Con người phóng khoáng, hào hiệp và tài tử

Một phần của tài liệu Con người và không gian nam bộ trong buffet truyện ngắn đồng bằng luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 38 - 41)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.2.Con người phóng khoáng, hào hiệp và tài tử

Về mặt tự nhiên, Nam bộ là vùng đất với những sông ngòi chằng chịt, những ao hồ và ruộng đồng mênh mông… Do cấu tạo tự nhiên có tính đặc thù như thế nên có thể thấy trong sinh hoạt đi lại của người dân người Nam bộ, nhất là ở những vùng quê nông thôn chủ yếu là ghe, xuồng, vỏ lãi, tắc ráng… Những yếu tố này đã tác động trực tiếp đến cách xây dựng và miêu tả tính cách con người trong Buffet truyện ngắn đồng bằng . Người đọc dễ dàng bắt gặp trong cách thể hiện của các tác giả về mọi sinh hoạt và đời sống của con người đều mang dấu ấn của vùng đất phù sa sông nước như: ruộng đồng, kinh rạch, dòng sông, con đò, ghe xuồng, chợ nổi…

Một vấn đề nữa, nói đến Nam bộ cũng là nói đến cái nôi của bộ môn nghệ thuật cải lương. Người Nam bộ vốn rất mê cải lương, rất hay hát những bài vọng cổ cũng như rất quý trọng những người nghệ sĩ ở những đoàn, gánh hát đã đem lời ca tiếng hát của mình để phục vụ bà con sau một ngày lao động vất vả. Hay có những người vì mê hát cải lương, mê ca vọng cổ đã không ngần ngại bỏ cửa, bỏ nhà, bỏ giàu sang vinh hiển để đi theo những đoàn gánh hát cho thỏa niềm đam mê ca hát. Nhân vật bà Năm Mẹo là một điển hình, một người dù không biết hát nhưng vì mê cải lương mà dám bỏ nhà, bỏ cả thời thanh xuân, theo làm lẻ ông bầu Thái. Bà kể rằng “Thời trước, tôi trẻ đẹp lắm! Thanh niên trai tráng chạy theo đuôi hàng tá. Mà tôi kiêu kì,

lẳng lơ! Dễ gì đám trai tơ nhồng nhồng ấy rớ tôi được. Tôi lại mê cải lương… Cậu biết lúc đó chỉ cần có Thành Được, Út Trà Ôn về đây diễn, ba má tôi đánh tét đít, tôi cũng trốn đi coi…” [39, 217-218]. Rồi lớn lên cũng vì cái nghiệp tài tử mà bà phải dấn thân vào, mặc dù bà chỉ có “tiếng khóc là hơn người” (Người khóc mướn – Nguyễn Minh Phúc).

Không chỉ được biết đến bởi sự tài tử, những con người Nam bộ còn được nhắc đến với sự phóng khoáng, hào hiệp. Buffet truyện ngắn đồng bằng

đã chứng minh điều đó bằng những nhân vật như: ông Tư Ngưu (Ông Tư Ngưu – Nguyễn Phấn Đấu), Năm Hò (Gã si tình xứ lúa – Nguyễn Lập Em), đại ca Long (Giang hồ vặt – Lê Minh Nhật).

Cũng như Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, các tác giả trong tuyển tập rất chú trọng đến vấn đề đạo nghĩa. Sống và hành xử theo nghĩa là phẩm chất của người Việt Nam ta từ xưa đến nay. Đó là những con người phóng khoáng hào hiệp, yêu thương con người như chính bản thân mình, sẵn sàng vì nghĩa quên thân.

Thế cho nên, trọng nghĩa khinh tài là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Nam bộ xưa nay. Nam bộ là vùng đất kết tinh của biết bao mồ hôi, xương máu của những con người buổi đầu đến đây để khai hoang lập nghiệp và cả những con người đã dựng xây để cho vùng đất này trù phú, tươi tốt như ngày hôm nay. Sống ở một vùng đất mà sáu tháng nắng cháy da, đồng khô cỏ cháy, sáu tháng lại ngập chìm trong mênh mông nước là nước, con người tưởng chừng như không thể bám trụ với thiên nhiên khắc nghiệt của vùng đất này, nhưng ngược lại chính điều kiện ấy đã đúc kết cho con người những nét tính cách hết sức phóng khoáng, hào hiệp. Hội tụ về vùng đất này là những con người xa lạ, không bà con, họ hàng thân thích, không cùng xóm làng, vì cuộc sống mưu sinh, có những lúc con người tưởng chừng như phải tiêu diệt nhau để có thể bám trụ, sinh tồn. Chỉ vì những con vịt nhập bầy, vì dành nhau những cách đồng thả vịt mà có lúc họ đã không ngần ngại thuốc chết cả một

