Nguyên nhân những mặt yếu

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề tại trường cao đẳng kỹ thuật cao thắng tp hồ chí minh (Trang 77)

-Việc hạn chế về quyền tự chủ ảnh hưởng rất nhiều đến công tác quản lý đội ngũ GVDN (ĐTB: 2.74). Là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương quản lý, nhà trường vẫn còn nhiều phụ thuộc và bị động trong công tác quản lý cán bộ, như công tác quy hoạch, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, … Lãnh đạo nhà trường chưa tích cực tham mưu với lãnh đạo các cấp, tranh thủ sự giúp đỡ của các Sở, Ban, Ngành trong thành phố, các đơn vị trong và ngoài thành phố.

-Điều kiện về cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của nhà trường ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý đội ngũ GVDN (ĐTB: 2.66). Những năm qua Bộ Công Thương đã cấp kinh phí sửa chữa, trang bị mới nhiều phương tiện, thiết bị hỗ trợ dạy học. Khoảng 70% phòng học có trang bị máy chiếu và kết nối internet, 5 phòng internet, thư viện được xây mới và bổ sung đa dạng sách tham khảo, tài liệu học tập, giảng dạy, … tuy nhiên do số lớp tăng nên việc thiếu phòng học, giảng đường vẫn xảy ra, công tác phục vụ cho việc sửa chữa máy móc, thiết bị hỗ trợ dạy học chưa kịp thời, … làm ảnh hưởng đến công tác đào tạo của nhà trường.

-Việc chưa có chính sách thu hút và giữ chân GV trẻ có trình độ chuyên môn cao cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đội ngũ GVDN và công tác quản lý GV (ĐTB: 2.73). Với nguồn ngân sách còn phụ thuộc quá nhiều vào nhà nước nên nhà trường cũng chưa có chính sách để thu hút cũng như giữ chân GV giỏi. Một số GV sau khi đi học sau đại học về đã nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Lý do một phần là

điều kiện thu nhập của đội ngũ GVDN nhà trường thấp, ngoài lương thì nhà trường chưa có thêm chế độ hỗ trợ nào khác.

-Cũng như chính sách thu hút GV, chế độ đãi ngộ của nhà trường còn hạn chế. Kết quả khảo sát cho thấy việc thực hiện chế độ đãi ngộ thỏa đáng ảnh hưởng đến công tác quản lý đội ngũ GVDN (ĐTB: 2.71). Mặc dù, nhà trường có nhiều cố gắng tạo điều kiện cho GVDN được hưởng các chế độ chính sách: như cấp phòng ở khu tập thể cho đội ngũ GVDN trẻ, thu nhập thấp; hỗ trợ hiếu-hỷ, hỗ trở GV đi đào tạo, bồi dưỡng, … nhưng việc huy động các nguồn lực về tài chính của nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, nhà trường chưa có nhiều nguồn thu nên việc thực hiện các chế độ đãi ngộ còn bị hạn chế.

-Việc chưa tự chủ về biên chế cũng gây nhiều khó khăn cho công tác tuyển dụng, sử dụng, điều động GVDN. Kết quả khảo sát cho thấy, tiêu chí này ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả quản lý đội ngũ GVDN (ĐTB: 2.74). Sự phụ thuộc vào việc giao biên chế hàng năm của Bộ làm cho việc thực hiện các biện pháp quản lý trở nên bị động.

-Theo kết quả khảo sát, nguồn kinh phí thực hiện các giải pháp quản lý còn hạn hẹp ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý đội ngũ GVDN (ĐTB: 2.56). Mặc dù đã thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP nhưng Hiệu Trưởng vẫn chưa toàn quyền chủ động trong kế hoạch chi tiêu, vẫn bị ràng buộc bởi nhiều quy định khác. Những khó khăn về tài chính cũng là trở ngại đáng kể cho công tác quản lý đội ngũ GVDN nhà trường.

