ĐỜI SỐNG VĂN HÓA VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN CỦA LÀNG HOÀNH SƠN
3.2.1.7. Tục cổ vũ việc học
Nam Đàn là đất văn vật, có nhiều khoa bảng, nhân dân Nam Đàn thông minh, có truyền thống hiếu học và khổ học. Song để trở thành một địa phương có tiếng tăm, làng xã đóng góp phần không nhỏ.
Làng xã không đứng ra mở trường mời thầy về dạy con em học tập. Làng xã khuyến khích giúp đỡ những gia đình nào mở lớp học, không gây một chút phiền hà đối với các trường lớp tư nhân, làng xã miễn mọi phu đài, tạp dịch của nhà nước, của làng xã cho những cụ đang theo học.
Lên đường đi thi, có làng cử dân phu gánh hộ lều,chõng, có làng tự cấp tiền phí tổn. Người nào đó có tên trên bảng vàng, khi vinh quy bái tổ, cả làng quan tâm, Đỗ càng cao, mối quan tâm càng lớn. Khoán làng Hoành Sơn định lễ rước tiến sĩ: Toàn bộ dân làng, rước cử nhân chỉ có lý dịch, một số quan viên chức sắc và dân trong xóm với bà con trong họ, ngoài ra còn thêm cờ, lọng, võng, kiệu…cụ thể:
-Đậu đại khoa được đón tại tỉnh
-Đậu tú tài được đón tại chợ xã Hữu Biệt
Ngưởi thi đậu phải làm cỗ bái yết thần linh về khao làng. Nhưng nếu nhà nghèo thì những phí tín đó do họ hàng, làng xóm giúp đỡ. Đỗ càng cao, khao làng càng lớn. Ngày khao vọng, làng xã có lễ mừng.
Trong khoản ước của làng Hoành Sơn, năm Minh Mạng thứ 8 (1827) có ghi: Đậu tiến sĩ bản thân mừng thưởng 1 trâu giá tiền 10 quan, hương thi nếu trúng tứ trường, thôn thưởng 5 quan (nếu thủ khoa thêm 3 quan nữa. [12,347]
Ngoài lệ mừng bằng tiền hay hiện vật, nhiều nơi còn trích ruộng công để biếu những người đỗ đạt.
Đỗ đạt rồi thì vị thứ chốn đình trung cũng khác hẳn.
Năm Tự Đức thứ 22 (1869), xã Hoành Sơn quy định ngôi thứ chốn đình trung như sau: Trước tiên là đại khoa rồi đến các quan bố án trở lên rồi đến cử nhân và các quan phụ huyện, quan võ từ tứ phẩm, rồi đến tú tài và các quan giáo thụ, huấn đạo, quan võ từ ngũ phẩm dưới là giám sinh, cai phó tổng, kỳ lão từ 70 tuổi trở lên, rồi đến thí sinh, khóa sinh… [12,347].
Làng Hoành Sơn còn quy định đối với những bậc hương hiền khoa có công đức với dân thì sau khi chết đến ngày giổ chính cũng như ngày Nguyên Đán, lý trưởng cùng hương chức dịch đem trầu rượu đến làm lễ tại tứ đường. Làng Hoành Sơn còn dựng bia, khắc tên những người đỗ đạt đê mãi mãi lưu truyền niềm tự hào cho con cháu, cổ vũ con cháu tiếp theo cố gắng học giỏi, đỗ cao, làm rạng rỡ thêm cho làng xã.
Tóm lại, những cách thức, biện pháp để khuyến khích việc học trong làng xã ở Khánh Sơn cũng như Nam Đàn tuy mang hệ Nho giáo, mang tâm lý học để thi đỗ làm quan, tâm lý ăn trên ngồi trốc ở chốn đình làng, tâm lý kiêu hãnh về làng xã “song tiềm cần khổ học, mã thượng cẩm y hồi”, tâm lý muốn con cháu thoát khỏi sự cực nhọc của lao động chân ya… nhưng bản thân vấn đề cổ vũ việc học, đề cao người học là đề cao văn hóa và đưa những người có học ngang hàng hay cao hơn những quan lại, chức dịch thiếu văn hóa, cũng ít nhiều mang sắc thái phản ứng của làng xã.