Thương nhớ mười hai là những áng văn bất hủ mà Vũ Bằng viết về con
người và quê hương đất nước. Đọc Thương nhớ mười hai ta thêm hiểu Vũ Bằng một con người nặng lòng với Tổ quốc, quê hương. Vũ Bằng yêu Hà Nội, yêu quê hương xứ Bắc khi mà ông đang sống ở Sài Gòn cách Hà Nội chưa đầy hai giờ máy bay mà vời vợi ngàn trùng. Người thân của ông, con người xứ Bắc và cảnh vật nơi đây đã trở thành nguồn cảm hứng để ông sáng tác nên nhiều tác phẩm văn chương đặc sắc tiêu biểu là Thương nhớ mười hai.
Cho đến tận năm 2000 khi được Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng xác nhận công trạng thì Vũ Bằng mới được làm rõ thân phận. Tuy nhiên không phải đến lúc ấy những tác phẩm như Thương nhớ mười hai mới được độc giả biết đến và yêu mến nhưng quả thật đến lúc ấy, đọc những tác phẩm của Vũ Bằng người ta càng thấy thấm thía tâm sự “ngày Nam đêm Bắc” như tiếng con đỗ vũ khắc khoải nhớ thương nước cũ. Tập tùy bút ấy là hoài niệm của nhà văn về quê hương, Bắc Việt thân yêu bằng một hồn văn trữ tình đắm đuối bởi tác phẩm được viết khi “Vũ Bằng lạc lõng ở Sài Gòn quanh năm chói chang nắng nhớ thương bốn mùa Hà Nội” mà trước hết là nhớ những người thân của mình.
Vũ Bằng vào miền Nam để thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của tổ chức, chứ không phải tự nguyện dời bỏ miền Bắc nên ông luôn có trạng thái hồi cố. Tâm trạng ấy khiến cho có những người, cảnh, việc chưa thật xa về thời gian nhưng cũng nhuốm màu xưa cũ. Vậy nên “con người chứa chất một niềm đau không thể giải bầy cùng ai, gánh chịu một nỗi cô đơn khủng khiếp lắm mới tuôn ra được ngòi bút mình những câu văn như ma ám, từng dòng, từng dòng như bị thế lực siêu nhiên hành hạ, vừa chấp cánh cho tâm hồn, cho cõi lòng để bao nhiêu tài hoa biến thành niềm thương nhớ thấu trời thấu đất!”. Vũ Bằng như thuộc về “một tiền kiếp xa xôi” một người khách “thiên lý” với nỗi nhớ thương vời vợi nghìn trùng.
Dưới ngòi bút của Vũ Bằng con người và cảnh vật Bắc Kỳ không chỉ lộng lẫy thi vị, tình tứ mà còn là thiên nhiên hòa thuận với con người, cung cấp nhiều sản vật, thời trân cho con người. Đọc Thương nhớ mười hai, người đọc hình dung được nhịp điệu của cuộc sống có mùa nào thức ấy. Tháng hai cá anh vũ Việt Trì nướng chả, tháng ba hái về mấy ngọn rau cần tươi hơn hớn nấu bát canh với tôm he, tháng tư ngon biết chừng nào cái quả cà Nghệ muối mặn ăn với nước rau luộc, hay canh trứng cua đồng vắt chanh, cốm thơm lạ thơm lùng…
Tất cả những kỷ niệm ấy cứ chất chứa, in đậm trong sâu thẳm tâm hồn của Vũ Bằng nên khiến ông lúc nào cũng có những tâm sự u ẩn lạc loài, trong khi ông lại đang sống ở một không gian xa lạ thiếu hẳn “cái rét ngọt ngào” của tháng ba khiến cho lòng người lữ khách muốn tìm về với những thời trân mà trời đất đã ban phát cho Bắc Việt, càng nghĩ tới thì tâm trạng càng “nhớ vẩn vơ, buồn nhè nhẹ. Cái buồn không se sắt, cái nhớ không da diết, nhưng chính cái buồn, cái nhớ đó mới thực sự làm cho ta mệt nhọc và thẫn thờ. Lòng người, cũng như cánh hoa, chóng già đi vì thế” [13]. Những hoài niệm về cốm mùa thu cũng được ông tái hiện một cách thật cảm động. Nó là thứ quà “trang nhã”, “tinh vi” và được “thần thánh hóa” trong tâm thức của người Việt, trong những dịp vui mừng như biếu xén, lễ lạt, sêu tết, nhất là sêu cưới. Chàng trai gặp cô gái khi biết đã bắt tình nhau rồi thì vội vã “để anh mua cốm mua hồng
sang sêu”. Cốm hồng đã được nhà văn gắn với việc thiêng liêng của đời người: “Tôi đố ai tìm được một thứ sản phẩm gì của đất nước thương yêu mà biểu dương được tinh thần của những cuộc nhân duyên giữa trai với gái như hồng với cốm!”. Vì thế cứ mỗi lần thấy ngọn gió vàng hiu hắt lay động lòng người phiêu bạt lại càng thấy cõi lòng se sắt, hiu hiu muốn khóc vì nhớ mùa cốm Vòng đã xa lắc.
