7. Cấu trúc của luận văn
2.2.4. Con người trước áp lực của quá trình đô thị hóa và sức cám dỗ
Sức hút đô thị ngày càng mạnh nhưng vẫn chưa bứt đứt hết mọi tình cảm liên hệ với đồng ruộng, thôn xóm cũ. Những đường phố, biệt thự và chợ búa; những đường làng, dòng kênh, bờ rạch nối liền nhau tạo nên một Nam bộ thân thương, vừa hoang dã vừa sầm uất. Thương nhớ thì đi về thường xuyên trên những con đường đó, còn tâm tình thì dành để lý giải cho mọi thứ đổi thay của thời gian. Trong sự phát triển của xã hội miền Nam, con người nhiều khi đánh mất chính mình, họ tìm mọi cách để gội rửa chất quê truyền thống vốn có. Nhà quê nhưng bị ai chê nhà quê là nhất định không chịu, hễ dân thành thị có cái gì là người nhà quê phải sắm cho được “y chang cái đó”, vô tình họ đánh mất hồn quê lúc nào không hay. Chốn quê xưa giờ bước vào thời đại vui vẻ, khiến nhiều giá trị thay đổi, đến nổi “Ai đã từng đi đó đi đây trở về quê tìm lại những gì mộc mạc, nhưng tìm đâu ở quê giờ đây mọi thứ đã thay đổi, lại gặp khắp nơi đều trời một thứ nửa quê, nửa tỉnh” [39, 245]. Trong truyện Người trong vườn lãng quên, Ngô Khắc Tài cứ lập đi lập lại một cái điệp khúc chua xót, chính là sự thay đổi “nửa chợ nửa nhà quê”, hay “nửa quê nửa tỉnh”, sự vô tình, thờ ơ, rồi đánh mất tâm hồn mà không hay biết của con người.
Giai điệu “Quê hương là chùm khế ngọt” đã đi sâu vào tâm hồn mỗi con người đất Việt, thế mà trong cuộc sống bước đầu đô thị hóa, đầy xô bồ của miền Nam, con người trở nên lạc lỏng, xa lạ ngay với những giá trị truyền thống của quê hương. Con người muốn trở lại nơi chôn nhau cắt rốn nhưng đến cái nhà – nơi mình sinh ra cũng trở nên lạ lẫm: “Buồn lắm, ở quê mọi thứ đã thay đổi, tưởng đâu xa, ở ngay trong ngôi nhà của mình” [39]. Thậm chí là cái mùng, chiếc chiếu, cái rổ,… cũng hoàn toàn khác xưa.
Nhưng mặt khác, trong nhiều truyện, các tác giả lại đả phá chuyện bảo thủ, chuyện khư khư giữ lấy những cái đã thuộc về quá khứ và tôn thờ nó, đồng thời cũng nêu lên quan điểm về sự tiến bộ và việc phải thay thế tất yếu những cái đã cũ, đã lỗi thời. Việc níu kéo mãi một cái đã già, đã cũ sẽ làm con
người ngủ quên trong sự lạc hậu, dốt nát và nhân loại khó vươn lên, tiến triển được... (Người trong vườn lãng quên – Ngô Khắc Tài).
