Trong tập tùy bút Thương nhớ mười hai, tác giả đã tái hiện xây dựng hình ảnh thiên nhiên cùng với cuộc sống con người Hà Nội ở miền Bắc trong mười hai tháng thật sinh động với những nỗi nhớ thương trìu mến da diết. Mỗi phần là một chủ đề và mỗi chủ đề đều nêu được những nét đặc trưng của từng tháng: Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt; Tháng hai, tương tư hoa
đào; Tháng Ba, rét nàng Bân; Tháng Tư, mơ đi tắm suối Mường; Tháng Năm, nhớ nhót, mận, rượu nếp và lá móng; Tháng sáu, thèm nhãn Hưng Yên; Tháng Bảy, ngày rằm xá tội vong nhân; Tháng Tám, ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu; Tháng Chín, gạo mới chim ngói; Tháng Mười, gió bấc mưa phùn; Tháng Mười một, thương về những ngày nhễ bọng con rận rồng; Tháng Chạp, nhớ ơi chợ tết; Tết, hỡi cô mặc cái yếm xanh. Đọc Thương nhớ mười hai, độc
giả cảm nhận được nỗi nhớ da diết của tác giả về cảnh vật xứ Bắc Kỳ, nỗi nhớ ấy dường như hiện hữu từng ngày. Tác giả ghi lại những ký ức của mình về những phong tục tập quán, vẻ đẹp nên thơ của thành quách xưa, những cảm nhận tinh tế về sự chuyển mùa của thời tiết, gió mây, cỏ cây, hoa lá.
Thiên nhiên luôn là một đề tài quen thuộc của văn thơ. Thiên nhiên không chỉ là nguồn sống giúp cho con người tồn tại và phát triển, mà nó còn là người bạn tri âm, là nơi mà con người có thể gửi gắm những tâm sự và tình cảm của mình về quê hương đất nước. Thiên nhiên trong văn chương là thiên nhiên thứ hai, in dấu chủ thể cảm nhận. Một người xa xứ nặng lòng với quê hương, gia đình, bạn bè như Vũ Bằng thì thiên nhiên phản ánh trạng thái tinh thần của ông. Thiên nhiên là “một cõi đi về” luôn thường trực trong hồi ức, không chỉ là người bạn tri âm, mà còn là nơi để ông tạ lỗi, thanh minh, là nơi giải bày những nỗi thương nhớ cứ dày vò ông trong suốt những năm qua.
Theo quy luật của tình cảm (gần nhau cảm thấy bình thường, xa nhau cảm thấy tình thương dạt dào), thiên nhiên của Bắc Kỳ trong lòng ông là một “thiên nhiên diễm tình” (Văn Giá), không chỉ tràn đầy sức sống mà còn hòa quyện với con người, khác hẳn với thiên nhiên khắc nghiệt của miền Nam. Miền Nam chỉ có hai mùa, miền Bắc có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Bốn mùa ấy được biểu hiện qua sự thay đổi của cảnh vật. Đó là tháng giêng có cái rét ngọt “còn vương trên những cành đào”, cái rét ấy là cái rét giao mùa, có thể đánh thức vạn vật và con người sau những ngày mùa đông lạnh giá. Mùa xuân không nóng như mùa hè, không lạnh như mùa đông mà mang cái không khí huyền ảo: “Bảo là nóng ư? Không. Bảo là rét ư? Không. Thời tiết lúc đó kỳ lạ lắm: rét vẫn còn vương trên ngọn xoan đào, nhưng đất ở ngoài vườn khô ráo, sạch bong, mịn màng như thể đất rừng Đà Lạt sau một đêm sương và qua những kẽ lá chòm cây, có những bông hoa nắng rung rinh trong bể nước” [13, 21].
Phần mở đầu Tháng giêng mơ về trăng non rét ngọt đã làm cho người đọc bị thôi miên bởi khung cảnh tháng giêng ở Miền Bắc “Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân. Mà tháng giêng lại là tháng đầu của mùa xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết. Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng… thì mới hết được người mê luyến mùa xuân”. Tác giả sử dụng những từ ngữ như “chuộng”, “trìu mến”, “mê luyến” theo một cấp độ tăng dần khiến cho ta cảm nhận được tình cảm của con người đối với mùa xuân không phải là thứ tình cảm gượng ép mà là những tình cảm vốn nó có “tự nhiên như thế”, nên “không có gì lạ hết” ngoài ra các vế đầu của câu còn được điệp lại như “ai bảo được, ai cấm được”, “thì mới hết được”, và các cụm từ: non thương nước, bướm thương hoa, trăng thương gió, trai thương gái, mẹ yêu con, con gái còn son nhớ chồng. Những câu văn dồn dập ấy đã khẳng định được tình cảm đặc biệt của con người đối với mùa xuân.
