Đương thời người ta thường cho rằng báo chí là một “nghề tự do”, không phải học qua trường lớp nào mà vẫn viết được. Vũ Bằng bước chân vào nghề cũng nghĩ như vậy: “ai đời viết báo lại đi học bao giờ”. Sau khi bài viết của ông được đăng trên tờ báo Đông Tây ông nghĩ: “Tôi là nhà báo thực thụ. Chứng cớ là tôi đã có bài in trên báo gửi đi toàn quốc. Mà là nhà báo thực thụ thì phải có cái gì khác người ta chứ! Không phải suy nghĩ lâu la gì lắm, tôi biết ngay rằng đã là một nhà báo thì phải khác người, phải lập dị phải có tác phong y như những nhà báo nổi tiếng lúc bấy giờ như Hoàng Tích Chu, Phùng Bảo Thạch, Tạ Đình Bính, Bùi Xuân Học, Đặng Trọng Duyệt, Phùng
Tất Đắc mà tôi vẫn thường nghe đồn đại là những tay chơi chí tử. Tôi hút, tôi uống rượu, tôi chơi đĩ đợm… Rồi cứ bài báo nào mình viết ra, đọc lại, mình cũng thấy hay phi thường và tự cho văn mình là “nhứt tự thiên kim”, tòa soạn bỏ đi một đoạn hay sửa một chữ - một chữ thôi - mình cảm thấy là làm hại văn mình, giết mình, phá hoại mình” [12, 36- 37]. Ngoài ra các nhà báo ngày xưa còn quan niệm, nhà báo hiển nhiên phải là nhà văn và nhà văn cũng thường đi làm báo. Tam Lang từng nói: “làm văn, viết báo là hai chữ dính liền nhau như hình với bóng, không một người nào say mê làm báo mà không viết văn”, và Vũ Bằng cũng cho rằng: “người viết báo nói thực ra là làm văn chớ không phải làm báo”. Đó chính là cách nhìn nhận của những nhà làm báo trong những ngày đó.
Báo chí Việt Nam một thuở rất gần gũi với văn học, như Dương Quảng Hàm đã từng nhận xét về báo chí Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1910 đến 1935: “Dù là nhật báo, dù là tạp chí, các tờ ấy đều thiên về mặt văn chương, bởi thế ngay các báo hàng ngày cũng có những mục văn uyển, dịch Pháp văn, dịch Hán văn, dịch tiểu thuyết Tàu và Pháp, lại có nhiều tờ đời thường xuất bản riêng một phụ trương về văn chương nữa”. Như vậy ta thấy đương thời quan niệm về báo chí và văn học thật chưa rõ ràng, các nhà báo, nhà văn chưa tìm ra ranh giới trong nghề nghiệp của mình. Tế Xuyên khi hồi tưởng về đặc điểm của nhà báo trong những thập niên 1930 vào đầu thập niên 1940 ông nhận định: “Tờ báo Việt Nam thời tiền chiến… không có những phương tiện đại quy mô, số cộng sự viên không đông cho lắm, nên khó có thể phân công cho mỗi người một trách vụ nhất định… một cộng sự viên trong tờ nhật báo hồi tiền chiến dễ có cơ hội thực tập đủ các bộ môn trong nghề, không như trong một tạp chí phải viết chuyên về một mục tùy theo sở trường của mình, nhưng có điều bất lợi cho mình là khi đã viết về đủ các mục, người ký giả sẽ không thành cây bút chuyên môn về mục nào cả. Anh ta không có dịp chú trọng về một mặt nào để trau dồi thêm kiến thức và học vấn chuyên môn. Anh ta không có bề sâu mà chỉ biết
hời hợt về bề mặt”. Vũ Bằng kể lại: “Tất cả chúng tôi lúc ấy đều quan niệm một cách dễ dàng: làm báo là trò chơi, ai muốn viết gì thì viết, quãng bài vào tòa soạn rồi in ra, thế là xong” [12, 48].
