Truyền kỳ là một thể loại văn xuôi độc đáo, có cội nguồn từ văn học Trung Quốc. Nó còn gọi là đoản thiên tiểu thuyết truyền kỳ hay tiểu thuyết truyền kỳ. Và một trong những thị hiếu thẩm mỹ của người Trung Quốc là hiếu kỳ. Truyện truyền kỳ Việt Nam có ảnh hưởng từ thể loại truyện truyền kỳ Trung Quốc. Tuy nó gắn liền với nền văn hóa, văn học dân gian và xã hội lịch sử Việt Nam song cùng có chung truyền thống thẩm mỹ của thể loại này trong văn học Trung Quốc. Truyền kỳ là truyền những tình tiết khác lạ, tình tiết không ly kỳ thì không truyền. Nó bổ sung cho nhịp sống bình thường, trầm lặng, ít đổi thay của một xã hội văn hóa nông nghiệp như Trung Quốc và Việt Nam. Hiếu kỳ là sự mong ước những điều thần kỳ của con người giữa thế giới vốn tồn tại những bất thường.
Vũ Trinh hay bất kỳ tác giả truyền kỳ nào khác trong văn học trung đại Việt Nam đều sử dụng những yếu tố kỳ là. Việc xây dựng các nhân vật có đặc tính kỳ lạ không nằm ngoài mục đích đó – truyền cái kỳ, đáp ứng nhu cầu về điều lạ.
Có thể thấy rõ một điều rằng, trong tiểu thuyết Trung Quốc từ khi mới manh nha cho đến tận hôm nay thì hiếu kỳ là một đặc điểm xuyên suốt. Hiếu kỳ chưa hề bị đứt đoạn từ tiểu thuyết thời tiên Tần đến tiểu thuyết “chí quái”, “chí nhân”, thời Lục triều qua tiểu thuyết “truyền kỳ” đời Đường, “thoại bản” thời Tống – Nguyên đến tiểu thuyết chương hồi Minh – Thanh và đến tiểu thuyết đương đại. Đặc điểm hiếu kỳ được thể hiện rất rõ qua tên tác phẩm, tập truyện hay thể tài thông qua những yếu tố kỳ, quái dị như Liêu Trai chí dị, Kim cổ kỳ quan, Bao Công kỳ án…
Tác giả đã thông báo ngay từ đầu cho người đọc biết sự có mặt của “kỳ, quái, dị” trong tác phẩm ngay nhan đề của tác phẩm. Điều đó thể hiện sự hiếu kỳ của người viết, làm thu hút, hấp dẫn, lôi cuốn tính hiếu kỳ của người đọc. Song điều quan trọng là dù có hay không có chữ “kỳ, quái, dị” trong nhan đề thì trong tác phẩm vẫn luôn chứa đựng những yếu tố, kỳ, quái, dị, ảo.
Những tác phẩm đầu tiên của thể loại truyền kỳ ở Việt Nam cũng không thể tách khỏi quy luật chung đó. Cái kỳ, quái, hoang đường trong truyện được thể hiện trước hết ngay từ nhan đề như Lĩnh Nam chích quái lục (Trần Thế Pháp), Việt điện u linh (Lý Tế Xuyên), sau này là Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ), Truyền kỳ tân phả (Đoàn Thị Điểm), Lan Trì kiến văn lục (Vũ Trinh). Việt điện u linh tập và Lĩnh Nam chích quái lục
được xem là những tiền đề văn học cho sự phát triển của thể loại truyền kỳ ở Việt Nam. Truyền kỳ mạn lục ra đời, đã đưa thể loại truyền kỳ tới đỉnh cao rực rỡ và chiếm vị trí quan trọng trong văn xuôi tự sự Việt Nam. Các tác giả đã phản ánh hiện thực qua cái kỳ lạ. Cái kỳ lạ trở thành hạt nhân của cốt truyện, chi phối sâu sắc tới việc xây dựng nhân vật. Chính vì lẽ đó mà nhà văn có thể mở rộng được phạm vi phản ánh hiện thực. Các tác giả đã có ý thức sử dụng yếu tố kỳ như một hạt nhân tự sự, một thủ pháp nghệ thuật độc đáo để chuyển tải tư tưởng, tình cảm của mình. Là cây bút truyền kỳ có tài. Vũ Trinh không là ngoại lệ. Ông
dành 1/3 số truyện trong tác phẩm viết về điều lạ để truyền đi cái kỳ lạ. Theo quan niệm truyền thống của văn chương thì muốn được phổ biến cần có sự kỳ lạ. Vũ Trinh đã thành công khi đưa Lan Trì kiến văn lục
đến với công chúng. Tác phẩm đã đáp ứng được nhu cầu về cái lạ, thị hiểu về cái kỳ trong lòng độc giả, tác phẩm cũng thể hiện được tính hiếu kỳ của chính tác giả.
