Quan sát con người và cảnh vật theo trình tự mười hai tháng

Một phần của tài liệu Cõi xưa trong văn chương của vũ bằng (Trang 58 - 70)

Tùy bút Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng viết về mười hai tháng với những khung cảnh của thiên nhiên đất trời, cảnh vật, con người, văn hóa Hà Nội và của xứ Bắc kỳ. Ông viết về Hà Nội với chiều sâu lịch sử và vẻ đẹp thân thương trong nỗi hoài niệm da diết. Thương nhớ mười hai được tác giả viết trong mười một năm (từ 1960 - 1971), tiêu biểu nhất của Vũ Bằng ở thể loại hồi ký. Hoàng Như Mai nhận xét: “Dù phải thích nghi với hoàn cảnh chính trị như thế nào đấy, cuốn sách vẫn bày tỏ rất rõ tâm sự của một người con miền Bắc nhớ da diết quê hương ở bên kia chiến tuyến”. Tấm lòng ấy đã cùng với ngòi bút tài hoa của Vũ Bằng làm nên giá trị văn chương của tác phẩm này. “Nó hấp dẫn ta từng dòng, từng trang”.

Ngay trong phần tự ngôn phần mở đầu của cuốn sách, tác giả đã thể hiện cảm hứng chủ đạo của tác phẩm: “Nhớ quá, bất cứ cái gì của Hà Nội cũng nhớ, bất cứ cái gì của Bắc Việt cũng nhớ, nhớ từ cánh đồng lúa con gái mơn mởn nhớ đi, nhớ từ tiếng hát của người mẹ ru con buổi trưa hè mà nhớ lại; nhớ hoa sấu rụng đầu đường Hàng Trống, nhớ quả bàng ở Hải Hậu rụng xuống bờ sông đào, nhớ sen Linh Đường thơm cả ngào ngạt bầu trời nhớ lên, nhớ nhãn Hưng yên… nhớ xuống… nhớ không biết chừng nào là nhớ, nhớ sao nhớ quá thế này…” [13, 12 - 13]. Do đó, mười hai tháng mang những cung bậc riêng của nỗi nhớ, cứ mỗi tháng lại có “cái đẹp não nùng riêng”. Đó là nỗi niềm của người xa quê. Quê hương đã in đậm trong lòng nên khi nhìn sự biến đổi của các hiện tượng dù là nhỏ nhặt nhất thì cũng đủ gợi cho người xa xứ này nỗi nhớ về Hà nội, về xứ Bắc Kỳ. Nỗi nhớ ấy được tác giả ví như “chàng trai nhớ gái; bất cứ thấy ai cũng tưởng ngay đến người thương của mình và đem ra so sánh thì bao nhiêu người đẹp ở trước mắt đều kém người thương mình hết” [13]. Khi nhớ thì hình ảnh Bắc Việt nối tiếp nhau hiện ra. Tác giả lại hồi tưởng và đem so sánh với con người, cảnh vật ở phương Nam càng thấy sung sướng và hạnh phúc. Những ánh mắt nụ cười dáng hình của người Bắc Việt thân yêu, cùng với những món ăn mà ông đã từng được thưởng thức như bát

canh cua, món chả cá… và cả những trận mưa, cùng với không khí của mùa đông và không khí ngày tết… cứ hiện về trong tâm tưởng của ông như mới diễn ra.

