Sự nở rộ của thể tài chân dung văn học trong thời gian gần đây

Một phần của tài liệu Tiểu luận và chân dung văn học của ngô văn phú luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 61 - 66)

gần đây

Có thể nói rằng sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, tinh thần đổi mới, dân chủ ở nước ta được nâng cao. Nó được thể hiện gần như trên tất cả các phương diện trong đó tôn trọng con người cá nhân, hoạt động sáng tạo nghệ thuật cũng được tôn trọng như một lĩnh vực tinh thần đặc thù. Chính điều này giúp cho văn học được phép nói tới như những điều mà trước đó không dám nói tới, không thể nói tới hoặc là có nói tới cũng không dám nói thẳng ra; cho phép mỗi con người được bộc lộ suy nghĩ, thái độ, tình cảm của mình về chân dung cuộc sống, con người. Chính bầu không khí dân chủ thật sự này đã tạo điều kiện cho thể tài chân dung văn học phát triển. Ngoài ra việc người ta có nhu cầu bàn về những cái đã qua với cái nhìn thẳng thắn, công bằng hơn về những con người – những nhà văn đã làm nên bộ mặt tinh thần của nền văn hóa Việt cũng là một yếu tố khiến văn học phát triển. Bên cạnh đó, do nhu cầu bảo lưu tư liệu giúp thế hệ sau không có cái nhìn phiến diện, méo mó về những con người, những thời kì văn học cũng tạo điều kiện cho sự phát triển của thể tài này.

Cùng với sự thay đổi của xã hội cũng như cái nhìn của con người về xã hội, đời sống văn học cũng có những chuyển biến tích cực từ đó quan niệm sáng tác cũng theo đó thay đổi theo. Văn học thực sự gắn bó với nhu cầu phản ánh chân thực về cuộc sống và con người. Đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để cho việc sáng tác chân dung ra đời và phát triển. Trên thế giới thể tài này đã ra đời khá lâu so với văn học Việt Nam. Nhiều tác phẩm được xem là tiêu biểu, mẫu mực như các chân dung văn học do André Maurois viết về các nhà văn Pháp, từ Montaigne đến L. Aragon cho thấy đó là văn học. Hoặc nữa, những chân dung do M.Gorki viết về L.Tolstoi, Chekhov, Essenin, hoặc do Stephan Zweig viết về Balzac, Dickens, Byron…, hoặc do Ehrenburg, Paoustovski viết về nhiều nhà văn và nghệ sĩ cùng thời… Nhà văn Việt Nam thực sự đã học hỏi được rất nhiều từ những ngòi bút tài năng ấy. Ở ta, dù còn thưa thớt, vẫn có thể kể những chân dung do Nguyễn Đình Thi viết về Nam Cao và Trần Đăng, do Nguyễn Tuân viết về Nguyễn Huy Tưởng và Nguyên Hồng, do Nguyễn Đức Bính viết về Hồ Xuân Hương và Ngô Tất Tố, hay trước khi thể tài này nở rộ trong văn học Việt Nam đã tồn tại những hình thức gần với nó như cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân, Nhà văn tư tưởng và phong cách của Nguyễn Đăng Mạnh…

Bắt đầu bước vào những thập niên cuối thế kỉ XX, trong một thời gian ngắn, nhiều tác phẩm chân dung văn học xuất sắc lần lượt xuất hiện trên văn đàn văn học Việt Nam. Ta có thể kể đến Cát bụi chân ai của Tô Hoài đã dựng lại một cách khá chân thực những chân dung nhà văn cùng thời của tác giả và chính con người tác giả. Đến với Nguyễn Đăng Mạnh, nhà nghiên cứu được xem là tiếp cận khá sớm với thể chân dung văn học qua các cuốn Chân dung văn học (NXB Thuận Hóa, 1990), Nhà văn VN hiện đại, chân dung và phong cách (NXB Trẻ, 2000), ta được chiêm ngưỡng hàng loạt chân dung các nhà văn, nhà thơ gạo cội của văn học Việt Nam như Hồ Chí Minh, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyên

Hồng, Nam Cao, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp, Hoài Thanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Hoàng Cầm, Quang Dũng, … Tất cả họ đều là những tác giả đầu thế kỉ XX đến nay, Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng “Đây là thời kì, trong giới cầm bút, có sự thức tỉnh sâu sắc về ý thức cá nhân. Mỗi người viết đều muốn có những tìm tòi riêng về tư tưởng và nghệ thuật, đều muốn là một tiếng nói riêng. Vì thế, trong đời sống văn học, có sự xuất hiện hang loạt cá tính, phong cách độc đáo. Hiện tượng này đã hấp dẫn tôi rất nhiều. Và tôi lao vào đây, cái chỗ mà Nguyễn Tuân gọi là “xôm” nhất này, để tìm tòi, phát hiện”. Với Vương Trí Nhàn đã khẳng định vị trí của mình ở thể tài này qua hàng loạt tập sách rất công phu như Những kiếp hoa dại

