Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của việc giáo dục truyền thống gia đình trong vấn đề hình thành nhân cách thế hệ trẻ cũng như thực trạng đạo đức, nhân cách thế hệ trẻ hiện nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cá nhân, cơ quan, tổ chức đều đã có hững chủ trương đường lối thiết thực và hiệu quả nhằm nâng cao vai trò giáo dục truyền thống gia đình cho thế hệ trẻ.
Các tổ chức Đoàn, Hội, Đội- nơi sinh hoạt, học tập của thế hệ trẻ cũng đã có nhận thức đúng đắn về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức cho thế hệ trẻ. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn, cấp ủy Đảng chính quyền, Đoàn thanh niên Nghệ An cũng đã có những biện pháp tích cực trong giáo dục thế hệ trẻ như xây dựng nhiều chương trình hoạt động hấp dẫn, thu hút, lôi cuốn thế hệ trẻ tham gia vào những sân chơi có ích, tạo điều kiện cho họ được rèn luyện nghề nghiệp, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cá nhân đối với tập thể, cộng đồng. Bên cạch đó, Đoàn cũng chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, mở các lớp bồi dưỡng đoàn viên ưu tú kết nạp vào Đảng. Đây là việc làm quan trọng nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ lý tưởng sống, động cơ, mục đích đúng đắn để trở thành những công dân tốt.
Trong thời gian qua, Đảng bộ chính quyền tỉnh đã có những chủ trương góp phần vào công tác giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà văn hóa thanh niên, công viên vui chơi, giải trí…Việc nâng cao nhận thức về công tác giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ được quan tâm và đưa vào trong các nghị quyết, chính sách phát triển toàn diện của tỉnh.
Tuy nhiên bên cạnh đó còn những tồn tại, yếu kém đó là chủ trương, đường lối về công tác giáo dục đào tạo cho thanh niên chưa kịp thời, chưa thiết thực, mang tính giáo dục chung, chưa nêu bật được nhận thức về việc cần phải nâng cao vai trò của giáo dục truyền thống gia đình trong việc hình thành nhân cách thế hệ trẻ, nhiều cán bộ lãnh đạo cấp ủy Đảng còn mơ hồ và xem nhẹ công tác này.
Đối với các bậc phụ huynh và gia đình, vấn đề giáo dục con cái nói chung và giáo dục truyền thống gia đình nói riêng được các gia đình quan tâm. Các bậc làm cha làm mẹ đã nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc giáo dục truyền thống gia đình, dạy dỗ con cái. Điều kiện chăm sóc, giáo dục con cái được cải thiện đáng kể, do đời sống của các gia đình được nâng cao lên. Tuy nhiên, còn một số gia đình chưa nhận thức đúng đắn về vấn đề này, đó là những gia đình cả bố và mẹ đều mải mê công việc làm ăn, bận bịu với việc mưu
sinh không có thời gian quan tâm chỉ bảo con cái học hành, cũng như nắm bắt những thay đổi trong tâm sinh lý, hành động của con cái. Với suy nghĩ là làm sao để cung cấp đầy đủ vật chất cho con cái, còn việc học hành, giáo dục con là việc của nhà trường. Họ hoàn toàn “khoán” công việc quan trọng đó cho nhà trường. Họ không nhận thức được rằng ở lứa tuổi của các em đang là giai đoạn nhạy cảm, nhiều biến đổi trong tâm sinh lý rất cần sự quan tâm ân cần và sâu sắc của cha mẹ hơn là việc đáp ứng đầy đủ vật chất, tiền bạc. Trong xã hội hiện nay, cụ thể trên địa bàn tỉnh số lượng thanh niên bỏ nhà đi lang thang, tụ tập, ăn chơi lêu lổng, vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng đáng báo động. Với những đối tượng này gia đình hầu như không giáo dục được nữa, gia đình ruồng bỏ phó mặc cho xã hội, điều này lại “tạo điều kiện” cho các em sa vào các tệ nạn xã hội một cách nhanh chóng và nguy hiểm hơn. Đây là nỗi lo, sự đau lòng của các gia đình và toàn xã hội.