NGHỀ BÁO VÀ NHÀ BÁO TRONG VĂN CHƯƠNG VŨ BẰNG

Một phần của tài liệu Cõi xưa trong văn chương của vũ bằng (Trang 80 - 86)

3.1. Nghề báo

Vũ Bằng được bạn đọc biết đến không chỉ là nhà văn mà còn là một nhà báo nổi tiếng ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XX. Ông tham gia viết báo từ rất sớm, từ lúc ông đang còn học ở trường Lycée Albert Saraut. Bốn mươi năm nói láo đã thể hiện rất rõ cuộc sống thăng trầm trong quá trình viết báo của ông và phản ánh nhiều mặt của nghề báo đương thời.

Tiêu đề Bốn mươi năm nói láo gây cho người đọc sự tò mò, đằng sau tiêu đề đó muốn ẩn chứa điều gì? Lý giải cho điều trên, ngay từ mở đầu tác phẩm, tác giả tâm sự: “Bây giờ, người ta gọi nghề làm báo là nghề “nói láo ăn tiền”. Kẻ viết bài này ngã vào nghề đó đã lâu, hôm nay, ngồi giở lại cuốn sổ ký ức của mình, xin nhận ngay là mình làm nghề “nói láo”. Vì thế tác giả lấy đầu đề tập kí ức là “Bốn mươi năm nói láo” chớ không dám đề là “Bốn mươi năm làm báo” [12, 11]. Như vậy “nói láo” là một tiếng thông dụng có tính châm biếm chỉ những người viết báo. Tục ngữ có câu “nhà văn nói láo, nhà báo nói thừa” nhưng tác giả gán cho cái nghề của ông với danh hiệu là “nói láo” mà không dám nhận mình là “nghề làm báo”. Vì thế tiêu đề của tác phẩm thể hiện tiếng cười chua xót cho bản thân và đồng nghiệp.

Tập hồi ký Bốn mươi năm nói láo đã thể hiện tất cả những nỗi lòng, tâm sự của nhà văn một cách sáng tạo và độc đáo, bằng tài năng của một nhà văn đầy tâm huyết ông đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa thể loại kí báo chí và kí văn học để tạo nên một phong cách riêng cho mình. Thượng Sỹ nhận xét: “Với lối diễn tả giản dị, chân thật, chứa chan tính cách trào lộng, Vũ Bằng đã phác họa lại thật độc đáo, thật linh động những khuôn mặt của mấy thế hệ làm báo, những nhân vật nổi danh một thời, đã làm nên lịch sử và đi vào lịch sử…”.

Đọc Bốn mươi năm nói láo ta hiểu được quá trình dấn thân vào nghề làm báo của Vũ Bằng. Ông đã phải trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm, điều khó khăn nhất là sự phản đối của người mẹ, bởi mong ước của mẹ Vũ Bằng là sau khi con trai tốt nghiệp tú tài sẽ sang Pháp để học làm bác sỹ. Vũ Bằng cho rằng nghề báo “nó là cái nghiệp, đã mắc phải nó thì mê không chịu được”. Ông bước vào nghề với nhận thức: “Nghe thấy mang máng rằng làm thư ký tòa soạn báo thì phải sửa văn người khác, tôi cũng trịnh trọng gạch, xóa, lộn câu đầu xuống đít, lộn câu đít lên đầu, rồi tấm tắc tự cho là bảnh lắm. Kết quả bảnh chẳng thấy đâu, bị ngay bọn ác ôn nó chửi và cấm không được sửa một chữ, “mem” cái phẩy. Tôi tưởng chừng như có ai cho một nhát búa vào đầu, nhưng sau làm ra mặt oai, hừ một cái rồi kết luận: Đó là cái vinh, cái nhục của nghề làm báo!” [12, 21]. Bước chân vào nghề Vũ Bằng đã gặp những khó khăn nhưng chính sự khó khăn ấy đã trở thành động lực cũng như khát vọng mãnh liệt của ông.

