. Phương pháp quản lý
Phương pháp quản lý là tổng thể các cách thức tác động có chủ đích của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý và khách thể quản lý để đạt được các mục tiêu quản lý đề ra. Thông qua đó mà các mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ quản lý mới đi vào cuộc sống; biến thành thực tiễn phong phú, sinh động, phục vụ lợi ích con người.
Một số phương pháp quản lý thường sử dụng: - Phương pháp tổ chức - hành chính:
Là phương pháp tác động trực tiếp của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý bằng mệnh lệnh, chỉ thị, quyết định quản lý. Ở trường tiểu học, phương pháp tổ chức hành chính thường thể hiện qua các nghị quyết của Hội đồng giáo dục nhà trường, hội nghị cán bộ giáo viên, nghị quyết của chi bộ Đảng, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên các quyết định của Hiệu trưởng, các quy định, quy chế, nội quy của nhà trường mang tính chất bắt buộc yêu cầu cán bộ giáo viên và học sinh phải thực hiện. Đây là phương pháp cơ bản nhất
để xây dựng nền nếp, duy trì kỷ luật trong nhà trường, buộc cán bộ giáo viên và học sinh phải làm tốt nhiệm vụ của mình.
- Phương pháp tâm lý - xã hội:
Là sự tác động của người quản lý tới người bị quản lý, nhằm biến những yêu cầu quản lý thành nghĩa vụ tự giác bên trong, thành nhu cầu của người bị quản lý. Phương pháp này thể hiện tính nhân văn trong hoạt động quản lý. Nhiệm vụ của phương pháp này là động viên tinh thần chủ động, tích cực, tự giác và tạo ra bầu không khí cởi mở, tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ. Phương pháp tâm lý - xã hội bao gồm các phương pháp: giáo dục, thuyết phục, động viên, tạo dư luận xã hội... Phương pháp này thể hiện tính dân chủ trong hoạt động quản lý, phát huy quyền làm chủ tập thể và mọi tiềm năng của mỗi thành viên trong tổ chức. Vận dụng thành công phương pháp này sẽ mang lại hiệu quả cao trong hoạt động của tổ chức và hoạt động GDĐĐ cho học sinh. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này còn phụ thuộc vào nghệ thuật của người quản lý.
- Các phương pháp kinh tế:
Là sự tác động một cách gián tiếp của người bị quản lý bằng cơ chế kích thích lao động qua lợi ích vật chất để họ tích cực tham gia công việc chung và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Trong trường tiểu học, thực chất của phương pháp kinh tế là dựa trên sự kết hợp giữa việc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ giáo viên, học sinh ghi trong điều lệ nhà trường phổ thông với những kích thích mang tính đòn bẩy trong trường. Kích thích hoạt động bằng lợi ích kinh tế có nhiều ý nghĩa thiết thực. Phát huy tính sáng tạo, độc lập, tự giác của mỗi người trong công việc. Qua đó, phẩm chất, năng lực và kết quả lao động của mọi người được tập thể thừa nhận và đánh giá. Đó là cơ sở cho việc đánh giá thi đua, khen thưởng.
Phương pháp kinh tế thường được kết hợp với phương pháp tổ chức - hành chính. Hai phương pháp này luôn bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau. Ngày nay,
trong bối cảnh cơ chế thị trường, việc vận dụng phương pháp kinh tế phải thận trọng để một mặt khuyến khích tính tích cực lao động của cán bộ giáo viên, mặt khác vẫn đảm bảo uy tín sư phạm của giáo viên và tập thể nhà trường.
1.5.3. Những yếu tố ảnh hưởng đến quản lý giáo dục đạo đức cho học sinh
1.5.3.1. Điều kiện kinh tế - chính trị - văn hoá - xã hội của địa tác động đến việc quản lý công tác giáo dục đạo đức cho HS
Với tư cách là một chức năng xã hội, giáo dục chịu sự chi phối của các lĩnh vực khác trong xã hội như kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội,.. .
- Về kinh tế: Kinh tế đảm bảo cho giáo dục điều kiện vật chất để thực hiện có hiệu quả quá trình đào tạo. Hiện nay nguồn ngân sách của nhà trường chủ yếu là ngân sách nhà nước cấp, sự hỗ trợ của hội cha mẹ học sinh và sự tài trợ của các lực lượng giáo dục khác. Cơ sở vật chất của nhà trường phần lớn nhờ vào địa phương (xã, phường). Kinh tế địa phương phát triển khi kinh tế hộ gia đình tốt, lực lượng sản xuất giàu tiềm năng, các nghề phát triển. Nhà trường được đầu tư, được quan tâm đầy đủ về cơ sở vật chất sẽ có điều kiện hơn trong việc quản lý giáo dục HS, đặc biệt là công tác GDĐĐ cho HS Có sân chơi, bãi tập, các phòng chức năng để tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể tạo điều kiện cho các em thể hiện và rèn luyện hành vi đạo đức. Mặt khác kinh tế địa phương vững mạnh, địa phương sẽ có chính sách hỗ trợ giúp đỡ gia đình khó khăn, nhờ đó các gia đình bớt khó khăn hơn và họ sẽ quan tâm hơn đến việc giáo dục con em mình.
