Đối tượng được quan tâm xây dựng chân dung

Một phần của tài liệu Tiểu luận và chân dung văn học của ngô văn phú luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 67 - 70)

Những bức chân dung đầu tiên mà Ngô Văn phú dựng lên ta có thể kể đến là các nhà thơ. Trước hết đó là các nhà thơ tiêu biểu trong thời kì đầu như: Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Vũ Cao, Chế Lan Viên, Tế Hanh… tiếp đó là là thế hệ các nhà thơ đã khẳng định mình trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ như: Lê Anh Xuân, Xuân Thủy, Yến Lan, Xuân Quỳnh, Hồ Dzếnh… Hầu hết các nhà thơ này ngoài những chi tiết giàu tính thơ trong cuộc sống, họ đều được hiện lên qua cái nhìn của Ngô Văn Phú qua những tác phẩm thơ của họ.

Ta bắt gặp một Lưu Trọng Lư trong hình ảnh một “chiến tướng” trong phong trào Thơ mới với sự sầu mộng của mình với những Tiếng thu gói trọn cả sầu lẫn mộng, Chiếc cáng điều với nỗi niềm nuối tiếc một thời văn hóa phong kiến xưa kia đã đẩy lùi vào dĩ vãng. Qua cái nhìn của Ngô Văn phú, Lưu Trọng Lư còn hiện lên là một nhà thơ với giọng điệu rất riêng cùng với sự chuyển đổi về nhận thức sau cách mạng tháng 8 từ lối viết lãng mạn lấy cái mơ làm chủ thế sang lối viết hiện thực cách mạng lấy đời thực, lấy dân dã làm chủ thể với Tiếng hát thanh niên hay Ngò cải đơm hoa.. Cùng với những chi tiết trong cuộc sống là tập Vườn xưa, Tế Hanh đã được ông vẽ lên với niềm cảm phục “ …Thơ tình Tế Hanh hay trong bâng khuâng, trong câu, trong bài, trong những nét vụng về …”. Chế Lan Viên được hiện lên qua sự khái quát về sự chuyển đổi trong thơ từ Điêu tàn đến Ánh sáng phù sa rồi Hoa ngày thường, chim báo bão và một cuộc đời hiến dâng cho thơ ca, cho trách

nhiệm công dân với một cuộc sống đạm bạc là tấm gương soi chiếu cho thế hệ sau.

Nhà thơ điển hình cho thơ trào phúng với giọng điệu bình dân trong sáng Tú Mỡ lại được Ngô Văn Phú dựng lên với bản tính hiền lành, giản dị, sự nhiệt tình chu đáo công bằng và nghiêm túc trong cuộc sống cũng như trong công việc. Các chi tiết như việc Tú Mỡ cương quyết bảo vệ đến cùng kết quả của Mây và bông đến cuộc tranh luận nảy lửa giữa Tú Mỡ với Chế Lan Viên về thơ trào phúng… đã thể hiện rõ được điều này. Cùng với Tú Mỡ, Nguyễn Đình được dựng lên qua một bức chân dung của một con người giản dị đến luộm thuộm nhưng hồn nhiên và rất yêu thương mọi người.

Nguyễn Bính lại được hiện lên trong ấn tượng của lần đầu tiên gặp mặt với sự cảm phục mến chuộng về tài thơ và sự chân thành trong cuộc sống. Vũ Cao được hiện lên trong cái nhìn của Ngô Văn Phú qua Núi đôi với một cuộc đời dành trọn cho tình yêu quê hương đất nước, bạn bè, người thân. Một Vĩnh Mai tận tụy có trách nhiệm với công việc, quý trọng mọi người với những câu thơ mộc mạc mà thắm thiết với niềm khao khát có được một đứa con để rồi niềm khao khát ấy được thể hiện qua Tiễn con đi được ông vẽ lên với một niềm kính phục. Nhà thơ, nhà cách mạng Xuân Thủy lại được Ngô Văn Phú dựng chân dung qua việc đánh giá sự nghiệp cách mạng và văn chương của một con người suốt đời vì dân vì nước.

