Truyền thống hiếu học

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò giáo dục truyền thống gia đình trong việc hình thành nhân cách thế hệ trẻ ở nghệ an hiện nay (Trang 45 - 49)

Hiếu học là một đặc trưng văn hóa, nét đẹp truyền thống của gia đình xứ Nghệ. Vùng đất này được cả nước nhìn nhận là vùng đất học. Truyền thống hiếu học ở Nghệ An được các gia đình, dòng họ ở Nghệ An được gìn giữ và phát huy qua các gia đình, dòng họ nổi tiếng về khoa bảng. Có thể kể đến những gia đình, dòng họ tiêu biểu: dòng họ Ngô Thúc ở Quỳnh Lưu, họ Vi bản Mác ở Tương Dương, họ Ngô Xuân ở Hưng Nguyên, dòng họ Nguyễn Tài, Trần Hưng ở Thanh Chương… Và rất nhiều những gia đình dòng họ nổi tiếng, giàu truyền thống khoa bảng mà trong quá trình tìm hiểu và đi đến những miền quê xứ Nghệ chúng ta đều thấy được điều đó.

Ở Nghệ An, chúng ta dễ dàng nhận ra hai dòng giáo dục trong tiến trình phát triển của lịch sử: Dòng giáo dục chính thống và dòng giáo dục dân gian. Hai dòng giáo dục này tồn tại song song và tác động biện chứng với nhau.

Dòng giáo dục chính thống thể hiện trong các tổ chức nhà trường, chế độ học tập, chế độ thi cử, nề nếp và thể thức chung qua các triều đại của chế độ phong kiến thực dân. Dòng giáo dục dân gian hình thành và phát triển từ trong hoạt động vật chất và tinh thần của nhân dân lao động. Đó là các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tín ngưỡng thành hoàng, tập tục và thúc ước, hội làng và diễn xướng dân gian. Đó còn là các hình thức đồng dao và trò chơi trẻ em, các tổ chức đoàn thể xã hội, giáo dục gia đình, phong tục tập quán… Thông qua những phương thức giáo dục dân gian đó mà những tri thức về tự nhiên, xã hội, đạo đức, kinh nghiệm ứng xử, tình yêu quê hương được truyền tải từ thế hệ này sang thế hệ khác. Truyền thống hiếu học ở Nghệ An không ngừng được bổ sung, tô đẹp thêm những giá trị của nó bởi các thế hệ kế tiếp. Giá trị đó thể hiện ở những nội dung sau:

Thứ nhất, tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, vươn lên nắm bắt những trí thức của thời đại, phục vụ cuộc sống của bản thân, gia đình, đất nước, tinh thần này đã đi vào tâm lý, phong tục tập quán của nhân dân, biểu hiện thành nếp nghĩ, thành lời văn trong tục ngữ ca dao, trong lời ru con:

“Con ơi mẹ dặn câu này:

Chăm lo đèn sách cho tày rá cơm Làm người đói sạch, rách thơm

Công danh là nợ nước non phải đền”.

Tinh thần chịu đựng gian khổ, khó khăn để học tập biểu hiện hết sức đa dạng và phong phú. Dưới chế độ phong kiến ở nhiều gia đình khó khăn ăn khoai, ăn cháo: “sáng khoai, trưa khoai, tối khoai. Cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà”. Nhiều ông nghè, ông cống sống bởi ngọn khoai, nhưng họ vẫn tranh thủ đọc

sách trên lưng trâu, làm bài văn bên ngọn lửa lá đa, những trí thức có ích cho đất nước trưởng thành từ thân phận nghèo khổ nhờ tinh thần ham học hỏi, chăm lo đèn sách.