- Về văn hoá xã hội:
Mục tiêu phát triển của Đảng ta là: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”. Một xã hội tươi đẹp như vậy sẽ góp phần định hướng giáo dục đạo đức cho HS. Xã hội ổn định, lành mạnh sẽ hạn chế những tệ nạn xã hội, hạn chế hiện tượng ly hôn hoặc nghèo đói. Nhờ vậy, các gia đình sẽ quan tâm hơn đến giáo dục con em mình. Trong xã hội sẽ có nhiều tấm gương đạo đức để các em học tập.
Các phong trào văn hoá xã hội ở địa phương sẽ lôi cuốn gia đình, nhà trường đặc biệt là các em HS tham gia.
Ngoài ra các truyền thống văn hoá địa phương cũng là một môi trường để các em được giáo dục về cội nguồn, lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc...
Tóm lại: Một xã hội có văn hoá là một xã hội mà con người luôn sống vì cái đẹp, cái thiện sẽ thắng cái ác. Mọi hoạt động của văn hoá kể trên sẽ giáo dục nhận thức để hình thành ý thức đạo đức, bồi dưỡng tình cảm, hình thành và phát triển xúc cảm, tình cảm đạo đức trong sáng, cao quý thuộc về nhân tính con người, xây dựng niềm tin đạo đức, tập luyện hành vi đạo đức, trau rồi thói quen trong ứng xử hàng ngày. Tổng hợp và chung đúc những cái đó sẽ hình thành văn hoá đạo đức cho mỗi HS.
1.53.2. Gia đình và nhà trường trong công tác GDĐĐ cho học sinh
- Mục tiêu giáo dục tiểu học:
Luật Giáo dục năm 2005, trong điều 27 ghi rõ mục tiêu giáo dục tiểu học là: “Nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở” [24].
- Giáo dục gia đình:
“Cùng với nhà trường, giáo dục xã hội, giáo dục gia đình góp phần giáo dục con em về các mặt đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ, thể chất, lao động để các cháu trở thành những người con ngoan, những người công dân tương lai tốt.
Giáo dục gia đình có các đặc điểm:
+ Giáo dục được tiến hành đối với trẻ ngay từ lúc lọt lòng, với những hình thức phong phú.
+ Được tiến hành trong không khí gia đình ấm cúng, giữa những người cùng máu mủ ruột thịt, đầy tình cảm thân thương, nhất là trong các gia đình hoà thuận, có sự phối hợp hài hoà của các thành viên.
+ Giáo dục gia đình để lại cho trẻ nhiều ấn tượng sâu sắc được đọng lại suốt cuộc đời trong tâm hồn trẻ.
+ Giáo dục gia đình được tiến hành với từng trẻ.
+ Giáo dục gia đình được diễn ra trong sự tác động thường xuyên của cha mẹ đối với con cái, của anh em đối với nhau, và của các con đối với cha mẹ, hình thành cho trẻ những nét tâm lý đặc thù mà cơ sở giáo dục khác rất khó thực hiện [24].
Gia đình là môi trường giáo dục thuận lợi nhất, hiệu quả nhất đối với trẻ, trong đó người lớn là giáo dục viên đặc biệt. Mẹ là cô giáo ngay từ khi con còn trong bào thai. Khi con lớn lên, ông bà cha mẹ dạy bé tập nói, tập đi,... dạy bé những điều cơ bản của “đạo làm người”.
- Nhận thức của giáo viên chủ nhiệm.
Giáo viên chủ nhiệm là người mẹ thứ hai của trẻ, là người mà trẻ đặt niềm tin, là thần tượng của các em. Những điều cô dạy đều in đậm dấu ấn trong tâm trí các em. Mọi cử chỉ, hành động của cô đều có tác dụng tiêu cực hoặc tích cực đối với các em. Nếu cô giáo thực sự mẫu mực thương yêu học sinh, quan tâm, chia sẻ tới hoàn cảnh khó khăn của từng em, có biện pháp giáo dục phù hợp từng đối tượng HS thì hiệu quả giáo dục đạt tốt. Nếu cô giáo không hiểu hết hoàn cảnh khó khăn của từng em, không tìm được nguyên nhân dẫn đến phạm lỗi của các em mà chỉ quở trách hoặc áp dụng các hình phạt thì càng làm cho HS xa lánh cô, ngại đến lớp và có thể là có suy nghĩ tiêu cực, từ đó các em có những hành vi đạo đức không phù hợp.