Từ những lời tâm sự trong Bốn mươi năm nói láo, người đọc hiểu được những tâm huyết của nhà văn về việc làm báo, cũng như những phẩm chất đạo đức mà người làm báo cần phải có để hoàn thành bổn phận của mình, để báo chí trở thành “quyền lực thứ tư” của xã hội và là thứ mà có thể “dắt người ta đi đâu thì người ta phải đi đến đấy”. Bốn mươi năm nói láo đã thể hiện được một cách khá đầy đủ về bộ mặt báo chí nước nhà trong những năm 30 dưới chế độ Pháp thuộc đến tận những năm dưới chế độ Mỹ - Ngụy ở miền Nam. Bao nhiêu năm thăng trầm, những cái hay cái dở, những cái vinh cái nhục, những chuyện làm tiền, những thế lực dùng quyền lợi để tạo ra những kí giả phục vụ cho mưu đồ chính trị, tất cả đều được thể hiện ở những tờ báo có tên tuổi trong thời Pháp và thời Mỹ. Tác giả chứng kiến “tất cả những tin tức liên quan đến việc tàn sát phật tử, đàn áp phật giáo, kể cả những mánh lới bỉ ổi mà vợ chồng Nhu để “mua” phái đoàn điều tra về vụ phật giáo do Liên Hiệp Quốc cử sang, nhà báo có thể đếm ra viết mười năm không hết, khả dĩ làm cho thế giới biết suy nghĩ phải khóc ròng trước những khổ ải đắng cay

của dân tộc Việt Nam, nhưng rút cục không có một tờ báo chính thức nào dám viết” [12]. Qua lời kể của ông người đọc hiểu được báo chí phức tạp vì một phần tình hình chính trị lúc bấy giờ.

Trong Bốn mươi năm nói láo, Vũ Bằng kể nhiều chuyện lâm ly, kỳ thú của thời kỳ làm báo và những chuyện về những nhà trí thức nổi danh. Họ hiểu được vai trò của những người làm báo chí trong xã hội: “Báo chí không phải là một trò giải trí, nhưng là một bộ môn văn hóa phản ánh sinh động nhất, đầy đủ nhất tính chất của một chế độ xã hội, cho một chế độ xã hội; không những nói lên phẩm chất hoặc văn minh siêu việt hoặc thoái hóa, đồi trụy của chế độ ấy mà còn đi sâu vào từng chi tiết, tâm tư của con người, từng khía cạnh chớ trêu, uẩn khúc, giả tạo của xã hội” [12, 358]. Vũ Bằng không che dấu kể cả những cái hay cái dở của mình trong nghề báo chí, kể cả những chuyện hút sách chơi bời: “Tôi hút. Tôi uống rượu và tôi chơi đĩ đợm”, con người dấn thân vào các cuộc chơi và hưởng thụ ấy, kể cả việc chưa có gan đi vào đời sống kháng chiến gian khổ của dân tộc nhưng lại là một người hết lòng cho nghề báo và ngay cả sau này khi ở bên kia giới tuyến vẫn luôn trọng thời làm báo và đã dành nhiều tình cảm cho những người bạn đồng nghiệp của mình ở Hà Thành như Thanh Châu, Ngọc Giao, Thâm Tâm và đặc biệt là Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố… Cũng nhờ tác phẩm ta hiểu thêm về con người và cuộc đời của những người viết văn, viết báo chẳng hạn Vũ Trọng Phụng: “Phụng sống một cuộc đời kín đáo, khiêm nhường, coi việc gì cũng là thường và không bao giờ tỏ ra ngạc nhiên hay lo sợ quá trớn. Không có tiền thì không tiêu, anh không hỏi vay của ai bao giờ và cũng ít phàn nàn với ai rằng mình khổ. Đó là một đức tính làm cho anh em kính nể, nhưng anh em thương Phụng nhất về điểm dù khổ thế nào, Phụng cũng thủy chung như nhứt với anh em…” [9, 383]. Ngoài ra, Vũ Bằng còn kể những câu chuyện sinh động của các ngành báo chí như từ Báo tếu sang Báo đấu tranh như thế nào rồi từ Báo xây dựng đến Báo hại, cũng như cuộc đời của ông từ Bắc vào Nam, từ tờ báo này sang tờ báo khác. Về thời kỳ làm báo ở khu Ba, tác giả

tâm sự “sống cả một kiếp người ở Nội thành - ông thừa nhận - không thể có những phút giây thương thương như thế”. Đó là những phút giây mà ông cảm nhận được tấm lòng của nhân dân.