(NXB Hội nhà văn, 1993), Cây bút, đời người (NXB Trẻ, 2002), Ngoài trời lại có trời (NXB Hội nhà văn, 2003), Có những nhà văn như thế

(NXB Hội nhà văn, 2006), Cánh bướm và đóa hướng dương (NXB Phụ nữ, 2006). Tác giả Đỗ Lai Thúy với Chân trời có người bay đem đến giọng điệu mới khi dựng lại mười bảy “chân dung tinh thần, chân dung học thuật” . Nhà văn Phùng Quán lại đem đến cho người đọc bao xót xa về nhiều mảnh đời số phận mà những trang viết đều thấy bóng dáng của nhà văn một đời “dữ dội” qua Ba phút sự thật. Nguyễn Khắc Phê cũng có ý thức khắc họa chân dung khá độc đáo trong cuốn Hiện thực và sáng tạo tác phẩm văn nghệ (NXB Hội nhà văn, 2006). Trong Vài lời mở đầu

tập sách, ông tâm sự “Không phải là nhà phê bình chuyên nghiệp, lại không có được sự thông minh, hóm hỉnh như nhà thơ Trần Đăng Khoa (trong Chân dung và đối thoại) hay tinh thần can đảm như nhà thơ Trần Mạnh Hảo (trong hàng loạt sách báo đã công bố) thường chọn những tác giả và tác phẩm nổi tiếng để “mổ xẻ”, tôi chỉ viết về những con người, những cuốn sách mà mình có “duyên” được sống cùng, được gặp, được đọc trong tròn ba chục năm hoạt động văn nghệ - trong đó nhiều tác giả, tác phẩm còn ít người biết đến… Cuộc đời vốn phong phú; nhà văn

cũng như người thưởng ngoạn văn chương luôn có nhu cầu tìm hiểu các ngành nghệ thuật khác để làm giàu thêm vốn sống và vốn văn hóa của mình” [ 51,6-7]. Vì vậy, trong Hiện thực và sáng tạo tác phẩm văn nghệ,

ta được mở rộng tầm hiểu biết, tôn kính về những con người của xứ Huế mà cuộc đời và sự nghiệp khá lặng thầm. Ông bỏ rất nhiều công sức để tìm tư liệu, để chứng minh Lê Văn Miến là một họa sĩ “sinh bất phùng thời”, là người thầy của nhiều danh nhân như Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành, giáo sư Lê Thước, Lê Đình Thám, Lê Đình Dương, Trần Trọng Kim, Lê Văn Kỉ… Hay nhân kỉ niệm 100 năm ngày mất của công chúa, nữ sĩ Mai Am, ông đã chứng minh cho người đọc thấy bà là “cây bút nữ sắc sảo nhất, tài hoa nhất của xứ Huế trong nửa sau thế kỉ XIX”. Rồi ông quyết tâm đi tìm một “chỗ đứng” cho nữ sĩ Cao Ngọc Anh trong làng thơ Việt Nam; thương tiếc ngòi bút trẻ đầy tâm huyết Hải Triều; ca ngợi nhà thơ đầy chất Huế Nam Trân; khẳng định Hải Bằng, “người không ai thay thế được” trong “sân” văn nghệ Huế. Đến với Đời sống và đời viết (NXB Hội nhà văn, 2005) của nhà giáo, nhà nghiên cứu và phê bình Văn Giá, ta cũng cảm nhận được sự hài hòa, hô ứng phê bình tác phẩm với phác thảo chân dung tác giả, nhưng với một phong cách viết rất riêng. Chín bài dựng chân dung các tác giả Nguyễn Nhược Pháp, Thạch Lam, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Thâm Tâm, Hoài Thanh, Vũ Bằng, Thanh Châu, Văn Cao, đều được Văn Giá phác thảo theo mối tương quan "đời sống và đời viết". Tuy số lượng bài viết về văn học đương đại không nhiều nhưng người viết biết làm mới những vấn đề cũ, đưa đến cách cảm nhận mới, cách hình dung mới và cách dẫn giải có phần mới mẻ. Khi đánh giá lại những giá trị văn học một thời chưa xa, "tứ giác tác gia" Vũ Bằng - Nam Cao - Thạch Lam - Thâm Tâm được Văn Giá quan tâm đặc biệt. Trên thực tế, tác giả không nhằm dàn dựng tư liệu, xác định mối quan hệ giữa cuộc đời và hoàn cảnh sáng tác của nhà văn với trang văn mà chính là nhờ qua tác phẩm để hiểu rõ hơn con đường sáng tạo