Thời gian không làm cho Vũ Bằng quên đi những “bửu vật ngàn năm đất Thăng Long” trái lại ngay cả những hình ảnh nhỏ nhặt nhất như ngô rang, khoai lùi, cái cà, cái dưa, cái tương, cái mắm đối với ông cũng “ngon quỷ khóc thần sầu” ông không quên một loại chè nào, từ chè bà cốt đến chè đậu đài, chè hoa cau, chè lam, chè củ mài, chè củ từ… tất cả đều in đậm trong trái tim của người xa xứ này. Ông nhớ từ vải tiến Cầu Họ, bưởi Đoan Hùng, mận Thất Khê, cam Bố Hạ, hồng Việt Trì, mít Gia Linh đến mít tháng mười “sao mà nõn nường đến thế, sao cái vỏ nó mỏng đến thế, sao mầu sắc tươi lạ tươi lùng đến thế” cả trái bồ quân “đẹp một màu huyết dụ”, cái quả bàng quế “hột đỏ như son”.
Chính không gian và thời tiết phương Nam trái ngược đã làm cho Vũ Bằng nhớ tiếc không gian thời tiết nơi ông sinh ra, lớn lên rồi đi học rồi trở thành con người Vũ Bằng hôm nay. Thú ăn uống cũng làm khổ con người không ít, sự nhớ nhung quả thực không tốn kém gì nhưng làm ta nghĩ ngợi, tiếc nối gần như thấy thất bại trước thực tế, mặc dù cái nhớ của Vũ Bằng nó không cao xa gì chỉ là “một chén chè sen do nhà ướp, mấy cái bánh Tô Châu nhấm nháp vào một hôm mát trời, một nồi cơm gạo tám ăn với thịt rim, bát canh cần bốc khói nghi ngút, mấy quả cà Nghệ giòn tan hay mẻ cốm Vòng ăn với chuối tiêu trứng cuốc” [13]. Những ước mơ thật giản dị và rất dễ thực hiện nếu như ở xứ Bắc, nhưng với Vũ Bằng lúc ấy có thể coi những ước mơ đó là vọng tưởng không thể tìm.
Vũ Bằng luôn cảm thấy khổ tâm nên viết cho vơi. Ông viết về 12 tháng trong khung cảnh thiên nhiên, đất trời, cảnh vật, con người, văn hóa của Hà
Nội và của miền Bắc. Ông đã dành trọn tác phẩm này để viết về văn hóa miền Bắc với chiều sâu lịch sử và vẻ đẹp của thiên nhiên trong nỗi hoài niệm da diết. Khung cảnh, con người và các món ăn của từng mùa được tác giả miêu tả một cách chi tiết. Từ cá rô don nấu rau cải đến nõn khoai kho tương, từ mấy giọt dầu cà cuống thoang thoảng tới cái vị “nhận nhận bùi bùi, béo béo, thanh thanh của cà cuống thịt mà người tục có thể ăn cả trăm con không biết chán”. Rồi đến nhót, mận rượu nếp giết sâu bọ mùng 5 tháng 5, quả quýt ngọt lừ tháng 10, nhãn Hưng Yên tháng 6, cốm hồng tháng 9, rồi sôi và chè đường, chè đậu đen, chè hoa cau… Bấy nhiêu món ăn ấy đều được Vũ Bằng nâng lên thời trân mà thứ nào cũng được tác giả cho là “độc nhất vô nhị”, “thần sầu quỷ khóc”, “khoái khẩu cái”ngay cả“quỷ thần không hưởng thì thôi, chứ hưởng một chén, chắc chắn cũng phải đòi ăn chén nữa”. Thủ pháp thậm xưng luôn được tác giả sử dụng và người đọc tiếp nhận tự nhiên vì hợp tình hợp cảnh.
Vũ Bằng không chỉ kể các món ăn mà còn đặt các món ăn ấy vào các khung cảnh đời sống hết sức độc đáo, các món ăn đều thuận theo các tháng trong năm, mà tháng nào cũng là một trời thương nhớ. Ngoài ra tác giả còn phác họa đời sống sinh hoạt tinh thần của các vùng đất xung quanh Hà Nội trong những ngày tết, các dịp lễ hội rồi với những phong tục dân dã, với tất cả những sự phiền phức mà ai cũng tự nguyện chấp nhận. Có cả những bức tranh phong cảnh, mấy ruộng rau cần dăm bóng sầu đâu (xoan ta) rồi những thoáng run rẩy trong thời tiết như “cái buồn của tháng tám nên thơ, qua khúc rẽ, cái buồn của tháng chín ủ ê, day dứt”. Tất cả những cảnh ấy được tác giả miêu tả trong sự liền mạch của không gian và thời gian liên tục. Cách miêu tả của tác giả tinh tế khiến cho cảnh vật và con người gắn đến mức ngay cả tác giả cũng thừa nhận “ duyên không chịu được”.