Thứ hai, truyền thống hiếu học của gia đình Nghệ An là truyền thống học suốt đời, học mọi lúc, mọi nơi, học tập được tiến hành từ trong bụng mẹ, đào tạo con người ngay từ trong trứng, công việc đó ở Nghệ An được gọi là “thai giáo”. Quá trình nuôi con của người mẹ đồng thời cũng là quá trình dạy dỗ con cái. Cha mẹ là người thầy giáo, cô giáo đầu tiên của đứa trẻ. Sống với nhau sau lũy tre làng, cùng chia ngọt sẻ bùi, người Nghệ An thường nhắc nhở nhau “dạy con từ thuở còn thơ”. Hình thức dạy dỗ này hết sức phong phú. Bất cứ người phụ nữ nào ở Nghệ An cũng thuộc lòng một số giai điệu, lời ru con mang nội dung giáo dục truyền thống đạo đức, tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi những vị anh hùng có công với Tổ quốc. Trong thời bình, người nông dân Nghệ An vừa “tay cày, tay bút”, những người lính trong giai đoạn lịch sử nào giữ được truyền thống “lên ngựa cầm gươm, xuống ngựa cầm bút”, những người hoạt động cách mạng bị bắt vẫn tranh thủ học tập trong tù, nhiều bậc phụ lão vẫn cắp sách đến trường… Thái độ ham học hỏi không chỉ ở trẻ em, những người làm cha, làm mẹ, những người nông dân, người lính, ngay cả những người công thành danh toại vẫn luôn đọc sách, trau dồi trí tuệ, nổi bật cho tinh thần “học nữa, học mãi” là Chủ tịch Hồ Chí Minh- danh nhân văn hóa thế giới.

Hai dòng giáo dục cổ truyền Nghệ An song song tồn tại, đã tạo điều kiện cho nền giáo dục luôn được duy trì. Động cơ học tập của người Nghệ An không hẳn là để làm quan mà với mục đích là để hiểu biết, không phải học cho riêng mình mà học cho đất nước, cho cả dòng họ để nắm được tri thức văn hóa, đạo lý làm người, học để tu thân tích đức. Việc học tập trở thành nhu cầu thiết yếu, tự thân, không cần phải thúc dục, trở thành động lực trong mỗi con người, vì vậy mới có “những buổi diễn thuyết người đông như hội, kỳ bình văn khách tới như mưa”.

Ở Nghệ An, trong mỗi gia đình, dòng họ, trong mỗi làng khi chế độ khoa cử còn thịnh, đều thấy trong nhà của mình một cái bảng, một án thư… đó là những di vật của người xưa, hàng ngày, hàng giờ nhắc nhở mọi người phải biết trân trọng gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ. Truyền thống hiếu học ở Nghệ An còn được bồi đắp thêm bởi công lao của những người mẹ, người vợ ngày tháng tần tảo nuôi chồng con ăn học, là tập thể công xã nông thôn- giáo dục đào tạo con người qua lao động sản xuất, qua những “hội làng, hương ước” đến những trường học nổi tiếng, những thầy giáo lừng danh, những học trò xuất chúng, những nhà chính trị lỗi lạc, làm chính sự mà không quên lo liệu việc học của nhân dân. Truyền thống hiếu học của gia đình Nghệ An góp phần làm nên “pho lịch sử vàng” của Đảng ta, là những tiềm lực quý báu nhất của đất nước, là những giá trị văn hóa, kết tinh truyền thống gắn liền lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc, là sức mạnh đoàn kết của toàn dân, là ý chí quyết chiến, quyết thắng, là tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do”, để từ đó tiến lên thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh”.

Như vậy có thể khẳng định rằng, một trong những nhân tố có ý nghĩa quan trọng bồi đắp cho truyền thống hiếu học ở Nghệ An chính là gia đình. Từ xưa đến nay, gia đình Nghệ An vừa là một đơn vị ổn định để phát triển kinh tế, vừa là thiết chế để duy trì và hoàn thiện các chuẩn mực quan hệ ứng xử. Thông qua những chuẩn mực gia giáo, gia phong của mỗi gia đình, dòng họ, được sự giáo dưỡng ngay từ nhỏ đã hình thành trong lòng con em xứ Nghệ tinh thần ham học hỏi, cần cù, hiếu học khổ hạnh, học để làm người, học để kế thừa truyền thống của gia đình. Truyền thống tốt đẹp đó của gia đình Nghệ An như mạch nguồn sâu thẳm, thấm vào tâm hồn trí óc của mỗi con người xứ Nghệ. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người với đầy đủ các đức tính tốt đẹp như: cần cù, có nghĩa khí, trọng đạo lý làm người, có ý chí phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Có thể thấy khuynh hướng

nổi bật trong con người Nghệ luôn là khuynh hướng văn hóa tìm về cội nguồn, các quan hệ xã hội đều có xu hướng hướng thiện.

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò giáo dục truyền thống gia đình trong việc hình thành nhân cách thế hệ trẻ ở nghệ an hiện nay (Trang 45 - 49)