-Một số GVDN chưa đạt chuẩn về yêu cầu nghiệp vụ của ngạch cũng ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, theo kết quả khảo sát là ảnh hưởng nhiều (ĐTB: 2.54). Có thể nói năng lực sư phạm, năng lực dạy nghề ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả công tác của từng GV và tập thể. Kể từ năm 2006 đến nay, do nhà trường đẩy nhanh việc mở rộng các ngành học mới, tiến tới trở thành trường đào tạo đa ngành nên trong quá trình tuyển dụng phải tuyển nhiều GVDN chưa qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm kỹ thuật, chưa đủ tiêu chuẩn hành nghề theo quy định của Luật Giáo dục. Sau khi tuyển dụng một số GVDN đã tự học và hoàn thành chương trình bồi dưỡng

nghiệp vụ sư phạm kỹ thuật, số còn lại nhà trường sẽ có kế hoạch để GVDN được tham dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm kỹ thuật.

-Qua kết quả khảo sát vấn để về trình độ quản lý của cán bộ quản lý không đồng đều; Đội ngũ cán bộ Phòng - Khoa ít được bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý ảnh hưởng nhiều đến công tác Quản lý đội ngũ GVDN nhà trường (ĐTB: 2.63 và 2.61). Đội ngũ cán bộ quản lý cao cấp của nhà trường chủ yếu được đề bạt từ thực tiễn hoạt động giảng dạy, đa số chưa được bồi dưỡng về công tác quản lý dẫn đến hiệu quả quản lý chưa cao.

Kết luận chương 2

Xuất phát từ cơ sở lý luận ở chương 1, tác giả đã đi sâu phân tích, đánh giá thực trạng công tác quản lý chất lượng đội ngũ GVDN ở Trường CĐKT Cao Thắng – Thành phố Hồ Chí Minh. Trong chương này tác giả đã trình bày cụ thể quá trình phát triển của nhà trường và nêu bật quá trình quản lý đội ngũ giáo viên dạy nghề kể cả về số lượng và chất lượng. Thế nhưng bên cạnh những thành công, thực trạng ở nhà trường cũng đã bộc lộ những mặt hạn chế, khó khăn, bất cập. Tác giả đã chỉ rõ những bất cập, khó khăn đó và đi sâu phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan để từ đó đề ra những giải pháp khắc phục thể hiện ở chương 3.

CHƯƠNG 3

MỘT SỐ GIẢI PHÁP QUẢN LÝ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN DẠY NGHỀ Ở TRƯỜNG CĐKT CAO THẮNG

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 3.1 Các nguyên tắc xây dựng giải pháp

Việc đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ GVDN dựa trên những nguyên tắc sau đây:

3.1.1. Nguyên tắc đảm bảo tính mục tiêu

Nguyên tắc này đòi hỏi những giải pháp được đề xuất phải hướng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ GVDN ở Trường CĐKT Cao Thắng – Thành phố Hồ Chí Minh, gắn chất lượng đội ngũ GVDN với đổi mới giáo dục, thực hiện chiến lược phát triển giáo dục 2010 - 2015.

3.1.2. Nguyên tắc đảm bảo tính toàn diện

Nguyên tắc này đòi hỏi những giải pháp được đề xuất phải tác động lên quá trình bồi dưỡng, quản lý, đào tạo lại GVDN, đồng thời phải tác động lên hệ thống chính sách cũng như những điều kiện cho hoạt động sư phạm của GVDN.

3.1.3. Nguyên tắc đảm bảo tính hiệu quả

Nguyên tắc này đòi hỏi những giải pháp được đề xuất phải đem lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ GVDN ở Trường CĐKT Cao Thắng – Thành phố Hồ Chí Minh

3.1.4. Nguyên tắc đảm bảo tính khả thi

Nguyên tắc này đòi hỏi những giải pháp được đề xuất phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương, của trường và yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo nói chung và đào tạo nghề nói riêng trong giai đoạn hiện nay.

3.2. Một số giải pháp quản lý nâng cao chất lượng đội ngũ GVDN ở Trường CĐKT Cao Thắng – Thành phố Hồ Chí Minh.

3.2.1. Thực hiện tốt công tác quy hoạch đội ngũ GVDN

* Mục tiêu

Muốn xây dựng và quản lý đội ngũ thì trước hết phải định hình đội ngũ đó. Nghị quyết TW3 khóa VIII khẳng định “Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, đảm bảo công tác cán bộ đi vào nề nếp”

Điều 65 Luật Cán bộ công chức quy định nội dung quản lý cán bộ, công chức bao gồm: “Xây dựng kế hoạch, quy hoạch cán bộ, công chức”.

