Các lễ tiết thờ cúng trong năm và lễ hội 1 Các lễ tiết thờ cúng trong năm

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng hoành sơn xã khánh sơn, huyện nam đàn, tỉnh nghệ an từ năm 1802 đến năm 1945 luận văn thạc sĩ lịch sử (Trang 59 - 64)

ĐỜI SỐNG VĂN HÓA VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN CỦA LÀNG HOÀNH SƠN

3.2.2.Các lễ tiết thờ cúng trong năm và lễ hội 1 Các lễ tiết thờ cúng trong năm

3.2.2.1. Các lễ tiết thờ cúng trong năm

-Tết Nguyên Đán:

Đây là tết cổ truyền của dân tộc, mọi người chờ đón một điều gì đó tốt đẹp, một sự sum vầy, đầm ấm trong ngày đầu năm mới. Những ngày cuối năm nhà nào cũng lo quét dọn nhà cửa lau chùi bàn thờ, đồ thờ sạch sẽ, trang hoàng câu đối, mâm ngũ quả, một cành đào nụ hoa chúm chím, mấy bức tranh xuân rực rõ sắc màu hay một cây quất với những chùm quả vàng mọng thịt, còn nhà giàu thì sắm nhiều hơn và làm nhiều loại bánh hơn như: Bánh mật, bánh cà, chè khoai…

Chiều 30 tháng chạp bắt đầu vào tết, nhà nào cũng đặt mâm cỗ rước gia tiên và ăn tết với gia đình. Nửa đêm vào giờ tý (0 giờ), cúng giao thừa chính thức đón xuân, lễ cúng này thường làm xôi, thịt gà hoặc chè mật. Cả nhà quây quần bên nhau, chúc tụng nhau một năm mới an khang hạnh phúc. Ngày mồng một là ngày quan trọng nhất trong ba ngày tết. Người lớn ăn mặc chỉnh tề đến nhà thờ họ thắp hương, đi chúc mừng năm mới các gia đình thân thuộc. Mọi người nói chuyện chào hỏi nhau nhỏ nhẹ, thân tình, ai cũng muốn giành cho nhau những điều tốt đẹp trong những ngày đầu năm mới. Tết chỉ có 3 ngày, đến ngày mồng 3 tháng giêng là làm lễ tiễn ông bà tổ tiên. Song thường vui chơi cho tới lễ khai hạ (mồng 7 tháng giêng)

-Tết Thượng Nguyên (Rằm tháng giêng âm lịch)

Vào những ngày này làng tổ chức tế tại đình. Lễ vật được phân chia đều cho các giáp, gồm: Mỗi giáp một cỗ xôi gà đem đến. Trước khi tế, làng tổ chức chấm điểm lễ vật của các giáp. Sau đó chọn cỗ được giải cao để ở trên bàn, cỗ không được giải để ở dưới bàn, cuộc tế mới bắt đầu. Kết thúc buổi lễ tế số cỗ được chia cho dân làng đến dự. Tết rằm tháng giêng có ý nghĩa cầu cho mọi vật sinh sôi nảy nở, mùa màng tươi tốt.

-Tết Đoan Ngọ (Mồng 5/5 âm lịch)

Tết Đoan Ngọ là tết cầu mong, tết của sự sống. Chính vì đó là thời điểm nóng nực nhất trong năm và có nhiều bệnh tât phát sinh nên tết mồng năm còn

gọi là tết giết sâu bọ. Được tiến hành vào chính giờ Ngọ - Giữa trưa ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm.

Người xưa quan niệm rằng: Trong cơ thể con người, nhất là bộ phận tiêu hóa thường có sâu bọ, ẩn sống, nếu không diệt trừ sâu bọ ngày càng sinh sôi, nảy nở gây nguy hại cho con người. Lũ sâu bọ này chỉ lộ diện vào ngày 5/5 âm lịch nên phải làm lễ trừ sâu bọ vào ngày này.

Theo quan niệm cổ truyền, có thể giết sâu bọ bằng cách ăn thức ăn, hoa quả, rượu nếp vào ngày 5/5. Cách trừ sâu bọ trong người như sau: Mọi người sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất, phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc, rồi bước chân ra khỏi giường ăn một bát rượu nếp cho sâu bọ say, tiếp đến ăn trái cây cho sâu bọ chết.