Mở đầu Thương nhớ mười hai, ở bài “tự ngôn”, tác giả đã ví “…lòng người xa nhà y như thể là khúc gỗ bị mối ăn, mục nát từ lúc nào không biết. Trông bề ngoài thì không có gì khác lạ, nhưng cầm một cánh hoa khẽ đập vào
thử mà xem: tiếng gỗ kêu nghe mệt mỏi u buồn, mà nếu gõ mạnh thêm chút nữa, ta sẽ thấy gỗ vỡ tan, để lộ ra những tảng mục lỗ chỗ như tổ ong, tiếp ra một thứ bụi vàng hanh hao, nhạt nhẽo. Con tim của người khách tương tư cố lý cũng đau ốm y như là gỗ mục” [13, 9]. Có tâm trạng ấy bởi luôn nhớ miền Bắc, nơi mà mình và vợ đã từng bao nhiêu năm chung sống với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Người đàn bà tên là Quỳ ấy không phải xuất hiện thường xuyên nhưng mỗi dòng mỗi chữ trong sách dường như cất lên cốt cho người ấy nghe, như dành riêng cho người ấy đọc và dường như đấy cũng là lý do lớn nhất để cho tất cả đời sống quá vãng cùng trở lại. Trong gia đình tác giả, vợ chồng “tương kính như tân”, ân cần chiều chuộng nhau, mối quan hệ có cái gì rất cũ, thanh nhã, thân mật và ấm cúng.
Hồi ức về gia đình của Vũ Bằng dường như được lý tưởng hóa. Tình cảm gia đình luôn gắn với tình cảm về xứ sở phương Bắc. Tình yêu của Vũ Bằng với đất Bắc là thứ tình yêu trong xa cách lớn về không gian và thời gian. Những việc, những cảnh mà Vũ Bằng thể hiện như thuộc về quá khứ xa xôi trong hoài niệm.
2.1.1. Con người xứ Bắc Kỳ
Vũ Bằng là người viết nhiều về Hà Nội. Tập Thương nhớ mười hai là bằng chứng xác đáng nhất về tình yêu Hà Nội của Vũ Bằng. Nhà văn Triệu Xuân nhận xét: “Thương nhớ mười hai là một trong những áng văn bất hủ viết về đất nước quê hương. Phải là một con người nặng lòng yêu thương Tổ quốc, yêu thương quê hương, yêu Hà Nội hơn ai hết thì mới viết được một cuốn sách hay như thế!”. Hà Nội trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng không chỉ là sự thăng hoa của ký ức, mà nó còn lôi cuốn người đọc bởi sự hấp dẫn riêng và tình yêu non nước.
Khái niệm “quê hương” trong Thương nhớ mười hai là “quê nhà” với nghĩa đen của nó. Trong suốt những trang văn, Vũ Bằng luôn tha thiết gọi tên Hà Nội. Có lẽ Vũ Bằng sống ở miền Nam, do ly cách biệt với quê hương xứ Bắc nên Hà Nội càng trở nên lấp lánh và đậm đà da diết bởi vì thương nhớ.
Tình cảm của ông đối với quê hương thật đặc biệt, ông luôn ngợi ca những vẻ đẹp tinh túy của quê hương đất nước, đó là thiên nhiên kì diệu với những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc và hình ảnh con người hiện lên thật dịu dàng, thanh nhã.
Vũ Bằng cho rằng con người miền Bắc khác hẳn với con người miền Nam từ phong tục nếp sống đến tính cách. Người phụ nữ miền Bắc đảm đang tháo vát. Khi hết mùa người phụ nữ miền Bắc lại “thu hết những nệm thêu trải ở sập chân quỳ và gối gấm trên ghế trắc “mua từ bên Tầu về” để đem ra phơi dưới nắng xuân, trên một chiếc chiếu màu khô nỏ. Mi môn, quần màn, với quần áo tết của chồng và các con sẽ được phơi như thế chừng ba nắng để rồi đem cất vào trong tủ đã trải sẵn rễ “hương bài” để cho quần áo thơm ngát và khỏi “nhậy”.
