ĐỜI SỐNG VĂN HÓA VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN CỦA LÀNG HOÀNH SƠN
3.2.1. Phong tục tập quán 1 Tục thờ cúng tổ tiên
3.2.1.1. Tục thờ cúng tổ tiên
Cũng như các địa phương khác trên đất nước ta, hầu hết bà con ở Khánh Sơn đều thờ cúng tổ tiên. Tổ tiên không biết bao thế hệ tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, rồi cha mẹ sinh ra mình. Đó là người phải biết ơn nghĩa sinh thành, nuôi dưỡng cha mẹ. Đã có hiếu với cha mẹ phải có hiếu với ông bà tổ tiên, cây có gốc mới xanh cành, sum suê hoa lá, nước có nguồn mới bể rộng sông dài. Con người phải có tổ tiên mới có mình. Bỏ tổ tiên, không thờ phụng tổ tiên tức là quên người gốc, tức là bất nghĩa, bất nhân. Nên nhân dân Hoành Sơn thờ cũng tổ tiên, ông bà rất thành kính, chu đáo.
Trong gia đình, ông cha ta rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên coi đó là cái gốc của đạo làm người. Tại nhà con trai trưởng phải lập bàn thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất. Bàn thờ tổ tiên phải đặt tại gian giữa, trên bàn thờ tổ được bài trí cẩn thận, nào mộc chủ, bát hương, mâm bòng, ống hương, cây đèn, … Nhà nghèo thì bàn thờ là cái án tư để mộc, nhà giàu có hương án, linh tọa, khám thờ…sơn son, thiếp vàng lộng lẫy. Ngoài ra, lại có thêm bộ tam sự, ngũ sự hoặc thất sự bằng đồng sáng loáng, trên xà nhà, mé dưới có treo tấm cửa võng bằng nỉ hay bằng vải điều, mé trên treo bức đại tự, thường là mấy chữ Hán “đức lưu quang”, nghĩa là “tỏa mãi đức sáng”, hoặc “ẩm hà tự nguyên”, nghĩa là “uống nước nhớ nguồn”, hoặc “sự như sinh” rút ra từ câu “sư tử như sự sinh” nghĩa là “thờ người đã chết, cũng như khi còn sống”. Và các tấm câu đối được treo tại cột cái, cột con hai bên làm cho nơi thờ cúng tổ tiên thêm trang nghiêm, những ngày giổ, tết, bàn thờ bày cỗ bàn, hoa trái để cúng lễ.
Ngoài việc thờ cúng trong gia đình, còn có thờ cúng của dòng họ. Dòng họ nào cũng có nơi thờ cúng chung của cả họ, nhiều họ có nhà thờ riêng như họ Nguyễn, họ Đặng, họ Tạ, họ Lê, họ Trần,… Những họ không có điều kiện xây
dựng nhà thờ họ thì nhà trưởng tộc được coi là nhà thờ họ. Trước đây, mỗi dòng họ đều có một số ruộng, gọi là “tộc điền” như họ Nguyễn có tới hơn trăm mẫu. Hầu như họ nào cũng có một khoản ruộng tế, nhiều ít tùy vào vai vế của từng họ.
Hàng năm, vào ngày giổ, thường gọi là “việc họ”, con cháu tề tựu tại nhà thờ họ đông đủ. Người đi làm ăn, sinh sống nơi xa cũng cố gắng thu xếp để về “giổ tổ”, trước ngày giổ thường được tổ chức đi “tảo mộ”, đắp điểm và thắp hương nơi phần mộ tổ tiên. Cúng tế xong, ông tộc trưởng hay một người nào đó có vai vế trong họ đọc lại gia phả cho con cháu nghe, nên nhà thờ họ, ngoài việc thờ tổ tiên, còn là nơi tập hợp những thành viên trong họ, duy trì các mối liên kết về tình cảm, huyết thống, về tôn ti trật tư, ngành nọ, ngành kia, chi này, chi khác, về lòng ngưỡng mộ, biết ơn đối với tổ tiên và những người trong họ đã làm nên, là nơi sinh hoạt để bàn về những việc trong họ như tế tự, bồi đắp mả tổ họ, tương trợ trong họ, lập gia phả họ, làm chay, vào đám…
Như vậy, ngày giổ họ vừa là dịp bày tỏ lòng biết ơn, hướng về cội nguồn, vừa là dịp đoàn tụ, thắt chặt quan hệ cộng đồng huyết thống và cũng là dịp nhắc nhở nhau phấn đấu cho sánh danh dòng họ.
3.2.1.2. Cưới xin
Việc cưới xin trước đây theo quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, và các bậc làm cha, làm mẹ luôn giữ khuôn phép “môn đăng hộ đối”, “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”. Trước đây, không ít trường hợp các cụ đã thảo thuận “gả bán” khi con cái “để chỏm”. Tục cưới xin ở Hoành Sơn cũng được thực hiện theo một tục lệ truyền thống, theo phép của làng. Để đi đến cái đích cuối cùng là hôn nhân thì phải qua các bước sau:
-Lễ vấn danh: không chỉ hỏi tên mà cả cha mẹ, dòng họ, nhất là tuổi, xem có hợp với tuổi con trai mình hay không. Tóm lại là hỏi về lí lịch mà lý lịch của cả gia đình.