Lý Ngư (đời Thanh - Trung Quốc) từng nói: “Phi kỳ bất truyền” (không lạ thì không truyền). Bởi thế ngay từ những tác phẩm được coi là những tác phẩm đầu tiên của Trung Quốc như Yên Đàn từ đời Hán, Sưu thần ký thời Lục triều, yếu tố kỳ, dị, quái, ảo rất đậm đặc. Tính chất kỳ cũng không thể thiếu trong truyện truyền kỳ đời Đường. Tiểu thuyết thoại bản Tống – Nguyên cũng tràn ngập chữ kỳ và truyền thống hiếu kỳ dến tiểu thuyết Minh – Thanh đã đạt đến đỉnh cao. Truyện truyền kỳ Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của truyện truyền kỳ Trung Quốc. Xuất phát từ quan niệm thể loại nên tất cả các tác phẩm truyền kỳ đều có các yếu tố kỳ lạ, hư ảo. Trong dòng chảy của văn xuôi tự sự Việt Nam, thế kỷ XV – XVI được xem là thế kỷ của truyện truyền kỳ với những tác phẩm tiêu biểu như Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục sang đến thế kỷ XVIII – XIX thì có Truyền kỳ tân phả, Tân truyền kỳ lục, đặc biệt là
Lan Trì kiến văn lục của Vũ Trinh. Tác phẩm này đã đem đến một bước phát triển mới cho thể loại truyền kỳ. Yếu tố kỳ lạ đã giúp nhà văn phản ánh hiện thực cuộc sống có chiều sâu, toàn vẹn hơn. Tất nhiên tất cả các tác giả truyện truyền kỳ, trong đó có Vũ Trinh, bên cạnh thông qua những tình tiết nhân vật ly kỳ để phản ánh một số bản chất nào đó của đời sống hiện thực thì việc kế thừa truyền thống hiếu kỳ cũng nhằm để đáp ứng nhu cầu hiếu kỳ của công chúng.
