Vũ Bằng viết về những người bạn cũng là một cách để giải tỏa nỗi lòng của mình trong khoảng thời gian xa cách bạn bè, quê hương xứ Bắc.
Do chân dung văn học của Vũ Bằng được viết bằng tình cảm chân thực nên giọng điệu tâm tình xuất hiện hầu hết các trang viết. Mở đầu các bài viết Vũ Bằng thường miêu tả về khung cảnh thiên nhiên, sau đó kể một câu chuyện hay một số sự kiện để cho biết quan hệ giữa mình với đối tượng, hoặc lời giải bày tâm trạng trước một con người nào đó. Chẳng hạn viết về Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng tâm sự “có những giây phút ở đời này, thật lạ, tự nhiên vì những cớ không đâu, người ta bỗng nhớ tới một cảnh chiều, một câu văn, một linh hồn - thường thường là nhớ đến một nỗi buồn hiu hắt đã qua, nhưng cũng có lúc người ta sầu quá mà liên tưởng tới một chuyện trào lộng khác những lúc đó lòng người dễ chan chứa một nỗi buồn day dứt. Tôi nghĩ gì bây giờ là nghĩ đến những kiếp sống không may, có tài mà không đắc dụng, suốt đời sống một cách bấn bách để đến khi chết không nhắm được mắt vì còn vương lại biết bao nhiêu gánh nặng. Bạn tôi, Vũ Trọng Phụng, chính là một trong số những người không may đó” [16, 7].
Đi vào câu chuyện bằng cách này sẽ giúp nhà văn thuận lợi để bộc lộ lòng mình Vũ Bằng sử dụng kiểu câu cảm thán, câu hỏi tu từ để thể hiện cảm xúc tâm trạng của mình “xót xa thay cho Phụng!”, “Đau đớn thay cho Phụng, anh ta còn làm gì ra tiền nữa đâu mà ăn chơi? Khi nào mà nợ ân, nợ nghĩa gì ai, Phụng mời người ta đi ăn được mấy cái tỉm - xắm - báo hay một bát ngầu - nhục - phở thì đã là một thành tích đãi khách nghê gớm quá…” [16, 13]. Trang văn thể hiện được tâm trạng xót xa cùng niềm thương cảm của mình đối với bạn bè và khiến người đọc xúc động. Ngoài ra tác giả còn sử dụng giọng điệu trào lộng, hài hước, giọng lập luận phân tích để làm nổi bật hình dáng và tính cách của các chân dung văn học.
Vũ Bằng nhiều lần sử dụng nghệ thuật “điểm nhãn”, tức là qua một vài chi tiết đặc tính tạo nên những nét đặc sắc của đời sống tinh thần nhà văn và phong cách văn chương tác giả đó. Bút pháp này rất phù hợp với thể chân
dung văn học. Chẳng hạn, Vũ Bằng viết về Thạch Lam: “một người tôn thờ nhân bản thực sự, một người thương yêu xót xa đồng bào từ tâm can tì phế thương ra”. Đặc trưng của Thạch Lam là viết những cảnh đời đen tối “u sầu như thế mà văn không đen tối u buồn như Gorki của Nga hay như Nguyên Hồng của ta, làm cho ta nản sống; trái lại văn anh vẫn tươi sáng, nhẹ nhàng, mà đẹp, làm cho người đọc cảm thấy buồn dìu dịu, những triền miên, buồn chung cho kiếp người chớ không buồn đến uất ức, sinh ra phẫn uất vì chế độ” (Bình “đào lê mỹ tửu” của Thạch Lam). Theo Vũ Bằng, Văn Cao là một “văn nghệ sĩ đầy mâu thuẫn”, “quả có hai Văn Cao thực: một Văn Cao nghệ sĩ và một Văn Cao xã hội”, “Văn Cao quả là một người tài hoa số một” (Văn Cao: một nghệ sĩ tài hoa, có hai đầu mà không nói được). Và những ai đã đọc văn
Nam Cao thì hẳn chia sẻ với cảm nhận này của Vũ Bằng: “Nhiều khi đọc xong một truyện của anh tôi lấy làm “quái lạ” sao người ta lại có thể lẩm cẩm và tài tình như thế, sao lại có thể chọn lựa những hình ảnh, những danh từ “mả” thế, sao lại có thể tạo một truyện giản dị mà lạ lùng đến thế…” (Nam Cao: nhà văn không biết khóc). Rất có thể có những nội dung tinh gọn theo
kiểu “điểm nhãn” đó bao giờ cũng là một bộ phận tự nhiên, tất yếu của một hệ thống, “hệ thống Vũ Bằng”.
