LIÊN BANG NGA DƯỚI THỜI TỔNG THỐNG D. MEDVEDEV 3.1. Thành tựu và thách thức
3.1.1. Thành tựu
Chính sách đối ngoại của Liên bang Nga dưới thời D. Medvedev đã đem lại bước tiến lớn trong việc cải thiện quan hệ với nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới, nhất là Mỹ, mặc dù quan hệ hai nước từng rơi vào tình trạng căng thẳng từ thời tổng thống tiền nhiệm và từ cuộc chiến tại Nam Ossetia (tháng 8/2008). Chiến thắng to lớn trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Medvedev là việc ký kết Hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) với Mỹ vào ngày 08/04/2010. Việc Tổng thống B. Obama tuyên bố dừng triển khai kế hoạch lá chắn tên lửa ở châu Âu (tháng 9/2009) - kế hoạch mà nước Nga luôn phản đối quyết liệt, đã giúp cho Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START) được ký kết (ngày 8/4/2010), tạo cơ sở tin cậy lẫn nhau giữa hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.
Quả thực, Nga cũng như Mỹ đều coi Hiệp ước mới là cách để "nhấn nút khởi động lại" cho mối quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, hai bên không phải là đối tác lớn của nhau và chưa đạt tới mức quan hệ như Mỹ và Trung Quốc. Sự hợp tác của 2 bên về vấn đề khu vực cũng mang tính chọn lọc và không đồng đều. Hai bên hợp tác với nhau trong bộ tứ Trung Đông (Nga, Mỹ, EU, LHQ), nhưng lại không thể hợp tác với nhau ở châu Âu. Quan điểm hai bên chỉ gần gũi trong vấn đề Afganistan, nhưng lại bất đồng về Gruzia, tấm lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu và việc gia nhập NATO của Ukraina, Gruzia... Các cuộc thương lượng về vấn đề này cũng là phép thử đầu tiên cho việc hợp tác với nhau như thế nào để giải quyết những vấn đề phức tạp khác,
chấm dứt di sản thù địch của thời Chiến tranh lạnh là hàng nghìn đầu đạn hạt nhân luôn sẵn sàng trên bệ phóng. Ngoài ra, hai bên sẽ hợp tác giải quyết các vấn đề hạt nhân của Iran, Bắc Triều Tiên, kêu gọi các quốc gia sở hữu hạt nhân cùng tham gia vào quá trình cắt giảm vũ khí chiến lược.
Nga vốn coi START I là một bước ngoặt trong việc kiểm soát vũ khí sau Chiến tranh lạnh và cho rằng nếu Hiệp ước này hết hiệu lực mà không có cái thay thế có thể ảnh hưởng xấu đến cân bằng chiến lược. Bước giảm tiếp theo của kho vũ khí hạt nhân sẽ giúp tiết kiệm được một số lượng đáng kể ngân sách để duy trì và bảo đảm cho hệ thống này. Việc quan hệ Nga - Mỹ đã ấm lên đáng kể và việc kí kết thoả thuận cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược cùng nhiều văn bản quan trọng khác đã mang lại những ảnh hưởng to lớn đới với vị thế quốc tế của Nga.
Nhân sự kiện ký START, Nga truyền tải thái độ cứng rắn hơn đối với chương trình hạt nhân của Iran. Cũng về vấn đề này, ngày 12/04/2010, trước chuyến đi Washington dự hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân, Tổng thống Medvedev đã trả lời phỏng vấn báo truyền hình Mỹ ABC News, các báo Nga với nội dung cảnh báo Israel về cuộc tấn công quân sự vào Iran và cho rằng một cuộc tấn công như vậy có thể dẫn tới nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân ở Trung Đông. Đó là một thảm hoạ toàn cầu, số lượng người thiệt mạng sẽ rất lớn. Tại Iran có nhiều dân tộc khác nhau sinh sống. Trong trường hợp xảy ra xung đột, họ sẽ chạy ra biên giới, như Azerbaijan và các nước liền kề. ông cho rằng tốt nhất nên giải quyết vấn đề này bằng con đường ngoại giao, hoà bình. Cách ứng xử này cho thấy sự linh hoạt, mềm dẻo trong biện pháp đối ngoại của tổng thống khi xử lý các vấn đề cấp thiết.
