Đời sống văn hóa vật chất 1 Ăn uống

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng hoành sơn xã khánh sơn, huyện nam đàn, tỉnh nghệ an từ năm 1802 đến năm 1945 luận văn thạc sĩ lịch sử (Trang 46 - 50)

ĐỜI SỐNG VĂN HÓA VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN CỦA LÀNG HOÀNH SƠN

3.1. Đời sống văn hóa vật chất 1 Ăn uống

3.1.1. Ăn uống

Hoành Sơn là vùng ruộng đất nhiều, nhưng phần lớn nằm trong tay các nhà địa chủ trong và ngoài xã, còn hầu hết nông dân trong xã thuộc loại nghèo, thiếu ăn triền miên, do vậy, việc ăn uống thiếu thốn cực khổ quanh năm.

Thông thường bữa ăn hàng ngày có 2 tầng lớp ăn cơm khác nhau, tầng lớp giàu có thường ăn cơm không (không độn khoai), quanh năm bốn mùa cơm trắng ăn no, cùng với các loại thức ăn thuộc loại thực phẩm đắt tiền. Riêng tầng lớp nông dân lao động ăn cơm độn khoai quanh năm, độn nhiều hay ít tùy theo từng loại gia cảnh. Còn thức ăn, quanh năm ăn với dưa nhút, tương cà, khi chẳng còn dưa cà, thì dùng gạo rang với muối giã nhỏ hoặc ăn cơm với muối trắng. Quanh năm chỉ biết mùi thịt cá trong những ngày giỗ tết, thỉnh thoảng bắt được mớ tôm tép, giam (cua) thì cả nhà mới được bữa thỏa thích nhưng cũng phải để dành cho hôm sau. Vào những lúc giáp hạt tháng 3 ngày 8 hoặc năm mất mùa thì phải rau cháo qua ngày cầm cự với cuộc sống như: ăn cháo với rau má, rau mùng, rau lang hoặc bù rợ.

Ngày nay, hàng năm cứ vào dịp hè, từ tháng 3 đến tháng 6 âm lich, người dân Hoành Sơn thường đi cào hến sông Lam về nấu canh, làm thức ăn. Hến được luộc lên , nở ra ruột trắng nõn nà như những bông cúc áo, nước luộc hến trắng màu sữa, thoang thoảng thơm. Ruột hến được đãi sạch vỏ, đem xào với

lạc rang giã nhỏ, bỏ vào một ít lá chanh thái mỏng rồi đổ vào nồi nước hến là có một nồi canh hến ngọt ngon, mát, bổ.

Những ngày hè đi làm đồng về mệt nhọc ăn với cơm hoặc ăn với khoai lang luộc, hay ăn với bánh đúc thì chẳng mấy chốc khỏe lại ngay.

Hến cũng là món nhắm rượu được nhiều người ưa thích. Khi nhà có khách đến chơi ra sông Lam xúc ít hến về luộc lên, lấy nước làm canh ăn với cơm. Ruột hến xào lên đem dùng với bánh đa giòn, vừa ăn vừa uống rượu ngon thật khoái.

Hến còn được nấu cháo cho người đau ốm. Luộc hến lên lấy nước, rồi đổ vào ít gạo nấu nhừ, đổ ruột hến vào thế là có nồi cháo thơm. Người đang ốm ăn bát cháo hến bỏ ít hành vào ăn là chóng khỏe.

Dụng cụ ăn uống đã thay đổi theo thời gian năm tháng. Càng về sau, những loại dụng cụ mới đẹp hơn, bền hơn và ngày càng tiến bộ hơn.

Đọi, bát, địa sứ là 3 thứ dụng cụ ăn uống thông dụng cả làng. Ba thứ này được làm từ đất nung, ngoài được phủ một lớp men màu xanh lá cây màu trắng nhạt, đọi bát có kích thước kiểu dáng khác nhau.

Mươn (bàn ăn) là loại bàn ăn cơm được làm bằng tre, loại mươn to, nhỏ, dài, ngắn tùy thuộc từng gia đình. Mươn có 4 cột, 4 thanh giằng dọc, 4 thanh giằng ngang. Mặt mươn là một tấm liếp đan bằng nứa hoặc tre mỏng.

Ngoài mươn còn có 1 loại mâm gỗ hình tròn, sơn màu đen, thường được dùng khi có khách hoặc giổ tết…

Ngày nay, xã hội càng phát triển thì cuộc sống con người ngày càng được nâng cao, dụng cụ ăn uống dùng bằng kim loại. Xoong, nồi, chảo bằng inốc, nhôm, bát đĩa tráng sứ men của Việt Nam, Trung Quốc… Cơm ăn 3 bữa, không phải độn khoai, gạo trắng ăn no, cùng với những loại thức ăn rau quả tươi. Trước đây, con người mong sao: “Ăn no, mặc ấm”, thì giờ đây cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu con người không dừng lại đó, mà phải “Ăn ngon, mặc đẹp”.