Bút pháp điểm nhãn này là được văn sĩ họ Vũ sử dụng với một ý thức cao độ. Điều này một phần được biểu lộ ở nhan đề các chân dung văn học. Ngoài những nhan đề vừa dẫn, có thể kể thêm: Cái tài, cái tật của Vũ Trọng
Phụng; Thâm Tâm: Nhà phù thủy hô sóng vào lòng và Gọi hoàng hôn lên mắt; Tản Đà uống rượu làm cho tôi say đến bây giờ; Song An Hoàng Ngọc Phách: Người của một cuốn sách; Nguyễn Tuân: Đứa con nuông của thiên thần và ác quỷ… Nghệ thuật điểm nhãn thành công ở nhiều bài nhưng có lẽ thành công
nhất ở bài viết về con người và văn chương Hữu Loan. Có những câu văn gọn và sắc, đích đáng như vết khắc của người nghệ sĩ tài năng, đã đọc thì không thể quên được, ví dụ: “Đèo cả có nhiều câu thơ bi hùng như thơ Đỗ Phủ”.
Vũ Bằng là nhà văn, nhà báo và nhà khảo cứu. Các chân dung văn học do tác giả sáng tạo cũng phản ánh tính chất “nhiều nhà trong một nhà” này. Hiển nhiên, nổi trội nhất vẫn là tư cách người viết văn xuôi. Văn hào M.Gorki từng khẳng định rằng quan trọng nhất đối với người viết văn xuôi là khả năng miêu tả con người một cách sinh động, bởi vậy ai không có khả năng này thì nên chuyển sang nghề khác. Năng lực đặc trưng này không phải chỉ được hình thành tiên thiên mà còn phải luôn được bổ sung mài dũa trong quá trình quan sát cuộc sống và con người. Lênin từng khen ngợi một nhà văn miêu tả một người đói cứ như tác giả này chưa từng được ăn no bao giờ, trong khi Người biết rằng đó là một nhà văn có đời sống phong lưu. Ở trường hợp M.Gorki, khả năng thể hiện con người một cách sinh động đã khiến cho văn hào tạo nên những tác phẩm kinh điển như Người mẹ, bộ ba tác phẩm tự thuật… Không những thế, năng lực quý báu ấy còn giúp nhà văn viết nên những chân dung văn học được coi là mẫu mực.
Năng lực quan sát và thể hiện con người của Vũ Bằng bộc lộ rõ nhất khi nhà văn thể hiện những con người có những nét đối lập. Chẳng hạn nhà văn tái tạo hình tượng học giả Nguyễn Văn Tố, một học giả uyên thâm, có trí nhớ siêu việt: “Ông không bao giờ nói vu vơ, nói có sách mách có chứng, bao giờ cũng ghi chú chữ này ở cuốn sách nào, chương, dòng mấy, câu kia ở cuốn sách in năm nào, ở đâu và ở dòng thứ mấy. Nhiều người đọc thấy thế phát sợ và tự hỏi cứ tra cứu như thế thì viết mấy tháng mới xong một bài, sự thật đâu có thế: Tất cả những lời ghi chú ấy Nguyễn Văn Tố đều thuộc lòng” nhưng “nhiều khi việc rất thường xảy ra một hai tiếng đồng hồ trước ông quên liền” khiến bà Nguyễn Văn Tố phải phàn nàn “ông như người mất hồn” (Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố nhà học giả
thứ…thiệt). Trong tập chân dung văn học này, Vũ Bằng đã thể hiện thành
công hình tượng những con người làm nên những điều kỳ diệu vì biết tập trung tinh lực cho một công việc lao động tinh thần như vậy. Chẳng hạn hình tượng Vũ Trọng Phụng “không đủ ăn, không đủ mặc, không đủ ở, anh ta
trong suốt cả cuộc đời vẫn cứ âm thầm sống để mà viết sách” (Cảm nhớ Vũ
Trọng Phụng).
Năng lực sử dụng ngôn từ của Vũ Bằng cũng thể hiện ở chỗ nhà văn tạo cho mỗi văn bản một âm hưởng phù hợp với tính cách và số phận được tái hiện. Sự khác biệt này thấy rõ nhất ở các văn bản thể hiện ba con người có nhiều điểm khác biệt: Vũ Trọng Phụng, Vũ Đình Long và Hữu Loan. Hai văn bản viết về Vũ Trọng Phụng sử dụng nhiều câu cảm thán, nhiều lập luận xoay trở vấn đề. Văn phong trong văn bản viết về Vũ Đình Long bình thường còn Văn bản viết về Hữu Loan khoáng đạt không có văn bản nào tương tự.
