Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ GVDN

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề tại trường cao đẳng kỹ thuật cao thắng tp hồ chí minh (Trang 31)

Đào tạo là quá trình hoạt động có mục đích, có tổ chức hình thành và phát triển hệ thống các tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, thái độ để hoàn thiện nhân cách cho mỗi cá nhân, tạo điều kiện cho họ có thể vào đời hành nghề một cách năng xuất, hiệu quả [31].

Tổ chức Văn hóa khoa học giáo dục Liên Hiệp quốc (UNESCO) định nghĩa: “ Bồi dưỡng với ý nghĩa nâng cao nghề nghiệp. Quá trình này chỉ diễn ra khi cá nhân và tổ chức có nhu cầu nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ của bản thân nhằm đáp ứng nhu cầu lao động nghề nghiệp” [22]. Bồi dưỡng có thể coi là quá trình cập nhật kiến thức và kỹ năng còn thiếu hoặc lạc hậu trong một cấp học, bậc học và trường học được xác nhận bằng một chứng chỉ.

Đào tạo và bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ GVDN thực chất là xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho giáo dục. Đào tạo và bồi dưỡng là hai mặt của một thể thống nhất, trong đó bồi dưỡng GVDN với ý nghĩa đào tạo tiếp tục là yêu cầu cấp thiết để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đổi mới cơ cấu tri thức. Vì vậy người lãnh đạo phải nhận thức đúng đắn mối quan hệ bản chất giữa “dùng người” và “bồi dưỡng người”, “bồi dưỡng người” là để “dùng người” tốt hơn nữa, người quản lý phải có tầm nhìn chiến lược, phải coi trọng việc đầu tư trí tuệ cho đội ngũ GVDN và CBQGD.

Xã hội hiện nay đang hướng tới xây dựng “một xã hội học tập” và “học tập suốt đời” thì việc đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng là điều tất yếu và nó phải trở thành nhu cầu của mỗi cá nhân. Trong bối cảnh đất nước hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GVDN càng phải được chú trọng hơn lúc nào hết.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề tại trường cao đẳng kỹ thuật cao thắng tp hồ chí minh (Trang 31)