Về nội dung, phương pháp, chất lượng.

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò giáo dục truyền thống gia đình trong việc hình thành nhân cách thế hệ trẻ ở nghệ an hiện nay (Trang 53 - 57)

Nội dung và phương pháp giáo dục truyền thống gia đình ở Nghệ An hiện nay rất phong phú và đa dạng, gần gũi và thiết thực hơn với thực tế cuộc sống. Những truyền thống gia đình được chú trọng, ưu tiên giáo dục cho giới trẻ là: Truyền thống đạo lý, yêu thương con người, truyền thống hiếu học, truyền thống cần cù, chịu khó chịu khổ…Đó là những truyền thống cơ bản, tốt đẹp không chỉ của gia đình nói riêng mà còn là truyền thống của dân tộc nói chung.

Thứ nhất, về nội dung giáo dục.

Còn mang tính chung chung, chưa thật sự đi sâu vào tâm tư, tình cảm, tư tưởng của thế hệ trẻ, gắn với thực tiễn sinh hoạt và học tập của các em. Các giá trị truyền thống nói trên mà các gia đình tập trung giáo dục cho con em mình có tính dân tộc, tính quốc gia. Cần phải chú trong hơn nữa các truyền thống đặc thù của gia đình, dòng họ mình, kết hợp với việc nêu gương của các thành viên thành đạt trong gia đình để giáo dục cho thế hệ trẻ. Nội dung giáo dục truyền thống gia đình ở Nghệ An còn mang tính chất dàn trải, chưa chú ý đi sâu phân

tích, chưa thật sự hấp dẫn, thiết thực với tâm lý, thực tiễn học tập của con cái nên hiệu quả thu được chưa cao. Tóm lại, về mặt nội dung giáo dục truyền thống gia đình ở Nghệ An vẫn còn rất nhiều vấn đề cần xem xét, bàn bạc lại. Vẫn chưa có một công trình, diễn đàn khoa học nào nghiên cứu một cách kỹ lưỡng về vấn đề chọn lọc những nội dung truyền thống nào cần thiết, phù hợp để giáo dục thế hệ trẻ. Vấn đề lựa chọn cái gì để giáo dục và giáo dục như thế nào vẫn còn nhiều bất cập, chủ yếu dựa trên cảm tính, chủ quan của các thành viên trong gia đình, thiếu cơ sở khoa học dẫn đến nhiều thiếu sót, hạn chế: đó là tính phiến diện, không đầy đủ, thiếu phong phú.

Thứ hai, về phương pháp giáo dục.

Việc giáo dục truyền thống gia đình cho thế hệ trẻ ở Nghệ An đã sử dụng nhiều hình thức và phương pháp khác nhau. Các bậc phụ huynh thường sử dụng phương pháp như: nêu gương, thể hiện trong sự gương mẫu về việc làm, cách cư xử của cha mẹ đối với ông bà, những người trong gia đình, hàng xóm…đó là tấm gương phản chiếu cho các em noi theo; phương pháp thuyết phục cũng được các bậc phụ huynh thường xuyên sử dụng thông qua việc sinh hoạt gia đình, họp họ, tế tổ; các bậc phụ huynh cũng sử dụng các câu châm ngôn, tục ngữ, ca dao dân gian như “Kính trên nhường dưới”, “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”, “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”…để giáo dục con cái trong gia đình.

Bên cạnh đó, có một hiện tượng tiêu cực đó là một số gia đình đã sử đụng các hình thức, phương pháp giáo dục có tính cưỡng chế như đánh mắng, bắt ép, buộc con cái làm theo. Một số người làm cha làm mẹ không gương mẫu trong hành động và lời nói…đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục con cái.

Thứ ba, về chất lượng.