Sau thỏa thuận START mới, chuyến thăm Mỹ của Tổng thống D. Medvedev (ngày 22 đến 24/6/2010), quan hệ Nga - Mỹ nồng ấm trở lại, từ đó cải thiện mối quan hệ giữa Nga với EU. Sáng kiến về một hiệp định an ninh
mới ngang nhau và không tách rời ở châu Âu của Nga đã mở ra một giai đoạn đối thoại mới bình đẳng giữa Nga và EU.
Một trong những thành tựu trong nhiệm kỳ 4 năm làm Tổng thống của mình, D. Medvedev sẵn sàng đáp lại hệ thống phòng thủ tên lửa tại Đông Âu.
Tổng thống Nga Medvedev trong bài phát biểu về chính sách ngoại giao ngày 15/7 nhấn mạnh: Đối với việc Mỹ kiên quyết bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tại Đông Âu, "tình bạn giữa Mỹ và chây Âu đã bị báo động" [3;tr.382], Nga không thể không tìm cách ứng phó thích hợp. Vậy Nga sẽ lựa chọn biện pháp ứng phó thích hợp như thế nào? Ngày 23 tháng 7, truyền thông Nga công bố hai tin quan trọng. Thứ nhất, Tổng thống Venezuela, ông Hugo Chavez nhận lời mời từ phía Nga đã thực hiện chuyến thăm và làm việc tại Moskva vào ngày 22/7/2008. Mục đích quan trọng của chuyến đi này là ký kết hợp đồng nhập khẩu vũ khí của Nga với tổng giá trị là 1 tỷ USD, trong đó gồm 3 chiếc tàu ngầm loại thường và 25 bộ phòng chống tên lửa phòng không. Giới phân tích cho rằng, Nga xuất khẩu trang bị vũ khí tiên tiến cho Venezuela chính là một biện pháp mang tính đáp trả đối với việc Chính phủ Mỹ coi thường an ninh của Nga và kiên quyết bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tại Đông Âu.
Thứ hai, theo tin từ phía quân đội Nga tiết lộ, máy bay ném bom chiến lược của không quân Nga TU-160 và TU-95MC đang được nghiên cứu khả năng tiếp nhiên liệu và tu sửa bảo dưỡng tại sân bay Cuba. Thông tin này một lần nữa cho thấy rằng, Nga không thể khoanh tay đứng nhìn việc Mỹ bố trí hệ thống tên lửa áp sát dải phía Tây của Nga, đồng thời Nga cũng sẽ không ngừng đưa ra những kế sách vượt trội so với Mỹ.
Theo giới phân tích thì Nga đang nắm trong tay những biện pháp đủ để ứng phó lại với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Ngoài những biện pháp đã kể trên, Nga còn chuẩn bị bố trí lại máy bay ném bom chiến lược ở Kaliningrat cũng như hệ thống tên lửa chiến dịch chiến thuật Iscande có thể
tấn công chính xác hệ thống phòng thủ tên lửa và hệ thống phòng không, các điểm hỏa lực và máy bay lưu đậu trên các sân bay phía Tây [3;tr.385].