Cảnh sắc thiên nhiên với không khí mùa xuân đất trời và lòng người được tái hiện qua những hình ảnh, cảm xúc yêu thương của tác giả: “Mùa xuân của tôi - Mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội”. Trong kí ức của một người con xa quê hương, người ở Nam mà tâm hồn thì vẫn tìm về xứ Bắc nên tất cả đều trở nên thiêng liêng. Điều này cũng thấy ở gọi tên của tác giả:“mùa xuân thần thánh”, với những câu văn tả ít gợi nhiều đã làm nổi bật hồn vía của mùa xuân “mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng” [13]. Vũ Bằng hành động hóa cảm xúc của con người trước mùa xuân bằng những phép so sánh như “ngồi yên không chịu được”, “đi ra ngoài vào những lúc đất trời mang mang”, “tự nhiên thấy cái thú giang hồ êm ái như nhung và không cần uống rượu mạnh cũng nghe như lòng mình say sưa một cái gì đó - có lẽ là sự sống! … Nhựa sống trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trỗi ra thành những cái lá nhỏ tí ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh… y như những con vật nằm thu hình một nơi chốn rét thấy nắng ấm trở về thì lại bò ra để nhảy nhót kiếm ăn, anh cũng “sống” lại và thèm khát yêu thương thực sự. Ra ngoài trời, thấy ai cũng muốn yêu thương, về đến nhà lại cũng thấy yêu thương nữa” [13, 18 - 19].
Tác giả rất tinh tế khi cảm nhận được không khí và sự thay đổi của màu sắc đất trời khi chuyển mùa, sự liên quan giữa tết và mùa xuân “Tết hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhưng nhụy vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu giêng, nhưng trái lại lại nức một mùi hương man mác… trời đã hết nồm, mưa xuân đã bắt đầu thay thế cho mưa phùn, không còn làm cho nền trời đùng đục như màu pha lê mờ. Sáng dậy, nằm dài nhìn ra cửa sổ thấy những vệt xanh tươi hiện ở trên trời, mình cảm thấy rạo rực một niềm vui sáng sủa. Trên giàn hoa lý, vài con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa. Chỉ độ tám chín giờ sáng, trên nền trời trong trong có những làn sóng
hồng rung động như cánh con ve mới lột” [13, 20]. Thiên nhiên hiện lên thật sinh động, từ màu sắc đến hương thơm và ánh sáng. Ta có cảm giác mùa xuân đang dần chín. Qua những hình ảnh của mùa xuân, ta hiểu được nỗi lòng và tâm tình của tác giả, những tiếng gọi thốt lên tự đáy lòng nghe thật tha thiết nghẹn ngào: “Đẹp quá đi, mùa xuân ơi”.
Không chỉ có một tháng giêng mà tháng hai của Bắc Việt cũng mang vẻ đẹp kỳ diệu: Trời nắng ấm như ngọc lưu li, hoa đào rơi lả tả trên cỏ xanh như cơn mưa màu sắc… Càng nghĩ đến khung cảnh tháng hai, tác giả càng nhớ về Bắc Việt: “Yêu quá, cái đêm tháng hai ở Bắc, thành ra cái gì cũng cảm thấy đi qua nhanh quá. Ước gì năm tháng dài thêm ra để ngày thì đi xem hội xem hè, đêm thì cùng với những người thân vui xuân với quân bài cao thấp” [13]. Tháng hai ở Bắc Kỳ không chỉ đẹp bởi khung cảnh mà còn đẹp bởi nó gắn liền với những kỉ niệm khó quên của một thời, nên mỗi câu văn như tha thiết gọi cố hương: “Tháng hai của Bắc Việt xa xưa ơi, yêu tháng hai quá và nhớ tháng hai nhiều lúc đến biếng cười biếng nói” mỗi câu, mỗi chữ như nỗi niềm sâu kín, như nỗi đau đang dồn nén trong lòng tác giả khi mỗi lần nhớ về quê nhà.
