Nhân vật chủ yếu thể hiện tính cách và số phận qua hành động được kể vắn tắt

Một phần của tài liệu Nhân vật của lan trì kiến văn lục luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 54 - 60)

Vũ Trinh sống trong thế kỷ XVIII, là một thế kỳ đầy biến động phức tạp, chiến tranh tàn khốc xẩy ra liên miên giữa các tập đoàn phong kiến, xã hội nhiễu nhương, cường quyền lũng đoạn, tôn ty trật tự xã hội bị phá vỡ. Hoàn cảnh đó đã tác động đến nhà văn. Đặc biệt là trào lưu văn học nhân đạo chủ nghĩa đương thời đã tác động khiến ông ghi lại những câu chuyện mình yêu thích bằng một thái độ tích cực, tạo nên những truyện ngắn thực sự có giá trị, thể hiện những giá trị nhân sinh quan tiến bộ.

Lan Trì kiến văn lục ra đời khi truyện truyền kỳ Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều thành tựu. Ông đã có điều kiện để tiếp thụ những thành tựu của truyện truyền kỳ Việt Nam với Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục... Đồng thời Vũ Trinh cũng tiếp thu một cách sáng tạo từ những thành tựu của các tác phẩm cùng thể loại của các nước trong khu vực đặc biệt là truyền kỳ Trung Quốc để hoàn thành tác phẩm của mình. Phần lớn truyện của Vũ Trinh được sáng tác dựa trên cơ sở các truyện truyền thuyết trong dân gian mà ông thu thập được ở vùng Hồ Sơn trong thời gian ở ẩn và dạy học ở đó. Vì lẽ đó, nhiều truyện của ông có màu sắc truyện kể dân gian. Vũ Trinh đã tạo cho tác phẩm của mình vẻ đẹp độc đáo riêng so với các tác phẩm cùng thể loại truyền kỳ ở Việt Nam. Có thể nói “Vũ Trinh đã có sự nhất quán về tư tưởng cũng như phong cách nghệ thuật” [7; 7]. Ông rất tôn trọng thực tế đời sống và phản ánh một cách chân thực trong tác phẩm của mình. Với Lan Trì kiến văn lục, người đọc nhận thấy Vũ Trinh rất nhạy cảm trước những vận động mới mẻ của đời sống đương thời, trong đó vấn đề số phận và hạnh phúc của con người được đặt ra như một vấn đề bức thiết.

Các truyện ngắn của Vũ Trinh trong Lan Trì kiến văn lục cũng như một số truyện của Nguyễn Án, Phạm Đình Hổ, Phạm Quý Thích… đã không còn xen thơ ca thù tạc. Truyện của Vũ Trinh tương đối ngắn gọn, nhìn chung đều rất mộc mạc, cốt truyện đơn giản, phong vị đất nước đậm đà, nhưng cũng vì thế mà sự biến ảo, tưởng tượng bay bổng không

còn phong phú như Truyền kỳ mạn lục. Các truyện thường ghi chép giản đơn, ít gia công về cốt truyện. Chủ trương ghi chép “kiến văn”, cô đọng nội dung chỉ trong một cốt truyện dân gian như một người sưu tầm trung thực được Vũ Trinh chú trọng. Bởi thế “truyện của ông vừa gần gũi với tính chất truyện kể dân gian, vừa rất gần gũi với đặc trưng của văn học nghệ thuật hiện đại – lời ít, ý nhiều, tích cực khơi gợi cảm xúc và suy nghĩ của người đọc” [73; 125].

Trong 168 nhân vật của tác phẩm có 97 nhân vật là người bình thường, trong đó số lượng nhân vật nam giới là 50, nhân vật nữ giới là 47. Mỗi nhân vật đều có số phận riêng, tính cách đặc thù. Nhân vật trong

Lan Trì kiến văn lục đễuuất hiện trong xã hội phong kiến. Trong xã hội rối ren đương thời đó, số phận con người sẽ ra sao? Tính cách phẩm chất họ được khẳng định như thế nào? Tất cả đều được Vũ Trinh thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật.