Tác giả viết Thương nhớ mười hai lúc đang sống lạc lõng giữa đất Sài Gòn, nơi mà chỉ có hai mùa mưa nắng nên tác giả càng nhớ thương bốn mùa ở Hà Nội. Bằng tình thương và nỗi nhớ ấy tác giả đã dựng lên những cảnh quan thanh lịch và quý phái của vùng Bắc Việt. Những quang cảnh thiên nhiên, thời tiết, thời trân bốn mùa, những phong tục, tập quán lễ hội lễ tết, những cách ứng xử, đi đứng ăn mặc nói năng của con người trong từng ngày, từng tháng… đã được tác giả dựng lên và liên kết với nhau để tạo nên hồn vía riêng của quê hương Bắc Việt. Cảnh quan trong Thương nhớ mười hai dù mùa nào, tháng nào cũng là những cảnh quan quen thuộc mà “thần tiên”. Tháng ba, ở miền Bắc lúc ấy “Trời trong như ngọc, đất sạch như lau”, tuy đến tháng ba ở miền Bắc vẫn đang còn rét nhưng đó là một cái rét “thơ mộng cái rét của một trời đầy hương và ngát hoa” có thể ví khí hậu của tháng ba với “cô gái có sắc đẹp nghiêng thành nghiêng nước” cùng với khí hậu tươi đẹp ấy là các lễ hội, các trò chơi chọi gà, chọi cá, đấu vật, nhưng “tháng ba đầm ấm ngày xưa, tháng ba tươi tốt, người đã mịt mù tăm tích! Biết bao giờ ta còn được nghe thấy tiếng trống giục các đô vào trận, biết bao giờ ta lại được trông thấy những tay vật nhà nghề bắt bò thần tốc, khóa chân tay nhau rồi vật chổng chân lên trời!” [13, 65].

Sang tháng tư, bắt đầu vào hạ, “biết bao kỉ niệm xanh một màu núi tím, nước xanh”, “Nước thì xanh, núi thì tím hoa trên sườn núi đỏ màu cánh sen mà các cô nàng thoát y lại trắng như ngó sen, tóc xõa xuống lưng đen như mực tàu”. Thu sang, Bắc Việt đẹp cái “đẹp não nùng”, cái đẹp của “hơi may với hoa vàng”, “một mùa thu xanh mơ mộng hữu tình”, “mộng từ ngọn gió cánh hoa mộng đi, mộng từ tiếng nhạn về én đi mà mộng lại, mộng từ bông sen tàn tạ trong đầm mà mộng lên, mộng từ sắc ố quan hà mà mộng xuống”.

Ngay cái tiết đông gió bấc mưa phùn, cảnh vẫn “mông lung sương khói”, bên “mận mới bắt đầu nảy lộc xinh xinh màu hoa lý” …

Cảnh vật của mỗi tháng lại có những vẻ đẹp gợi những nỗi nhớ nhung. Dưới ngòi bút tài hoa của Vũ Bằng, không tháng nào được hình dung giống nhau. Điểm chung giữa các tháng là cái đẹp của thời tiết, thời trân, sông núi, nước mây, con người, phong tục tập quán… của Bắc Kỳ xa cách. Thương nhớ

mười hai trở thành một thông điệp “thương nhớ” vô hạn của người nghệ sĩ tha

hương lữ thứ, đồng thời cũng thể hiện một khối kiến thức sâu rộng của Vũ Bằng. Từ mối cảm hoài chất chứa trong lòng mình, nhà văn tạt sang người con gái con quan thừa tướng tương tư tiếng hát anh lái đò. Trong lúc đang mơ màng tháng hai nẻo Bắc lại nghĩ đến Trương Hàn tơ tưởng rau thuần, cá lư, muốn treo ấn trở về quê cũ, đến tháng ba, từ cái rét nàng Bân tác giả lại liên tưởng đến Dương Quý Phi làm nũng Đường Minh Hoàng, đến mối tình chinh phu chinh phụ rồi nhân đó nghĩ luôn đến câu “Gió xuân mơn cánh hoa đào, mưa xuân phấp phới trên ao rau cần”. Cứ như thế, mười hai tháng với sự thay đổi thời tiết, sự rung động uyển chuyển của năm tháng, đã khơi gợi không biết bao nhiêu liên hệ từ thơ bà Huyện Thanh Quan, đến thơ Nguyễn Bính, từ thơ Đỗ Phủ đến thơ Bạch Cư Dị… tất cả tập trung khắc sâu, tô đậm cho vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ của quê hương, đất nước.