Ai đó đã từng nói, chỉ có con người phụ quê, chứ quê hương chưa bao giờ phụ con người. Tưởng đâu đó là chân lí nhưng cũng có lúc ngược lại, đất quê có khi không nuôi nổi con người nhưng con người vẫn nặng tình với đất. Cuộc sống náo nhiệt của chốn thành thị làm con người mệt mỏi, họ đã từ bỏ chốn phồn hoa, tìm về với cội nguồn mong có được cuộc sống bình yên ở chốn quê nhà, bởi “Làng quê có họ có hàng. Có làng có xóm lỡ làng có nhau” [39]. Thế nhưng cuộc sống không chiều lòng người. Nhân vật bà Tam trong truyện Quê nhà – Phạm Thị Ngọc Diệp, đã bỏ lại sau lưng tất cả, chỉ mang theo những bao sách trở về quê, nơi có vườn, có sông và ao hồ, ruộng rẫy, có những người nông dân mang đậm mùi “chân quê”, họ sống chân chất nhưng đôi khi cũng rất tủn mủn, vụn vặt, chị đã lắng nghe và thông cảm với họ từ những chuyện như: thất mùa, mía ế, đến cầu sập,… Chị trở về quê hương, sống thực thụ như một người nông dân, mỗi sáng chị cũng xách giỏ đi chợ trên con đường quê của mình, trò chuyện cùng những người phụ nữ lắm lời, thọc mạch, thỉnh thoảng mời họ những trái khế chín ngọt, mọng nước trong vườn nhà mình. Vốn liếng cả đời của một con người sống ở thành thị bao năm, giờ được chị gom gọn trong một khu vườn nhỏ, một căn nhà đơn sơ, và thứ duy nhất được chị mang theo về từ thành phố là những bao sách. Trong cuộc sống nhộn nhịp ngày nay, người ta đổ xô về thành phố, tìm mọi cách để được công nhận là dân thành thị, thế mà chị chấp nhận bỏ tất cả những cái người ta đang muốn có để trở về quê hương, nơi không có sự ganh đua, không có những người xét nét chấm công mỗi khi chị đến cơ quan trễ, không có những cái nhìn khó chịu, tò mò khi chị đọc sách ở cơ quan. Nơi đây chỉ có vườn cây, gió mát thổi trên những con đường làng, có những người dân chân chất, mộc mạc, nơi có thể đem lại sự bình yên, thư thái cho tâm hồn chị. Chị yêu cuộc sống này và muốn được sống mãi như thế.
Nhưng khi quê hương có làn gió mới của thời kì mở cửa lùa vào, mọi thứ như lột xác, những con đường ngập trong sình lầy giờ đã được nâng cao, đổ bê tông, các bà các chị không còn phải tháo dép lội sình khi ra chợ nữa, đổi lại là những bộ móng dài với đủ các màu đỏ, tím trong đôi cao gót, những ngôi nhà xập xệ được thay bằng nhà tường khang trang, sạch sẽ nhờ vào tiền của Việt Kiều (trước vượt biên giờ trở về nước). Những cô gái lấy chồng Đài Loan cũng làm cho nhà mình đầy đủ tiện nghi hơn, người ta tranh nhau chạy đua khoe của cải. Giờ đây lời của nhà giàu (đúng sai chưa biết) đều trở thành tuyên ngôn của xã. Thậm chí cả những cô gái ra tỉnh bán bia ôm, cà phê đèn mờ, người giúp việc nhà cũng trở về với những bộ váy áo cũng cởn, và những cái đầu nhuộm xanh đỏ. Một kẻ mang tội thụt két sau mấy năm trốn làng đi, nay trở về bổng thành mẹ Lê Sơn Thánh Mẫu – ai cầu xin điều gì mẹ sẽ giúp đỡ, mẹ chuyên làm công việc bốc thuốc Nam và bấm huyệt chữa bệnh, cứu khổ cứu nạn cho dân làng, còn những kẻ mông muội, ương bướng khi bị phạt phải đến cầu xin mẹ để mẹ bày cách cúng kiến, xin được tha tội. Một làn gió thổi vào quê hương, đồng tiền chiếm vị trí tối thượng, làm mọi thứ quay ngược 180 độ. Con người an phận, chỉ có một mơ ước nhỏ nhoi là làm kẻ dại khờ về một nơi vắng vẻ, nhưng nơi vắng vẻ giờ không còn vắng vẻ nữa. Chỉ có kẻ dại khờ bị lọt thỏm trong bốn bề, bị tra tấn đủ thứ âm thanh, đủ giọng điệu, bị hất ra khỏi nhà mình, bị từ chối trên quê hương. Những con người chân chất xưa nay đã biến mất, thay vào đó là cái mồm cái miệng ác hơn cả loài rắn độc. Ngày xưa, có câu chuyện một người nghèo cho đại bàng ăn khế thì được đại bàng trả lại vàng. Thế mà cây khế ngọt nhà bà Tam được khắp làng ăn nhưng cái chị được trả lại là những lời độc địa, những soi mói, những sự xúc phạm không thể tha thứ được. Chính những con người đã mang lại cho chị cảm giác gần gủi, an lòng khi về thôn quê nay lại làm cho cuộc sống chị bị đảo lộn hoàn toàn, rắn độc hay lòng người độc hơn cả rắn, phải chăng đồng tiền có sức mạnh làm thay đổi con người ghê gớm đến vậy? Sách – cái chị
yêu quý nhất bị mang ra đốt, căn nhà nhỏ - nơi bao bọc chị khỏi những xô bồ của cuộc sống đô thị hóa bị dỡ bỏ, bản thân chị bị đưa vào trại tâm thần.