Nho sĩ trong Lan Trì kiến văn lục là những con người có học, đỗ đạt, tính tình khẳng khái, khoáng đạt, ăn ở tình nghĩa. Hầu hết họ là những nhà nho nghèo, cuộc sống cơm áo đè nặng. Dù chật vật khó khăn nhưng họ vẫn vươn lên bằng con đường khoa cử, khẳng định được tài năng của mình. Chàng Khâm Lân (Ca kỹ họ Nguyễn) vốn thông minh, sáng dạ, ham học. Mẹ bị đuổi khỏi nhà, cha không quan tâm đúng mực. Mẹ kế bắt bỏ học để cày bừa cuốc đất. Bị đối xử thậm tệ nên chàng đã đi khỏi nhà, tìm con đường sống. Khi đã đạt được công danh, chàng vẫn không quên ân nghĩa người xưa đã từng giúp đỡ mình. Khâm Lân đã giúp đỡ tận tình khi ân nhân gặp hoạn nạn. Ngày trước lúc chàng còn bần hàn, cô ca kỹ đã cho chàng cơm áo, tiền bạc, giờ gia đình cô rơi vào cảnh tan gia bại sản, Khâm Lân đã không phụ bạc, cho gia đình cô chỗ ăn ở đàng hoàng. Lúc mẹ cô mất, chàng lo chôn cất chu đáo. Hành động của chàng thật đáng nể phục. Khâm Lân đã hành động như một trượng phu giàu tình nghĩa. Trong Lan Trì kiến văn lục còn có những thư sinh học hành

chểnh mảng ham hư danh, muốn tiến thân bằng khoa cử. Mục đích cuối cùng của họ là đỗ đạt, để làm quan cao chức trọng. Bởi thế mà những người này hễ nằm ngủ là mơ có người đưa bài thi cho, mơ thấy đề thi, bài thi đã được làm sẵn. Hai cử nhân Nguyễn và Trần (Mộng lạ) về kinh đi thi. Ban đêm ngủ trong đền, đến canh ba thấy có vị thần đến đưa đề thi và bảo làm trước. Hai người ghi nhớ từng câu không sót, ngày ngày chỉ lo học thuộc những gì ghi nhớ được rong đêm hôm đó. Vương Dung Tân trong truyện Điềm báo trước trước lúc đi thi cũng nằm mơ một giấc mơ danh vọng, đỗ đạt, quyền cao chức trọng. Hình tượng nhân vật nho sĩ trong thi cử gợi nhiều cảm xúc đối lập.

Lan Trì kiến văn lục còn có những nho sĩ giàu mộng tưởng và đa tình. Các thư sinh hễ thấy con gái trẻ trung xinh đẹp là này sinh tình ý, gặp người tri kỳ thì theo đuổi đến cùng. Đó là chàng Nguyễn Đăng Đạo (Trạng nguyên họ Nguyễn) tính tình phóng túng, không chịu gò bó theo khuôn phép. Ngày Nguyên tiêu chàng cùng hai tiểu đồng và mấy người bạn đi chơi. Đến cổng chùa Báo Thiên gặp kiệu hoa có nữ tỳ theo hầu. Người đẹp xuống kiệu, cất bước vào chùa rồi ngoạn cảnh hồi lâu mới ra về. Vẻ đẹp của cô gái làm Đăng Đạo ngây người. Chàng đi theo nàng, mê mải nhìn ngắm. Người đẹp đã lên kiệu, chàng vẫn bồi hồi đứng cạnh, quan bảo vệ kiệu quát mắng vẫn không đi, chúng giơ roi định đánh, chàng mới dừng bước. Chàng tìm đến dinh thự người đẹp, tìm hiều đường ra lối vào, cổng cửa các phòng trong dinh. Rồi một đêm chàng ăn mặc gọn gẽ, vượt mấy lớp tường, lên thẳng đến chỗ người đẹp, khoét tường chui vào buồng cô, lên ngay giường nằm chung.

