Xuất hiện trong thời gian và không gian xác định để tăng tính chân thực

Một phần của tài liệu Nhân vật của lan trì kiến văn lục luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 75 - 78)

tính chân thực

Trong Lan Trì kiến văn lục loại nhân vật là vật được nhân hóa xuất hiện trong thời gian và không gian xác định. Quy luật “cảm thụ toàn vẹn” luôn chi phối thời gian, không gian trong văn học trung đại. Khi kể một sự kiện, người ta quan tâm nó từ đầu đến cuối. Khi kể một người thì bắt đầu từ khi người ấy được mẹ thụ thai trong trường hợp nào và chết ra sao. Khi kể một câu chuyện nhà văn trung đại tách các sự việc trong truyện ra khỏi chuỗi thời gian vô cùng vô tận của thế giới khách quan để tổ chức vào một thế giới riêng tương đối độc lập. Do vậy thời gian truyện đặc trưng trước hết bằng một khung thời gian có mở đầu, kết thúc. Xét về góc độ không gian cũng vậy. Không gian trong truyện luôn có một thế giới độc lập so với không gian thực tại. Thời gian trong tác phẩm tự sự trung đại thường là thời gian vận động một chiều. Tính khép kín của thời gian truyện thể hiện ở chỗ toàn bộ câu chuyện được trình bày trong khoảng mở đầu và kết thúc. Người đọc không cần phải đoán về những gì xẩy ra ngoài giới hạn truyện. Lan Trì kiến văn lục thì có điểm giống với Lĩnh Nam chích quáiViệt điện u linh về cách mở đầu. Trong truyện của Vũ Trinh mở đầu thường giới thiệu lai lịch nhân vật, kết thúc có khi bằng sự đoàn tụ, khuyến thiện, răn đe, cũng có khi là sự chia ly.

Thời gian truyện trong Lan Trì kiến văn lục là thời gian phi tuyến tính, thời gian biến ảo không có quá khứ, không có hiện tại và không có

tương lai - thời gian không trôi chảy. Thời gian của truyện phần nhiều là ban đêm, có khi giữa trưa hoặc chiều tối, tạo nên một môtip thời gian phù hợp với đặc trưng của truyện truyền kỳ. Không gian trong Lan Trì kiến văn lục là không gian sáng tạo hư cấu một cách nghệ thuật. Đó là một thế giới vừa hư vừa thực là một không gian nhiều cõi, có không gian trần thế, có không gian âm phủ, có không gian sinh hoạt hàng ngày.

Khỉ già cùng đàn khỉ trong truyện Chuyện khỉ được Vũ Trinh kể từ khi khỉ già là thủ lĩnh của cả một bầy đàn cho đến khi chết. Khỉ già có không gian ngự trị riêng, rất oai vệ, đúng dáng dấp của một thủ lĩnh, một người đứng đầu có quyền lực. Đó là một hang đá lớn ở sâu trong cánh rừng ở huyện Lục Ngạn. Hang đá là dinh thự của ông vua khỉ. Giữa dinh thự có một phiến đá lớn để khỉ ngự. Khỉ già có hàng trăm con khỉ dưới trướng, luôn theo sự chỉ huy của hắn. Hắn cậy quyền lực, áp bức dân lành. Cuổi cùng hắn bị dân làng hạ độc chết.

Chúa sơn lâm trong truyện Con hổ hào hiệp ngự trị chốn rừng xanh ở huyện Bảo Lộc, nơi mà nông dân họ Hoàng đưa thả đứa con ruột của mình hòng mong chúa sơn lâm xé thịt. Đứa bé bị cha ruột của mình đem thả vào rừng vào một buổi chiều chập choạng. Chúa sơn lâm đã xuất hiện kịp thời để che chở bao bọc cho nó. Đến canh hai đêm hôm đó, hổ dẫn đứa bé về nhà bà ngoại an toàn.

Không gian sinh sống của đôi vợ chồng hổ trong truyện Con hổ có lòng nhân là ở vùng Đông Triều. Thời gian “nhân vật” xuất hiện là nửa đêm. Hổ cái đau đẻ quằn quại. Hổ đực đã không quản ngại đường xa, đêm tối đã đi tìm bà đỡ cho hổ cái. Và mẹ con hổ đã được mẹ tròn con vuông. Để đáp ơn bà đỡ, hổ đực đã tặng bà hơn mười lạng bạc trắng.

Các con vật được nhân hóa đều có không gian riêng nơi tạo nên sự sống. Mỗi “nhân vật” đều gắn với những khoảng thời gian nhất định.

Khỉ, hổ ở chốn rừng xanh. Cá ở giữa biển nước mênh mông. Người lái buôn ở Quảng Nam giàu ưa làm việc thiện. Một hôm ông đi thuyền

trên biển, bị chủ thuyền - trước đây vốn là một tên cướp - đẩy xuống sông trong đêm tối mịt mù. Cá đã xuất hiện cứu vướt người lương thiện.

Những khái niệm ngày, tháng, năm, ngày đêm, canh hai, canh ba là những khái niệm về thời gian, gắn liền với đời sống con người. Các nhân vật là loài vật được nhân hóa trong Lan Trì kiến văn lục được mang hình dạng con người, có phẩm chất của con người, tồn tại trong thế giới thời gian của con người. Bởi thế các nhân vật hiện ra chân thực.

Rắn trong truyện Rắn thiêng năm Giáp thân niên hiệu Cảnh Hưng (1764) ngỗ ngược ngáng đường một viên lại, bị hắn xúc phạm nên tìm cách trả thù. Đúng canh một, rắn tìm được đến chỗ viên lại nghỉ chân, song được thần đền giảng giải đạo lý, ngộ ra nên không trả thù nữa.

Gà và lợn trong Nhớ ba kiếp được sống trần gian và địa ngục. Không gian truyện này được Vũ Trinh mở rộng ra để người đọc có thể khám phá thêm được những điều kỳ thú mới lạ ở một thế giới khác. Đó là thế giới âm phủ, với núi đao, vạc dầu, cối đá, dùng để hành hạ những kẻ ác nhân khi ở trên cõi trần. Độc giả đồng hành cùng nhân vật từ không gian cõi trần, phiêu du nơi không gian chốn địa phủ, rồi lại trở về chốn trần gian. Thời gian như được co giãn. Trong một lúc mà nhân vật cùng người đọc đều có thể nhảy từ cõi này sang cõi khác.

Truyện truyền kỳ cũng như truyện cổ tích, không thể thiếu thế giới kỳ ảo. Đó là đặc trưng, là thuộc tính thẩm mỹ của hai thể loại, không gian kỳ ảo khiến cho tác giả có thêm cơ sở để hư cấu, điều mà ở hoàn cảnh thực chưa hẳn đã nói ra thể hiện được. Không gian kỳ ảo trong Lan Trì kiến văn lục là để tác giả bộc lộ những ước mơ, tư tưởng của mình, là khoảng không gian hư cấu mang màu sắc sáng tạo cá nhân.

Bằng việc sử dụng phương thức nhân hóa để xây dựng nhân vật, bằng việc mượn yếu tố lạ để xây dựng không gian trần thế lẫn không gian siêu thực, Vũ Trinh đã tái hiện cuộc sống đương thời một cách sâu sắc, mang đến cho người đọc những xúc cảm thẩm mỹ phong phú.

Một phần của tài liệu Nhân vật của lan trì kiến văn lục luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 75 - 78)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(98 trang)
w