Phải chăng đất quê đã hất con người ra khỏi lòng đất hay chính con người trước áp lực của quá trình đô thị hóa, sự cám dỗ của đồng tiền trở nên lạnh lùng, nhẫn tâm, độc ác với chính con người. Nhưng con người làm sao có thể đoạn tuyệt với làng quê, nhất là với những mảnh đất từng gắn bó một thời với mình, làm sao có thể quay lưng với quá khứ nhất là khi quá khứ đó còn có khả năng tiếp sức cho thực tại. Sau một đêm đầy biến động: sách bị đốt, nhà bị dỡ, chị bị đưa vào trại tâm thần. Cầm tờ giấy chứng nhận bình thường trên tay, bà Tam không biết phải về đâu – quê nhà? Đó có còn là quê nhà của chị nữa không? Làm sao chị có thể trở về quê, sống bình thường khi mọi thứ trên quê hương không còn bình thường nữa. Thế nên con người phải sống trong sự dằn vặt, đau khổ, và đầy áp lực.
Nhưng cũng có những con người, dù sống trong môi trường đô thị hóa, đồng tiền chi phối tất cả nhưng họ vẫn giữ được bản chất tốt đẹp của mình. Sẵn sàng làm công việc vì cái tình cái nghĩa của những người chòm xóm. Bà Năm Mẹo trong truyện Người khóc mướn – Nguyễn Minh Phúc, sống trong cảnh nghèo nàn, rách nát, không một người thân thích, nhà cũng chỉ là một túp lều căn tạm. Thế mà trong lúc cuối đời, hơi tàn sức kiệt, tiếng khóc trời phú cho bà không còn như xưa nhưng vì cái nghiệp và tình nghĩa bà đã nhận lời khóc mướn cho gia đình bạn của “tôi” mà tuyệt nhiên không lấy tiền, dù tôi đã cố nằn nỉ. Vậy mới thấy, đồng tiền không phải là tất cả, nó không thể mua được bản chất tốt đẹp của con người, dù đó là một bà già neo đơn, nghèo khổ. Con người không dễ gì bị cám dỗ, bị cuốn vào cơn lốc ồ ạt của quá trình đô thị hóa.
Vùng đất mới ít định kiến, lại pha trộn nhiều loại người với nhiều nguồn văn hoá khác nhau, thế nên bản tính con người cũng phong phú và phức tạp hơn. Ý thức trân trọng và giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc trong
Buffet truyện ngắn đồng bằng còn thể hiện ở điểm nhìn tiếp cận hiện thực đời sống với thái độ ngợi ca và trân trọng những giá trị văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức qua bao thế hệ của người dân thôn quê. Điều này nếu so với các nhà văn ở những vùng miền khác thì đây chính là sự sáng tạo độc đáo của các tác giả đồng bằng sông Cửu Long.
So sánh với một nhà văn của miền Bắc, cũng là cái nhìn về nông thôn nhưng hiện thực trong tác phẩm của Đỗ Hoàng Diệu có lúc còn được nhìn với một thái độ phủ nhận, báng bổ rất quyết liệt những vấn đề liên quan đến làng quê, thôn xóm. Bóng đè là tác phẩm tiêu biểu cho cách nhìn này của Đỗ Hoàng Diệu khi chị nhìn về làng quê và những nếp sinh hoạt của người dân quê (Bắc bộ). Đó là một thái độ lạnh nhạt, được nhìn với ánh mắt “đẩy đưa” của một “tiểu thư” thành thị cảm thấy rất khổ sở mỗi khi phải theo chồng về thăm quê: “Quê Thụ cách thành phố khoảng ba giờ tàu hỏa. Tôi không ngờ đồng quê khác biệt đến thế… Lần về trước bận bịu khách tôi đã chẳng có thời gian đẩy đưa con mắt”.
Hay: “Tưởng tượng ra viễn cảnh mỗi năm phải còng lưng làm cơm cúng mười bảy đám giỗ cho đến ngày Thụ qua đời, tôi không khỏi ngao ngán”.
Hay: “Vợ tôi thoát nạn nhà quê rồi, tiểu thư thôi không nằm phản mồ hôi nhễ nhại như đêm qua! Sướng nhé!” [11, 62].