-Tết Trung Nguyên (rằm tháng 7 âm lịch)

Vào ngày này, dân làng cúng các cô hồn bằng cháo hoa đỗ vào những chiếc lá đa dọc đường đi, cũng là ngày lễ Vu Lan của nhà phật. Tại các đình, đền miếu đều có tổ chức cúng. Lễ vật là xôi gà, chuối, oản, hoa quả. Cúng xong tất cả những lễ vật đều đem chia cho dân làng đến dự lễ. Tết Trung Nguyên là tết của dịp “xá tội vong nhân” nơi âm phủ. Người xưa quan niệm rằng: Ngày rằm tháng 7 hàng năm thì mọi tội nhân cõi âm, trong đó có những vong linh của gia đình, họ tộc mình đang bị giam cầm nơi địa ngục được xá tội và ra khỏi âm phủ lên dương gian. Bởi vậy, các gia đình ở dương gian làm làm cỗ bàn, vàng mã cúng gia tiên, cầu siêu độ trì cho họ. Ngoài cúng gia tiên “xá tội vong nhân”, mọi nhà còn bày lễ cúng chúng sinh ngoài sân, trước thềm nhà để cúng cô hồn, ma đói là những vong nhân “không nơi nương tựa”.

-Tết thanh minh (15/3 âm lịch).

Là ngày cắt cỏ trên mộ và đắp đất lên mộ (tảo mộ) để tưởng nhớ tổ tiên, người thân đã khuất. Nguyễn Du có câu:

“Thanh minh trong tiết tháng ba Lễ là tảo mộ, hội là Đạp Thanh”.

Trong ngày này, các gia đình chuẩn bị bữa cúng tổ tiên rất chu đáo. Người dân đã đi chợ mua sẵn các lễ như: hương đèn, trầu cau, tiền vàng, rượu thịt, hoa quả

-Tết trung thu (15/08 âm lịch)

Đánh dấu ngày có trăng tròn nhất trong năm, cũng là lúc thời tiết mát mẻ nên người dân trong làng tổ chức thả diều, tại các đình làng tổ chức đón trăng, trẻ em tổ chức rước đèn lồng, đèn ông sao, múa lân, đánh trống rộn vang. Trên sân đình, ngoài trẻ con, còn có các nam thanh, nữ tú hát ví dặm giao duyên. Các ông nho, ông đồ tổ chức ngắm trăng, thưởng nguyệt, vịnh thơ… Trong các đền cũng tổ chức cúng các vị thần của làng, các gia đình cũng có lễ cúng tổ tiên.

-Tết cúng ông Táo về trời (23/12)

Ngày 23 tháng chạp các gia đình bày cỗ cúng ông Táo và gia tiên. Cỗ cúng thường có xôi, gà, thịt lợn, hoa quả, ngoài ra còn cúng cá chép, để ông Táo có phương tiện bay về trời. Cúng xong đem ra ao làng, sông để thả.

3.2.2.2. Lễ hội

-Các trò chơi dân gian

Những năm trước cách mạng tháng 8/1945, mặc dù đời sống của người dân nghèo khổ, đến cùng cực nhưng vào mỗi dịp đầu xuân, các làng trong xã đều tổ chức các trò chơi dân gian thu hút mọi người tham gia như: Đánh đu, đánh cờ thẻ, cờ người, trò chơi cướp cù, trò chơi bơi thuyền, vật…

Qua các trò chơi, người dân như quên đi nỗi cực khổ trong cuộc sống, mối quan hệ xóm làng được tăng cường. Hoành Sơn cũng là địa phương có truyền thống sinh hoạt văn hóa nghệ thuật quần chúng khá sôi nổi như: bình thơ, diễn các tích tuồng như: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Trò Kiều, Lục Vân Tiên, Tần Hương Liễu, Trương Viên… Đây được coi là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian có tính giáo dục đạo đức thuần phong mỹ tục, tình yêu lứa đôi và từ đó nâng cao lòng yêu quê hương đất nước.

-Lễ hội mùa xuân

Hoành Sơn – Khánh Sơn xuất hiện khá sơm loại hình nghệ thuật này vòa dịp đón xuân mới, tiếng trống chèo, trống tuồng vang lên náo nức, hát để vui xuân, hát để thêm lạc quan trong đời sống, các phường hát, phường trò, phường tuồng, phường chèo với tư cách nghiệp dư, lòng đam mê nghệ thuật của một bộ phận trong nhân dân đứng ra khởi xướng và trình diễn.

Những phường tuồng, phường chèo ở các làng: Đông Sơn, Hoành Sơn, Trung Hội,…nổi tiếng cả Nam Hoa với các cở diễn: “ngọn cờ vàng”, “Lưu Bình Dương Lê:, “Nguyễn Trãi”, “Trò Kiều”, “Huệ Vân”… Đặc biệt ở đây có phường leo dây, phường múa rối (Bà con thường gọi là “trò máy”).

Trong lễ hội mùa xuân nhiều tục lệ mang đậm ý nghĩa lao động sản xuất như các tục: “Thờ nước”, “Rước thần nước”, “tế thần nước”, cầu cho thủy thần phù hộ, độ trì cho dân chúng ăn nên làm ra, mưa thuận, gió hòa…[31,18].