Càng ngày báo chí dần tách khỏi văn học. Cuộc cải cách này được Hoàng Tích Chu và một số đồng nghiệp khởi xướng từ cuối 1920 và đầu 1930. Ông cũng là người có công cách tân ngành báo chí vì cho rằng báo phải là một nghề thực thụ. Ông viết trên Đông Tây: “Làm báo ở nước nhà chưa thể gọi là một nghề được vì ta chưa có trường học chuyên khoa, lại chỉ coi như một món trò chơi”. Hơn nữa bấy giờ cuộc sống của người làm báo còn gặp nhiều khó khăn. Miếng cơm manh áo hàng ngày đã chi phối tư tưởng của người làm báo, do đó một số ông chủ báo cũng như chủ bút của thời ấy chỉ muốn viết nhanh, làm ẩu để lo lấy tiền. Hoàng Tích Chu đã từng phê phán: “khi lập tờ báo, ông chủ chỉ chú ý đến vấn đề tiền bạc, thay vì chú ý tới bộ biên tập. Chủ báo quan niệm rằng ký giả là người làm công, ngày hai buổi đến tòa soạn viết xã luận, dịch tin tức để trạm cho đầy cột báo… Người chủ bút, tuy ở trong nghề, nhưng chưa biết tờ nhật báo có vai trò gì? Nhật báo đối với họ chỉ là những bài xã thuyết cộng với một vài tin tức lượm lặt ở sở cảnh sát hoặc dịch từ báo Pháp, có người xem lập một tờ báo như mở một tiệm tạp hóa, và không hiểu rằng tờ nhật báo phải đề cập đến những vấn đề thời sự, tin tức trong và ngoài nước… Họ cho tràn vào mấy cột báo bất cứ tin tức nào bắt gặp trong báo Tàu hoặc báo Pháp”. Chính những phát ngôn và hành xử nghề nghiệp của Hoàng Tích Chu đã làm đảo lộn quan niệm về nghề nghiệp và người làm báo trong đời sống báo chí đương thời cũng như làm thay đổi cách tiếp nhận của người đọc, vì thế ông thật xứng đáng với danh hiệu “người đầu tiên cách tân báo chí Việt Nam”.
Đương thời một số người trong nghề báo còn lạc hậu, chưa xác định được vai trò của mình và vai trò của báo chí đối với xã hội. Họ mới chỉ nghĩ đến đời sống tư lợi cá nhân, vì thế khi tờ báo của họ cạnh tranh với tờ khác thì: “tên thư ký tòa soạn tờ Rạng Đông, cũng như hầu hết các ký giả trẻ khác
hồi đó, chỉ còn biết quay ra chửi bậy, chửi cá nhân, chửi đời tư của những người mà mình ghét, và nhất là chửi đồng nghiệp, vì “nghe đâu báo của nó bán chạy hơn của mình”. Mà nó không có tài, chẳng hiểu làm sao báo lại chạy? Mình thế này mà chịu thua nó hay sao? Tức thì càng chửi khỏe.” [12, 49]. Khi đó Hoàng Tích Chu là người luôn đề cao văn hóa trong nghề báo chí, cho rằng mỗi tờ báo là một cơ quan văn hóa, vì thế mỗi người khi nằm trong nghề nghiệp thì phải ứng xử theo tinh thần đó. Khi cuộc bút chiến giữa hai tờ Phổ thông và Ngọ báo xảy ra, Hoàng Tích Chu đã có bài viết Thử ngẫm về cuộc bút chiến giữa hai tờ báo đăng trên Đông Tây số ra ngày 22-10-1930. Bài viết này tóm tắt những nguyên nhân xảy ra cuộc bút chiến. Trong phần Mối cảm tưởng của tôi, ông viết: “Tờ báo là nơi công chúng quan chiêm, chỉ có ta khinh độc giả thì ta mới ăn nói một cách sỗ sàng… Một điều tôi rất phàn nàn là trong ít lâu nay, làng báo ta thường hay có thói khích bác, bêu ríu nhau”. Mặc dù Hoàng Tích Chu vẫn nhận thấy rằng, không chỉ nghề báo mà bất cứ một nghề nào đó cũng có sự cạnh tranh nhau nhưng theo ông nếu có cạnh tranh thì phải cạnh tranh ở nội dung và hình thức của tờ báo “chứ không phải ganh nhau ở cái chỗ khuynh loát bằng những cách đê hèn, soi mói đời tư nhau ra để hòng giảm giá trị người ta… Bất cứ nghề nào cũng vậy, nói xấu nhau là phạm một điều vô đạo”. Khi kết thúc bài viết này ông đã kêu gọi những người làm nghề báo “Muốn tăng trình độ cho người đọc báo, ta nên tự tăng trình độ cho ta trước” [12].
Trong thời kỳ Pháp cai trị báo chí bị kiểm duyệt ngặt nghèo đặc biệt là báo chí quốc ngữ. Những người có tâm huyết trong ngành báo chí lo lắng, bởi vì điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tính năng động và tích cực của báo chí, ảnh hưởng đến vai trò thực sự của báo chí đối với đời sống xã hội. Nhận thức được điều này, Hoàng Tích Chu đã cho đăng trên trang nhất báo Đông Tây ra ngày 12-4-1930 bài báo dịch ra quốc ngữ về quyền tự do ngôn luận của tác giả A.E.Babut và đó cũng chính là quan điểm của ông và của bản báo: “khi nào báo chí được tự do, khi nào báo chí có những người xứng đáng chủ
trương, thì bấy giờ báo chí đối với dư luận của mọi người sẽ có ảnh hưởng rất sâu xa… nhiều người rất mong cho ngôn luận được tự do để nâng cao trình độ luân lý của các hạng người trong xã hội”. Ngoài ra ở đoạn sau của bài báo còn nêu “có nên cho báo chữ quốc ngữ ngày nay được hưởng quyền tự do như báo bên Pháp không?”. Những phát ngôn đó đã thể hiện quan điểm của ông về nghề báo, giúp các đồng nghiệp cơ hội nhìn ra đời sống báo chí thế giới để so sánh với báo chí nước nhà.
