Sản xuất kinh tế 1 Nông nghiệp

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng hoành sơn xã khánh sơn, huyện nam đàn, tỉnh nghệ an từ năm 1802 đến năm 1945 luận văn thạc sĩ lịch sử (Trang 26 - 30)

TÌNH HÌNH SẢN XUẤT KINH TẾ VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC LÀNG HOÀNH SƠN

2.1.Sản xuất kinh tế 1 Nông nghiệp

2.1.1. Nông nghiệp

Đã bao đời rồi, người Nam Đàn nói chung và cư dân trong làng Hoành Sơn – Khánh Sơn nói riêng sống bằng nghề nông là chủ yếu và lấy nó làm nghề gốc: “Bách nghệ nông vi bản”. Vùng đất canh tác có diện tích 596 ha, nhiều vùng, nhiều loại đất khác nhau. Trong đó, đất phù sa có 176 ha, đất ao hồ, mặt nước 10,3 ha, đất lâm nghiệp là 503 ha. [28,8].

Công cụ canh tác của cư dân Hoành Sơn lúc bấy giờ cũng chẳng khác gì của bà con Nghệ Tĩnh. Trước cách mạng tháng 8, với chiếc cày chìa vôi, chiếc bừa chữ nhi, với những cái cuốc, cái bàn vét, cái vớm cái thuỗng, cái trang đất, cái gàu…thô sơ, lâu đời bà con lam lũ lao động trên những cánh đồng Nam Hoa, để làm ra lương thực, hoa màu. Do phân phối ruộng đất không đều, do bị áp bức và bóc lột bởi phong kiến và thực dân, do bị cùm trói trong những quan niệm lạc hậu, nên lao động không được giải phóng, khoa học kỹ thuật không phát triển, sức sản xuất bị kiềm chế, năng suất sản xuất không cao, nên đời sống của họ vô cùng đói khổ, đã thế thiên nhiên ở đây cũng có bề dày da diết với con người. vùng Nam Hoa nằm kẹp giữa hai con sông Lam Giang và La Giang, chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lụt, chỉ cần vài trận mưa nguồn là nước lũ đổ xuống, nước trên Thiên Nhẫn cũng đổ xuống dâng ruộng vườn, làng mạc, cuốn trôi nhà cửa, hủy hoại hoa màu.

* Trồng trọt.

-Trong nghề nông, cây lúa là chủ yếu, trải qua nhiều năm canh tác, người nông dân càng thấm sâu câu thành ngữ của cha ông để lại: "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống". Yếu tố ''nước" là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất. Ông Nguyễn Văn Minh(72 tuổi) trong xóm 2 của làng cho biết" đưa nước vào ruộng là một trong những bí quyết để mang lại sự màu mỡ và tơi xốp cho đất ruộng, giúy cây lúa phát triển".

"Muốn cây lúa phát triển tốt cần phải tiến hành bón phân. Để đạt được hiệu quả, người nông dân phải hiểu rõ tính năng của từng loại phân để dùng cho phù hợp, đồng thời thực hiện bón phân đúng liều và đúng thời điểm" ( Ông

Tạ Quang Hà trong làng). Khi cây lúa bắt đầu nở nhánh thì vấn đề chăm sóc là yếu tố quan trọng hàng đầu. Việc chăm sóc đồng ruộng phải thực hiện một cách thường xuyên và liên tục, nhằm phát hiện kịp thời những tác nhân gây hại, như: Sâu rầy, cỏ dại.., và khẳng định: Nếu không có "cần" thì việc trồng lúa sẻ không có hiệu quả, tuy yếu tố "giống" được sắp xếp sau cùng nhưng cũng rất quan trọng. Theo ông Nguyễn Văn Minh: "Tất cả các khâu , như: dẫn nước, bón phân,chăm sóc đều làm đúng phương pháp mà không có giống tốt thì kết quả thu hoạch sẻ không như mong muốn". Bốn yếu tố trên có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và luôn hỗ trợ bổ sung nhau.

Gần đây được sự đầu tư và khuyến khích của nhà nước thông qua việc xây dựng hệ thống thủy lợi, đắp đê, ngăn lũ, đưa khoa học kỷ thuật vào sản xuất… đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân thâm canh tăng vụ.Từ một năm một vụ, họ đã dần tăng lên hai rồi ba vụ, và năng suất của lúa cũng không ngừng tăng theo. Hiện nay sản lượng lúa bình quân đạt 5,5 tấn/ha/vụ.