nghệ thuật, hướng tới cắt nghĩa "tài năng và giới hạn của mỗi người cầm bút". Cuốn Văn khoa chân dung kí (NXB Hội nhà văn, 2006) của Hữu Đạt được viết dưới dạng chương hồi, không câu nệ thứ tự về thế hệ trước sau mà theo cảm hứng văn chương của người viết. Cuốn sách dựng lại chân dung các giáo sư Khoa Ngữ văn vẻ vang một thời của của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội). Sự hấp dẫn của cuốn sách chính là ở các sự kiện mang tính lịch sử được phản ánh qua thời gian dưới các góc nhìn đa chiều đối với mỗi tính cách và mỗi con người. Có thể nói đây là cuốn sách đầu tiên của ngành giáo dục thể hiện chân dung các giáo sư dưới dạng một bút pháp riêng vừa hài hước vừa nghiêm túc, vì sau mỗi trang đời từng giáo sư, ngoài những chi tiết đời thường huyên náo lại là sự sâu lắng của những kiến thức, lối ứng xử tinh tế như là những bài học cuộc đời. Đọc Văn khoa chân dung kí, bạn đọc càng thêm kính trọng những bậc thầy cao cả vì nghĩa, vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo được miêu tả trong sách. Không kể một số tình tiết hư cấu làm sống động thêm chất kí, PGS.TS.Hữu Đạt đã cho ta nhìn thấy một chặng đường của trí thức Việt Nam trong nửa thế kỉ từ năm 1956 đến 2006. Gần đây nhất, những người quan tâm đến thể chân dung văn học vui mừng đón nhận cuốn Chân dung văn học Việt Nam (NXB Hội Nhà văn, 2010) của Nguyên An. Đọc cuốn sách này, ta cảm nhận được sự tâm huyết của tác giả khi ông bỏ rất nhiều công sức nghiên cứu để trả lời cho được câu hỏi thế nào là chân dung văn học và đưa ra một nhận định của riêng mình về thể loại này. Nguyên An viết “Tôi lại nhớ đến chuyện Thầy bói xem voi. Mấy ông thầy trong chuyện này kể cũng đáng thông cảm chứ không đáng đem ra chê cười mà tội. Bởi vì, mỗi ông đã sờ vào một phần thân thể con voi, rồi cứ thế mà nói.” Ông còn cho rằng “mấy ông thầy trong truyện này còn có chỗ đáng khen – đấy là họ có sự trung thực”. Và Nguyên An đã trung thực như thế khi phác họa chân dung gần 20 nhà văn, nhà thơ: Tô Hoài,

Huy Cận, Vũ Cao, Nguyễn Duy, Thúy Toàn, Hữu Mai, Phùng Quán… Nếu hiểu sâu sắc về các nhà văn, chúng ta sẽ thấy đây đúng là chuyện

cái tai của Huy Cận, cái quạt của Nguyễn Duy, con đỉa của Phùng Quán… Độc đáo là ở chỗ chỉ cần phác họa một cái tai, ta vẫn nhận ra đó là Huy Cận. Đọc 250 trang sách Chân dung văn học Việt Nam, ngoài sự thú vị thấp thoáng qua gương mặt các nhà văn, ta còn nhận ra cách viết của tác giả Nguyên An mang phẩm chất viện sĩ rõ rệt từ cách đặt vấn đề chặt chẽ khúc chiết, đến giọng văn chuẩn mực, mô phạm… Ngoài những đầu sách kể trên, ta còn thấy chân dung văn học xuất hiện rất nhiều trên các báo, tạp chí.

Tất cả các tác phẩm thuộc thể tài đặc biệt này đều dựng chân dung chủ yếu theo hai hướng: Một là những chi tiết lấy từ đời sống của nhà văn; Hai là xuất phát từ tác phẩm làm hiện lên thế giới tinh thần và hình tượng con người nhà văn. Điều đặc biệt là tuy vẫn giữ những đặc điểm của thể tài chân dung song mỗi cây bút đều thể hiện theo một cách riêng. Vì vậy, có thể viết về cùng một đối tượng nhưng ở mỗi tác phẩm của từng tác giả người đọc lại phát hiện ra những mới mẻ, thú vị trên từng chân dung. Sự phát triển của thể tài chân dung văn học phụ thuộc nhiều vào những yếu tố đó.

Điểm qua một số tác phẩm tiêu biểu trên ta có thể thấy được sự nở rộ hay có thể gọi là bùng nổ của thể tài chân dung văn học góp phần làm phong phú và tạo nên những giá trị đóng góp vào sự phát triển cho nền văn học Việt Nam đương đại.

Một phần của tài liệu Tiểu luận và chân dung văn học của ngô văn phú luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 61 - 66)