Giáo dục truyền thống gia đình thông qua tình cảm và chủ yếu bằng tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, nên việc xác định hiệu quả, chất lượng là công việc không phải dễ. Song, chúng tôi nghiên cứu chất lượng của giáo dục

truyền thống gia đình đòi với việc hình thành nhân cách thế hệ trẻ ở Nghệ An ở các mặt như: hành vi đạo đức, thái độ và kỹ năng lao động, thể chất và thẩm mỹ. Một là, giáo dục về hành vi đạo đức. Hành vi đạo đức thường được biểu hiện trong hành động đối nhân xử thế, trong nếp sống, trong phong cách, trong lời ăn tiếng nói đối với những người trong gia đình và những người khác. Thông qua sự giáo dục, sự nêu gương của cha mẹ, các thế hệ con cái ở Nghệ An đã hình thành cho mình hành vi đạo đức tốt đẹp là kính trọng , hiếu thảo, nói năng lễ phép, vâng lời ông bà cha mẹ. Các bậc phụ huynh thường xuyên giáo dục cho các em biết được hoàn cảnh của gia đình mình, để từ đó mà cảm thông, chia sẽ với những khó khăn của cha mẹ, tạo cho các em động lực để phấn đấu vươn lên. Thực tế qua các kỳ thi Học sinh giỏi, Đại học, Cao đẳng ở Nghệ An những thủ khoa của các kỳ thi đó phần lớn đều sinh ra ở những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhờ có ý chí quyết tâm, sự động viên của gia đình mà “khổ hạnh thành tài”.

Thông qua tình cảm yêu thương của cha mẹ đối với con cái và những người thân trong gia đình, thế hệ trẻ ở Nghệ An đã biết tôn trọng và bảo vệ tôn ty trật tự trong gia đình “kính trên nhường dưới”, tình cảm anh em trong gia đình, luôn được đề cao. Bên cạnh đó, họ còn thấm nhuần đạo lý nhân nghĩa, yêu thương con người “lá rách ít dùm lá rách nhiều”. Trong các cuộc vận động ủng hộ vì người nghèo, giúp đỡ các bạn gặp khó khăn trong lớp học, nơi mình sinh sống và nơi làm việc; tham gia ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, nạn nhân chất độc màu da cam…đều thu hút đông đảo thế hệ trẻ nhiệt tình tham gia và đạt kết quả cao. Đó không phải là việc làm tự phát, mà nó bắt nguồn sâu xa từ việc giáo dục lòng nhân ái của các bậc làm cha làm mẹ đến con cái.

Hai là, giáo dục cho thế hệ trẻ kỹ năng và thái độ lao động: Con người xứ Nghệ nói chung giàu truyền thống lao động, cần cù, thông minh sáng tạo. Đó cũng là một truyền thống tốt đẹp của gia đình nơi đây, được các bậc phụ huynh cho là quan trọng trong giáo duc con cái thành người. Hiện nay, con người Nghệ An, đặc biêt là thế hệ trẻ đang học tập, làm việc trên mọi miền Tổ quốc và nước

ngoài, nhìn chung khi đánh giá về trình độ năng lực của họ, đều được nhìn nhận trên phương diện tích cực, đó là: nhiệt tình, cần cù, thông minh, sáng tạo. Điều đó thể hiện qua các thành tích của các du học sinh Nghệ An ở nước ngoài, các kỳ thi Học sinh giỏi trong nước và quốc tế, các kỳ thi Đại học, Cao đẳng. Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An trong lĩnh vực giáo dục đào tạo năm học 2010-1011, Nghệ An đứng dầu cả nước về kết quả thi Học sinh giỏi quốc tế với 01 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Bạc Olimpic Vật lý Châu Á, đứng thứ hai về số học sinh thi Đại học, Cao đẳng đạt tên 27 điểm, trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia có một giải nhất môn Văn… Kết quả đó đã cho thấy tiềm năng to lớn về nguồn lực của người dân xứ Nghệ.