Nhiều nho sinh trong Lan Trì kiến văn lục có nghĩa khí, giàu mộng tưởng, thích ngao du, ham điều lạ và sớm nhập cuộc nhất vào những cuộc tình ít nhiều mang màu sắc dục. Đúng là “giống hữu tình” như Nguyễn Du nói.

Nhân vật nữ cũng là đối tượng trung tâm của Lan Trì kiến văn lục, được tác giả dày công xây đựng. Nhân vật nữ trong Lan Trì kiến văn lục

hiện ra một cách sinh động có cá tính. Mỗi nhân vật là mỗi trang đời, mỗi số phận. Vũ Trinh đã viết về họ bằng cả tấm lòng, sự tôn trọng, yêu thương, nâng niu, đồng cảm. Tính cách và số phận của các nhân vật nữ vừa góp phần thể hiện giá trị tác phẩm, đồng thời thể hiện thái độ, tư tưởng của Vũ Trinh đối với con người và cuộc sống đương thời.

Trong Truyền kỳ mạn lục, khi viết về người phụ nữ, Nguyễn Dữ ngợi ca những tính cách tốt đẹp, đức hiếu hạnh và sự chấp nhận thiệt thòi, hy sinh hạnh phúc của mình để đem lại cuộc sống tốt đep, bình yên cho cha mẹ, cho chồng con. Điều đó còn được kế tục trong Lan Trì kiến văn lục

của Vũ Trinh.

Đó là vị phu nhân họ Nguyễn trong truyện Người con gái trinh liệt ở Cổ Trâu. Nàng là người con dâu rất đỗi hiếu thảo với bố mẹ chồng, chu đáo với gia đình chồng. Nàng chăm lo thờ phụng cha mẹ chồng, giữ lễ nghĩa với làng xóm. Sống luôn theo khuôn phép của một dòng họ lớn. Bởi thế nàng rất được nhiều người yêu mến. Nàng còn là người phụ nữ thủy chung, đức hạnh, giàu lòng vị tha. Khi tròn 20, cái tuổi đang thì xuân sắc nàng phải chịu cảnh góa bụa cô đơn. Để giữ tấm lòng trinh bạch, nàng đã tự tử giữ trọn lời thề thủy chung với chồng: “Sớm muộn cũng theo chồng, để khỏi phụ lời thề chết chung một huyệt. Người đàn bà trinh tiết ở Thạch Thán cũng vậy. Bà không chỉ là tấm gương của người phụ nữ thủ tiết trọn đời với chồng mà trước tiên là một người con hiếu thảo, biết giữ phận làm con với cha mẹ. Khi chồng chết, bà đã từng khóc và nói: “Chết không phải là việc khó, nhưng nếu ta chết thì cha mẹ già đôi bên sớm tối biết dựa vào đâu!”. Bà là người sắc sảo chín chắn, biết suy nghĩ trước sau, làm sao cho phải lẽ để vừa giữ được tiết hạnh với chồng lại vừa làm tròn được đạo hiếu với cha mẹ. Bà đã quyết định không tái giá, ở vậy suốt đời thờ chồng và phụng dưỡng cha mẹ hai bên.

Sự hy sinh, tấm lòng chung thủy của bà được mọi người biết đến, nhà vua đương triều ngự ban cho bà danh hiệu tiết phụ. Người đàn bà này thật kiên cường, đáng để người đời ngưỡng mộ, khâm phục. Số phận bất hạnh nhưng người đàn bà ấy không tìm đến cái chết để kết thúc cuộc đời bất hạnh. Bà cam lòng sống trong hoàn cảnh khốn khó. Qua đó cho thấy được người phụ nữ trong xã hội phong kiến có sức chịu đựng phi thường, có sức sống dẻo dai, mãnh liệt.