Nước Nga có mối ràng buộc chặt chẽ với EU về phát triển kinh tế. Trên thực tế, khoảng 55% giao thương với nước ngoài của Nga là với EU. Do vậy, phát triển mối quan hệ song phương mạnh mẽ với một số quốc gia chủ chốt, thành viên của EU, đặc biệt như Đức, Ý, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha,...là hướng đi đúng và rất quan trọng đang được Nga tích cực triển khai trong chính sách đối ngoại của mình. Tháng 4/2010 đã diễn ra lễ khởi công xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc" dài gần 1000 km, trong đó có 900 km trên đất Nga, gần thành phố Saint Petersburg và 100 km dưới đáy biển của Vịnh Phần Lan và biển Ban Tích. Tổng thống Medvedev khẳng định: ''Đường ống là sự hợp tác đặc biệt hiệu quả bên trong lĩnh vực năng lượng". "Dòng chảy phương Bắc" sẽ cung cấp một cách ổn định 25% yêu cầu về khí đốt cho các nhà tiêu thụ phương Tây với giá hợp lý đến năm 2025. Dự án cũng góp phần đưa quan hệ Nga - châu Âu lên một giai đoạn mới, giai đoạn hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, tạo cơ sở tốt cho hợp tác trong tương lai. Mặt khác, "dòng chảy phương Bắc" góp phần đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu và châu Âu. Hàng năm, đường ống này sẽ cung cấp cho nước Đức, Anh, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Séc, Bỉ 55 tỷ m3 khí đốt của Liên bang Nga từ năm 2012.
Thành công của chính sách đối ngoại đã giúp nước Nga kết thúc 18 năm đàm phán và trở thành thành viên thứ 154 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 12/2011. Đây có thể được coi là một bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Tổng thống D. Medvedev, bởi trước đó chính quyền của Tổng thống V. Putin không thực sự mặn mà với việc gia nhập WTO. Sự thay đổi này có đem đến những cơ hội mới cho nước Nga như mong đợi không còn phải chờ thời gian trả lời, nhưng rõ ràng với tư cách thành viên
WTO, các doanh nghiệp Nga sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, và chí ít, nước Nga sẽ bình đẳng hơn với các thành viên khác của G20.
Những thành công trên cộng với đà tăng trưởng kinh tế 4%/năm được duy trì trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu đã giúp nước Nga tự tin hơn và có những quyết định thể hiện vai trò của một cường quốc thực sự trên trường quốc tế. Tiêu biểu trong số đó là chính sách bảo vệ quyền tự quyết của Syria trước sức ép của Mỹ và EU. Nga đã sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an để bác bỏ một nghị quyết mà có tới 13 phiếu ủng hộ. Hơn thế, ngoài khuôn khổ Liên Hợp Quốc, những hoạt động tích cực của Nga tại các diễn đàn đa phương như G20, APEC... đã cho thấy dưới thời Tổng thống D. Medvedev, nước Nga không chỉ đơn thuần dựa vào lợi thế dầu lửa để khẳng định vị thế của mình.
Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại của Tổng thống Medvedev cũng đạt được những bước tiến mới trong việc củng cố tính gắn kết Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Bắt đầu từ ngày 1-7-2011, Liên minh Thuế quan giữa Nga, Belarus và Kazakhstan đi vào hoạt động (Hiệp định được ký vào tháng 1-2010). Một hiệp định thương mại tự do giữa các thành viên SNG cũng đã được ký vào tháng 11-2011 và sẽ có hiệu lực từ năm 2012. Thành công này giúp làm tan dần những nghi kỵ còn giữa Nga với các thành viên SNG.
Trong Thông điệp liên bang ngày 23-12-2011, khi đánh giá về thành công trong hoạt động đối ngoại, Tổng thống D. Medvedev đã không nhắc tới cuộc chiến ở Nam Ossetia hồi tháng 8-2008. Có thể nói, đây là một trong những thành công rất quan trọng của chính quyền Medvedev. Phản ứng có tính chấp nhận "sự đã rồi" của các nước phương Tây cho thấy cách ứng xử hợp lý "vừa cứng, vừa mềm" của chính quyền Tổng thống D. Medvedev.
