Vũ Bằng đã dành cả cuộc đời của mình cho nghề viết văn. Ông là một cây bút viết nhanh, viết khỏe và viết bằng nhiều thể loại như bút ký, hồi ký, tiểu thuyết, truyện ngắn… Tác phẩm ký Thương nhớ mười hai được tác giả viết từ năm 1960 năm 1971 hoàn thành. Tác phẩm đã được đông đảo bạn đọc đón nhận, đặc biệt là người miền Bắc.
Theo giáo sư Hoàng Như Mai, sức hút của tác phẩm này đối với bạn đọc chính là tấm lòng và ngòi bút tài hoa của tác giả. Tô Hoài và Vũ Quần Phương, Nguyễn Đăng Mạnh đều cho rằng Thương nhớ mười hai là một tác phẩm có giá trị văn chương, linh hồn của những trang văn thương nhớ là tình yêu quê hương đất nước của tác giả.
Thương nhớ mười hai là bức tranh hội tụ cái đẹp trong cuộc sống ở quê
hương miền Bắc, một vùng văn hóa kết tinh đầy đủ bản sắc tâm hồn người Việt. Sức hấp dẫn của tác phẩm không chỉ ở tình yêu quê hương đất nước mà còn ở vẻ đẹp độc đáo của nghệ thuật thể hiện ngôn từ. Ngôn ngữ tác phẩm rất gợi cảm và giàu chất thơ. Vũ Bằng đã viết những câu văn thấm đẫm chất thơ, cách dùng từ ngữ, những hình ảnh đặc sắc đã mang đến cho tác phẩm vẻ đẹp độc đáo.
Vũ Bằng viết Thương nhớ mười hai khi mà tác giả đang ở miền Nam nhớ về xứ Bắc nên không gian bao trùm lên tùy bút là không gian tâm tưởng, là không gian của tình yêu và nỗi nhớ. Cảm hứng lãng mạn làm cho miền quê ấy trở nên “lộng lẫy gấm hoa” tạo nên một thế giới nghệ thuật hội tụ những vẻ đẹp của đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam. Đó là vẻ đẹp về cảnh
sắc thiên nhiên, vẻ đẹp của con người, vẻ đẹp của các sản vật, vẻ đẹp của các phong tục tập quán, và truyền thống tinh thần của người Bắc Việt.
Thương nhớ mười hai là một tùy bút trữ tình, giọng điệu rất tự nhiên và
tha thiết, sử dụng những câu văn dài nhiều thành phần mở rộng khiến cho lời văn giàu sức gợi cảm: “Mùa xuân của tôi - mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội - là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vang lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng…” [13]. Những câu văn như thế sẽ giúp cho nhân vật trữ tình biểu hiện cảm xúc. Vũ Bằng còn sử dụng kiểu câu so sánh để cụ thể đặc tả cảm xúc: “Nhựa sống ở trong người căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non cây cối nằm im mãi không chịu được, phải trổ ra thành những cái lá nhỏ li ti, giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh”. Hoặc: “Giẫm đôi giầy trên đất mịn màng, anh cảm thấy cái mát mẻ của đất, của sương vương trên cỏ thấm vào lòng anh y như thể anh đi chân không vậy”.
Nhờ những so sánh ấy mà những vật bình thường trở nên tình tứ và lãng mạn. Có những món ăn dân dã nhờ cách quan sát tỉ mỉ và lối so sánh của tác giả khiến trở nên độc đáo hơn, như món rươi mà thiếu vỏ quýt thì sẽ như “non thiếu nước, trăng thiếu hoa, gái thiếu trai”, còn nếu “ăn cháo ám mà thiếu rau cần thì… hỏng, y như thể là vào một vườn mà không thấy hoa, đi trong mùa xuân mà không thấy bướm”. Tác giả đã biến những món ăn bình dị dân dã trở thành những món ăn hấp dẫn, và độc đáo. Về điểm này, ta thấy Vũ Bằng rất gần gũi với Thạch Lam. Khi viết về những món ăn Thạch Lam cũng thường sử dụng biện pháp so sánh để làm nổi bật những cảm giác, cảm xúc của con người như “rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt lại điểm thêm một chút cà cuống thoảng nhẹ như một nghi ngờ”.
