7. Cấu trúc của luận văn
2.2.3. Con người gắn bó mật thiết với thiên nhiên
Phần lớn những truyện trong Buffet truyện ngắn đồng bằng đều lấy bối cảnh là sông nước, kênh rạch, và những truyện còn lại cũng được lấy ruộng, vườn làm nền cho câu chuyện. Cũng dễ hiểu thôi, bởi đây chính là đặc trưng của vùng đất Nam bộ. Nhìn từ góc độ địa lý, có thể đánh giá về vùng đất Nam bộ như sau: “Vùng đất Nam bộ bao gồm cả hai khu vực sông Đồng Nai và sông Cửu Long – địa bàn định cư cuối cùng của những thế hệ lưu dân Việt – là một vùng thiên nhiên vừa hào phóng vừa khắc nghiệt, nơi hàm chứa
nhiều tiềm năng phong phú, nơi khí hậu thuận hòa, sông rạch chằng chịt, có nhiều cửa sông lớn thông ra đại dương tạo ra những điều kiện đặc thù cho sự quần cư và sáng tạo đời sống cộng đồng, cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp, khai thác thủy hải sản, xây dựng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và mở rộng giao lưu với bên ngoài. Tất cả những nhân tố tự nhiên và xã hội đó có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành tính cách, tâm lí, phong cách ứng xử của người Việt ở nơi đây” [13, 3].
Đó là những nhận định chung về Nam bộ, còn nói riêng đồng bằng sông Cửu Long thì đây là vùng đất thấp, ngập nước, đang tiếp tục được hình thành, có độ cao trung bình khoảng 2m được cấu tạo bởi phù sa mới có nguồn gốc sông – biển và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thủy triều. Ở đây, hằng năm đều phải chịu trung bình khoảng bốn tháng mùa nước lũ, đó là thời điểm đem lại nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn cho đời sống con người.
Hiểu được đặc tính của vùng đất, nắm rõ quy luật của tự nhiên thì con người mới có thể bám trụ sinh tồn trên vùng đất “lắm tài nhiều tật” này. Cũng chính điều đó buộc con người phải có sự gắn bó mật thiết với thiên nhiên, sống hòa cùng thiên nhiên. Khảo sát trong Buffet truyện ngắn đồng bằng, ta thấy cuộc sống con người phần lớn gắn với những bến sông, kênh, rạch,… Thiên nhiên che chở cho con người, con người nương vào thiên nhiên để tìm sự bình an trong dòng chảy cuộc đời. Đó là Bến xưa – Trầm Nguyên Ý Anh. Bến sông là nơi khởi nguồn tình yêu của một đôi trai gai, bến sông cũng là nơi kết trái đơm hoa cho tình yêu của họ, trải qua bom đạn chiến tranh, bến sông xưa lại là nơi người phụ nữ tưởng đâu góa chồng đã chịu bao nỗi đau để nuôi con khôn lớn, rồi cuối cùng, cũng nơi bến sông ấy, vợ đã gặp lại chồng, cha tìm lại được con, cả gia đình đoàn tụ, mọi vết thương tâm hồn được chữa lành ngay trên bến sông ấy. Đây là dòng sông có thật ở ấp Long Hưng, xã Long Bình nhưng trong tác phẩm nó lại hóa thành một dòng nghệ thuật, gắn kết những sự kiện trong cuộc đời nhân vật, có hạnh phúc, có khổ đau nhưng
cuối cùng tất cả đều trọn vẹn, đong đầy, dạt dào như “dòng sông đang giờ nước lớn, sóng cuồn cuộn đuổi nhau, lòng sông như trải rộng ra. Gió theo sóng, sóng nương gió ì oạp vỗ bờ” [39, 12].
Có lúc thiên nhiên vô cùng dữ tợn, như muốn cướp đi tất cả những gì con người có, nhưng có khi thiên nhiên lại mở rộng lòng ra để bao dung, che chở cho con người. Nước lũ thường gợi cho ta về một cơn giận dữ của thiên nhiên, nhưng mùa nước lũ ở đồng bằng sông Cửu Long thì lại khác. Đây là thời điểm mà rất nhiều người dân ở vùng đất này mong đợi, bởi nước tràn về không chỉ rửa sạch đồng ruộng, bù đắp thêm phù sa cho đất đai, mà nó còn mang lại vô số nguồn lợi khác, người ta có thể giăng bắt cá ngay trên những cánh đồng, chèo thuyền đi hái bông súng, bông điên điển về nấu canh chua cá linh – đây là những đặc sản chỉ có ở đồng bằng sông Cửu Long và chỉ có vào mùa nước nổi, thiên nhiên thật hào phóng khi ban tặng cho con người biết bao là nguồn lợi. Người ta có thể bong vèo nuôi cá, nuôi tôm ngay trên đồng ruộng vào mùa nước nổi, một nghề đã đưa nhiều người trở thành tỉ phú ở cái vùng đất đầy nắng và nước này, như tỉ phú Năm Hò trong Gã si tình xứ lúa – Nguyễn Lập Em là một điển hình. Mùa nước lũ cũng là lúc mà hàng trăm, hàng ngàn hộ nuôi vịt mong chờ, bởi họ có thể cho những đàn vịt của mình chạy từ cánh đồng này sang đồng khác kiếm ăn, đỡ tốn kém chi phí mà vịt lại đẻ sai. Cũng từ trong cuộc vật lộn với thiên nhiên để mưu sinh con người đã gắn kết với nhau, tạo ra những điều ý nghĩa trong cuộc sống. Có những đứa trẻ ra đời ngay trong những lều vịt nằm trên một con đê, có đứa trưởng thành hơn sau một mùa vịt chạy đồng, có những cuộc gá nghĩa vợ chồng của những người chăn vịt ở tứ xứ, họ đã tìm được sự đồng cảm, tiếng nói chung trong cuộc mưu sinh giữa thiên nhiên, đất trời mênh mông nước là nước (Những mảnh đời trôi dạt – Trần Thôi). Có thể nói thiên nhiên thử thách con người và con người đã thích ứng với thiên nhiên, nắm rõ quy luật của thiên nhiên, nương vào thiên nhiên để mưu cầu sự sống ở vùng sông nước này.