Ở trang nhất của tờ Đông Tây ra ngày 3-5-1930 Hoàng Tích Chu đã đóng khung và in đậm một câu trích của thi hào Tago(Ấn Độ) về vấn đề văn hóa nhân loại: “ta nên nhận rằng thứ văn hóa cổ không hợp với tình thế ngày nay nữa, nó phải biết thu lấy thứ văn hóa mới của thế giới, đó là cái nghĩa chính về sự tiến bộ trong loài người”.
Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những nhà báo tiên phong trong đường lối chống chế độ tàn bạo của thực dân Pháp. Ông là người ý thức được rất rõ vai trò của nghề báo. Những bài xã thuyết hay đến ông đều ký là Tân Nam Tử và những bài này đều được đăng ở Đông Dương tạp
chí, Trung Bắc Tân Văn, và Annam Nouveau. Cả cuộc đời ông Vĩnh chỉ
biết sống và chiến đấu bằng nghề báo của mình. Điều này đã khiến cho những người trong nghề ngưỡng mộ. Sau này, khi viết về nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, Vũ Bằng tâm sự “thú thực cho đến bây giờ tôi sợ nhiều người nhưng chưa sợ gì như sợ cái tài viết của Nguyễn Văn Vĩnh. Tôi được biết tài viết của Vương Quang Nhường. Nhưng đem so sánh tôi vẫn nghiêng về Nguyễn Văn Vĩnh nhiều hơn và cho mãi đến tận bây giờ tôi vẫn chưa thấy có ai viết báo nhiều loại khác nhau một cách tài tình và nghĩa lý như ông Vĩnh” [12, 78] .
Những bài viết của Nguyễn Văn Vĩnh thời ấy có tác dụng kích động lòng yêu nước của toàn dân, đặc biệt là chiến dịch “tẩy chay Hoa Kiều”. Chỉ có một bài báo thôi mà có thể kêu gọi được lòng ái quốc của đồng bào cả nước đứng dậy tẩy chay Hoa Kiều một cách rầm rộ. Bài báo làm cho Pháp
phải giật mình và “phủ toàn quyền phải yêu cầu ông Nguyễn Văn Vĩnh ngưng loạt bài ấy lại và đe dọa nếu ông Vĩnh không chịu thì không những đóng cửa báo mà lại có nhiều cách để buộc các nhà ngân hàng đòi nợ để ông Vĩnh bị phá sản.
Những lời đe dọa ấy khi thì sỗ sàng, khi thì mềm dẻo của nhà cầm quyền Pháp hồi đó kéo dài không ngớt. Có khi chúng làm ông Vĩnh tạm yên, nhưng có khi làm cho ông nức lòng chiến đấu hơn, thà là chịu khốn khổ, thiếu thốn hiểm nghèo, chớ không chịu vị tình người Pháp hay vì tiền của họ mà thay đổi lập trường chí hướng” [12, 81]. Lý trí và lương tâm nghề nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh khiến cho nhiều đồng nghiệp lấy làm hãnh diện và noi theo.
Vũ Trọng Phụng là một trong những nhà báo nổi danh rất sớm trong báo chí Việt Nam những năm trước Cách mạng tháng Tám. Trong thời gian chưa đầy 10 năm ông đã đăng tới hàng trăm phóng sự, hàng loạt bài phê bình, tranh luận về văn chương và hàng trăm bài báo viết viết về chính trị, xã hội, văn hóa… Với tư cách là nhà báo, Vũ Trọng Phụng đã viết rất nhiều phóng sự nổi tiếng. Tác phẩm đầu tay của ông là Cạm bẫy người đăng trên
báo Nhật Tân (bút danh là Thiên Hư, năm 1933). Ngay từ tác phẩm đầu tay Vũ Trọng Phụng đã gây được sự chú ý đến dư luận đương thời. Sau đó ông cho đăng phóng sự Kỹ nghệ lấy Tây, đã khiến cho nhiều người trong đó có Vũ Đình Chí và Vũ Bằng cho rằng ông là một trong những người mở đầu cho thể loại phóng sự xã hội trên báo chí của nước ta. Tiếp đó các phóng sự khác như Cơm thầy cơm cô, Lục xì ra đời thì Vũ Trọng Phụng được tôn vinh là “ông vua phóng sự của đất Bắc”.
Như vậy đương thời mặc dù báo chí chưa phát triển mạnh nhưng những nhà báo chân chính đã xác định được vai trò của báo chí đối với sự tồn tại và phát triển của dân tộc, do đó những nhà báo đã không ngừng phát huy tài năng nghề nghiệp của mình cũng như sức mạnh của báo chí để sớm đưa đất nước thoát khỏi cảnh áp bức bất công.