Sau 4 năm cầm quyền, Tổng thống Medvedev rõ ràng đã thành công trong việc tiếp tục dẫn dắt nước Nga theo con đường phát triển ổn định và
củng cố tiếng nói của Nga trên trường quốc tế. Có lẽ di sản lớn nhất và ấn tượng nhất của ông Medvedev trong thời gian cầm quyền chính là ông đã chèo lái thành công đất nước Nga vượt qua cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nga là một trong số rất ít quốc gia có thể vượt qua được cuộc khủng hoảng này.
Tổng thống Medvedev cũng giải quyết được một trong những thách thức lớn khi mới tiếp nhận quyền lực - đó là vấn đề lạm phát nghiêm trọng. Trong năm vừa rồi, Nga đã đạt mức lạm phát thấp nhất trong lịch sử - dưới 7%, chỉ số tăng trưởng GDP gần 4%, vượt trên tốc độ phục hồi của hầu hết các nước hàng đầu thế giới. Nợ quốc gia Nga duy trì ở mức tối thiểu. Nga đã trở thành nền kinh tế thứ sáu trên thế giới. Không chỉ đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng, Tổng thống Medvedev còn tích cực thực hiện các cải cách, hiện đại hóa nền kinh tế. Ông cũng chính là người bắt tay vào việc xây dựng một phiên bản Thung lũng Silicon của Nga.
Tổng thống Medvedev tuyên bố sẽ tiến hành sửa đổi luật bầu cử để tạo điều kiện dễ dàng cho các đảng chính trị nhỏ, bảo đảm các đảng nhận được từ 5% đến 7% số phiếu bầu sẽ có đại diện trong Quốc hội. Ông nhấn mạnh đề xuất kéo dài nhiệm kỳ Tổng thống từ bốn năm lên sáu năm; tăng cường quyền giám sát của Quốc hội với Chính phủ và kéo dài nhiệm kỳ Quốc hội từ bốn năm hiện nay lên năm năm.
Trên mặt trận đối ngoại, ông Medvedev cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể. Ông đã kiềm chế được một Gruzia "nổi loạn", làm chậm quá trình mở rộng về phía đông của NATO, ngăn chặn Cộng đồng các quốc gia độc lập tham gia vào quá trình này. Ông Medvedev cũng đã thành công trong việc điều chỉnh quan hệ Mỹ - Nga, quan hệ Nga - châu Âu, củng cố sự tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tiếp tục củng cố hình ảnh, tiếng nói Nga trên trường quốc tế.
Về sự kiện chiến tranh Gruzia hồi tháng 08/2008 và chiến thắng của Nga, lực lượng vũ trang Nga, bản thân nước Nga và cả cộng đồng quốc tế đều cho rằng đây là sự kiện qua trọng, thay đổi khái niệm về an ninh châu Âu và an ninh ở Kavkaz.
Tiếp theo, nước Nga muốn khôi phục lại tầm ảnh hưởng của mình tại không gian "hậu Xô Viết". Nga và những nước láng giềng đã khởi động và thắt chặt mối quan hệ, có sự đầu tư qua lại và phụ thuộc lẫn nhau ở nhiều cấp độ, nhiều lĩnh vực, đặc biệt qua trọng đối với nền kinh tế Nga. Cuộc bầu cử ở Ukraine là kết quả logic dành cho Nga khi một chính quyền mới sẽ tạo nên một hướng mới cân bằng hơn trong mối qua hệ giữa Nga với Ukraina và EU, hơn là với chính quyền của Tổng thống Yushchenko trước đây.
Với những thành tựu nói trên, ông Medvedev được rất nhiều người dân Nga tín nhiệm và tin yêu. Ông luôn đứng thứ hai trong danh sách những chính trị gia được yêu mến nhất nước Nga, chỉ sau ông Putin. Có những thời điểm, uy tín của Tổng thống Medvedev chỉ thua người thầy nổi tiếng của mình có 1% điểm.