Kiểu tình huống tượng trưng

Một phần của tài liệu Cảm hứng nhại cổ tích trong truyện ngắn hòa vang luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 95 - 97)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.3. Kiểu tình huống tượng trưng

Xây dựng tình huống mang tính tượng trưng trên cơ sở kết hợp các yếu tố đời sống hiện đại và huyền thoại để xây dựng những biểu tượng có ý nghĩa luận đề xã hội cao, nhờ đó mà văn của ông mang tính phê phán, tố cáo, lên án xã hội cao độ. Và cũng từ đó, nhà văn đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm và lương tâm của người cầm bút.

Trên thực tế, chính sự phồn tạp, rối rắm của xã hội hiện đại là chất xúc tác đã giúp nhà văn cho ra đời những tác phẩm mang tính xã hội cao như vậy. Các truyện ngắn Tổ tông truyền, Hoa nhân sư, Báo ân, Huyền thoại thìa,… mang kiểu tình huống tượng trưng rất rõ. Trong Báo ân là tình huống trả ơn, báo hiếu của hai anh em và đệ tử hai phường kèn trống đã được người quá cố dẫn dắt nhưng đằng sau những hành động báo hiếu, báo ân này là cả một

khoảng trống về đạo đức đáng nực cười của con người. Đó là sự suy thoái về đạo đức, sự tụt dốc về nhân phẩm của con người hiện đại. Ở Hoa nhân sư là sự “báo oán” của những hài cốt liệt sĩ đối với ông chủ nhà nghỉ Nghĩa Tình. Chính cái hành động vô lương tâm, hám danh lợi của gã chủ nhà nghỉ đã đưa lại quả báo cho chính những hành động táng tận lương tâm của mình. Cũng vì không kìm nén được lòng tham mà gã đã đưa năm bộ hài cốt liệt sĩ trộn với xương sư tử làm thành mười hai bộ hài cốt. Sau khoảng thời gian những bộ hài cốt này được chôn cất tử tể mọc thành mười hai cái mầm và từ từ lan toả, bò về, trườn về bao bọc lấy khách sạn Nghĩa Tình. Riêng căn biệt thất của ông chủ thì “dây hoa xoắn thành chiếc rọ người, nêm ken, như một chiếc cũi

hình ống, như một cỗ quan tài bằng chão dây leo đại ngàn” mà không sao gỡ

ra được.

Tổ tông truyền (hay Linh nghiệm) là sự xác lập lại lập trường, ý chí kiên

định của con người. Lời “linh nghiệm” của tổ tông để lại cho con cháu sau những sự kiện mà người trong dòng tộc gặp phải. Chính những “linh nghiệm” đó đã biến dòng tộc của mình ngày một đổi khác, không giống như ngày xưa. Đầu tiên là sự cao lớn, vạm vỡ trải qua một quá trình ứng nghiệm lời răn dạy của tổ tiên bây giờ trở nên nhỏ bé tí như cái hạt hồng xiêm. Và cũng từ đây, những con người trong dòng họ không còn gì phải lo lắng bởi những tương tác ở bên ngoài gây ra. Chính những lần “lột xác” này nhà văn đã làm nổi bật được bản chất hèn nhát và tính không kiên định của con người, đồng thời lột tẩy được những vướng mắc còn tồn tại trong xã hội. Đến Huyền thoại thìa

cũng vậy, kiểu tình huống tượng trưng được nhà văn khai thác một cách triệt để trong truyện. Cái nền của câu chuyện là xoay quanh việc giải thích nguồn gốc của những chiếc thìa và tác dụng của nó. Chính nhờ tình huống tượng trưng này mà tác giả tha hồ tạo dựng nên những yếu tố kì ảo, tưởng tượng li

kì khó hiểu. Ở đó, nhà văn như là “người thợ đa tài” biết biến hoá câu chuyện, sự việc theo sở thích, sở đoản của mình.

Qua những kiểu tình huống nhận thức, tâm lí, tượng trưng Hoà Vang đã làm nổi bật được những vấn đề nhân sinh trong xã hội, những vấn đề về nghệ thuật và khắc hoạ thành công chân dung nhân vật trong truyện ngắn của ông. Nhân vật trong sáng tác của Hoà Vang luôn có sự vận động biến chuyển thông qua tình huống truyện. Tính cách thật của nhân vật sẽ được bộc lộ cách rõ nét nhất, đầy đủ nhất thông qua một tình huống cụ thể nào đó. Đồng thời, qua tình huống cũng cho thấy được cái tài, cái độc đáo trong nghệ thuật của nhà văn.

Một phần của tài liệu Cảm hứng nhại cổ tích trong truyện ngắn hòa vang luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 95 - 97)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(128 trang)
w