Nhân vật có hành trạng cụ thể nhằm tăng tính chân thực

Một phần của tài liệu Nhân vật của lan trì kiến văn lục luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 30 - 33)

Nhân vật có đặc tính kỳ lạ trong Lan Trì kiến văn lục hầu hết không có tên mà phiếm chỉ. Điều này có sự gần gũi với Thánh Tông di thảo. Tuy Vũ Trinh không dụng công thể hiện nhân vật qua tên gọi nhưng nhân vật của ông trong tác phẩm lại hiện ra rất rõ, rất thật, bởi nhân vật của ông gắn bó với các sự kiện chân thực.

Thánh Tông di thảo của Lê Thánh Tông tên nhân vật cũng có ý nghĩa biểu trưng. Ví dụ Ngọa Vân trong Truyện lạ nhà thuyền chài. Ngọa Vân - có nghĩa là “cưỡi mây”. Kết thúc truyện, Ngọa Vân đã hóa thành rồng, bay đi theo phương Tây Bắc. Và nhân vật Mộng Trang - gắn liền với giấc mộng về mối tình lãng mạn ở nước Hoa của chàng Chu Sinh (Duyên lạ nước Hoa). Những truyện còn lại, tên nhân vật đều có tính phiếm chỉ, chẳng hạn như: Người đàn bà có tuổi, cô gái trẻ (Hai gái thần); cô gái thần (Một đôi chữ lấy được gái thần); người đàn bà góa (Truyện người đàn bà Khất giàu); vợ người học trò (Người trần ở thủy phủ)… Ở Lan Trì kiến văn lục ngoài các nhân vật có tên gọi như Phạm Viên (Phạm Viên); Kính (Ma cổ thụ); Lực Tài (Thần Chiêu Trưng), tên gọi các nhân vật khác đều mang tính phiếm chỉ. Vũ Trinh biết cách biến các nhân vật hiện lên rất gần gũi. Mỗi trang truyện giở ra là một mảnh đời với những số phận khác nhau, làm xúc động bao trái tim độc giả. Có thể người đọc sẽ chẳng mấy ai tự đặt câu hỏi “đó là ai”, “nhân vật đó mang tên gì”, điều làm họ quan tâm hơn đó là những xuất hiện từ cuộc sống bình thường này.

Các nhân vật kỳ lạ trong Lan Trì kiến văn lục đều có hành trạng cụ thể. Những việc xẩy ra dường như đều là những việc có trong thực tế. Người phụ nữ mang thai được bảy tháng, ốm chết, vì nghèo nên không có tiền khâm liệm, chỉ được chôn cất sơ sài ngoài đồng, rồi sinh con dưới mồ (Đẻ lạ) được Vũ Trinh giới thiệu quê quán cụ thể. Chị ta ở Châu Vạn Ninh, Quảng Yên. Từ chỗ xác định nơi chốn, không gian, Vũ Trinh đã làm tăng tính chân thực ở các nhân vật kỳ lạ lên rất nhiều. Cô gái trong Tháp Báo Ân, yêu thương mãnh liệt, khát khao được sống, được yêu cháy bỏng. Dù chết trong bệnh tật, tự ti nhưng nàng vẫn hiện về làm tất cả để mang đến hạnh phúc cho người mình yêu, được Vũ Trinh giới thiệu là cô con gái út họ Nguyễn, rất sắc sảo, xinh xắn. Gia đình rất giàu có, nổi tiếng ở xã Bình Quân, huyện Cẩm Giàng, Hải