Hồ Dzếnh, con người sống đầy nội tâm nội lực được Ngô Văn Phú dựng lên với niềm cảm phục cái tài và cái tâm nhưng không ồn ào. Thanh Tịnh hiện lên với phong cách sống lặng lẽ khiêm tốn với một tình cảm sâu nặng với Huế, với gia đình và miền Nam. Ngô Văn Phú nhớ tới Yến Lan với một con người suốt đời sống cho thơ, với chất thơ đằm thắm phương Đông với những lời thanh, ý nhã, súc tích gợi mở trữ tình

nhưng cũng vô cùng cá tính. Với Xuân Quỳnh, nhà thơ nữ tài năng với khát khao yêu thương cháy bỏng, được giới thiệu với cách sống bản năng , bản lĩnh, đầy nghị lực với sắc thái riêng trong cuộc sống và nét nữ tính, lối nói đắm thắm, say đắm chân tình trong thơ. Ông khẳng định: “Xuân Quỳnh là người phát ngôn về tình yêu cho lớp trẻ”.

Ngoài các nhà thơ, các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu thuộc nhiều thế hệ cũng được Ngô Văn Phú dựng chân dung. Các nhà văn như: Hoài Thanh, Nam Cao, Chu Văn, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Vũ Tú Nam, Phan Tứ… được hiện lên với những nét nhỏ nhưng mỗi người lại có vẻ đẹp và mang rõ phong cách riêng của mình.

Trong Văn chương và người thưởng thức, ta sẽ thấy xuất hiện một Vân Đài qua hồi tưởng của Ngô Văn Phú với nét giản dị nhưng thanh lịch dịu dàng hiền hậu với tâm hồn đa cảm, khiêm tốn và trân trọng người tài. Nhưng đặc biệt hơn Vân Đài còn hiện lên qua những câu thơ của mình với bút pháp giản dị giọng thơ ngọt ngào êm nhẹ. Nói đến Nguyễn Tuân, người ta thường nghĩ ngay đến một cái "tôi" đặc biệt tài hoa, nhưng cũng hết sức tài tử. Trong con mắt Ngô Văn Phú, Nguyễn Tuân được hiện lên với nét tài hoa thường thấy bằng những câu chuyện về cuộc đời và văn chương của Vang bóng một thời như phóng khoáng, tự tin với phong độ ung dung đĩnh đạc. Một Nguyễn Tuân yêu tài năng trong các mảng hội họa, âm nhạc. Với cái nhìn của một cậu học trò, con người tài hoa ấy được kể lại trên cả quá trình sáng tạo của mình cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Cũng như Nguyễn Tuân, nhà văn Nam Cao cũng được tái hiện trên cuộc đời văn chương của mình từ những tác phẩm đầu tiên được đăng rải rác trên báo Tiểu thuyết thứ bảy tới những tác phẩm khẳng định bút danh Nam Cao. Bút pháp Nam Cao cũng được Ngô Văn Phú giới thiệu qua cái nhìn của mình “…là một bút pháp dồi dào nội lực…” với lối sống nhiệt thành mạnh mẽ. Nhà văn Nguyên Hồng lại

được hiện lên là một nhân cách lớn với một phong cách bình dân với sở thích mê thịt chó, uống rượu tăm, thích đọc những đoạn văn hay cho người khác nghe; quý trọng cái tài của người khác; quan tâm nhiều tới mọi người mà ít quan tâm đến mình… Trong Văn chương và người thưởng thức ta còn bắt gặp một Phan Tứ lầm lụi sống, đầy trách nhiệm, chiến đấu với bệnh tật vì những trang văn của mình, một Phan Tứ đến những phút cuối của cuộc đời mình vẫn chưa thanh thản về những trang viết cuối của mình.

Hầu hết những chân dung mà Ngô Văn phú xây dựng đều là những nhà văn, nhà thơ có sự gắn bó nhất định với tác giả trong công việc và trong cuộc sống.

Một phần của tài liệu Tiểu luận và chân dung văn học của ngô văn phú luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 67 - 70)