Không giống như những nhà văn khác, hiện thực trong tác phẩm của các tác giả đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu được nhìn từ chỗ đứng thể hiện niềm tự hào của những người dân quê. Tự hào vì trong “bức tranh” hiện thực ấy là những giá trị văn hóa bao đời của cha ông. Với họ, làng quê nông thôn tuy nghèo khó nhưng rất thân tình, ấm áp, đầy lòng vị tha và luôn dang tay ôm lấy con người vào lòng, mênh mông như sóng nước Cửu Long. Trong đoạn mở đầu của truyện ngắn Bến xưa, Trầm Nguyên Ý Anh đã mở ra một không gian quen thuộc của một buổi chiều ở vùng Nam bộ: “Chiều đã xuống
chầm chậm trên cánh đồng lúa vừa chín tới, chỉ còn mấy vạt nắng đang hấp hối ở trời tây. Dòng sông đang giờ nước lớn, sóng cuồn cuộn đuổi nhau, lòng sông như trải rộng ra. Gió theo sóng, sóng nương gió ì oạp vỗ bờ” [39, 12]. Hay trong truyện Giang hồ vặt – Lê Minh Nhật đã đưa ta về vùng sông nước bao la của đất mũi Cà Mau, miền tận cùng tổ quốc: “Trước mắt thằng Kiếm hiện ra một khoảng mênh mông là sóng nước. Chiếc ghe của nó giống như một con kiến bò dưới đái chảo nhỏ xíu. Thằng Kiếm cũng là dân lội lặn nhưng mà giữa con sông này, nói xui lỡ chìm ghe thì có biết lội cũng như không, sức lực nào bơi vào bờ cho nổi. Không chừng vừa mới chìm xuống chưa kịp bơi đã bị cá mập hay ma da nuốt trọng vào bụng. Nghĩ đến đó, thằng Kiếm đã rùng mình ớn lạnh.
Chẳng biết con Thu Hồng leo lên mui ghe ngồi bên thằng Kiếm từ đời nào, bỗng nhiên giọng nó háo hức:
- Sắp tới chợ Rạch Biển rồi!
Thằng Kiếm nhướng mắt nhìn ra phía trước, nó thấy thấp thoáng phía sau đầu doi con sông lô xô những chiếc tàu đánh cá và những dãy nhà sàn chồm ra ngoài sông. Con Thu Hồng làm như không đợi được nữa, nó phóng xuống mũi ghe rút cây sào hườm sẵn trên tay. Còn thằng Kiếm thì ngồi im re trên mui, hai tay vịn siết vào thành ghe con mắt thì ngó dớn dác xuống sông. Nước đang ròng, gần biển nên chảy cuồn cuộn thấy phát sợ. Đại ca Long mặt vẫn điềm nhiên bẻ lái cho chiếc ghe chồm lên trên vô vàn con sóng đang bổ đến như sắp sửa nuốt chửng chiếc ghe với mấy con người nhỏ xíu. Thằng Kiếm lẩm bẩm: Phen này chết chắc!” [39, 206-207].
Hay đó là nét sinh hoạt chuẩn bị cho một đám cưới quê của những người chăn vịt chạy đồng, chỉ có thể tìm thấy ở vùng sông nước Cửu Long: “Tôi chưa từng dự cái đám cưới nào kì lạ như vậy. Thức ăn đãi khách toàn thịt vịt: Vịt xào xả ớt, vịt hấp lá cách, nấu chao, vịt trộn gỏi bắp chuối, đặc biệt là món vịt đắp đất sét nướng trui. Đây là món “độc chiêu” của “làng chăn
vịt”. Người ta bắt một con vịt để sống, không cắt cổ, không nhổ lông, rồi móc đất sét đắp lên cho kín khắp thân con vịt. Đất đắp dầy chừng ba phân. Kế tiếp dùng bốn khúc cây tươi xóc chéo rồi gác cục đất lên, chất rơm đốt. Đốt đến khi nào đất khô trắng, nứt ra từng mảng. Bấy giờ mới đem xuống gỡ đất ra. Gỡ đến đâu lông vịt tróc ra đến đó, để lộ từng mảng thịt trắng phếu. Thịt nướng rất thơm, ngọt, muối ớt chấm cay đến chảy nước mắt!...
Đám cưới của anh Năm Na và chị Tư Bông được tổ chức ngay trên bờ đê. Những chiếc chiếu ni lông trong từng lều trại được đem ra trải dưới đất