Không gian miệt vườn

Một phần của tài liệu Con người và không gian nam bộ trong buffet truyện ngắn đồng bằng luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 72 - 73)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3. Không gian miệt vườn

3.3.1. Không gian miệt vườn

Phù sa sông Cửu Long, sông Đồng Nai bồi đắp nên một vùng châu thổ màu mỡ, làm cho những vườn cây trái thêm sum suê, tươi tốt. Các tác giả thường miêu tả về cảnh sinh hoạt miệt vườn khi viết về vùng đất phương Nam, những hàng dừa ngút ngàn, chạy ra khỏi tầm mắt, thứ trái ngọt lành này được chất lên khẳm những chiếc ghe xuồng đến với vùng đất ngập trong nước biển, nó làm người ta hả lòng hả da, dẫu bao nhiêu cũng không đủ (truyện

Giang hồ vặt – Lê Minh Nhật). Và như một lẽ tất nhiên, ở những làng mạc trù phú hoặc nơi đô thị, nhịp sống bao giờ cũng tươi đẹp hơn. Nó hấp dẫn con người trên đường tìm kiếm mưu sinh, nó là nơi làm cho bao tâm hồn khát khao tìm về sau những lo toan, mệt mỏi trong cuộc đời.

Có khi đó là những vườn cây ăn trái sum xuê của xứ cù lao trong lành mát mẽ quanh năm, nhưng cũng có lúc nó chỉ là những mảnh vườn ớt vườn cà nằm dọc theo con sông Tiền và đang lở dần lở mòn theo thời gian, lúc lại là khu vườn hoa kiểng đầy hoa thơm cỏ quý của những con người yêu cây cảnh, nhưng có lúc đó cũng chỉ là một vườn tre nằm hun hút trong sâu, quanh năm chẳng ai bước chân đến. Nhưng dù trong không gian nào thì những khu vườn ấy cũng có một sức hút mạnh mẽ với con người, bởi nơi đó nó sẽ làm cho tâm hồn con người được thanh lọc, bản chất tốt đẹp của con người sẽ được trỗi dậy, họ sẽ được cảm giác bình yên mà khó có thể bắt gặp trong cuộc sống đô thị ngày nay.

Ví như nhân vật bà Tam trong truyện Quê nhà – Phạm Thị Ngọc Diệp, bỏ lại sau lưng cuộc sống ồn ào của chốn thị thành để tìm về quê, mong có được một cuộc sống trong lành, không bon chen, không có những cặp mắt dò xét, chấm công ở cơ quan, không có tranh giành, lọc lừa của cuộc mưu sinh.

Hay nhân vật “Tôi” trong truyện Người trong vườn lãng quên – Ngô Khắc Tài cũng chán ngán trước sự xô bồ của chốn phồn hoa đô thị, thỉnh

thoảng anh tìm về quê, trở lại vườn xưa, nhà cũ để tìm phúc giây bình yên cho tâm hồn. Nhân vật Bông trong câu chuyện kể của nhân vật “tôi” cũng là một biểu hiện cho sự quay về với quê hương, với cội nguồn. Suốt một đời Bông chỉ quanh quẩn trong xóm trong làng và phần lớn niềm hạnh phúc của cô là khu vườn tre và căn nhà của Tam nằm sâu trong khu vườn tre ấy. Ở đó Bông có thể tìm được những gì đẹp nhất mà thiên nhiên ban tặng cho cuộc đời và cô cũng tìm được sự bình yên cho tâm hồn mình. Vì cuộc sống, vì chữ hiếu, Bông đã phải từ bỏ chốn quê bình yên ấy để đi lấy chồng tận Đài Loan, nhưng ở cuối tác phẩm, ta thấy manh nha một sự trở về của Bông, dù chưa rõ ràng nhưng những cú điện thoại của thằng Nở và những lần Bông gọi điện về cho Tam, như hứa hẹn với người đọc sự trở về của một tâm hồn luôn gắn bó sâu nặng với quê hương.

Thế mới nói, hồn quê quả là có một sức mạnh diệu kì, nó có thể kéo con người trở về dù xa xôi vạn dặm, là nơi mà tâm hồn mọi con người đều khao khát, dù khi sống hay lúc sắp lìa xa cõi đời. Nhân vật bà ngoại trong lao quê ngoại – Ca dao cũng thể hiện nét đẹp ấy. Khi sống, vì cái tình cái nghĩa ngoại đã phải bỏ lại quê hương cất bước theo chồng tận xứ xa, nhưng tình yêu dành cho xứ cù lao xanh mát với những vườn cây ăn trái ngọt lành thì chưa bao giờ nguôi trong lòng ngoại, đó là lí do để ngoại căn dặn con cháu phải hỏa tán khi ngoại nhắm mắt qua đời, một nữa tro cốt chôn lại xứ chồng cho trọn nghĩa làm vợ, một nữa mang về quê nhà cho vẹn tình với quê cha đất tổ. Phải chăng đó là nét đẹp từ ngàn đời nay của con người Việt Nam nói chung và con người ở thôn quê miệt vườn nói riêng, dù sống dù chết vẫn muốn bám vào mảnh đất quê hương.

Một phần của tài liệu Con người và không gian nam bộ trong buffet truyện ngắn đồng bằng luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 72 - 73)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(90 trang)
w