Việc lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng và quản lý đội ngũ GVDN phải dựa trên quy mô đào tạo được Bộ giao hằng năm, dựa trên cơ sở thực trạng đội ngũ GVDN của nhà trường và trên cơ sở mục tiêu của nhà trường đặt ra, để đáp ứng yêu cầu của địa phương về ngành nghề đang thiếu, đáp ứng nguồn nhân lực của các ngành khác trong khu vực, lãnh đạo nhà trường cần xây dựng quy hoạch đội ngũ GVDN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nhà trường. Công tác này phải đảm bảo mục tiêu, đảm bảo về số lượng và chất lượng đội ngũ GVDN, có cơ cấu đội ngũ hợp lý và chất lượng cao, cụ thể:

+ Đảm bảo cân đối số lượng các môn, tiến tới 100% GV đạt chuẩn và vượt chuẩn về trình độ, tăng số lượng giảng viên chính vào năm 2015; giảm việc thừa và thiếu về GV, giảm việc dạy vượt chuẩn quá nhiều hoặc phải mời quá nhiều GV gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

+ Phải dựa trên cơ sở thực trạng về cơ cấu đội ngũ GVDN và trình độ đội ngũ, … để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng sao cho phù hợp, cân đối tránh tình trạng thiếu hụt cục bộ ở các Khoa cũng như ở các Bộ môn.

Cần tiếp tục thực hiện chỉ thị 40/TƯ của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Làm tốt công tác quy hoạch và đào tạo nguồn cán bộ, từ đó xây dựng quy định nội bộ về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GVDN theo phân cấp, đảm bảo sự công bằng trong lĩnh vực này, để mọi thành viên trong trường đều có nghĩa vụ và quyền lợi trong việc đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu về ngạch, bậc viên chức và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Bên việc quan tâm, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ GVDN cần quan tâm, bồi dưỡng nghiệp vụ cho viên chức thừa hành.

* Nội dung:

- Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình về tư tưởng và chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ GVDN.

Việc Hiệu Trưởng lãnh đạo các đơn vị thông qua nhiều kênh thông tin kết hợp với việc bám sát thực tiễn, theo dõi, nắm chắc tình hình về tư tưởng và chuyên môn

nghiệp vụ của đội ngũ GVDN là điều kiện quan trọng để tìm ra điểm mạnh, điểm yếu về từng mặt của từng cá nhân, của từng đơn vị và của cả tập thể, từ đó nhà trường có những biện pháp nhằm phát huy hết năng lực của đội ngũ GVDN, chọn lọc những nội dung phục vụ cho mục đích bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ GVDN hoặc có những quyết định điều chỉnh kịp thời. Việc tìm hiểu và nắm bắt tình hình đội ngũ GVDN là biện pháp thường xuyên nhưng cũng phải có chọn lọc, trọng tâm theo đối tượng, loại hình cán bộ hay từng mặt phẩm chất, năng lực của GV trong thời gian nhất định, đặc biệt là xu hướng phát triển nhân cách và hướng đào tạo, bồi dưỡng cho GV.

- Sắp xếp tổ chức và biên chế đội ngũ GVDN phù hợp với nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị trong trường

Quy hoạch đội ngũ GVDN là nội dung quan trọng trong công tác cán bộ. Quy hoạch đội ngũ GVDN phải xuất phát từ nhiệm vụ đào tạo của nhà trường, trên cơ sở đội ngũ GVDN hiện có và quy mô đào tạo để quy hoạch, dự nguồn cán bộ GV phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của nhà trường. Vì thế, trong từng giai đoạn cụ thể, từng năm học, từng kỳ học lãnh đạo nhà trường cần rà soát lại đội ngũ GVDN nhà trường để có kế hoạch tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ GVDN hợp lý cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu cho các đơn vị trong trường.

Trong mỗi giai đoạn phát triển cụ thể của nhà trường, việc quy hoạch cần được tiến hành thường xuyên, cụ thể thông qua xây dựng, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ. Công tác quy hoạch cần được tiến hành nhiều lần, qua nhiều bước. Đảng Ủy, Ban Giám Hiệu nhà trường căn cứ vào nhu cầu công tác và đội ngũ GVDN hiện có để quy hoạch tổng thể, mang tính chiến lược và cả những quy hoạch ngắn hạn nhằm đáp ứng kịp thời những nhiệm vụ của nhà trường hiện tại cũng như tương lai.