Khánh Sơn xa xưa có 2 lễ hội tiêu biểu, diễn ra trong năm đó là: “lễ hội đền Hầu Phan” ở Đông Sơn (Tháng 3 âm lịch) và “lễ hội đình Hoành Sơn” ở Hoành Sơn (ngày khai hạ). Trong lễ hội đều có tổ chức đấu vật, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc. Tại sân đình các quan viên, chức sắc, bô lão, lý dịch, biểu dân, được sắp xếp theo thứ tự, vị trí, trên các chiếu trải ở sân đình.

Hội đình Hoành Sơn được tổ chức vào dịp lễ kỳ phúc (tháng 2 âm lịch) để tưởng nhớ, ca ngợi Lý Nhật Quang (con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ), là vị thần thành hoàng đã có công lớn trong khai khẩn điền địa, cày cấy và đắp đê. Hội đình Hoành Sơn còn ca ngợi thông giám hầu Đặng Thạc. Ông đậu cử nhân thời vua Lê Hiển Tông (1740 – 1776) được bổ dụng làm tri huyện Kỳ Sơn, sau đó được thăng chức thống đốc thị Quảng Ngãi. Khi về hưu, ông đươc phong tước hầu, ông là người có công đứng ra khởi xướng việc huy động nhân tài, vật lực trong làng để xây dựng nên ngôi đình này (Đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia). (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Phần hội đình Hoành Sơn diễn ra đúng như mấy câu vè sau: …”Bày hàng cổ vũ xôn xao

Trong đình trò hát, ngoài rào vạn bơi Giữa sân bày đánh cờ người

Nơi thời đi ngốc, nơi thời đu tiên Nơi thời kết đốt cây đèn

Nơi thời vây hát Trương Viên, Trò Kiều Trông ra vui vẻ tră chiều…[12,362]

Tại hội đền Hầu Phan (?) Làng Đông Sơn ,ngoài trò đua thuyền như hội đình Hoành Sơn (“vạn bơi”) còn có đánh vật, múa voi, rước cờ ban ngày, rước

đèn ban đêm, trod hát bội. Ngoài ra Hoành Sơn xưa còn có các lễ hội mang ý nghĩa là động sản xuất, ước vọng đời sống ngày càng tốt đẹp, ấm no như: Lễ “khai canh”, lễ “mắc ách trâu”, nghĩa là khi làng tế hạ xong, ông chủ tế cởi đồ lễ phục, mặc một áo dài nâu, đầu chít khăn thủ rìu, ngang lưng thắt khăn điều, rồi dắt trâu béo khỏe, rất luyện đường cày đến một đám ruộng đã định sẵn gần nơi tế lễ, ông lấy bàn tay xoa xoa lên lưng trâu, mông trâu, cổ trâu, nhìn con trâu với đôi mắt âu yếm, rồi cho trâu ăn chiếc bánh chưng. Xong đâu đấy ông khoan thai mắc ách trâu vào cổ trâu, từ từ mở vài đường cày thẳng tắp theo hướng đã định.

Trong khi ông làm các việc trên, dân làng đứng ở bờ ruộng chăm chú nhìn theo, lúc ông là lễ mắc ách trâu cày và cày tượng trưng tuy không có múa hát, nhưng tiếng hát âm vẫn dìu dắt hòa với tiếng phần phật của những lá cờ ngũ hành cắm xung quanh đám ruộng.

Trâu bò sau khi làm lễ mắc ách được ăn cỗ, trước khi cho ăn, trâu, bò đã được tắm sạch sẽ. Khi cho ăn cả nhà đứng xung quanh, trẻ em thường hát bài kêu trâu, gọi nghé, gọi me.

Tục này thể hiện lòng yêu thương gia súc, nhất là trâu bò “người bạn” cùng chịu dầm mưa dãi nắng với mình, đã bao đời để làm nên thóc gọa, làm nên sự sống. Sự cảm thông sâu sắc đó vừa là lòng biết ơn, vừa là sự săn sóc trâu bò, sức kéo lại vừa có tính chất giáo dục con em phải nâng niu, bảo vệ trâu bò, bảo vệ con vật không biết nói, nhưng phục vụ vô cùng đắc lực trong cuộc sống của con người.

Cùng một loại hình với tục lệ này, còn kể thêm ở Hoành Sơn – Khánh Sơn còn có lễ “cúng cơm mới”, lễ “rước hến”, lễ “Đăng Mòi” (vào dịp tháng 2 âm lịch, đây là thời điểm hến đẻ và cá mà ngược dòng sông Lam để đẻ trứng).

Tất cả các sinh hoạt văn hóa nêu trên đều mang đậm tính cộng đồng, cổ vũ không khí lao động sản xuất, khát vọng nhiều điều tốt lành, nó đã mang sức sống văn hóa phong phú, lành mạnh, giáo dục con người trân trọng, tôn vinh những giá trị tinh thần trong cuộc sống.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng hoành sơn xã khánh sơn, huyện nam đàn, tỉnh nghệ an từ năm 1802 đến năm 1945 luận văn thạc sĩ lịch sử (Trang 59 - 64)