Bên cạnh vấn đề ăn, thì nước uống cũng là nhu cầu hàng ngày. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dân Nam Hoa thường dùng 2 loại chè: Chè xanh, chè hỗ lốn.

Chè xanh là loại chè cao cấp, nước xanh ngon, nhiều chất bổ giải nhiệt tốt, chỉ dành riêng cho gia đình khá giả dùng uống bốn mùa quanh năm. Riêng dân lao động uống nước chè xanh trong những ngày có phiên chợ Hôm, chợ Ngang. Ngày nay, bát nước chè xanh là thứ nước uống hàng ngày của dân Hoành Sơn.

Ngoài chè xanh ra, ở đây còn có một loại nước uống từ chè hỗ lốn gồm: Chè bùi và chè vằng. Là những loại cây dây leo mọc hoang ở núi có vị đắng ngọt, bổ máu, kích thích tiêu hóa, người dân Nam Hoa không những uống quanh năm mà còn dùng cho phụ nữ sau khi sinh con.

Điều đặc biệt là Khánh Sơn có một dòng suối nước khoáng thực sự quý hiếm, người Hoành Sơn – Khánh Sơn gọi là “Suối cống kẹp”. Nước ở suối này tinh khiết, vô trùng, mát, uống vào khoan khoái. Quanh năm, có hàng trăm người tới suối lấy nước về để uống thay nước chè. Trung bình mỗi ngày có tới vài ngàn lít nước được người dân trong và ngoài xã lấy về dùng.

3.1.2. Nhà ở

Nhà ở của bà con cư dân làng Hoành Sơn cũng có nhiều nét đáng chú ý. Nhà thường bốn mái, cấu trúc cái vì kép, sự phân bố điện bảo vệ nhà, hệ thống cốt cái, nhiều và thấp. Nhà giàu thường làm bằng gỗ lim, theo kiểu tứ trụ, nhưng có chạn gác khá rộng, xung quanh xây tường, mái lợp ngói vảy, ít cửa sổ, nếu có thì cửa sổ cũng nhỏ. Trước đây, nhiều nhà thưng bằng gỗ, ngoài thềm nhà còn có mái hắt sau hè và hai chái hai bên để một dãy hành lang làm cho nhiệt độ trong nhà được bình thường, đồng thời cũng tránh mưa, tránh nắng, bảo vệ cho nhà được bền vững lâu dài, bớt sự công phá của thiên nhiên. Ấy là chưa kể rèm trước, rèm sau che chắn cho thân nhà. Phải đặt nó trong một vùng gió bão lụt lội thường xuyên và nắng hè gay gắt mới hiểu hết tính khoa học và tính thiết thực của nó. Nhà ở của bà con Hoành Sơn, cũng như bà con Nam Đàn và nhân dân Xứ Nghệ đều toát lên một thế vững vàng về vật lý, một sự giản dị, vững chãi về cấu trúc nghệ thuật.

Là tứ trụ nhưng ít nhà có kẻ, có chồng hiên, có những bức bao, bức thuận…được chạm trổ công phu với những hoa văn đường chỉ mây tinh tế. Tất cả chuộng về chắc, khỏe, ít chú ý đến trang trí hoa lá, chim thú…

Do đặc thù sống bên ven sông Lam, nên kiểu nhà phổ thông ở Hoành Sơn thường là nhà hạ chạn. Nhà hạ chạn là một bước cải tiến nhà sàn miền núi, phạt hàng cột từ sân xuống, thu nhỏ lại, hạ xuống nền nhà, đục đóng các mấu kèo, đầu trếnh cho vững, bào đẽo cho phẳng phiu, làm thêm một chạn gác… chúng ta sẽ có cái nhà hạ chạn. Nhà hạ chạn đơn giản hơn nhà tứ trụ. Nhìn đường hoành xuyên suốt cả vì nhà làm cho ngôi nhà có phần nặng nề, song chúng ta không quên tính chắc, khỏe của nó và nó cũng có vẻ đẹp riêng. Phải đặt đường hoành như vậy không những để chống lại với gió bão mà còn để đặt chạn gác, cất tài sản và đề phòng khi lụt lội, cả gia đình sẽ lên đó tránh lụt.

