7. Cấu trúc của luận văn
2.3.2. Nhân vật xuất hiện qua những sinh hoạt đời thường
Hiện nay, khi đất nước đã thật sự bước vào quỹ đạo chung của xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, nhắc đến vùng đất Nam bộ đặc biệt là các tỉnh thuộc miền Tây Nam bộ, có một sự thật làm mọi người phải xót xa, đó là: tuy vùng đất này là vựa lúa, vựa lương thực lớn nhất nước nhưng về mặt bằng dân trí và trình độ học vấn của người dân thì lại thấp nhất nước. Theo đánh giá của các cơ quan quản lý về giáo dục và văn hóa thì đồng bằng sông Cửu Long là “vùng trũng” về giáo dục của cả nước. Đây có thể nói là một thực trạng đau lòng. Chính thực trạng đau lòng này làm nảy sinh nhiều vấn nạn, gây ra nhiều bi kịch của con người nơi đây. Và đó cũng là một trong những đặc điểm quan trọng góp phần tạo nên cách nhìn và thể hiện con người với những ước mơ và khát vọng đời thường, nhỏ nhoi trong hai mươi truyện ngắn của tuyển tập
Buffet truyện ngắn đồng bằng. Những con người vì thất học nên cái nghèo, cái đói, cái dốt cứ mãi đeo đuổi. Để sinh tồn họ phải lăn lộn, phải bươn chải quanh năm trên ruộng đồng, sông nước (hình ảnh của anh Năm Hò, của cô Hai trong Gã si tình xứ lúa – Nguyễn Lập Em; thậm chí phải đánh đổi cả thân xác (nhân vật Nguyễn Thị Nhớ, con Hai Mận trong Bến xưa – Trầm Nguyên Ý Anh),…
Đó không chỉ là sự trăn trở của các nhà chức năng mà nó còn là nỗi xót xa của những con người yêu mến, nặng lòng với quê hương, bởi ai không
muốn quê hương ngày càng được phát triển hơn, nhưng với mặt bằng dân trí thấp, thì sẽ kéo theo bao hệ lụy của nó. Để nhân vật mình xuất hiện qua những sinh hoạt đời thường cũng là dụng ý của nhà văn, phải chăng họ muốn mọi người qua cách sống, cách nghĩ và những hành động mộc mạc, giản đơn hơi có phần tùy tiện sẽ có một cái nhìn mới hơn, đem lại tiến bộ theo hướng tích cực cho những con người ở miền quê sông nước này.
Khảo sát phần lớn các truyện trong tuyển tập Buffet truyện ngắn đồng bằng ta nhận ra có một điểm chung là các nhân vật hầu hết đều gắn cuộc đời mình với những bến sông: Bến xưa, Bến đợi, Cù lao quê ngoại, Bến lở bến bồi; những mảnh vườn: Quê nhà, Người hàng xóm lạ lùng Người trong vườn lãng quên, Tình hoa kiểng; những chiếc xuồng ghe lênh đênh trên các con rạch (trong phạm vi đồng bằng sông Cửu Long): Giang hồ vặt, Những kẻ tài hoa, Những mảnh đời trôi dạt, nếu có sự bứt phá thì cũng chỉ là lên đến tỉnh bán quán, làm người giúp việc nhà hoặc… lấy chồng Đài Loan mà thôi. Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi phủ nhận những nét sinh hoạt truyền thống của làng quê Nam bộ, mà ở đây chỉ là sự đánh giá nó trên cả hai mặt.
Nếu so với cuộc sống bon chen, lọc lừa, mưu mô tính toán, của những kẻ chỉ biết có đồng tiền, danh vọng, địa vị, ở chốn thị thành thì ai mà lại không thèm một nếp sống giản dị, bình yên của thôn quê. Có sống trong một buổi chiều đầy khói bụi, ồn ào, chen lấn của chốn phố thị thì mới thấy yêu một buổi chiều quê êm ả trên những chiếc thuyền ghe xuôi ngược theo con nước lớn ròng, vang lên những câu vọng cổ trải dài trên dòng sông và đi sâu vào lòng người.