Đọc Thương nhớ mười hai ta nhận thấy tác giả là một con người từng trải và rất tài hoa. Con người ấy không chỉ biết rung động say mê mà còn biết góp nhặt những cái đẹp hết sức bình dị trong cuộc sống, từ đó tái tạo, truyền
lại cho người đời bằng cách sử dụng những từ ngữ và biện pháp so sánh sinh động. Quê hương Bắc Việt được tác giả miêu tả bằng cảm hứng lãng mạn, bằng tình yêu và nỗi nhớ, do đó cảnh sắc thiên nhiên và con người ở đây đều được mĩ lệ hóa. Có lúc tác giả ví vẻ đẹp của thiên nhiên như vẻ đẹp của một mĩ nhân khiến cho cảnh quan Hà Nội trở nên hấp dẫn và tràn đầy sức sống “trăng tháng giêng, non như người con gái mơn mởn đào tơ”, “có thể ví tháng giêng ấy với một cô gái có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành”, “trăng ôm lấy những bộ ngực xanh của những trái đồi”, “lá xanh ôm ấp lấy những quả bàng như những vòng tay ôm ấp người thương”, đất trời tháng ba chẳng khác nào “người đẹp đang làm nũng”. “Nhưng rồi có một lúc người xế bóng sẽ thấy rằng cái đẹp của quê hương ta là cái đẹp của cỏ biếc, xoan đào, hương thơm của ta là hương thơm của cau xanh, lúa vàng”. So sánh Hà Nội với Sài Gòn đô hội, nhà văn viết: “Ở đây, từ tháng một, trời nắng chói chang, làm cho đôi mắt mờ, đầu nhức, lúc nào người đàn ông cũng được “rửa mắt” bằng những cái vai đẹp hớ hênh, những cái lườn hây hây, hồng hồng, hay những cặp đùi nửa mờ nửa trắng, nửa đen, thành thử ra… hết, không còn có gì mà “cảm nữa”, ví có gió xuân thì cũng khó mà làm cho hồ ao chuyển được mình”. Những cách so sánh ấy sẽ tạo cho người đọc sự bất ngờ và hứng thú và khiến cho chúng sinh động hơn.
Ngoài ra tác giả còn sử dụng kiểu kết cấu sóng đôi bằng những điệp ngữ như: đừng, đừng thương, ai bảo được, ai cấm được, các hình ảnh như:
Non - nước, bướm - hoa, trăng - gió, trai - gái, mùa xuân của tôi, mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân Hà Nội. Những cách sử dụng từ ngữ đó đã khắc sâu được
tình cảm lưu luyến mùa xuân của tác giả, và mùa xuân ấy dường như đã được thu gọn trong trái tim của tác giả, khiến cho mùa xuân của đất trời và mùa xuân của Hà Nội được hòa quyện vào với nhau. Câu chữ biểu hiện những cảm xúc tuôn trào, những cảm nhận tinh tế và cảm hứng dạt dào. Vẻ đẹp bốn mùa của miền Bắc được so sánh với khí hậu khắc nghiệt hai mùa mưa nắng của Sài Gòn đã làm nổi bật đặc trưng của khí hậu Bắc Kỳ.
Ở Thương nhớ mười hai Vũ Bằng đã sử dụng ngôi kể linh hoạt với nhiều cách xưng hô khác nhau, có khi tác giả đứng ở ngôi thứ nhất nhưng không chỉ xưng “tôi” mà còn xưng là “mình”: “Đi vào giữa ánh sáng mơ hồ ấy, mình cảm thấy như bay trên không gian vô bờ bến”. Hoặc: “Ước gì mình là Trời để cho ai cũng được một phút vui ra phết, sướng lạ lùng như thế! Ước gì mình có phép làm cho vợ được gặp chồng, anh được gặp em, tình nhân được gặp tình nhân...” [13]. Cũng có lúc chủ thể hành động lại xuất hiện ở ngôi thứ hai: “Anh cứ muốn lạc bước đi đi như thế mãi để uống cái hương thơm của quê hương vào tận tâm can tì phế”. “Giẫm đôi giày lên đất mịn màng, anh cảm thấy cái mát mẻ của đất, của sương vương trên cỏ thấm vào lòng anh y như thể anh đi chân không vậy. Chim vẫn hót ríu ran. Anh nhìn lên trời cười thì những đám mây hồng tỏa ra như một thứ ánh sáng trắng như sữa, nhẹ như bong, tràn lan trong không khí và úp chụp lấy các lùm cây nội cỏ” [13, 50]. Có khi tác giả lại đứng ở ngôi thứ ba: “Người khách ly hương cúi xuống đường nhìn xem cái giao thừa ở đây khác cái giao thừa ở Bắc ra sao”, “người đàn ông sầu nhớ giao thừa Bắc Việt”, “người nhớ nhà van xin trăng đừng đẹp quá, mây đừng xanh quá”. Điều quan trọng ở đây là dù tác giả đứng ở vị trí nào, đối tượng người kể hướng tới ai thì đều nổi bật lên một giọng điệu chủ đạo đó là độc thoại với chính mình, cái giọng tâm tình hoài niệm ấy luôn đem lại cho tác phẩm những sắc thái trữ tình với giọng điệu riêng.
