1.5.1. Giáo huấn theo quan điểm Nho giáo
Một trong những đặc điểm nổi bật của văn học trung đại Việt Nam là văn học chịu sự chi phối mạnh mẽ của tư tưởng kinh điển tôn giáo. Tư tưởng kinh điển và tôn giáo đã gợi cảm hứng, cung cấp đề tài, chủ đề và ảnh hưởng đến việc sử dụng các thể loại của văn học trung đại. Ở phương Đông như Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Việt Nam… là các tôn giáo và học thuyết Phật, Nho, Đạo cung cấp thế giới quan, sự cảm nhận thế giới, hệ thống tượng trưng, thể loại và phong cách biểu hiện. Sự ảnh hưởng của tư tưởng tôn giáo và kinh điển đã tạo nên việc đề cao nội dung đạo đức và tính chất giáo huấn, văn học có mối quan hệ trực tiếp với tư tưởng.
Quan niệm văn học trung đại Việt Nam về căn bản dựa trên quan điểm Nho giáo. Văn học có nguồn gốc thiêng liêng với chức năng xã hội cao cả là giáo hóa, hoàn thiện con người. Các tác giả văn học Việt Nam trung đại hầu hết đều là những trí thức Nho gia. Họ được Nho giáo trang bị và đào luyện không những về tri thức mà còn về cả nhân sinh quan, vũ trụ quan, thẩm mỹ quan, quan niệm văn học… Các nhà nho đứng trước xã hội với tâm thế đầy ý thức trách nhiệm, họ luôn cân nhắc “thế đạo nhân tâm”, cân nhắc trong lẽ xuất xử. Bởi vậy văn chương của họ nêu gương sáng, thuyết phục, giáo huấn, răn dạy, hay là thể hiện đạo lý,
cương thường. Cũng có khi là văn chương mượn cảnh nói nói tình, biểu đạt tâm chí, bộc bạch tấm lòng trung trinh tiết tháo.
Cuộc sống luôn chứa đựng những biến động khôn lường. Sự náo động đó làm cho tư tưởng nhà nho thêm phần giao động. Vốn không muốn tin vào những sự quái dị theo truyền thống “quỷ thần kính như viễn chí” của Khổng Tử, đến một lúc nào đó họ đã chấp nhận nó, nói đến ma quỷ và sự lạ. Nho giáo rất đề cao chức năng giáo hóa của văn chương. Truyện truyền kỳ là một thể loại đáp ứng đắc lực được nhu cầu đó của văn chương. Có thể coi đó là một trong những thể loại được xếp hàng đầu về “khuyến thiện trừng ác”. Sự kỳ lạ là đặc trưng cơ bản của truyện truyền kỳ. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tư tưởng, tình cảm, quan niệm thẩm mỹ của tác giả. Sử dụng yếu tố kỳ lạ để xây dựng nhân vật là ý đồ nghệ thuật của tác giả. Một trong những mục đích khi xây dựng loại nhân vật có đặc tính kỳ lạ của truyện truyền kỳ nói chung và Vũ Trinh nói riêng đó chính là sự giáo huấn.
Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật bất cứ tác giả nào cũng chịu sự chi phối của thế giới quan thời đại, giai cấp và hoàn cảnh xã hội mình đang sống. Mỗi tác giả đều sống ở mỗi thời đại không giống nhau, hoàn cảnh sống khác nhau, nên tư tưởng quan điểm thẩm mỹ cũng có điểm khác biệt.
Vũ Trinh sống ở thế kỷ XVII là một thế kỳ đầy biến động, phức tạp, kinh tế, chính trị khủng hoảng, chiến tranh tàn khốc giữa các tập đoàn phong kiến diễn ra liên miên. Xã hội nhiễu nhương, cường quyền lũng đoạn, tôn ti trật tự xã hội bị đảo lộn. Quyền sống con người bị bóp nghẹt, nhất là những con người thấp cổ bé họng. Thực tại xã hội đầy những biến động to lớn, đã ít nhiều tác động đến nhà văn. Đặc biệt là những luồng gió trào lưu văn học nhân đạo chủ nghĩa đã thổi vào cảm xúc của Vũ Trinh,
Lan Trì kiến văn lục nhiều đề tài khác nhau như chuyện tình nam nữ, giáo dục thi cử, báo ứng luân hồi… Chủ đề rõ nhất trong truyện là hiện tượng phá vỡ khuôn phép của con người thời đại. Sự phá vỡ ấy có thể làm cho con người tàn bạo, mất hết nhân tính. Trên phương diện này, ngòi bút của Vũ Trinh phê phán nghiêm khắc, sắc cạnh. Sự phá vỡ ấy cũng có thể theo chiều hướng tích cực, ở đó con người thường bị đặt trong những tình huống căng thẳng đầy bi kịch. Và chính trong hoàn cảnh ấy họ đã bộc lộ phẩm chất cao quý, tình cảm rất người của mình. Về phương diện này thì ngòi bút của Vũ Trinh rất trân trọng, nâng niu, yêu thương đối với người phụ nữ. Ngợi ca những phẩm chất cao đẹp, sức sống mãnh liệt của họ. Đồng cảm sâu sắc với những nỗi khổ đau bất hạnh mà họ phải gánh chịu. Đó là người phụ nữ giàu tình yêu thương với sức sống mãnh liệt trong Đẻ lạ, đó là cô gái thủy chung son sắt trong
Sống lại hay trong Câu chuyện tình ở Thanh Trì. Nhà văn đề cập tới một khía cạnh mới mẻ mang tính nhân văn trong tình yêu đôi lứa, đó là tình yêu mang tính nhục cảm được xem là một biểu hiện hạnh phúc của tình yêu mà người phụ nữ đáng được hưởng. Đứng trên cương vị là một nhà nho, chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng chính thống của Nho giáo. Nhãn quan của Nho giáo là luôn đề cao người phụ nữ với nhiều vẻ đẹp truyền thống, những phẩm chất cao quý. Vũ Trinh không là trường hợp ngoại lệ. Ông cũng như các tác giả khác như Lê Thánh Tông, Nguyễn Dữ, đều là các nhà nho, dù đứng ở vị thế khác nhau nhưng họ cũng đều dành những tình cảm ưu ái, trân trọng yêu thương đến người phụ nữ. Các nhân vật nữ có đặc tính kỳ lạ trong tác phẩm của họ đều có số phận bi kịch song càng bị đẩy đến hoàn cảnh éo le, ngặt nghèo thì phẩm chất cao đẹp của họ càng rõ.