- Điều kiện cơ sở vật chất trong nhà trường:
Trang thiết bị dạy học cũng như sân chơi, bãi tập, phòng học,... có ảnh hưởng rất lớn đến việc giáo dục đạo đức học sinh.Trong quá trình giáo dục, giáo viên có thể áp dụng nhiều hình thức phong phú để cuốn hút các em tham gia vào các hoạt động có tính giáo dục cao. Nếu nhà trường không có phòng học đa năng, không có sân chơi phù hợp và các điều kiện vật chất phục vụ tốt cho dạy học và giáo dục thì hiệu quả giáo dục không cao.
Kết luận chương 1
Sư nghiệp đổi mới đất nước trong giai đoạn hiên nay đòi hỏi phải thực sự coi trọng nhân tố con người, con người phải được phát triển đầy đủ cả về tài năng, sức khoẻ, tâm hồn. Chăm lo giáo dục thế hệ trẻ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội là nhiệm vụ của gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó nhà trường là trung tâm liên kết các lực lượng giáo dục.
Nhân cách của con người không phải sinh ra là có, cũng không phải ngẫu nhiên mà có mà đó là cả quá trình giáo dục từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến khi trở về cõi vĩnh hằng. Song việc giáo dục đạo đức thực sự có hệ thống, đồng bộ bắt đầu từ bậc tiểu học.
Nền kinh tế thị trường đang có những tác động tích cực đến đời sống xã hội Việt Nam, song bên cạnh đó nó cũng ảnh hưởng không ít đến giáo dục đạo đức cho học sinh đặc biệt là với HSTH tâm hồn các em như một tờ giấy trắng và trường tiểu học là môi trường giáo dục đầu tiên. Vì vậy, nhà trường cần phải có biện pháp giáo dục đạo đức phù hợp sao cho giáo dục đạo đức cho các em đạt được chất lương cao và hiệu quả.
Chương 2
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ CÔNG TÁC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO HỌC SINH Ở CÁC TRƯỜNG TIỂU HỌC HUYỆN HOẰNG HÓA,
TỈNH THANH HÓA
2.1. Hoạt động giáo dục tiểu học trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa
2.1.1. Vài nét về kinh tế - xã hội của huyện Hoằng Hóa - Vị trí địa lý và tình hình kinh tế của huyện Hoằng Hóa
Hoằng Hóa là một huyện ven biển của tỉnh Thanh Hóa. Phía đông là biển. Phía bắc giáp huyện Hậu Lộc. Phía tây giáp các huyện Thiệu Hoá, Yên Định và Vĩnh Lộc. Phía nam giáp huyên Quảng Xương, thành phố Thanh Hóa. Diện tích tự nhiên là 22.208 ha, trong đó đất nông nghiệp là 12.973 ha, đất lâm nghiệp là 389 ha, đất chuyên dùng là 3.910 ha, còn lại là đất khác. Địa hình Hoằng Hóa, trừ phía đông là biển còn ba bề đều có sông Mã bao bọc nên có thể chia thành hai vùng: vùng ven biển và vùng đồng bằng. Hoằng Hóa là nơi thường chịu mưa bão lớn, trong khi đó đồng ruộng thường là đất thịt, đất cát pha hễ mưa là lụt, hễ nắng là hạn, dễ bị nhiễm mặn nên kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù vậy, những năm gần đây, Đảng bộ huyện Hoằng Hóa đã có nhiều cố gắng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy nhanh các ngành nghề truyền thống, nghề thủ công, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển nên đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, huyện đã tập trung xây dựng cơ bản và nâng cấp cơ sở hạ tầng như: điện,đường, trường, trạm, kiên cố hoá kênh mương.
- Văn hoá - xã hội.
+ Hệ thống y tế không ngừng được nâng cấp và bổ sung hiện đại, toàn huyện có: một trung tâm y tế, một bệnh viện huyện và 49 trạm y tế. Do đó công tác khám và điều trị chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được đảm bảo.
+ Hoạt động văn hoá thông tin- thể dục thể thao khá sôi nổi, hầu hết xã nào cũng tổ chức thi đấu bóng đá, bóng truyền nhân các ngày kỷ niệm. Mỗi xã có một trung tâm truyền thanh nên hệ thống thông tin trong huyện, trong