TÌNH HÌNH SẢN XUẤT KINH TẾ VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC LÀNG HOÀNH SƠN
2.2.2.4. Tập hợp mang tính chất “Lý tính hóa”: Giáp.
“Tập hợp giáp là một bước phát triển của tổ chức xã hội để đi đến một tổ chức hành chính với cơ chế chặt chẽ hơn. Làng như đã nói đến trên, đó là một đơn vị phi hành chính thường tập hợp theo đại cư hoặc theo dòng họ và chỉ cho nam giới phải cho hai ba họ và có nhiều ngõ, nhiều xóm trong một không gian cư dân của một làng hay xã mới thành lập một giáp”. [12,309] Giáp cử trưởng giáp hay trùm giáp, tri giáp, hương giáp. Giáp là nơi con trai đến tuổi đã vào làng hoặc chưa vào làng, phải gánh vác trực tiếp những sự sai bổ về binh lương, thuế lệ, về quan dịch, thồn dịch và được hưởng các quyền lợi mà cộng đồng hương ẩm đã quy định như được hưởng một phần công điền. Đặc biệt là những việc về ma chay, cúng tế thì sau khi có sự bàn bạc của quan viên chức sắc và lý hương đương thứ thì giáp là nơi thực hiện đầy đủ những điều khoản trong hương ước của làng. Cả việc xôi, thịt cũng phân cho giáp, chia cho giáp. Cúng tế xong của giáp nào giáp ấy hưởng, trừ một phần để kính biếu các quan viên chức sắc trong làng.
Rõ ràng giáp là một tập hợp mang tính chất “lý tính hóa”. Nhiều giáp phát triển đã biệt triệt để thành làng. Hoành Sơn trước cách mạng năm 1945, có khi gọi là xã, thực ra đó là làng hay thôn. Tuy không còn văn bản khoản ước nào còn sót lại, , song qua thực tế tìm hiểu những việc mà các giáp tại làng Hoành Sơn đã thực thi trong quá khứ thì rõ ràng các giáp đã có những điều ước nhất định. Dù không có văn bản rõ ràng, chỉ là những quy ước bằng miệng, song một điều ước vì giáp đều được các thành viên trong tập hợp giáp tuân thủ một cách triệt để.