Ba là, giáo dục thể chất và thẩm mỹ: Cuộc sống xã hội đang có nhiều thay đổi, thông qua giáo dục truyền thống gia đình, xuất phát từ hoàn cảnh gia đình mình, thế hệ trẻ ở Nghệ An đều ý thức được vấn đề rèn luyện, học tập và thụ hưởng đời sống văn hóa, tinh thần vật chất trong chừng mực phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình. Cảm xúc, tình cảm thẩm mỹ về cái đẹp trong giao tiếp, trong cư xử của thế hệ trẻ đều manh nha và phát triển từ cái nôi gia đình. Các bậc làm cha làm mẹ đã dạy cho thế hệ trẻ “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Giáo dục cho thế hệ trẻ nếp sống văn minh, lịch sự. Trong các Đoàn trường Đại học và Cao đẳng trên địa bàn tỉnh đang ra sức thực hiện xây dựng môi trường sống có văn hóa trong sinh viên, học sinh. Trong đó Đoàn trường Đại học Vinh là đơn vị làm tốt công tác này.

Theo số liệu điều tra của TS Đoàn Minh Duệ, TS Nguyễn Lương Bằng, TS Đinh Thế Định, TS Nguyễn Thái Sơn (2004), đối với công tác giáo dục truyền thống nới chung ở trên địa bàn tỉnh cho thấy: Có 61% cán bộ lãnh đạo cho biết công tác giáo dục truyền thống ở địa phương đó đạt chất lượng, ở các bậc phụ huynh là 41,7% , ở thanh thiếu niên là 33,8%. Có 37% cán bộ lãnh đạo cho rằng công tác giáo dục truyền thống đạt chất lượng trung bình, các bậc phụ huynh là 44,7%, thanh thiếu niên là 56,7%.

Nhìn chung công tác giáo dục truyền thống gia đình ở Nghệ An vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Điều đó đang bộc lộ và thể hiện cụ thể trên nhiều phương diện, trên những hiện tượng xã hội đáng lo ngại. Đó là sự gia tăng của các tệ nạn xã hội mà đối tượng chủ yếu là thế hệ trẻ. Những đối tượng này tuy tuổi đời còn rất nhỏ nhưng hành vi phạm tội lại vô cùng nguy hiểm mang tính chất côn đồ, dã man. Theo điều tra của Công an tỉnh Nghệ An thì tình trạng trộm cắp, lô đề, cờ bạc, đâm chém lẫn nhau liên tục gia tăng với nhóm đối tượng chủ yếu là thanh thiếu niên, phương tiện và hành vi phạm tội ngày càng tinh vi và nguy hiểm. Sự suy thoái về phẩm chất đạo đức, tư tưởng trong thanh niên ngày càng trầm trọng. Họ xa rời gia đình, nhà trường tham gia vào các tụ điểm ăn chơi, tệ nạn xã hội, một số có thái độ buông thả, trông chờ, ỷ lại cho gia đình. Hiện nay chúng ta không khó gì khi bắt gặp một số thế hệ trẻ có cách ăn mặc nhố nhăng, đầu tóc, quần áo đến cách ăn mặc đều rất phản cảm. Nhưng trong nhận thức và tư tưởng của họ thì đó lại là những sự “sành điệu”, “hiện đại”.

Bên cạnh đó, một bộ phận thế hệ trẻ đang lãng quên quá khứ, xa rời và phủ nhận những giá trị truyền thống của gia đình, dân tộc. Với họ, tuyền thống gia dình, dòng họ, quê hương là những gì xa xôi, khô cằn, nhạt nhẽo. Họ mải mê chạy theo những thú vui hiện đại. Một bộ phận có giác ngộ thấp, hoang mang dao động thậm chí khủng hoảng về lý tưởng, mất phương hướng, lối sống tiêu thụ quá đề cao giá trị vật chất, xem thường các giá trị tinh thần, có cái nhìn lệch lạc đối với các giá trị truyền thống gia đình mà bao đời nay cha mẹ, ông bà họ đã xây dựng nên.

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò giáo dục truyền thống gia đình trong việc hình thành nhân cách thế hệ trẻ ở nghệ an hiện nay (Trang 53 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(80 trang)
w