Tháng hai qua đi lại nhường chỗ cho tháng ba có vẻ đẹp đặc thù vì ở Miền Bắc: “tháng ba thì trời đất quả là kỳ ảo. Bảo là tháng ấy còn rét, không đúng, mà bảo là tháng ấy hết rét rồi cũng không đúng nữa. Trời trong như ngọc, đất sạch như lau. Ngủ dậy lúc còn tối trời, anh ngồi uống nước trà đợi sáng thì uống chưa xong ấm nước, anh bỗng thấy có những đám mây hồng từ phía đông kéo tới giữa một nền trời xanh ngăn ngắt một mầu… sương móc ban đêm rửa hoa lá cỏ cây, rửa cả cát bụi trên các nẻo đường thành phố” [13, 52]. Tháng ba thật ngắn ngủi, khiến cho người ta cảm thấy thật ngỡ ngàng, đất trời trong xanh, tâm hồn người có những rung động sâu kín. Bởi với tâm trạng hoài niệm, Vũ Bằng không chỉ nắm bắt được những biến đổi trong từng khoảng khắc.
Thiên nhiên qua cảm nhận của Vũ Bằng không chỉ qua màu sắc mà còn qua những âm thanh sống động nữa: “tiếng reo của gió, của cây, của mây, của lá…” trí tưởng tượng của tác giả góp phần tạo nên những câu văn giàu chất thơ.
Đọc Thương nhớ mười hai ta mới thấy hết bức tranh thiên nhiên được hiện ra với nhiều nét đặc thù khác biệt, cảnh vật biến hóa thật tinh vi và diệu kỳ, như chẳng hạn tháng ba, buổi sáng “trời trong như ngọc, đất sạch như lau” nhưng đến trưa thì trời nắng lên “trời đã chuyển bất ngờ, đương nắng thành râm, và chỉ trong khoảng khắc, rét của cuối chạp, đầu xuân đã trở về trên cánh gió, giữa một khoảng trời tháng ba nắng ấm” [13, 53]. Cuối tháng ba thì có văng vẳng tiếng chim tu hú gọi, rồi mùa hạ lại chợt đến lúc nào không hay “thành phố Hà Nội im ắng tiếng người, tiếng xe thì đột nhiên có tiếng ve kêu trước khoan sau mau mau rồi có khi như thể rền rền không ngớt, lớp này vào nghỉ thì lại có lớp kia thay, đều đều mà liên tục” [13, 180]. Vào mùa hè ở miền Bắc thì trời nóng “cái nóng ở Bắc cũng làm cho rôm sảy nó đốt người ta một cách khó chịu”. Cảm nhận của Vũ Bằng về thời gian, thời tiết luôn gắn với những kỷ niệm của bản thân nên luôn chân thực, gợi cảm. Chẳng hạn tác giả thể hiện cảm nhận về tháng tư: “Làm sao mà quên cho được những ngày sống từ Hòa Bình đến Ngũ Châu, Lang Chính, Quảng Hóa, Bái Thượng, Ngọc Lạc… vào cái khoảng tháng tư này đây, trời bắt đầu nóng, ngày nào mình cũng đi tắm suối ở xứ Mường và cho đến nay vẫn còn ghi ở trong lòng biết bao kỷ niệm xanh một màu núi tím, nước xanh” [13, 73].
Đặc biệt, mỗi độ thu về thì lòng người xa xứ lại thổn thức. Theo ông đó là cái mùa của hạnh phúc lứa đôi, ông nhìn thấy cái gì cũng “vẫy chào, hẹn hò nhau, cái gì cũng tô hồng quấn quýt, cái gì cũng đủ lứa no đôi. Hồng thì có cốm đẹp duyên, bưởi thì có bong ái ân, gió bấc có mưa phùn, cam vàng có quýt xanh…” [13] tất cả dường như đều có đôi, có lứa được hòa quyện vào nhau như đôi lứa vợ chồng. Ngoài ra sự thay đổi của thiên nhiên còn là tín
hiệu thông báo về sự thay đổi của thời tiết nữa “Ngày tháng mười tàn vội vã, mặt trời vừa lặn thì bóng tối dãi ra khắp đồi núi lúc nào không biết” [13, 217].
Cái đẹp kỳ lạ của xứ Bắc Kỳ đã làm cho người ở đây đẹp hơn, hữu tình hơn, vì thế làm cho người đi xa càng nhớ quê da diết. Nỗi nhớ ấy làm cho ngòi bút có hồn để vẽ lên những bức tranh thiên nhiên lộng lẫy sắc màu. Mỗi tháng, mỗi năm đều mang một đặc trưng riêng về thời tiết, về hoa lá, cây quả và phong tục tập quán, khiến cho cuộc sống của con người cũng phong phú, đầy sức sống.