Người nghe kể cũng được tác giả thay đổi cách gọi. Có lúc tác giả gọi là “người yêu” nhưng có lúc tác giả lại gọi “người yêu ơi”, rồi có lúc là “em”, rồi “Em ơi, cứ niệm nam mô như thế, ở bên em quả thực là anh không thấy mệt”, có khi là “người em gái”… có khi gọi tên đối tượng cụ thể “đã lâu chúng mình không gặp nhau Quỳ nhỉ”. Có lúc tác giả tâm tình với thiên nhiên như một sinh thể: “Trăng thu, mây thu, gió thu ơi, trăng đẹp quá, mây cao quá, gió buồn quá, người nhớ nhà van xin trăng đừng đẹp quá, mây đừng xanh quá, gió đừng buồn quá, vì càng đẹp, càng xanh, càng buồn thì người xa nhà lại càng nhớ day dứt đến phong vị Giang Nam, không có cách gì khuây
khỏa được trăm sầu nghìn giận” [13, 157]. Sự thay đổi ngôi kể cũng như vị thế người kể khiến cho người kể như đang biểu lộ với những người thân những cảm xúc thực, và biến người đọc thành những người đang chứng kiến những sự việc đang diễn ra một cách sinh động và chân thực. Đó chính là tài năng độc đáo của Vũ Bằng.
Người đọc bắt gặp nhiều phương thức biểu hiện như: độc thoại, đối thoại giọng triết lý, giọng kể. Chẳng hạn, câu mở đầu của bài Tháng giêng, mơ về trăng non rét ngọt, tác giả có những câu triết lý: “Tự nhiên như thế ai
cũng chuộng mùa xuân” hay có những câu vừa kể vừa xen cả độc thoại như: “Chẳng biết ăn cái trứng nhạn vào thì có mát lòng mát dạ được tí nào chăng, chớ thật tình ở miền Nam yêu quý, sáng đến cái tháng tư này trời nóng quá, ăn gì vào miệng cũng không ngon”. Hoặc có những câu đối thoại như: “Cảm giác của anh ra thế nào? Tôi không biết”. Giọng kể đa thanh và phức điệu ấy đã tạo cho người đọc cuốn hút vào tác phẩm. Tác giả không chỉ thể hiện nhiều ngôi kể mà còn sử dụng nhiều kiểu câu trong quá trình kể và luôn thay đổi giọng trần thuật, khiến cho câu văn trở nên linh hoạt và hấp dẫn người đọc.
Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng đã viết bằng, nỗi niềm chân thực cùng với sự tài hoa để nhằm thể hiện những tình cảm chân thật và đằm thắm của nhà văn. Ngôn từ tác phẩm mang đậm sắc thái biểu cảm. Viết về các sự vật, hiện tượng, hay những phong tục tập quán... tác giả đều sử dụng những từ ngữ phù hợp và phong phú khiến cho người đọc cảm thấy tự nhiên và tinh tế.
Thương nhớ mười hai lại được viết bằng tình yêu và nỗi nhớ nên tác giả sử
dụng từ nhớ rất nhiều lần: Nhớ lại, nhớ về, nhớ thương, thương nhớ, tiếc nhớ,
nhớ nhung, nhớ sao nhớ quá…
Có thể nói Thương nhớ mười hai hiện rõ nhất giọng điệu văn chương của Vũ Bằng. Tác giả đã tập trung thể hiện những sắc thái biểu cảm, sự tài hoa và tinh tế của các lớp ngôn từ với nhiều biện pháp nghệ thuật.