Triết lý sống hài hòa, gần gũi với thiên nhiên

Một phần của tài liệu Con người và không gian nam bộ trong buffet truyện ngắn đồng bằng luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 73 - 76)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.2.Triết lý sống hài hòa, gần gũi với thiên nhiên

Nam bộ là nơi gặp gỡ và cùng chung sống của nhiều tộc người như Chăm, Khơ me, Hoa, Mạ..., trong đó người Việt đóng vai trò chính. Những

người Việt đầu tiên đến định cư ở vùng đất mới này đều từ miền Bắc và miền Trung. Họ đến và mang theo vốn văn hoá gốc rễ của mình.

Trong Buffet truyện ngắn đồng bằng ta dễ dàng thấy được sự tác động của thiên nhiên đến con người và ngược lại.

Trước hết thiên nhiên là môi trường sống của con người, thiên nhiên đem lại những nét đẹp trong tâm hồn và sự bình yên trong cuộc sống con người. Thiên nhiên Nam bộ vốn hiền lành, đã nuôi dưỡng bao thế hệ người lớn lên, những tháng mưa thuận gió hòa, đem lại cho con người biết bao nguồn lợi kinh tế từ những cánh đồng lúa trĩu nặng, oằn bông. Vì thế đồng bằng sông Cửu Long chính là vựa lúa lớn nhất cả nước, không chỉ cung cấp lương thực cho người trong vùng, trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, đem lại nguồn thu nhập lớn, cải thiện đời sống người dân, ngoài ra hàng năm nhờ vào sự thuận lợi của thiên nhiên ta còn có một vụ hoa màu tươi tốt, mang lại thu nhập không kém cho con người nơi đây, chưa nói đến ba tháng mùa nước lũ, con người có thể lợi dụng thiên nhiên để chăn nuôi vịt đàn, nuôi cá, nuôi tôm, làm giàu thêm cho gia đình, quê hương (Cù lao quê ngoại – Ca Dao, Mùa này mía chẳng trổ bông – Hồ Kiên Giang, Những mảnh đời trôi dạt – Trần Thôi, …). Đó là nhìn từ góc độ kinh tế, còn ở góc nhìn về đời sống, văn hóa thì thiên nhiên đã khơi gợi lên bao nét đẹp tâm hồn trong con người.

Trong truyện Mùa này mía chẳng trổ bông – Hồ Kiên Giang, ta thấy được đặc trưng thiên nhiên của vùng đất Nam bộ, con người dường như chưa bao giờ tách khỏi thiên nhiên, mà luôn sống hòa cùng thiên nhiên, đem lại vẻ đẹp cho tâm hồn mình. Thiên nhiên làm tâm hồn con người được thanh lọc (Người trong vườn lãng quên – Ngô Khắc Tài), thiên nhiên tô điểm cho cuộc sống con người thêm tươi đẹp, trong truyện Tình hoa kiểng – Nguyễn Ngọc Tuyết đã tạo ra một sự hòa hợp thật đẹp giữa con người và thiên nhiên, trong khung cảnh đất trời thơ mộng của ngày xuân, hai con người có tình ý với

nhau, cùng gặp nhau trong khu vườn đầy hoa kiểng đang khoe sắc, họ dường như không cần lên tiếng mà chỉ cần im lặng lắng nghe thiên nhiên nói hộ lòng mình. Quả thật là một bức tranh tuyệt đẹp, để tâm hồn con người thăng hoa và cảm xúc được bộc lộ.

Bên cạnh đó thiên nhiên cũng có lúc như muốn nuốt chửng con người, bóp chết con người trong sự giận dữ của mình.

Trong truyện Bến lở bến bồi của Võ Diệu Thanh, ta thấy hiện lên thiên nhiên cuả một vùng đất sông ngòi rộng lớn, nơi đây con sông đã làm mình làm mẩy với người dân bao đời nay. Ẩn trong nó là bao hiểm họa, đe dọa con người và cuộc sống của họ. Hằng năm nó có thể lấy đi của con người biết bao là đất đai, cây trái, khiến đời sống của người dân vùng sông nước vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, đến nỗi con người phải tức giận, phải oán hận dòng sông bởi “rẫy bắp nhà tôi teo dần do bị con sông Tiền ngoạm từng miếng lớn” hay “Một ngày đi tìm cây đu đủ dầu rang muối xoa bóp cho má, tôi vô tình chạm mắt vào miếng rẫy của cô, giật mình vì thấy miếng rẫy đang cheo meo chực đổ ra sông. Vực hẳm đứng, chỉ cần vài mùa nữa dòng sông sẽ ăn mất đám rẫy này” [39, 304]. Có lúc nhân vật “tôi” trong tác phẩm lại “nhớ mảnh đất cồn hằng ngày lở từng mảng đổ ầm xuống sông mà lòng giận sông Tiền, cũng là bờ cõi quanh mình mà bờ thương bờ ghét” [39, 305].

Sông không chỉ đem về phù sa cho những vườn cây ăn trái trĩu quả nơi cù lao, không chỉ đưa những người nông dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời những đồng lúa oằn bông, không chỉ biến những nông dân một nắng hai sương thành những tỉ phú với cách lợi dụng sông nước nuôi cá nuôi tôm, mà có những lúc sông cũng giận dữ, gầm thét và lấy sạch đất đai, cây cối của con người, khiến con người phải mất mát, hụt hẩng. Tất cả đều là quy luật của thiên nhiên. Trong cuộc mưu sinh, dù thiên nhiên có thế nào thì con người đều bám vào nó, tìm hiểu quy luật của nó, để mục đích cuối cùng là có thể cùng chung sống với thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ cho con người. Đó

chính là triết lí, là kinh nghiệm mà con người đã đúc kết được trong bao năm sống trên mảnh đất lúc hiền hòa, lúc dữ dội của vùng đất phía Nam Tổ quốc.

Một phần của tài liệu Con người và không gian nam bộ trong buffet truyện ngắn đồng bằng luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 73 - 76)