-Lễ coi mặt (điểm nhân): Không chỉ coi mặt mà cả hình dung con người, coi có ốm đau, yếu đuối gì không, có đui què, mẻ sứt hay không, tóm lại có nét gì khác thường không.
-Lễ đặt trầu: Nhà trai sắm chục trầu, chai rượu đén đặt vấn đề xin phép đi lại, khi đó có cha, chú và bản thân chàng trai cùng một số người thân thiết.
-Lễ ăn hỏi: Đây là phần lớn nhất trong quá trình tiến tới lễ cưới. Lễ vật nhà trai đem đến thường là thủ lợn, xôi, cau, trầu, rượu, hoa quả, chè thuốc. Số lễ vật này đem làm cỗ báo với gia tiên. Đi cùng nhà trai trong lễ ăn hỏi gồm có cha hoặc mẹ, chú, bác, cô, dì. Bên nhà gái cũng mời những người trong thân tộc đến trao đổi, chuyện trò. Sau đó nhà gái cùng mời hai bên nội ngoại cùng ăn uống và đem số cau trầu đi biếu hàng xóm xa gần. Sau lễ này coi như người con gái đã có nơi có chốn, hai bên gia đinh đã coi nhau như thông gia.
-Xin cưới: Sau lễ ăn hỏi, nhà trai xem ngày lành, tháng tốt đem trầu, rượu đến nhà gái xin cưới. Từ ngày xin cưới đến ngày cưới thời gian phải trên dưới một tháng để hai bên chuẩn bị và định ngày, giờ đón dâu. Trước khi tổ chức lễ cưới, nhà trai phải hỏi nhà gái thách cưới với lễ vật như thế nào. Hai bên thỏa thuận, trước ngày cưới 3 - 4 ngày, nhà trai phải đem đủ lễ vật đến nhà gái.
-Lễ cưới: Đúng giờ đã chọn, nhà trai tiến hành lễ đón dâu. Ngày hôm đó, người chủ nhà trai làm lễ cáo với tứ đường, cáo với tổ tiên, lễ xong ở tứ đường mẹ đưa con gái ra tới cửa để về nhà chồng. Về đến nơi chồng dắt vợ vào nhà. Chủ nhà ra đón dâu vào làm lễ tơ hồng. Cô dâu, chú rể cùng làm lễ rồi cùng đi bàn tiệc chung vui, nhận lời chúc mừng của hai họ và bạn hữu. Sáng sớm ngày hôm sau, người con dâu vào chào bố mẹ chồng. Đến ngày thứ ba bố chồng đưa con dâu đến làm lễ ở tứ đường của họ. Ngày thứ tư, người con rể đến nhà bố mẹ vợ làm lễ lại mặt.
Ngày nay, trong những bước ấy đã lược giảm và thông thường gộp thành 3 bước cơ bản và quan trọng: Lễ dạm hỏi, lễ ăn hỏi và lễ cưới.
3.2.1.3. Tang ma
Khi nào trong gia đình có người qua đời, tục làm đám ma thường theo sách Thọ Mai. Tục này có các bước như sau: Khi đã vuốt mắt, phủ mặt, phan làm và có đôi đũa vót tua cắm trên bát cơm úp đặt bên mấy nén hương cắm trên khúc chuối.
-Lễ Khâm liệm: Có chọn giờ tốt, có khâm kép, khâm đơn, nhập quan, hú hồn (3 lần), liệng tấm thiên (đàn ông 7 lần, đàn bà 9 lần), đóng áo quan.
-Lễ thiết linh sàng: Để thờ người qua đời và cúng cơm.
-Lễ triệu tổ: Báo cáo với tổ tiên để tổ tiên biết.
-Lễ thành phục: Ban khăn áo cho thứ bậc con cháu (con thì áo trắng may vải thô, sổ gấu, đính đằng sau miếng vải nhỏ đã được xé làm ba tua, cha chết thì may áo trái sống, mẹ chết thì may áo sổ chân…).
-Lễ cúng cơm: Con cái tế tựu bên linh sàng ăn cơm trong cái sàng hay cái mẹt, ăn xong không được xỉa răng.
-Lễ tập đòn: Để đội tùy đi cho đều.
-Lễ dẫn: Tức là lễ đưa ma, có cờ tang, minh kinh, linh sa, nhà táng, có trống, kèn, nhà giàu thì có bát am phường tướng, sau khi đã quàn hai ba ngày trong nhà để tế lễ.
-Lễ hạ huyệt: Khi đến huyệt mộ, chọn giờ tốt làm lễ hạ huyệt, sau khi đắp mộ xong, con cháu tập trung đi vòng quanh mộ ba vòng để vĩnh biệt người chết.
Sau khi chôn cất xong về nhà, con cháu lập bàn thờ và cúng cơm hàng ngày, con cháu ăn gì thì dâng cúng thứ nấy, thường thì dâng cúng 49 ngày.
Đối với nhà giàu, các lễ trên nhiêu khê vô cùng, còn nhà nghèo không ít trường hợp, khi có người chết phải bó chiếu, khiêng bằng tay. Dù vẫn làm theo nghi thức “trong quan ngoài quánh” song cốt sao được “đào sâu chôn chặt”, “mả đẹp mồ yên”, được đông đảo bà con chòm xóm tiễn đưa là quý.