Ấy đấy, thương người đàn bà Bắc như thế đấy. Sạch cứ như ly như lau, cẩn thận từng ly từng tí và thương hơn nữa khi ta thấy người đàn bà chậm rãi vuốt ve từng cái tà áo, lồng nhỏ nhẹ từng cái khuyết vào cái khuy rồi xếp vuông vức áo nọ lên áo kia như thể sợ động mạnh thì quần áo sẽ không còn vẹn tuyết trinh vì nhầu nếp lụa” [13, 21 - 22].
Cái đẹp của con người miền Bắc “không phải là quần áo, vì son phấn mà chính vì cái chất đẹp ở trong người tiết ra”. Cái đẹp dịu dàng còn được thể hiện ở lời ăn tiếng nói. “Anh ơi, mở cửa sổ ra cho trăng chiếu thật nhiều vào giường của đôi lứa chúng mình và anh để tay thế này, anh nhé, vì em thích nghe tiếng đồng hồ đeo tay của anh kêu tí tách bên tai như những tiếng trái tim bé nhỏ (…). Ngủ đi em. Anh ru em ngủ đi em ở đàng Nam, có những đám mây rủ thế kia và thi thoảng lại lóe lên những làn chớp sáng, có lẽ có mưa em ạ” [13, 128].
Ngay cả ăn uống của người miền Bắc cũng khác. Đặc biệt là cách ăn của người Hà Nội đã có tính nghệ thuật. Người Hà Nội ăn không hấp tấp, vội vàng. Họ ăn cốt thấy ngon chứ không phải cốt no. Vũ Bằng miêu tả: khi ăn ngô phải ăn thong thả, từng hạt một nhấm nháp từng hạt một để nghe cái thú
sữa ngô thấm đượm vào môi, vào lưỡi mình. Ăn phở là phải húp một tí nước dùng trong vắt không ăn riêng bánh phở rồi để thừa nước. Còn ăn bánh cuốn Thanh Trì nếu “lấy ngón tay nhón từng chiếc bánh đưa lên cho khẽ chạm vào môi ta “thì sẽ ngon hơn lấy đũa gắp”. Cái tiết canh, cháo lòng chính là món ăn bình dân nhất nhưng cũng là “một thức ăn thanh lịch vào bậc nhất”. Ăn món ăn này không thể nhằn nhoàm tống luôn ba miếng gan hay cổ họng vào miệng mà phải nhởn nha gắp từng bộ phận của con heo mà thưởng thức. Đặc biệt có tí rượu để mà khà thì tuyệt lắm. Với món ăn cổ truyền của người Hà Nội - món cốm thì người ta ăn như thế nào? “cốm không phải là thức ăn của người vội, ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ” [ 68, 74].
Nỗi nhớ của Vũ Bằng được thể hiện trong từng câu văn thật da diết, gắn liền với những cảm giác. Trong nỗi nhớ ấy, hình ảnh người con trai Hà thành lịch lãm tao nhã biết bao “ấy là tại vì người vợ hiểu chồng quá đi rồi, biết có tiền cũng chẳng đi cô đầu cô đít hay là trai gái phiện phò đâu, nhưng lại đi lên Nghi Tâm hay tạt về Ô Đống Mác mua cái đồi, hòn non bộ hay một cây thế lăng nhăng gì đó để ra ngắm vào ngắm rồi tưới, rồi sửa, rồi uốn, rồi bón, rồi hãm mất hết ngày”. Dưới ngòi bút của Vũ Bằng, Hà Nội được hiện lên một cách sinh động và tỉ mỉ qua nỗi nhớ của chồng đối vợ. Đêm đông lạnh khiến Vũ Bằng lại nhớ đến hơi ấm của tình nghĩa vợ chồng: “Nhớ lại có những đêm tháng Mười ở Hà Nội, vợ chồng còn sống cạnh nhau, cứ vào khoảng này thì mặc áo ấm dắt nhau đi trên đường khuya tìm cao lâu quen ăn với nhau một bát tam xà đại hội có lá chanh và miến rán giòn tan, người chồng lại phách đêm nay nhớ vợ cũng đóng cửa lại đi tìm một nhà hàng nào bán thịt rắn để nhấm nháp một mình và tưởng tượng như hãy còn ngồi ăn với người vợ thương yêu ngày trước, nhưng sao đi tìm mãi, đi tìm hoài không thấy một tiệm nào bán thịt rắn thế này?” [13, 225].
Trong ký ức của Vũ Bằng, Hà Nội khác hẳn với đất phương Nam. Hà Nội vui nhất là dịp tết, “Ở Hà Nội đến Tết, nhà nào cũng phải có một cành đào hay cây mai, một chậu cúc, cụm hồng nhung hoặc một cặp đỗ quyên có
hoa nở đỏ chói để cho vui nhà vui cửa; nhưng có nhà đặc biệt quan niệm rằng Tết mà không có hai chậu phong lan chân cua để trưng bày thì cái Tết kém