Tiến hành rà soát lại chức năng nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc trong trường để xem nhiệm vụ nào phù hợp, nhiệm vụ nào trùng lặp giữa các đơn vị để có những điều chỉnh, bổ sung hợp lý.

Rà soát, bố trí lại đội ngũ GVDN sau mỗi năm học, mỗi giai đoạn cụ thể là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các nhà trường, các cấp ủy Đảng, Ban Giám Hiệu cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Sau mỗi năm học, số lượng

GVDN nhà trường thường biến động. Vì vậy, việc rà soát, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ GVDN sau mỗi năm học là việc hết sức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra và phù hợp với năng lực, nguyện vọng và hoàn cảnh riêng. Đồng thời phù hợp với cơ cấu chức năng hoạt động của nhà trường là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý đội ngũ GVDN.

- Làm tốt công tác dự báo nhu cầu và xây dựng kế hoạch quản lý đội ngũ GVDN tầm nhìn từ 5 đến 10 năm

Việc quy hoạch luôn gắn liền với công tác dự báo. Công tác dự báo nhu cầu thường xuyên về GV có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp nhà trường chủ động đảm bảo số lượng GV phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Qua khảo sát thực trạng quản lý đội ngũ GV Trường CĐKT Cao Thắng thì việc dự báo quy mô phát triển giáo dục – đào tạo nói chung và đội ngũ GVDN nói riêng chưa mang tính chiến lược, chưa có phương pháp và kế hoạch cụ thể.

Trong thời gian vừa qua, nhà trường đã xây dựng kế hoạch đào tạo từ năm 2011 đến năm 2015 theo sự chỉ đạo của Bộ Công Thương trong đó xây dựng kế hoạch, xác định số lượng HS, SV; số lượng GV ở các trình độ, học hàm, học vị; cơ sở vật chất trong 5 năm tới. Nhưng việc xây dựng kế hoạch dựa trên suy tính chủ quan, chứ chưa thông qua một quy trình dự báo nào.

Hiện nay, Trường CĐKT Cao Thắng đang thực hiện đề án nâng cấp Trường thành Trường Đại học kỹ thuật. Theo đó nhà trường sẽ đào tạo đa ngành, đa hệ. Vì thế, lãnh đạo trường cần tiến hành tốt công tác dự báo cho từng năm học, từng giai đoạn cụ thể về quy mô đào tạo của nhà trường, về các ngành đào tạo, và số lượng của từng ngành, từng hệ. Trên cơ sở đó tính toán, dự báo về số lượng GVDN cho từng môn học, từng ngành đào tạo, từng hệ đào tạo cụ thể, từ đó lựa chọn phương án phù hợp nhất.

Muốn dự báo chính xác nhu cầu giáo viên cho từng năm, từng giai đoạn cụ thể lãnh đạo nhà trường cần tiến hành điều tra, phân tích một số vấn đề liên quan mật thiết như: xác định nhu cầu xã hội và khả năng thu hút học sinh, sinh viên của nhà trường trong tương quan so sánh với các trường dạy nghề khác trong cả nước và với các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố và khu vực; Nắm vững quy định của nhà

nước về tỷ lệ số sinh viên/GV; Dự tính được tải trọng chuyên môn hay số giờ dạy/năm mà GV phải đảm nhận. Xác định cơ cấu độ tuổi của đội ngũ GVDN nhà trường để tính tỷ lệ hao hụt GV qua từng năm từng giai đoạn từ đó có kế hoạch bổ sung, thay thế; Và xác định cơ cấu trình độ đội ngũ GVDN trong giai đoạn hiện tại và vai trò, vị trí, yêu cầu về phẩm chất, năng lực của đội ngũ GVDN trong giai đoạn phát triển tiếp theo của nhà trường.

Công tác dự báo, quy hoạch đội ngũ GVDN có thể đặt mục tiêu trong tầm nhìn từ 1 đến 2 năm, 3 đến 5 năm, 5 đến 10 năm, … Việc dự báo, quy hoạch này phải phù hợp với quy mô số lượng học sinh, sinh viên của nhà trường với các chuyên ngành đào tạo để đáp ứng kịp thời nhu cầu giáo dục của khu vực, của địa phương

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề tại trường cao đẳng kỹ thuật cao thắng tp hồ chí minh (Trang 77)

w