Cả nhà hạ chạn và nhà tứ trụ, hoành tải đều thưa, song được những hàng cầu phong chắc, vững, thanh thoát làm cho mái nhà thoáng đãng, dù lợp bằng ngói vảy, ngói tây hay lá kè. Ngoài ra chúng ta còn thấy ở Hoành Sơn có kiểu nhà xóc nách và kiểu nhà ba lòng…

Nhà nghèo làm nhà bằng tranh, tre, nứa, mét, câu hát: “Nhà anh cột mét kèo tre

Tường thưng mên (phèn), ná (nứa), mái đè tóc (rạ ) rơm” [12,259].

Đã cho ta thấy phần nào căn nhà của bà con nghèo ở Hoành Sơn. Dù làm bắng tre mét, cách cấu trúc các vì kèo cũng giống như nhà hạ chạn, cố nhiên là đơn sơ hơn. Xung quanh nhà nếu không thưng bằng phên, nứa thường làm vách trách bằng đất thịt trộn với rơm băm nhỏ. Nhà làm bằng tre mét bao giờ cột nhà cũng phải chôn sâu trong lòng đất để tránh bão.

Dù là nhà hạ chạn, nhà tứ trụ, nhà xóc nách, nhà ba lòng hay nhà tranh, viêc bố trí, sắp xếp trong nhà cũng có nhiều điểm cần tìm hiểu. Nhà thường làm một, hai gian hoặc ba gian, có khi năm gian hai lồi. Nhà nào cũng ngăn đôi, nửa ngoài gian chính, đặt bàn thờ tổ tiên, trước bàn thờ có cỗ ván ngựa, hay cái giường, bộ trường kỹ hau bộ bàn ghế để tiếp khách, Hoành phi câu đối trướng… Nếu có phải treo ở ngăn ngoài. Khách quý, khách xa đến nhà ăn uống, ngủ lại đều ở ngăn ngoài. Vì thế ngăn ngoài bao giờ cũng đặt một hoặc hai cái giường. Ngăn trong là nơi sinh hoạt của gia đình, là nơi cất giữ những sản phẩm lao động do bàn tay mình làm ra, chạm gác thường đặt ở gian trong. Ngăn này có một cái buồng nhỏ cho con gái hoặc để cưới dâu.

Có gia đình dùng một đầu hồi bếp, có gia đình làm bếp riêng. Nhà giàu ngoài nhà chính còn có nhà ngang, nhà bếp, nhà kho, ràn trâu, chuồng lợn…

Đất hẹp người đông, song nhà nào cũng có vườn bao quanh. Trước là sân phơi, sân nối liền với lối ra cổng ngõ. Lối này không bao giờ nhìn thẳng vào gian chính, nhiều nhà có ao, có hàng rào bao quanh vườn. Sống theo kiểu “Làng thượng hơn nương kín” nên hàng rào bao quanh vườn cũng qua loa thôi.

3.1.3. Mặc

Trong sinh hoạt cũng như trong lao động, có 2 kiểu áo khác nhau, áo khách đàn ông khác với áo khách đan bà, xưa đàn ông mặc áo khách 5 thân, chiều dài xuống đến mông, về sau tân tiến mặc áo khách 4 thân, có 2 túi ở phía dưới, 2 thân trước, một túi nhỏ ở phía trước ngực bên trái. Áo khách đàn bà chiều dài xuống quá thắt lưng, phía dưới 2 thân trước có 2 túi nhở, cúc cài từ ngang ngực trở xuống, hở cổ. Áo ngắn đàn ông, đàn bà đều may loại vải ta (vải dệt thủ công do các gia đình trồng bông, kéo sợi, dệt vải và nhuộm nâu). Các gia đình giàu có dùng các loại vải tốt hơn, quần áo đàn ông, đàn bà mặc hàng ngày đều có nét giống nhau, áo lành, áo mới dùng để đi chơi, quần áo cũ mặc đi lao động sản xuất.

Đầu thế kỷ XX, khá đông người cao tuổi ở Hoành Sơn còn mặc khố những lúc đào gốc, đốt than, đi cày, đi cuốc, cất vó… đều đóng khố.

Còn mấn (váy) của nữ giới, thường được may bằng vải ta nhuộm màu hoặc lụa, nhà giàu may vấn bằng vóc.

Những năm cuối thế kỷ XX, trang phục của người Việt Nam nói chung cũng như người Hoành Sơn nói riêng, đã có sự giao lưu tiếp xúc với nhiều nền văn hóa tiến bộ, nên văn hóa trang phục đã được tân tiến. Trang phục mang phong cách hiện đại hơn cả người đàn ông và người đàn bà mặc áo sơ mi và quần âu.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng hoành sơn xã khánh sơn, huyện nam đàn, tỉnh nghệ an từ năm 1802 đến năm 1945 luận văn thạc sĩ lịch sử (Trang 46 - 50)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(85 trang)
w