Dương. Người con gái trong truyện Gái biến thành trai, chỉ sau một trận ốm, khi lành bệnh thì đã biến thành một người khác giới, được giới thiệu là người con gái họ Trương ở Thanh Hóa. Người đàn bà trong Đứa con của rắn cũng được giới thiệu cụ thể. Đó là người đàn bà họ Nguyễn ở huyện Sơn Vĩ. Đứa con trai trong Nhớ kiếp trước được Vũ Trinh giới thiệu lai lịch rõ ràng. Đứa bé vừa sinh ra đã biết nói ấy thuộc dòng họ Trần, ở làng Đông Xuất, huyện Đông Ngàn. Cô thôn nữ trong Chuyện khỉ bị khỉ cưỡng ép phải sinh sống cùng sinh được một chú khỉ con, ở huyện Lục Ngạn. Cô gái trong Câu chuyện tình ở Thanh Trì rất chủ động đến với tình yêu, nhưng tình duyên không thành, nàng ôm hình bóng người yêu mà chết rồi biến thành khối đá trong vắt được tác giả giới thiệu là con gái của phú ông họ Trần ở Thanh Trì. Đó là một cô gái xinh đẹp, luôn hướng đến những gì tốt đẹp, luôn giữ trong lòng mối tình thủy chung trong sáng. Cái chết không giết nổi trái tim kiếm tìm hạnh phúc của cô (Sống lại), được Vũ Trinh giới thiệu là người ở huyện Đông Sơn. Xây dựng nhân vật có xuất xứ cụ thể đã phần nào cho ta thấy dụng ý nghệ thuật của Vũ Trinh. Không phải ngẫu nhiên ông xây dựng các nhân vật phiếm chỉ nhưng lại có lai lịch cụ thể rõ ràng. Các nhân vật có đặc tính kỳ lạ trong Lan Trì kiến văn lục đều được Vũ Trinh giới thiệu rất chi tiết về hành trạng, điều đó cho thấy sự tôn trọng, đề cao thực tế đời sống của Vũ Trinh khi cầm bút viết văn. Tác giả đã vẽ ra một bức tranh muôn màu về xã hội đương thời khá phức tạp song để cho chúng ta hình dung rất dễ, điều mà không phải nhà văn nào cũng làm được.

Khác với nhân vật trong Thánh Tông di thảo hay trong Lan Trì kiến văn lục, hầu hết các nhân vật trong Truyền kỳ mạn lục đều có tên tuổi, không có nhân vật nào mang tính phiếm chỉ. Nguyễn Dữ đặc biệt chú tâm đến việc đặt tên riêng cho từng nhân vật. Mỗi tên nhân vật trong tác phẩm đều hàm nghĩa phân biệt một nét tính cách nào đó. Ví như Liễu Nhu Nương, Đào Hồng Nương (Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây) mang nét

nghĩa mềm mại, mong manh, yếu đuối. Nhân vật Hàn Than (Chuyện nghiệp oan của Đào Thị) có nghĩa là bất hạnh, ít nhiều gợi đến số phận cô đơn, lầm than, trôi nổi, qua nhiều kiếp nạn… Chẳng những nhân vật của Vũ Trinh mà nhân vật có đặc tính kỳ lạ trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ cũng được tác giả giới thiệu với hành trạng cụ thể, với mục đích tăng tính chân thực cho câu chuyện. Nàng Lệ Nương trong Chuyện Lệ Nương là nhân vật có lai lịch rõ ràng. Đó là con của Nguyễn Thị Diễm thuộc dòng họ lớn ở huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, em họ ngoại của Trần Khát Chân. Vũ Thị Thiết trong Chuyện người con gái Nam Xương cũng có quê quán cụ thể. Nàng là người nết na, thùy mị, tư dung tốt đẹp, quê ở Nam Xương…

Xây dựng nhân vật với đặc điểm có lai lịch rõ ràng, Vũ Trinh đã phần nào thể hiện thái độ tôn trọng hiện thực cuộc sống, đồng thời bộc lộ tài năng của mình khi luôn tạo nên sức hấp dẫn lôi cuốn người đọc về tính chân thực của từng câu chuyện. Chuyện lạ lùng ly kỳ nhưng làm cho người đọc có cảm giác quen thuộc như đã bắt gặp đâu đó trong cuộc sống đời thường. Hình tượng nhân vật kỳ lạ cho ta cái nhìn sâu rộng về con người và xã hội đương thời do mở rộng những cách nhìn nhận.

Một phần của tài liệu Nhân vật của lan trì kiến văn lục luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(98 trang)
w