Bằng tài năng của mình, Vũ Bằng đã khắc họa bức tranh báo chí của cả một thời kỳ hết sức sinh động. Đồng thời với trải nghiệm của cuộc đời làm báo, Vũ Bằng đã trình bày quan niệm của mình. Người ta nói làm báo là “nói láo ăn tiền, mặc họ, nhưng người làm báo chân chính không thế và không bao giờ quan niệm nghề nghiệp của mình như vậy”. Vũ Bằng cũng đã từng xác định: “Trung thành với lý tưởng chống áp bức, chuộng tiến bộ mà tinh thần của con người đã ủy thác cho nó, báo chí luôn luôn có tính năng đấu tranh và xây dựng, khuyến khích điều cốt là xây dựng, kêu gọi dân chúng đoàn kết nhất trí để chống xâm lăng là xây dựng, cổ xúy đạo đức cách mạng là xây dựng; ngược lại, hoặc công khai, hoặc dùng mánh lới để phanh phui cái xấu, nói rõ sự thật phũ phàng, cũng vẫn là xây dựng, xây dựng cho sự vươn lên của xã hội, sự tồn vong của giống nòi” [12, 358 - 359]. Tác giả đã thấy rõ vai trò của những người cầm bút. Từ thời Vũ Bằng hoạt động ở Hà Nội đến khi vào Sài Gòn bao giờ ông cũng đứng về phe “nước mắt” để nói lên những nỗi đau của tầng lớp lao động. Vũ Bằng là người hiểu rõ về nghề nghiệp của mình, khi đọc những trang hồi ức của ông ta càng hiểu tâm huyết của ông trong nghề nghiệp của mình, thấy ông đã đem hết tâm lực của mình để đóng góp cho sự phát triển của báo chí nước nhà.

Trong quá trình làm báo, Vũ Bằng gặp không ít khó khăn, những khó khăn trong nghề, rồi những khó khăn do người khác đem lại, nhưng bao giờ cũng vậy, Vũ Bằng luôn thẳng thắn tỏ rõ quan điểm của mình về vai trò của người viết báo và dũng khí của một người trong nghề. Trong Bốn mươi năm

nói láo, ông kể, vào thời Pháp thuộc, có một lần ông chạm trán một nhân vật có

quyền trong giới làm văn làm báo ở đất Hà Thành. Ông đã không chịu nhùn bước mà thẳng thắn bày tỏ rõ quan điểm của mình: “Một hôm, tổng giám đốc Gregory ở Sài Gòn ra Hà Nội, mời tôi sang phòng thông tin nói chuyện có

Metcaffe và Donell cùng dự thính. Sau một tiếng đồng hồ nói chuyện về văn hóa, văn nghệ, tâm lý của quảng đại quần chúng Việt Nam, Gregory đưa ra một đề nghị: dịch một ít sách vui của Mỹ cho dân chúng Việt đọc. Ông hỏi tôi đã đọc cuốn “Loeuf et Moi” chưa. Tôi gật đầu. Ông nhờ tôi dịch. Tôi nói:

Tôi không dịch.

Gregory trợn tròn con mắt, hỏi: Sao lại không dịch?

Là vì thế này: người Việt Nam cười khác người Mỹ. Tôi không biết người Mỹ xem cuốn“Loeuf et Moi” thì cười ra sao, chớ tôi dám chắc rằng nếu dịch cuốn ấy ra thì người Việt Nam không thể nào cười được, dù có cù vào nách họ.

Gregory lại tròn mắt lên: Sao lại không cười?

Thấy “tác phong Mỹ” của Gregory lúc ấy hiện ra rõ rệt, tôi muốn sửng cồ lên ngay, nhưng cố nén lòng, trả lời một cách châm biếm nhưng lễ độ:

- Thưa ông Gregory, người Việt Nam không cười là vì họ không buồn cười. Thế thôi, và hết. Ông mời tôi đến đây là để nhờ tôi dịch sách chớ không phải tôi đến xin ông việc hay để ông chất vấn tôi. Chào ông” [12, 230 - 231]. Từ đoạn trích Vũ Bằng đã thể hiện được quan điểm cũng như dũng khí của một người cầm bút khi phải đụng đầu với kẻ thù, hơn nữa, qua đó tác giả còn muốn chứng minh rằng nghề làm báo không phải là nghề “nói láo ăn tiền” cũng không phải là một thú chơi vô hại hay là một trò giải trí rẻ tiền mà báo chí là một cái gì cao hơn thế và nó có khả năng “đấu tranh đại quy mô tuyệt vời”.