Khi đọc Thương nhớ mười hai nhà văn Tô Hoài đã từng nhận xét: “Thương nhớ mười hai, bàn tay giơ lên đếm một tháng, một ngày, một năm, một đời. Đó là cái tha thiết đầu tiên và cuối cùng. Tôi đã đọc bài thương nhớ ấy từ ngày Vũ Bằng viết dần từng kỳ đăng trên các báo ở Sài Gòn. Đến khi in thành sách, xem ở dưới sách mấy lời ghi biết được tác giả đã miệt mài ròng rã hơn mười năm trời mới song được cái mười hai tháng thân phận một đời người ấy. Từng câu tha thiết đã làm cho cả người đương ở giữa Hà Nội cũng phải yêu lây…”. Nỗi nhớ Bắc Kỳ của tác giả được thể hiện ngồi đếm từng ngày, đếm từng tháng, bằng việc miêu tả thời tiết, các lễ hội, lễ tết, các cảnh quan văn hóa rồi những món ăn quen thuộc của quê hương, những món ăn ấy

được thể hiện qua bàn tay khéo léo của người vợ đảm đang dịu hiền tên Quỳ. Tất cả từ con người đến cảnh vật luôn ám ảnh nhà văn nên qua mỗi câu chữ mỗi lời văn ta thấy hiện lên sự run rẩy của nỗi nhớ và tình thương về quê hương xứ xở Bắc Kỳ.

Mở đầu bài tựa Miếng ngon Hà Nội, Vũ Bằng tâm sự: “Người xa nhà đột nhiên thấy trống trải trong lòng. Lê bước chân trên những nẻo đường xa lạ, y thấy tiếc nhớ một cái gì không mất hẳn, nhưng không còn thấy. Nhớ vẩn vơ, buồn nhẹ nhẹ. Cái buồn không se sắt, cái nhớ không day dứt, nhưng chính cái buồn và cái nhớ đó mới thực làm cho người ta nhọc mệt, thẫn thờ. Lòng người, cũng như cánh hoa, chóng già đi vì thế. Người ta không nặng lắm về hiện tại, nhưng thiết tha với quá khứ hơn. Một tiếng dế ở chân tường, một ngọn gió vàng heo hắt, hay một tiếng lá đụng cành tràm đều nhắc nhở ta những kỷ niệm xa xôi, dìu dịu” [9, 42]. Trong hồi ức của Vũ Bằng, ngay cả những món ăn bình dị của xứ Bắc của Hà Nội lúc nào cũng hiện lên trong tâm tưởng ông “Một chén trà sen do nhà ướp; mấy cái bánh Tô Châu nhấm nháp vào một hôm mát trời; một nồi cơm tám ăn với thịt dim; bát canh cần bốc khói xanh nghi ngút; mấy quả cà Nghệ giòn tan hay mẻ cốm Vòng ăn với chuối tiêu trứng cuốc,… tất cả những thứ đó, gợi cho ta một nỗi thèm tiếc mờ mờ, như làm rung động tới những nơi thầm kín nhất của lòng” [9, 43]. Trong tác phẩm của Vũ Bằng, các món ăn đã thực sự trở thành hiện tượng văn hóa.

Người vợ là hình tượng trung tâm để tác giả gửi gắm tình cảm. Ở lời đề tặng của cuốn Thương nhớ mười hai tác giả viết: “Bắt đầu viết cuốn sách này thì là nhớ. Viết đến câu chót, (tháng 9) thì là thương. Thương không biết bao nhiêu, nhớ không biết ngần nào người bạn chiếu chăn Nguyễn Thị Quỳ. Thân mến tặng Quỳ cuốn sách này để thay mấy lời ai điếu”. Tác phẩm chan chứa nỗi nhớ thương của Vũ Bằng đối với vợ. Từ tháng giêng cho đến tháng chạp, mỗi tháng đều gắn với những kỉ niệm. “Có một bóng Quỳ hằn lên trang viết, đi về trên trang viết như hòn than đỏ” [8, 147]. Quỳ là một người vợ đảm đang tháo vát: “Mùa nào thức ấy những “thời trân” Quỳ chẳng quản ngại kiếm về,

