- Đưa vào nền nếp tốt
3.1.2.2. Nguyên tắc đảm bảo tính hệ thống
Theo V.P Cu Zo Min cho hệ thống “Là một tập hợp nào đó những yếu tố có mối liên hệ lẫn nhau, tạo ra sự thống nhất ổn định, tức là một chỉnh thể”
[34,317].
Trong bài giảng Lý thuyết hệ thống trong quản lý giáo dục của PGS. TS Trần Xuân Sinh có viết về định nghĩa hệ thống theo mô tả như sau: "Hệ thống là một tập hợp các phần tử (hay bộ phận) có liên hệ với nhau, tác động qua lại với nhau một cách có quy luật để tạo thành một thể thống nhất, có thể thực hiện một số chức năng hay mục tiêu nhất định, có ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng của môi trường bên ngoài". [28,3]
Theo quan điểm duy vật biện chứng Mác - Lênin, mọi sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan đều tồn tại, vận động và phát triển trong một chỉnh thể thống nhất. Trong chỉnh thể đó các yếu tố tồn tại, vận động và phát triển trong mối quan hệ biện chứng với nhau, gắn bó, quy định lẫn nhau. Tính hệ thống là một trong những nguyên lý cơ bản của lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng.
Tổ chức thực hiện quy trình đánh giá GVMN là một chỉnh thể bao gồm các giai đoạn, các bước khác nhau. Các bước, các giai đoạn này phải liên kết, gắn bó, thống nhất với nhau và phải được sắp xếp theo một trật tự lô gic.
3.1.2.3. Nguyên tắc đảm bảo sự phát triển.
Đòi hỏi chúng ta phải thấy được những vấn đề hiện tại của việc tổ chức thực hiện quy trình đánh giá giáo viên mầm non theo chuẩn nghề nghiệp và phải đề xuất được các biện pháp mới để làm cho việc tổ chức thực hiện quy trình đánh giá giáo viên mầm non theo chuẩn nghề nghiệp được chính xác; đòi hỏi phát triển phải mang tính kế thừa những yếu tố, những giá trị tích cực của quá khứ và hiện tại; là quá trình giải quyết những mâu thuẩn nội tại trong việc tổ chức thực hiện quy trình đánh giá GVMN theo chuẩn nghề nghiệp.