Nếu như ở Mười chín chân dung nhà văn cùng thời tác giả viết về những người đồng nghiệp, những người “cùng hội cùng thuyền” viết văn và làm báo thì Bốn mươi năm nói láo ông chỉ viết về con người và cuộc sống của những con người làm báo cùng với sinh hoạt của báo chí trong những năm cuối thế kỷ XX. Vũ Bằng không chỉ viết về những chân dung của những người cùng thời mà còn viết về những người đã khuất. Viết về chân dung

những nhà báo ấy qua hồi ức, Vũ Bằng khắc họa được hình ảnh của những con người thật là rõ nét với tài năng và nhân cách hơn người. Đó là Tam Lang “thuộc vào loại làm báo đàn anh”, Thiết Can “quê một cục”, Ngô Tất Tố là người đức độ, tài năng, Phùng Bảo Thạch là một nhà báo lão luyện… Họ là những người có công và đóng góp lớn cho nền báo chí Việt Nam, đặc biệt là Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh là những người làm cho “làng báo mạnh hơn lên”. Và trong quá trình làm báo họ đã phải “lăn lộn, lên xuống, thất điên bát đảo mãi vì nghề báo” họ là những người “thiết tha với nghề văn nghề báo”. Từ đó ta hiểu thêm lịch sử báo chí cũng như sự đóng góp và công lao của những người đi trước. Qua những chân dung ấy tác giả cũng thể hiện tình thương và nỗi nhớ của mình về những người đồng nghiệp và quê hương.

Trong Bốn mươi năm nói láo có nhiều chuyện được Vũ Bằng kể lại với một giọng điệu chân thật, có lúc hơi suồng sã bông đùa nhưng tựu trung, đồng nghiệp đều được Vũ Bằng khắc họa qua lao động đặc thù, giúp người đọc hiểu rõ hơn về những người cầm bút, đặc biệt là những người làm nghề báo chí. Cũng nhờ đó ta hiểu được chặng đường bốn mươi năm làm báo của nhà văn đã phải trải qua những chua chát, xót xa cùng với niềm vui và nỗi buồn, để người đọc nhận thấy “Bất kỳ quyển sách nào cũng là lời tự thú, và quyển sách hồi ức thì chính là nơi tự thú mà tác giả không có ý giấu mình dưới cái bóng của những nhân vật hư cấu” [28, 20]. Cũng như Mười chín chân dung

nhà văn cùng thời luôn thể hiện sự trân trọng, yêu quý bạn bè một thuở, đồng

thời cũng thể hiện rõ sự ăn năn, sám hối về những lỗi lầm của mình nên người đọc nhận thấy có những trang văn như để thanh minh, giải bày với những người đang sống và những người đã khuất. Thượng Sỹ nhận xét: “Bốn mươi

năm nói láo là lịch sử một kiếp sống, gắn theo với nhiều kiếp sống, và đó

cũng là tâm tư của một người, của nhiều người, cùng theo đuổi một nghề và thường cùng nuôi một hoài bão như nhau”. Những tâm tư cho thấy Vũ Bằng chân thực với nghề nghiệp.

Khi bước vào nghề viết báo, Vũ Bằng bị sự phản đối kịch liệt của người mẹ. Ông xác định nghề viết báo là một nghề cao quý và khi ông dấn thân vào nghề, trải qua bốn mươi năm làm báo, Vũ Bằng từng nếm trải không biết bao nhiêu chuyện, vui, buồn, những cuộc thăng trầm. Tuy nhiên đến cuối đời ông vẫn khẳng định: “Gửi cả một cuộc đời cho nghề báo, rút nhiều kinh nghiệm đau thương hơn là xứng ý, tôi cũng có lúc tự mình lại phỏng vấn mình đã đóng góp gì cho lịch sử văn hóa dân tộc, đã làm được việc gì cho báo chí, và hiện còn băn khoăn, hoài vọng những gì về nghề nghiệp.

Không. Tôi không bao giờ đáp lại những câu hỏi phiền phức đó. Nhưng tôi biết rằng nếu một ngày kia, trời xử phiên án cuối cùng, hỏi tôi nếu cho trở lại làm người thì sẽ làm gì, tôi cũng sẽ không cần suy nghĩ gì hết chỉ trả lời một câu. Người mẹ nào sanh ra con mà lại chẳng muốn cho con sau này ăn nên làm ra, có vai có vế, nhưng Mẹ ơi, con đành chịu tội bất hiếu với Mẹ: nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo!” [12, 385]. Những lời tâm huyết đó khiến người đọc xúc động và quý trọng nghề báo hơn. Đồng thời qua những trang viết ấy ta thấy Vũ Bằng không chỉ là người sống chân thật còn là người thẳng thắn trong quan điểm sống của mình, tạo cho cuốn hồi kí Bốn mươi

năm nói láo một phong cách độc đáo.

Một phần của tài liệu Cõi xưa trong văn chương của vũ bằng (Trang 80 - 86)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(117 trang)
w