Trong Buffet truyện ngắn đồng bằng, các tác giả không hay đề cập tới những sự kiện hay vấn đề gì lớn lao mà nhà văn thường xoay quanh những câu chuyện bình thường, những số phận bình thường xảy ra xung quanh cuộc sống. Từ chỗ cảm nhận một cách tinh tế tới chỗ soi xét, suy nghĩ mọi vấn đề từ đó đưa ra những câu chuyện đời hết sức sinh động như đang diễn ra trước
mắt. Để rồi thông qua từng nét vẽ cuộc đời họ đã gửi đến người đọc những bức thông điệp cuộc sống, những triết lí nhân sinh sâu sắc. Các nhà văn không hề né tránh mọi vấn đề bất cập tồn tại từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Mỗi trang như một lời chia sẻ, tâm sự thâm trầm sâu lắng về con người về cuộc đời, về lẽ sống, về thế thái nhân tình trong sự ngổn ngang đa tạp của dòng đời. Cũng có khi các tác giả bày tỏ niềm trăn trở, lo lắng, bày tỏ nỗi lòng xót xa cho thân phận con người, dù họ có thuộc giai cấp hay thành phần nào trong xã hội, cho dù họ đang ở trong trạng thái tâm lý hay thực tế nào thì nhân vị và nhân phẩm của họ bao giờ cũng được các tác giả quan tâm, chia sẻ.
Nhân vật trong Buffet truyện ngắn đồng bằng là biểu hiện của cuộc sống giản dị, thường nhật (Mùa này mía chẳng trổ bông – Hồ Kiên Giang,
Bến lở bến bồi – Võ Diệu Thanh). Giá trị con người thường được khẳng định bằng phẩm hạnh hơn là hình thức, dáng vẻ bề ngoài, hơn là giữ lễ nghi, phép tắc. Sợi dây liên hệ giữa người với người trong cộng đồng chính là nghĩa tình
bất kỳ họ ở đẳng cấp, vị trí nào.
Họ là những con người nhỏ bé bình thường giữa cõi đời này, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn sống có trách nhiệm với bản thân và mọi người, vẫn giữ được đạo lí nhân nghĩa truyền thống của dân tộc (Ông Tư Ngưu – Nguyễn Phấn Đấu, Người hàng xóm lạ lùng – Trịnh Bửu Hoài). Phẩm chất tốt đẹp của họ đáng để cho mọi người chúng ta – nhất là thế hệ trẻ suy ngẫm: sống trên đời, dù trong hoàn cảnh nào, cũng cần phải có một tấm lòng.
Vì vậy có thể nói, ý thức trân trọng, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc trong truyện ngắn của các tác giả trong tuyển tập trước hết được thể hiện ở sự khẳng định và niềm tự hào của nhà văn về những phẩm chất và giá trị văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đọc Buffet truyện ngắn đồng bằng,
người đọc không những được thưởng thức những câu chuyện thắm đượm tình người mà còn được cung cấp thêm nhiều cứ liệu văn hóa rất bổ ích về nét sinh hoạt riêng – một trong những yếu tố làm nên nét tính cách đặc trưng của con
người ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Ví như người đọc sẽ hiểu thêm về chợ nổi ở Nam bộ; hay hiểu thêm về những gia đình, những con người cả đời phải bươn chảy, mưu sinh trên những chiếc ghe theo từng con nước lớn, ròng được họ tái hiện rất chân thật, sinh động nhưng cũng không kém phần mượt mà và duyên dáng.
Không trực tiếp làm thay đổi thế cuộc, không xoay chuyển tình thế của con người, nhưng nhà văn vẫn có khả năng đóng góp vào một nhiệm vụ cao cả, như văn sĩ đương đại Péru, Mario Vargas Llosa, ao ước: “...tạo cơ hội cho chúng ta biết tôn trọng các giá trị, mà nếu không có những giá trị đó thì thế giới có thể sẽ bị ngự trị bởi tuyệt vọng và con người sẽ đánh mất sự kính trọng lẫn nhau”[6, 117]. Ðiều ao ước ấy được các tác giả trong tuyển tập thể hiện qua những sáng tác về con người, cho con người và với lòng yêu thương con người.