Nhiều phong tục, hội hè của Bắc Kỳ cũng được Vũ Bằng tái hiện lại bằng những bức tranh sinh động: “…những ngày tháng ba làng nào cũng có hội hè đình đám, đèn chăng lá kết rợp trời, hương án, quạt cờ la liệt. Đó là mùa tế thần, tế thánh, mùa rước kiệu của cả Phật giáo lẫn Công giáo, mùa đánh cờ người, cờ bỏi, mùa rước sắc, mùa chọi gà, chọi cá, nhưng quyến rũ nhất và đặc biệt nhất là những cuộc đấu vật ở Hà Lạng, Trà Lũ, Hoành Nha, Mai Động…” [13, 64]. Ngoài ra còn có hội tung còn của đồng bào Thượng, hội hát trống quân đêm thu ở Vĩnh Phúc, hội hát tuồng… Miền Bắc có rất nhiều lễ hội. Đọc Thương nhớ mười hai ta như lạc vào hồi ức về các lễ hội được Vũ Bằng tái hiện. Lễ hội càng phong phú thì càng khẳng định sức sống lâu bền của dân tộc. Lễ hội để thể hiện tinh thần lạc quan của dân tộc, là tình yêu giữa con người với con người. Viết về các lễ hội, Vũ Bằng muốn khẳng định cội rễ xa xưa, sức sống lâu bền và mãnh liệt của truyền thống dân tộc Việt Nam.
Viết về các lễ hội, ngày tết tác giả càng nghĩ đến không khí đầm ấm của gia đình, nơi có những người thân, nơi có thể làm dịu đi nỗi đau của người xa xứ. Tác giả viết về lễ tết với tâm trạng của một người xa xứ đang khao khát trở về quê hương với gia đình, người thân và bạn bè. Nổi bật nhất trong lễ hội hàng năm là tết Nguyên Đán, bởi nó mang những đặc trưng riêng của miền Bắc. Ngày Tết, mỗi gia đình thường có cành đào, chậu cúc, cành hồng… Ngoài ra ngày Tết còn có những phong tục: không được quét nhà, vì sợ đuổi
thần tài ra cửa, không được đánh vỡ chén bát để tránh đổ vỡ suốt năm, không được khâu vá vì kim chỉ tượng trưng cho công việc vất vả, tục xông đất thoát thai, tục cắm nêu, vạch vôi vẽ cung tên nhắm không cho quỷ ma quấy nhiễu, mong cho sức khỏe tốt hơn, tục quẩy nước sáng mồng một đổ đầy chum vại là mong cho của cải tràn trề, rồi đến ngày mùng một thì con cháu về quê để tết ông bà, tổ tiên… và ở Miền Bắc, đêm giao thừa người ta thường ở trong nhà khi có ai xông nhà rồi mới được đi nhưng ở Nam thì khác, các nhà hàng mở suốt ngày đêm mà không kiêng khem gì cả, và ở đây người dân không có tục xông đất như ở ngoài Bắc. Suốt tác phẩm, người đọc luôn tiếp xúc với một con người phân thân, sống cùng với hai miền.
Ở miền Bắc ngày tết “người ta thăm viếng nhau, chúc tụng nhau chính là để thi hành nghiêm chỉnh sự tiến bộ đó và làm như thế, họ muốn cho năm mới không xúi quẩy, trái lại, tươi tốt bằng mười năm cũ… cứ tin như thế, người ta thấy đời đẹp hơn, đáng yêu hơn. Vừa lúc đó, ở ruộng khoai lại nở những bông hoa tím, ở vườn cải lại có những búp vàng, mưa xanh gió tím ôn hòa, người dân vui sướng đến tận độ, sáng lên mắt biếc, hồng xuống làn môi cũng là lẽ đương nhiên, không có chi đáng lạ” [13, 286]. Ở miền Bắc, ngày tết không chỉ có cuộc sống của con người là tràn ngập niềm vui mà ngay cả thiên nhiên cũng đua nhau tươi thắm. Không khí này khác hẳn với không khí của người miền Nam. Ở miền Nam ngày tết người ta cũng đi chúc tết nhau, nhưng ngày Tết rất oi bức, nắng nóng ấy đã làm cho con người ta cảm thấy mệt mỏi với những câu chúc tụng sáo mòn. Trời đất dường như thiên vị với xứ Bắc nên đã ban phát cái lạnh se se tạo cho không khí ngày Tết một vẻ đẹp ấm cúng. Điều đó đã làm nên sự khác biệt của hai miền.
Khi viết về cảnh vật Bắc Kỳ cũng như những ngày lễ tết, Vũ Bằng đều