Quỳ chế biến tuyệt khéo. Quỳ tinh ý nghe xem ý tứ, sức khỏe người chồng để mà nấu nướng. Quỳ lại khéo mời mọc, dỗ dành cưng nựng người chồng ăn uống cho ngon. Quỳ là cả một kho ca dao cổ tích, hằng đêm Quỳ kể cho chồng nghe. Quỳ nuôi nấng, săn sóc chồng như mẹ chăm con, như chị chăm em. Quỳ cho ăn mặc, rồi lại cho đi chơi thoải mái…” [8, 148]. Sự đảm đang ấy của Quỳ khiến cho Vũ Bằng dù có đi đâu cũng không quên được hình bóng người vợ yêu quý. Ngay cả khi bên Vũ Bằng đã có người vợ mới nhưng kí ức về Quỳ vẫn không bao giờ phai mờ trong tâm trí ông. Chính vì thế mà “Quỳ là bóng dáng thân thương nhất hợp vào với ngọn gió sáng mùa, với gạo tám thơm chim ngói, với cà cuống bún Mơ, với cốm Vòng hồng trứng, với tiếng hát trống quân, với chơi bài tam cúc, với Tết Trung thu, Nguyên Đán, hội làng… để làm nên bốn mùa biêng biếc yêu thương…” [8, 148]. Hình tượng người vợ luôn gắn bó với những biểu tượng của xứ Bắc.

Từ hình ảnh Quỳ ta có thể thấy phụ nữ là nơi bảo tồn bền bỉ nhất tâm hồn đất nước, văn hóa giống nòi. Nhân vật Quỳ óng ánh những gì thuần khiết của đất mẹ Việt Nam. “Tác giả đã đồng nhất nhân vật Quỳ với văn hóa Việt cổ truyền. Yêu Quỳ, nhớ Quỳ, mặc cảm có tội với Quỳ, tình nhân bé nhỏ, người vợ yêu thương, nay là cố nhân - người năm xưa, vẫn còn yêu mãi, “khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”, chứ không phải là người cũ, người một thuở. Đây là người tình muôn kiếp. Mỗi khi nhắc đến Quỳ, các câu chữ trong trang viết Vũ Bằng cứ thấm thía nỗi yêu thương. Hơn cả tình yêu, thêm tình nghĩa tao khang vợ chồng hợp lại. Các câu chữ gói vào bầm đỏ một tình yêu li biệt. Hình ảnh của người vợ cứ trở đi trở lại trong hoài niệm của người chồng nơi phương xa và bốn mùa xa cách là bốn mùa nhớ thương, thời gian thì cứ dần trôi đi. Sự cách biệt do con người tạo ra còn đáng sợ hơn: “Đã lâu lắm, chúng mình không được tin tức của nhau Quỳ nhỉ! Chiến tranh cắt đứt ân tình của đôi ta, thôi đành lấy câu vận mệnh để khuây dần thương nhớ vậy” [13, 34].

Hình ảnh con người và cảnh vật trong mười hai tháng được tái hiện từ nhiều góc độ, mỗi góc độ lại mang một vẻ đẹp riêng, một sự hấp dẫn riêng

không lẫn với một không gian văn hóa khác. Vũ Bằng luôn nhớ quê hương và luôn mong chờ có ngày trở lại. Gắn liền với hình ảnh thiên nhiên xứ Bắc là hình ảnh người vợ yêu quý. Tình yêu con người và thiên nhiên xứ Bắc cũng chính là tình yêu quê hương đất nước.