Trong mối liên hệ với tự nhiên bao gồm đất đai, sông nước, ruộng vườn, cây cỏ, thời tiết nắng mưa... Các tác giả luôn cho rằng đất là tình yêu sâu nặng nhất của con người. Tập quán, nếp sinh hoạt ở một nước nông nghiệp lâu đời dường như đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân. Tình yêu với đất được cắt nghĩa như một sức hấp dẫn tự nhiên với con người như vậy, nên đôi khi vì đất đai, cây cỏ, con người có thể hi sinh bản thân mình. Nhân vật ông Tư Ngưu trong tác phẩm cùng tên của Nguyễn Phấn Đấu là một điển hình, một con người cả đời bám đất, bám quê, yêu xứ sở mình như yêu chính hơi thở. Với ông, con trâu, cái cày như là hồn quê, có cơ hội thì ông cũng nhường lại cho lũ trẻ, còn mình cả đời nguyện sống và chết trên mảnh đất quê hương.
Đất đai, cây cối... thật thiêng liêng mà gần gũi với con người. Người dân cần có đất để canh tác nhưng dù luôn mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn thì họ vẫn nghĩ đến việc sống hoà đồng với tự nhiên hơn là chinh phục, thống trị nó. Gia đình của Tam là một điển hình của những con người bám làng, bám quê, sống hòa vào thiên nhiên đất trời, dù không có lấy một mảnh đất trên quê hương nhưng họ chưa bao giờ lấy điều đó làm buồn. Mấy anh em sống bằng cách “mót lúa, bắt ốc, hái rau, cắm câu, đợi mùa nước đến đặt lờ. Khi không có chuyện gì làm, mấy cha con cùng nhau chẻ tre để đương rổ, đương xề” [39, 248]. Rõ ràng, gia đình Tam đã bám thiên nhiên để sống và thiên nhiên không hề bỏ rơi họ. Như nhận định của tác giả “Thiên nhiên đã chọn lọc ra được Tam hay mọi cõi đời kia vẫn có cách tồn tại để người ta vẫn nhớ sự hiện diện của nó” [39, 249], và “cái gì cũng không qua tự nhiên” (Người trong vườn lãng quên – Ngô Khắc Tài).
Sự gắn bó mật thiết với thiên nhiên còn được các tác giả thể hiện qua những món ăn giản dị, dân dã của quê hương, rất quen thuộc trong mâm cơm của người dân quê nghèo khó, lam lũ – những hương vị đã làm nên mùi vị riêng cho vùng đất này. Những món như nước mắm cá linh, canh chua bông
súng cá linh, gỏi bông điên điển, mắm cá linh,… những món ăn không phải ai cũng ăn được nhưng nếu đã ăn được thì không thể nào quên cái vị đặc trưng của nó, bởi nó chứa đựng cả một giá trị lịch sử và văn hóa của cha ông bao đời, nó đã trở thành tâm hồn của con người xứ này, được dân gian lưu truyền qua câu ca dao quen thuộc:
Muốn ăn bông súng mắm kho Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm
(Ca dao Nam bộ)
Hay có lúc lại những món bánh với cái tên mộc mạc hệt như con người Nam bộ: bánh tét, bánh ít, bánh ú, bánh khọt, bánh bèo,…những cái tên thật lạ tai nhưng hương vị của nó thì đậm đà như chính tính cách, tâm hồn của con người.
Đôi khi có tôn vinh và thần thánh hoá sức mạnh của tự nhiên nhưng các tác giả cũng hiểu rằng đất đai, vườn cây, sông hồ chỉ gắn bó máu thịt với con người khi ở đó con người có kỷ niệm, có tình người. Nhân vật cô út Thoa (sau này là bà ngoại) trong Cù lao quê ngoại của Ca Dao là minh chứng. Bến sông xưa, cây gừa cổ thụ, nơi cô từng được cứu sống trong gang tất của cái chết, nơi tình yêu của cô nảy nở, cũng là nơi cô mang nặng món nợ ân tình với “anh Tư”. Vì thế cho dù có xa quê bao nhiêu năm thì cô vẫn dõi về quê hương với tình cảm nhớ thương khôn nguôi, đỉnh cao của tình cảm ấy nằm trong quyết định lúc cuối đời của cô. Sống không trả được món nợ với quê hương thì chết cô cũng nguyện trở về, để được gặp lại người xưa, để giữ lời hứa mà khi sống cô không thể thực hiện, để được ngồi trên bàn thờ của họ tộc, được nằm trên mảnh đất quê hương xứ sở. Đó chẳng phải là sự gắn bó mật thiết với thiên nhiên trong mỗi con người sao?