Nhân vật nữ trong Lan Trì kiến văn lục chẳng những xinh đẹp, tài hoa còn rất trong sáng. Đến một cô kỹ nữ cũng rất hiền thục, hiếu thảo với cha mẹ. Nàng ca kỹ trong truyện Ca kỹ họ Nguyễn dẫu có số phận long đong, dẫu phải trải kiếp phong trần dãi dầu, nàng cũng không bỏ mặc người mẹ già. Người em trai làm tan gia bại sản, nàng đã dẫn mẹ rong ruổi khắp nơi kiếm ăn. Khi mẹ qua đời, nàng lo ma chay chu đáo. Nàng còn có một cá tính rất mạnh mẽ, chủ động mạnh dạn kiếm tìm hạnh phúc. Mạnh dạn đến với tình yêu. Định kiến xã hội quá khắt khe với nghề kỹ nữ nên dù nàng có tài năng, đoan chính đến mấy, tình yêu hạnh phúc vẫn mãi không đến. Thậm chí nàng còn phải chịu số phận đa đoan bất hạnh. Là người tài sắc, đoan trang, đức hạnh, nhưng gia cảnh, tình duyên của cô lại thật buồn thảm. Nghe lời kể của người kỹ nữ, người đọc thương xót về số phận bơ vơ, lạc loài, tình duyên hẩm hiu, lận đận của nàng. Chuyện phản ánh một sự thật trong xã hội phong kiến: hễ là người phụ nữ có sắc, có tài thì đều khổ đau, bất hạnh. “Phải chăng những người tài mỹ vẹn toàn thì dẫu là con gái con tạo cũng ghen ghét” (Lời bàn cuối truyện).

Lan Trì kiến văn lục, Vũ Trinh đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của mình đối với số phận người phụ nữ trong xã hội đầy rẫy bất công, những hủ tục hà khắc bóp nghẹt cuộc sống của con người. Người con gái trong truyện Liên Hồ Quận công có số phận hẩm hiu đau buồn. Nàng cũng là người tài hoa xinh đẹp nhưng phải chịu kiếp phong trần. Sau khi cha mất, gia đình sa sút. Nàng bị người anh hư hỏng ép gả cho một viên quan võ

góa vợ. Sống kiếp lẽ mọn tủi nhục, nàng phải theo chồng đi khắp những nơi đóng quân đầy cực khổ. Tưởng chừng đời người phụ nữ đã có chỗ nương tựa nhưng thực ra vẫn đơn chiếc. Chồng chết hơn một năm thì đứa con gái mới hơn một tuổi cũng chết. Cuộc đời nàng trở nên tối tăm, vô phương hướng: “Không người nương tựa, chiếc thân lưu lạc lênh đênh trên đất khách quê người, chẳng biết ngày nào sẽ gửi được thân nơi ngòi rãnh”. Nàng rơi vào hoàn cảnh tứ cố vô thân. “Hồng nhan bạc mệnh là lời than chung từ ngàn xưa”. Lời bàn của tác giả thật chí tình chí lý. Vũ Trinh đã phản ánh được những tính cách, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ. Họ là những người phụ nữ hiếu hạnh, thủy chung tiết nghĩa, giàu lòng yêu thương. Số phận của họ đầy bất hạnh đau khổ song họ luôn khao khát vươn tới tình yêu, hạnh phúc, vươn tới những gì tốt đẹp. Cứ mỗi lần bị sóng gió cuộc đời vùi dập là mỗi lần họ vươn lên. Chính trong hoàn cảnh hẩm hiu đó, thì tính cách, phẩm chất cao quý của họ càng được bộc lộ. Và qua việc thể hiện số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, cho chúng ta thấy được tấm lòng nhân đạo của Vũ Trinh. Tác giả đã dành tình yêu thương, sự tôn trọng, nâng niu, mối đồng cảm sâu sắc đối với phụ nữ. Đồng thời cũng qua đó thể hiện khát khao về một xã hội công bằng trong đó người phụ nữ được tôn trọng, được sống hạnh phúc. Tính cách, số phận nhân vật là phương tiện để Vũ Trinh phơi bày hiện thực xã hội đương thời. Thể hiện cái nhìn, nhân sinh quan, tấm lòng nhân đạo, luôn trăn trở trước những đổi thay của con người và cuộc sống của ông.

Một phần của tài liệu Nhân vật của lan trì kiến văn lục luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 54 - 60)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(98 trang)
w