Trong Lan Trì kiến văn lục nhân vật xuất hiện trong khuôn khổ xã hội phong kiến Việt Nam, người phụ nữ dưới chế độ phong kiến thật đáng thương. Họ là nạn nhân của một chế độ xã hội vô cùng tàn ác, đầy
bất công với những hủ tục khắt khe. Chế độ xã hội luôn đặt ra những khuôn phép lễ giáo bắt buộc người phụ nữ phải tuân thủ như đạo “tam tòng” hay chế độ “đa thê đa thiếp”, “nam tôn nữ ty”… đã đẩy người phụ nữ đến bên bờ vực khổ đau bất hạnh. Đặc biệt dưới chế đó người phụ nữ phải chịu sự áp bức của nam quyền, vương quyền. Đứa con của rắn và
Chuyện khỉ đã phản ánh rõ nét góc tối của xã hội đương thời, mà người phụ nữ là nạn nhân phải gánh chịu. Người phụ nữ trong Đứa con của rắn là người rất hiền lành lương thiện. Cô cũng có một gia đình êm ấn, có chồng yêu thương. Hạnh phúc nhỏ nhoi ấy dưới xã hội phong kiến không bao giờ êm đềm. Cô bị rắn cưỡng bức. Tổ ấm gia đình tan nát từ đó. Cô gái trong Truyện khỉ cũng vậy, bị khỉ cưỡng ép, buộc phải sống với hắn nhưng cô vẫn luôn nuôi hy vọng một ngày được tự do trở về. Và đến lúc cái tầm thường cũng phải hạ mình trước cái cao cả. Dục vọng của kẻ mạnh chẳng thể bóp nghẹt những khát vọng rất người của kẻ yếu. Khỉ già và đàn khỉ đã phải trả giá cho hành động của mình bằng cái chết.
Chuyện khỉ là lời tố cáo đanh thép cho những kẻ luôn lấy sức mạnh, quyền lực để áp bức, chà đạp nhân phẩm con người.
Rõ ràng văn học của các trí thức nho gia đến thời Vũ Trinh lúc này không còn ca tụng chế độ, đề cao ngôi vị chí tôn như thời của Lê Thánh Tông nữa mà là vừa phê phán những hiện tượng tiêu cực và ngợi ca những hiện tượng tích cực theo quan niệm Nho giáo. Điều đó cũng dễ hiểu bởi xã hội dưới thời Lê Thánh Tông đạt đến cực thịnh của xã hội phong kiến Việt Nam. Nhân dân dưới thời này có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và thanh bình cho nên sự xuất hiện của các nhân vật kỳ lạ trong Thánh Tông di thảo thường đem đến cho nhân vật khác một cuộc sống sung túc hơn. Nhân vật kỳ ảo mang tính chất như một đòn bẩy để Lê Thánh Tông phản ánh hiện thực thời đại của mình – một thời đại thịnh trị của xã hội phong kiến, người dân không phải chịu kiếp nạn do chiến tranh. Thánh Tông di thảo ra đời khi tác giả đang là một vị vua nên
tác phẩm ông thường đề cao quân quyền, đề cao vai trò của mình cũng là một lẽ thường. Xã hội phong kiến mà Vũ Trinh sống đầy rối ren. Những đảo lộn cuộc sống có khi làm mất đi nhân tính của con người. Bởi thế nhân vật kỳ lạ xuất hiện trong Lan Trì kiến văn lục thường có tính hướng thiện. Nhân vật vận động từ cái xấu đến cái tốt, từ cái ác đến cái thiện. Nhân vật Mỗ trong Nhớ ba kiếp cũng vì biết hướng thiện mà cuối cùng được trở về với kiếp người chứ không phải làm kiếp gà, kiếp lợn nữa. Sống nhân hậu biết làm điều tốt thì sẽ nhận được điều tốt đẹp, đó là thông điệp tác giả muốn được chia sẻ qua truyện.
Với ngòi bút nhạy cảm Vũ Trinh đã tái hiện sâu sắc hiện tượng phá vỡ khuôn phép của những con người thời đại.Qua xây dựng con người kỳ lạ giúp ông phản ánh cuộc sống con người sâu rộng hơn.