-Sau cây lúa, tiếp đến là nghề trồng lạc, đậu, kê, vừng, đặc biệt là cây lạc. Ở Hoành Sơn, việc chọn giống được chọn ngay trên cánh đồng sắp thu hoạch. Giống được phơi cất kỹ, phơi được nắng, khô khan, đặc biệt là lạc giống, phơi cũ đúng nắng, cất kín, chống ẩm mốc, theo kinh nghiệm họ thường cất lạc giống trong chum, rồi rải một lớp trấu lên miệng chum để chống ẩm mốc, để lúc gieo trỉa: “mười hạt lên cả mười”, giống được lựa chọn, hoặc loại trừ từ lúc chưa thu hoạch nên luôn có giống tốt.Từ việc trồng lạc dẫn đến các nghề: Ép dầu lạc, làm dầu, làm thức ăn có hàm lượng đạm cao, làm bánh kẹo các loại rất phong phú. Những xưởng ép dầu lạc bằng phương pháp thủ công cũng ra đời từ đó. Khánh Sơn lại là vùng có diện tích đồng bãi gieo trồng lạc rất lớn, vì vậy nhà nào cũng biết thông thạo gieo trồng chọn giống, chăm bón cây lạc. Mùa gieo trồng và thu hoạch lạc chiếm thời gian nhiều nhất, nhanh nhất và thu hút nhiều lao động hơn cả. Nhờ đồng bãi tốt màu, thêm vào đó là kỉ thuật canh tác chọn lạc nòi, lạc giống tốt, công phu chăm bón gieo trồng lạc. Cho nên ở Khánh Sơn lạc là một nguồn lợi lớn, tăng nguồn thu nhập và nâng cao cuộc sống cho người nông dân.

-Do nằm bên lưu vực Sông Lam, nên mảnh đất Hoành Sơn còn có một lợi thế trong việc trồng mía, mía có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau từ đất xám đến đất sét nặng, nhưng thích hợp nhất là loại đất pha cát. Đi sang thực tế , tôi được tiếp xúc với cụ Nam ( 84 tuổi ở xóm 3 của làng), cụ cho biết: " Khánh Sơn cũng là vùng khá nổi về đất mía, nghề này củng không phức tạp lắm, thông thường ở đây người ta thường trồng từ tháng 1 đến tháng 4 dương lịch, muốn năng suất cao thì phải biết chọn giống, giống lấy từ ruộng 7 đến 8 tháng tuổi là tốt nhất, chặt ngang giữa lóng, không chặt sát mầm, hom mía từ 2-3 mầm tốt, trồng càng tươi càng tốt. Bốn tháng đầu khi mới trồng hoặc chặt mía, giữa 2 hàng cột trống vì vậy nên trồng xen đậu phụng hoặc đậu xanh vừa tăng thu nhập vừa nâng cao năng suất mía. Cây mía là cây thu hoạch hàng năm, nhưng để lưu gốc nhiều năm. Nếu chăm sóc bón phân tốt năng suất vụ gốc thường tăng hơn so với vụ tơ. Thời gian chăm sóc vụ gốc sớm hơn, khẩn trương hơn, thu hoạch sớm hơn vụ tơ "

Từ nghề nông, việc trồng mía dẫn đến các nghề: Kẹo che, ép mía làm mật, làm bánh kẹo…Mùa thu hoạch mía, sau một năm trồng trọt, chăm bón, đòi hỏi nhiều người đốn chặt, bốc vác chuyên chở mía, với khối lượng lớn, tiếp đến là việc ép mía với bộ trục thủ công, có sức bò kéo khỏe, có dụng cụ đun nấu mật, sau một ngày đêm, cần có nhiều người, có sức lao động nặng nhọc, có vốn liếng công cụ làm đường làm mật… Nghề ép mía, làm mật là một trong những nghề nổi tiếng của nhân dân các làng ở dọc Sông Lam trước đây. Mật Hoành Sơn nổi tiếng về màu sắc, chất lượng được tiêu thụ rộng rãi ở Chợ Rồng, Chợ Hôm, Chợ Cầu, Chợ Quán,…Người xưa có câu:

Bao giờ cho hợp một nhà Anh lo vác nứa, em chăm bò kẹo che. Hay: Mía anh thẳng luống, thẳng hàng

Đến mùa kéo mật đón nàng về chơi

Nghề ép mía, kẹo che thường kéo dài đến hết mùa đông đến cuối mùa xuân, đây là nghề bận rộn và nặng nhọc, nhưng đổi lại lại là nghề thu được nhiều lợi nhuận. Cũng từ đấy một khối lường lớn đường mật được sản xuất, đã

sinh ra một đội ngũ những phường buôn bán đường mật, chuyên chở bằng ghe thuyền, giao lưu với mọi miền gần xa.

Như vậy bên cạnh cây lúa, thì nghề trồng dâu nuôi tằm, nghề trồng lạc , đậu kê, vừng, nghề trồng mía ép mật làm đường, nghề trông cây ăn quả như: cam, bưởi, chanh, khế…Đã tăng thêm nguồn lợi nhuận và thu nhập lớn trong sản xuất của làng xã. Khi mà nền văn minh nông nghiệp trồng cây lúa nước vẫn đang còn phổ biến trong đại bộ phận dân cư vùng này.

Sản xuất nông nghiệp ở Hoành Sơn luôn luôn phải thích nghi với thời tiết biến động phức tạp, chủ yếu là gió Lào và lụt lội, vì vậy, ruộng sâu chưa mưa đã úng, ruộng cao chưa nắng đã khô. Ngoài việc thích nghi với thời tiết, nghề nông Hoành Sơn còn phải thích nghi với đất đai và giống cây, giống con. “Mùa nào thức ấy”, “đất nào cây ấy”, “tay nào nghề ấy”… Là những kinh nghiệm trong công việc chọn giống cây trồng, đất đai, chọn giống gia súc, chọn tay chăn nuôi, chọn mùa gieo trồng hợp lý.

* Chăn nuôi.

Người dân Hoành Sơn còn biết chăn nuôi từ rất sớm các loại gia súc như: lợn, trâu, bò, gà, vịt, để làm thức ăn cải thiện đời sống, lấy sức kéo và phân bón. Trước đây do không có điều kiện phòng dịch và chưa có giống tốt nên tư tưởng chăn nuôi chỉ bó hẹp, năng suất chăn nuôi rất thấp. Ngày nay đã có nhiều tiến bộ trong công tác phòng trừ dịch bệnh giống và kỹ thuật. Do đó, chăn nuôi ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là nghề nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản đang tạo nguồn thu nhập đáng kể cho kinh tế hộ gia đình ở Hoành Sơn. Hơn nữa, trong sản xuất nông nghiệp, sức cày, sức kéo chủ yếu là trâu bò nên họ lựa chọn rất kỹ lưỡng, xem tướng mục, tính nết như: “Lang o thì bán, lang trán để cày, lang mày ăn thịt, lang đít chết toi”, “mắt bò chao, đầu chào mào là bò phản chủ”. Trâu bò là tài sản quý, gần gũi với người nông dân, do đó họ xem “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Bởi vậy, họ xem con trâu như con người, nên rất được coi trọng, vì vậy, khi xây dựng chuồng trại, họ thường xây ở những nơi cao ráo, kín đáo, vừa chống sét, vừa chống nắng, thức ăn của trâu bò được lựa chọn thích hợp, ngoài đồng cỏ trên bãi tại chỗ, hàng ngày bà con

phải đi cắt cỏ xa ở các vùng xung quanh, ngoài ra, người ta còn phải phơi rơm rạ làm thức ăn dự trữ cho trâu bò vào mùa rét lụt lội.

Trong nông nghiệp có 4 yếu tố cần thiết là: Nước, phân, cần, giống tất thảy đều quan trọng nhưng đặc biệt là hai yếu tố cần và giống. Như vậy, với nền kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, cư dân Hoành Sơn đã bằng bàn tay, khối óc của mình để vươn lên trong cuộc sống, dần dần thoát khỏi cái đói, cái nghèo.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng hoành sơn xã khánh sơn, huyện nam đàn, tỉnh nghệ an từ năm 1802 đến năm 1945 luận văn thạc sĩ lịch sử (Trang 26 - 30)