2.2.2. Phân tích cảm giác của chủ thể cảm nhận

Vũ Bằng không chỉ là một nhà báo bậc thầy mà còn là một nhà văn tài năng. Vũ Bằng sống ở Hà Nội từ lúc lọt lòng cho đến tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” nghĩa là sống trọn tuổi thơ, tuổi trẻ nơi đây. Ông được nuôi dưỡng trong văn hóa Bắc Bộ, văn hóa kinh kỳ. Văn hóa Bắc Việt như nguồn năng lượng tự nhiên không thể thiếu để sinh tồn, tạo nên nhân cách Vũ Bằng. Đến năm 1954 (ở cái tuổi 40) khi ông phải chuyển vào Sài Gòn để làm nhiệm vụ, khi phải xa quê hương, xa thế giới kỉ niệm, xa người thân, bạn bè. Những tưởng rằng “Cùng là đất nước, đi đâu mà chẳng thế? Từ Bắc vào Trung, đâu đâu lại không có những con mắt nhìn vào những con mắt mà như gói ghém cả một trời thương; từ Trung vào Nam, chỗ nào mà lại chẳng có những miệng cười, không nói ra lời mà hàm súc biết bao duyên thắm?” (…) “Vậy mà không; lòng người xa nhà y như là khúc gỗ bị mối ăn, mục nát từ lúc nào không biết...”[13, 9].

Khi phải vào Nam, Vũ Bằng như bị bứng ra khỏi bầu sinh quyển văn hóa của mình. Ông không thể thích nghi với môi trường ở đây bởi vì Sài Gòn khác Hà Nội nhiều. Mỗi nơi đều có cái vẻ đẹp riêng, có điều với Vũ Bằng rằng đó là một cái khác mà khó có thể hòa hợp được. Cái đầu tiên mà ông không thể hòa hợp được đó là môi trường sinh thái. Nếu ở miền Bắc có bốn mùa tươi đẹp thì ở miền Nam chỉ có hai mùa mưa nắng.

Ngay cả ngày Tết, Sài Gòn trời vẫn nóng như thiêu, những người dân ở Sài Gòn ngày Tết vẫn mặc áo cộc tay, uống nước đá, ăn dưa hấu. Mưa ở Sài Gòn cũng khác mưa ở miền Bắc: “mưa ở Bắc thường thường không lớn bằng mưa ở Nam, nhưng mưa ở Bắc lai rai hơn, có khi mưa suốt ngày suốt đêm không nghỉ, khác hẳn cái mưa rào trong Nam thoắt một cái mưa, đánh đùng

một cái tạnh, rồi nắng liền, y như thể một anh “thọc lét không cười” liến khỉ mà mặt thì cứ phượt ra không nhếch mép… lắm lúc thấy cái mưa như thế, tức giận không để đâu cho hết…” [13, 118]. Cùng với khí hậu khác thường ấy là những món ăn không hợp khẩu vị đã khiến cho Vũ Bằng dù có cố gắng cũng khó thích nghi. Song điều quan trọng hơn cả vẫn là nỗi lòng của ông đã dành hết cho miền Bắc rồi, nên không ở đâu bằng quê mình cả. Dù ông có cố gắng cũng không thể hòa nhập được với thế giới xung quanh. Ông luôn cảm thấy trơ trọi như một người xa lạ, mọi sự sống xung quanh như không phải dành cho mình.

Khi sống ở Sài Gòn, Vũ Bằng luôn nhức nhối một nỗi niềm tha hương, ông luôn sống trong tâm trạng khắc khoải về một không gian khác. Đó là không gian mà đã chứa đựng biết bao nhiêu kỉ niệm trong cuộc đời của ông, nơi có gia đình, có người vợ yêu thương cùng với những người thân thiết, còn ở đây, tất cả đều xa lạ, từ không gian văn hóa đến con người. Càng cô đơn, nỗi nhớ càng được nhân lên, thấm sâu vào lòng, dày vò tâm hồn của người con ly hương xa xứ, khiến những khát khao ấy có lúc đã chuyển thành ước mơ “Lạy trời đất quỷ thần! Xin phù hộ cho chúng con mạnh khỏe chân tay để một ngày kia được trở về nơi chôn rau cắt rốn” [13, 32]. Nhiều khi nỗi cô đơn của khách ly hương còn dâng lên trở thành những tiếng nấc nghẹn ngào. “Bao giờ

Một phần của tài liệu Cõi xưa trong văn chương của vũ bằng (Trang 58 - 70)