Cũng như Lê Thánh Tông, Nguyễn Dữ hay các tác giả truyền kỳ khác, Vũ Trinh đã sử dụng yếu tố kỳ để tạo nên những điều kỳ diệu cho các nhân vật của mình trong tác phẩm. Để họ có cơ hội được sống, được
yêu thương, được hưởng hạnh phúc và được khẳng định mình. Một cố gái dù bị chồng ghen đánh đến chết vẫn giữ vẹn tình với người yêu cũ trong Sống lại. Trái tim khao khát yêu thương mãnh liệt đã khiến cho cô gái dù chết vẫn đội mồ sống lại để được đoàn tụ, hạnh phúc bên người mình yêu. Đó là chi tiết kỳ lạ gây nhiều bất ngờ thú vị cho người đọc. Tác giả tạo nên một thế giới khác cho nhân vật của mình để nhân vật được sống lại và sống hết mình với cuộc sống đích thực. Nhân vật đã đưa người đọc được phiêu du vào thế giới kỳ ảo rồi trở về thế giới hiện thực. Cái kỳ cái thực dường như không còn ranh giới nữa, nó hòa quyện vào nhau, dẫn dụ, kêu gọi từng bước phiêu bồng của độc giả để rồi độc giả cứ bị cuốn sâu vào luồng xoáy kỳ thú đó. Cuộc sống như vậy không còn trầm lặng nữa, nó đã được làm nóng, sinh động, hấp dẫn hơn. Nhân vật trong Lan Trì kiến văn lục không có phép biến hóa như nhân vật trong Thánh Tông di thảo của Lê Thánh Tông nhưng tác giả đã tạo nên một thế giới khác cho nhân vật của mình để nhân vật tự thân vận động đi từ cõi chết đến thiên đường của sự sống. Nếu như nàng Ngọa Vân trong
Chuyện lạ nhà thuyền chài được Lê Thánh Tông xây dựng với phép biến hóa siêu phàm, chỉ cần hô một tiếng “biến” thì nàng lập tức hóa thành một con cá to, độ dài ngàn thước, mình lớn hơn ba mươi quãng, thì cô gái trong Tháp Báo Ân của Vũ Trinh lại trở về cõi trần trong giấc mộng của quan chủ khảo. Giống như Nguyễn Dữ, Vũ Trinh cũng sử dụng rất nhiều yếu tố kỳ với những môtip quen thuộc như nhân vật đi vào cõi mộng hay biến dạng. Nàng Lệ Nương ở Chuyện Lệ Nương dù đã chết song vẫn hiện về trong giấc chiêm bao của Phật Sinh. Dương Thái hậu và ba cô công chúa trong Thần Cửa Cờn của Vũ Trinh cũng vậy. Chết đi, được chôn cất cẩn thận, được người dân lập đền thì nên họ hay về báo mộng cho người trong thôn. Còn cô gái trong Câu chuyện tình ở Thanh Trì thì sau khi chết đã hóa thành một khối trong vắt.
Những hiện tượng kỳ lạ trong truyện của Vũ Trinh đã thỏa mãn phần nào tính hiếu kỳ của độc giả các thế hệ. Việc sử dụng yếu tố kỳ để xây dựng nhân vật đã tạo được một hiệu ứng thẩm mỹ mạnh mẽ cho Lan Trì kiến văn lục. Cái kỳ xuất hiện bất ngờ trong thế giới hiện thực đã tạo nên thế giới vừa thực vừa hư có sức lôi cuốn người đọc một cách mạnh mẽ. Cô gái trong truyện Gái biến thành trai chỉ sau một trận ốm đã hóa thành con trai. Nhân vật kỳ lạ này đã đem đến cho người đọc những cảm xúc, trạng thái đầy kỳ thú. Một cảm giác đầy nghi ngại ngờ vực chen lẫn những băn khoăn đầy thú vị trong tâm hồn mỗi người.
Qua việc xây dựng nhân vật kỳ lạ trong Lan Trì kiến văn lục, Vũ Trinh đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ về cái kỳ. Phải chăng đó là sự mong mỏi những điều thần kỳ, là sự gửi gắm ước mơ, khát khao vượt khỏi bao tai họa ẩn chứa trong thế giới. Vũ Trinh đã đưa đến cho người đọc một bức tranh lạ về thế giới hiện thực và con người bằng cái nhìn đặc trưng. Các yếu tố kỳ lạ xuất hiện trong các truyện của Vũ Trinh đã khẳng định khả năng thu hút, bao chứa, thể hiện mọi hình ảnh vũ trụ của con người. Con người là một tiểu vũ trụ luôn ẩn chứa bên trong vô vàn bí ẩn cần được khám phá. “Hiếu kỳ” chính là sức mạnh tạo nên động lực khám phá những điều kỳ thú đang là ẩn số.
Chương 2