Tâm thế nhà báo và nhà khảo cứu của Vũ Bằng thường xuyên hiện hữu khi tác giả viết các chân dung văn học. Trước hết, chúng ta hãy để ý đến nhan đề các chân dung: Tất cả chúng đều là những cụm từ mà gần như vẹn nghĩa, thậm chí có khi là một câu với đầy đủ thành phần. Hai nhan đề ngắn nhất là
Cảm nhớ Vũ Trọng Phụng; Có hai Nguyễn Bính. Một số nhan đề khác: Phong Di Vũ Đình Long, ông tiên trong động Tân Dân; Về một truyện dài nổi tiếng của Ngô Tất Tố: truyện “Tắt đèn”; Tưởng nhớ một bậc thầy: Quan Thành Nguyễn Văn Vĩnh… Có những nhan đề rõ phong cách báo chí: Giải một nghi vấn: Thâm Tâm và T.T.Kh; Tất cả sự thật về nhà thơ Trần Quang Dũng… Điều
này thật khác với nhan đề của chân dung văn học do một số tác giả khác viết. M.Gorki chẳng hạn, ông đặt tên cho chân dung văn học bằng tên của nhân vật được thể hiện.
Tư duy báo chí và tư duy khảo cứu thể hiện rõ nhất ở những bài mà nội dung được chia thành các tiểu mục. Có 20/26 văn bản được trình bày theo lối này. Chẳng hạn bài Song An Hoàng Ngọc Phách người của một cuốn sách có các tiểu mục: Song An, ông là ai?; Tại sao thiên hạ lại mê Tố Tâm?; Song An
Hoàng Ngọc Phách tạo nên truyện Tố Tâm trong trường hợp nào?; Sau “Tố Tâm”, Hoàng Ngọc Phách yên phận với nghề dạy học... Những tiểu mục này
tạo thành một hệ thống làm cho lôgíc của bài viết chặt chẽ. Hiển nhiên là điều này làm cho các văn bản thêm có màu sắc báo chí hoặc khảo cứu.
Sáng tạo chân dung văn học, bên cạnh nhà văn Vũ Bằng còn hiện diện nhà báo và nhà khảo cứu Vũ Bằng nên đôi khi một số đoạn của văn bản, tư duy chính luận chiếm ưu thế. Chẳng hạn đoạn luận về Vũ Đình Long: “công lao của ông đối với nền văn hóa Việt Nam không phải chỉ nằm vỏn vẹn trong mươi mười hai vở kịch sáng tác và Việt Nam hóa mà thôi. Một phần lớn công lao của ông đối với văn học nằm ở chỗ ông đã “tìm” ra nhiều nhà văn, nhà báo nhà thơ sau này nổi tiếng, lưu danh trong văn học sử Việt Nam và cũng chính là ông đã tạo ra những phương tiện khác cho các văn gia ký giả ấy trình bày được tài nghệ và tư tưởng bằng giấy trắng mực đen đồng thời chế ra những thứ xe chuyển đi tài nghệ, tư tưởng của họ cho phổ biến khắp nước” (Phong Di
Vũ Đình Long, ông tiên trong động Tân Dân). Hoặc là đoạn Vũ Bằng luận về
Vũ Trọng Phụng: “Phần nhiều người ta chỉ biết Vũ Trọng Phụng là tiểu thuyết gia, chứ không biết rằng đứng về phương diện làm báo, Vũ Trọng Phụng quả đã là người làm báo! Hầu hết các loại văn, vui cũng như buồn, đứng đắn hay châm chọc, sáng tác cũng như dịch thuật, thơ mới và cả thơ cũ, Vũ Trọng Phụng đều viết được và viết rất hay” (Cảm nhớ Vũ Trọng Phụng).