bầy vịt hàng ngàn con – đó là cả một gia tài của những người làm nghề chăn vịt. Thế nhưng cũng chính trong cảnh trời đất bao la, đầy hiểm nguy và mất mát đó, tình cảm của con người đã nẩy nở, những mảnh đời bất hạnh đã đoàn kết, gắn bó, yêu thương quý trọng lẫn nhau, sẵn sàng giúp đỡ nhau. Họ không tính thiệt hơn mà kết lại thành anh em, bạn bè để sẽ chia gian khổ trong cuộc sống, kẻ chết vợ, người mất chồng, sống trong cảnh không đủ ăn, không đủ mặc, họ đã gá nghĩa thành vợ chồng, tiềm niềm vui trong cuộc sống nghèo vật chất nhưng lại giàu nghĩa tình (Những mảnh đời trôi dạt – Trần Thôi). Phải chăng, đó chính là tấm lòng hào hiệp của con người vùng sông nước, tình cảm của họ luôn dạt dào như nước sông Cửu Long.

Cuộc sống sinh hoạt của người dân đồng bằng sông Cửu Long thường gắn liền với những buổi hát hò vui chơi mà họ gọi là “đờn ca tài tử” thắm đượm tình làng nghĩa xóm… Trong Buffet truyện ngắn đồng bằng thật dễ dàng tìm thấy khung cảnh như ở sân nhà bác Ba Nhẫn, mặt trời tắt nắng là lúc nhà bếp chuẩn bị làm mấy con vịt để bắt nồi cháo, thanh niên thì vát lúa vô bồ, cái sân cũng được quét, rửa sạch sẽ, để làm “sân khấu” phục vụ văn nghệ cho bà con sau một vụ mùa vất vả, và cũng để thỏa tình yêu với câu vọng cổ của gia chủ. Không khí thật tất bật nhưng lại đầy hào hứng. Mọi người đều tăm tấp theo lời bác Ba, bởi ai cũng muốn nhanh chóng được thả hồn vào những tiếng đờn, câu hát, những giai điệu ngân nga luyến láy của những anh kép, cô đào cải lương. Có một thời người ta quan niệm, ca (nghệ) sĩ là phường xướng ca vô loại, nhưng trong tâm hồn của những con người lao động Nam bộ thì ngược lại, họ chính là niềm ngưỡng mộ, tự hào, là biểu hiện cho vẻ đẹp tâm hồn của con người ở xứ sở miệt vườn này. Thấy cách đón tiếp của bác Ba Nhẫn dành cho họ thì sẽ rõ, “khách” đến bác Ba mừng ra mặt, hối người nhà nhanh tay nhanh chân dọn mâm, còn mình thì lật đật “để tui đi mặc cái áo”, và khi mời rượu cũng vậy: “Bác Ba cầm cái ly “mắt trâu” lên đưa giáp một vòng trước mặt mình, mời tượng trưng:

- Mời hết thảy anh em mình vui một bữa. Tui làm trước một ly rồi xoay vòng. … Xin mời! – Bác ba nói xong thì uống cạn ly rượu” [39, 229].

Trong những đêm đờn ca như thế, kkhông chỉ có tiếng hát nghệ sĩ cất lên mà ngay cả những người nghiệp dư, có lúc vì quá mê môn nghệ thuật này nên có lúc không kìm được lòng. Bác ba ngay từ đầu đã xin chỉ làm khán giả, vậy mà khi men rượu ngà ngà, hứng chí, bác ba muốn dợt lại mấy bài ca mà lúc còn xuôi ngược giang hồ bác đã từng chiếm ngôi vị “kép độc” trong các bữa họp mặt cùng anh em bè bạn.

“- Bây giờ tui xin… góp với “anh em nghệ sĩ” một bài ca cổ…”

“- Tui ca bài…bài… “Lòng dạ đàn bà””. Đó là sự hưởng ứng của gia chủ với bộ môn nghệ thuật đặc sắc của vùng Nam bộ này, còn những người làm công và bà con hàng xóm thì khỏi phải nói, họ kéo tới, ngồi chung quanh nghệ sĩ, đầy cả nền cái sân gạch Tàu rộng của bác ba. “Riêng thằng Sáu thì leo lên cây mận để coi cho sướng mắt” (Những kẻ tài hoa – Diệp Hồng Phương). Có thể nói, tất cả những yếu tố trên là kho cứ liệu văn hóa dồi dào, giúp người đọc cảm nhận được tính cách phóng khoáng, hào hiệp và tài tử của con người Nam bộ, những con người mê đờn ca tài tử, thích hát vọng cổ và đặc biệt là rất thích trở thành nghệ sĩ cải lương…

Một phần của tài liệu Con người và không gian nam bộ trong buffet truyện ngắn đồng bằng luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 38 - 41)