Các chân dung văn học do Vũ Bằng sáng tạo đi liền với đặc điểm đó lại có sở trường khác: Có lẽ trong các văn bản cùng thể loại do các nhà văn Việt Nam hiện đại viết, các văn bản của Vũ Bằng đứng đầu trong việc cung cấp cho các nhà viết văn học sử hoặc chuyên luận về tác giả nhiều tư liệu hữu ích nhất. Chẳng hạn về Vũ Trọng Phụng. Ông là tác giả của nhiều phóng sự, tiểu thuyết đặc sắc về thế giới đồi trụy, bợm bãi, khiến không ít người cho rằng con người này thường xuyên lăn lóc chốn này nên “thạo”! Còn trong ký ức Vũ Bằng, văn sĩ này thực khác: “Trong những ngày túng thiếu nhất, không một ai biết Vũ Trọng Phụng cần tiền. Mà nếu thí dụ có anh trọc phú nào đưa tiền, anh không bao giờ chịu lấy, nhưng trái lại, anh rất sẵn sàng xin bạn một hào đi xe “vì quần áo diện thế này mà đi bộ thì trông ê lắm”. Cũng theo Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng “trên vai nhiều gánh nặng, vì óc lúc nào cũng phải tính toán chuyện gia đình”. “Chính vì Vũ Trọng Phụng bị lâm vào một thế
“bí” như thế cho nên mới viết nhiều (Cái tài, cái tật của Vũ Trọng Phụng). Hoặc đọc văn Vũ Bằng chúng ta biết thêm nội tình của nhóm Phong hóa hoặc
“Tiểu thuyết thứ bảy là một tờ báo đẹp chuyên về tiểu thuyết, thơ, kịch để cho
đàn bà con gái đọc”.
Chân dung văn học chủ yếu là thế giới tinh thần của những con người qua cảm nhận của một người. “Ngôi thứ nhất, số ít”ấy có thể đồng thuận hay phản bác những người xung quanh về những con người mà mình tái hiện nhưng chỉ thành công khi luôn luôn được ý thức là chính mình, không lẫn vào số đông. Bởi vậy, cùng với sự hình thành các hình tượng khách thể, các chân dung văn học đích thực đồng thời cũng dần hình thành hình tượng chủ thể (ở đây kiêm luôn hình tượng tác giả). Hình tượng tác giả trong tập gồm mười chín chân dung này là hình tượng một người luôn chân thực với ý nghĩ và cảm xúc của mình. Người đọc nhiều lần được thấy tác giả trực tiếp biểu lộ thiện cảm hay ác cảm với người này người nọ. Thậm chí Vũ Bằng còn kể lại cả việc mình đã bị Ngô Tất Tố “liệt vào hàng súc sinh”! Thể hiện khách thể hay bộc lộ chủ thể ở đây đều biểu lộ quan niệm thống nhất về con người của Vũ Bằng: Con người không phải con vật và cũng không phải ông thánh. Ở họ có đức tốt và thói xấu, đam mê hư hỏng và khát vọng trong sáng. Họ vừa có
tài vừa có tật (chữ Vũ Bằng dùng trong nhan đề một bài viết về Vũ Trọng
Phụng). Những điều đó vừa là bản tính cố hữu của thực thể gọi là người, vừa là hệ lụy của hoàn cảnh sống. Những điều này làm hiện lên những hình tượng con người sinh động nhờ nghệ thuật đối ứng, tương phản hay ức dương (hạ để nâng). Không biết từ bao giờ người đời đã khái quát “văn nhân tương khinh” (văn nhân coi thường nhau). Đặc tính đó của loại người này có phần bắt nguồn từ lao động xã hội đặc thù, khiến họ thấy sản phẩm của mình là nhất. Tuy nhiên cảm thức phổ biến đó không thấy ở hình tượng tác giả các chân dung do Vũ Bằng sáng tạo nên.
Lênin viết rằng khi xét công lao lịch sử, người ta không căn cứ vào chỗ người đó không làm được gì so với yêu cầu của ngày hôm nay mà căn cứ vào
chỗ người đó làm được gì mới so với tiền bối của họ. Ý kiến này soi rọi cho chúng ta phương pháp luận trong việc đánh giá thành tựu của Vũ Bằng trong việc sáng tạo các chân dung văn học. Hẳn nhiên là có người đọc hôm nay không đánh giá cao những chân dung do văn sĩ họ Vũ sáng tạo. Điều đó cũng tự nhiên như có người vẫn ưa thích. Các văn bản do Vũ Bằng sáng tạo này đã thực sự bước vào quỹ đạo của thể chân dung văn học. Nó đã chú trọng đến hoạt động xã hội cơ bản của những con người sáng tạo văn chương, không lẫn với nghiên cứu văn học. Vũ Bằng đã để lại một lối tạo dựng chân dung văn học thật khác so với đương thời và nhiều điều trong cái khác này thực sự là những giá trị văn chương, hữu ích cho sự trưởng thành của thể chân dung văn học Việt Nam hiện đại.
Chương 2