Trước hết, nước Nga chủ trương xây dựng quan hệ hữu nghị với từng nước thành viên khu vực SNG trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng và chú ý đến lợi ích của nhau. Về kinh tế, thương mại, Nga duy trì sự hợp tác đã đạt được, nhất quán theo các nguyên tắc thị trường và coi đó là điều kiện quan trọng để phát triển mối quan hệ tương hỗ bình đẳng thật sự.
Đây là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga vì SNG là khu vực có nhiều mối ràng buộc về lịch sử, an ninh, kinh tế, văn hóa với Nga. Chính các nước này cũng là vùng đệm xung quanh nước Nga. Nga đẩy mạnh hợp tác song phương với từng nước, đồng thời tăng cường và ủng hộ các quan hệ nhiều tầng nấc trong SNG về chính trị, kinh tế và quân sự. Những cơ chế hợp tác đa phương như Cộng đồng kinh tế Âu Á (EAEC), Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải cũng được Nga chú trọng phát triển.
Với những mục tiêu trên, trong các hoạt động đối ngoại của mình, nước Nga dưới thời của Tổng thống Medvedev đặt ra những hành động cụ thể sau:
a.Tập trung phát huy tiềm năng của SNG như một tổ chức khu vực, diễn đàn đối thoại chính trị đa phương và cơ cấu hợp tác nhiều nội dung với những ưu tiên trong lĩnh vực kinh tế, hợp tác nhân văn, đấu tranh chống lại các thách thức và nguy cơ mới cũng như truyền thống.
b.Tiếp tục xây dựng hiệu quả Nhà nước liên minh giữa Nga và Belarus với những nguyên tắc thị trường trong không gian kinh tế thống nhất. Đồng thời, thúc đẩy các nước thành viên EAEC khác kết nối vào hoạt động này.
c.Củng cố EAEC như là hạt nhân hội nhập kinh tế, cơ cấu phối hợp thực hiện những dự án lớn về thủy năng, cơ sở hạ tầng, công nghiệp và các dự án liên doanh khác.
d.Phát triển mọi mặt Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) với vai trò là công cụ chủ chốt để duy trì ổn định và đảm bảo an ninh trong không gian SNG, chú trọng để các nước thành viên CSTO có khả năng cùng hành động một cách hiệu quả và kịp thời.
e.Tích cực thúc đẩy việc giải quyết xung đột trong không gian SNG bằng con đường hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng những thỏa thuận đã có từ trước và tìm kiếm sự nhất trí giữa các bên bị lôi kéo vào xung đột, đồng thời thực hiện một cách có trách nhiệm sứ mệnh trung gian của mình trong quá trình đàm phán và giữ gìn hòa bình.
f.Với các tổ chức tiểu vùng và các cơ cấu khác trong SNG mà Nga không tham gia, được xác định dựa trên sự đánh giá về những đóng góp thực tế của những tổ chức đó vào việc đảm bảo ổn định và quan hệ láng giềng thân thiện, và sự sẵn sang của họ coi trọng lợi ích chính đáng của Nga trên thực tế và tôn trọng những cơ chế hợp tác đang tồn tại như SNG, CSTO, EAEC, cũng như Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO).
Theo hướng đó sẽ xây dựng quan điểm của Nga đối với sự phát triển hợp tác toàn diện trên thực tiễn tại khu vực Biển Đen và Caspian trên cơ sở bảo toàn đặc tính của Tổ chức hợp tác kinh tế Biển Đen và củng cố cơ cấu hợp tác của các nước vùng biển Caspien [9].
Về phía các nước SNG, không chỉ chịu tác động từ các xu thế liên kết bên ngoài, quá trình nhất thể hóa châu Âu, mà bản thân các nước cũng có nhu cầu muốn hợp tác và liên kết với nhau để không chỉ ổn định và phát triển mà còn cùng nhau đối mặt với các vấn đề toàn cầu như khủng bố quốc tế, buôn lậu, buôn bán ma túy, tội phạm và di cư trái phép….Phân công lao động và hợp tác tái sản xuất đã từng kéo dài nhiều thập niên trước đó, vừa chứng tỏ sự phụ thuộc nhưng cũng là mối liên kết lẫn nhau giữa các nước khu vực này. Thành lập không gian kinh tế thống nhất SNG là con đường làm giảm bớt sự căng thẳng trong quan hệ giữa các dân tộc và vấn đề người Nga ở nước ngoài.
Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Medvedev ngày 22/5/2008 tới Kazakhstan, đồng minh thân cận nhất của Nga trong công cuộc thúc đẩy tái hòa nhập kinh tế trong không gian hậu Xô Viết là minh chứng hùng hồn cho hướng ưu tiên SNG của chính sách đối ngoại Nga. Việc Tổng thống Medvedev thăm Kazakhstan, cùng với kế hoạch thăm Azecbaizan, Turmenistan, Kyrgyzstan và Tazykistan sau đó đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Nga nhằm tạo ảnh hưởng tại vùng Trung Á giàu năng lượng.
Một đối tác quan trọng khác trong khối SNG là người láng giềng Ukraina với nhiều thăng trầm trong quan hệ hai nước. Tuy vậy, dưới thời Tổng thống Medvedev, mối quan hệ này gần đây được cải thiện đáng kể.
Trong lịch sử, cuộc chiến tại Nam Ossetia năm 2008 là nguyên nhân chính đã làm cho mối quan hệ giữa Nga và Ukraina xấu đi. Theo cáo buộc của Hội đồng thanh tra Nga, Ukraina đã viện trợ trang thiết bị quân sự và cử 200 sỹ quan quân đội thành viên UNA - UNSO cho lực lượng Gruzia trong suốt cuộc chiến này. Tuy nhiên, Ukraina phủ nhận lời buộc tội trên và cho rằng không có bất kỳ lực lượng quân đội hay thiết bị quân sự nào được đưa sang phía Gruzia. Cũng trong tuyên bố được đưa ra, phía Ukraina thông báo rằng những chuyển giao quốc tế về các thiết bị quân sự đặc biệt giữa Ukraina và Gruzia trong suốt những năm 2006 - 2008 được thực hiện theo các hợp đồng đã được thiết lập từ trước đó, theo luật pháp của Ukraina và theo các hợp ước quốc tế. Cùng với nhiều bất đồng khác về vị thế với Gruzia và mối quan hệ hai nước trở nên xấu đi do việc cản trở Hạm đội Biển Đen của Nga đi qua hải phận Ukraina. Ban lãnh đạo cũ của chính quyền Ukraina đã bị phía Nga cho rằng có lập trường bài Nga, không những ngăn cản hoạt động của Hạm đội Biển Đen hay công khai giúp đỡ vũ khí cho Gruzia mà còn có chính sách gạt tiếng Nga ra khỏi các sinh hoạt xã hội. Thậm chí, năm 2009, lần đầu tiên trong thực tiễn ngoại giao, Tổng thống Medvedev thấy cần thiết công khai một bức thư ngoại giao cho ông Yuschenko trên video - blog cá nhân
trên mạng Internet. Ông nói: "… Nga chủ trương sẽ luôn là bên đối tác dễ dự đoán, dễ tiếp xúc và đáng tin cậy đối với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là đối với một đất nước mà Nga có chung nguồn gốc lịch sử và văn hóa lâu đời. Đó không chỉ là quan hệ láng giềng, mà còn là quan hệ anh em, như người ta thường nói. Và tình trạng quan hệ không dễ dàng hiện nay giữa hai nước là hết sức tương phản với nền tảng này" [8].
Mặc dù có nhiều bất đồng, mối quan hệ Nga - Ukraina vẫn có nhiều sự liên kết chặt chẽ về bản chất. Nga vẫn là đối tác kinh tế lớn nhất của Ukraina, ngành công nghiệp du lịch của Ukraina phụ thuộc rất lớn vào du khách Nga và nền kinh tế Nga cũng phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư từ Ukraina.
Ngày 7/10/2009, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố: Chính phủ Nga mong muốn có nhiều hợp tác kinh tế giữa hai nước và mối quan hệ giữa hai quốc gia sẽ được cải thiện khi quan hệ hợp tác kinh tế phát triển, đặc biệt là những doanh nghiệp cỡ nhỏ và vừa. Còn phía Ukraina hi vọng “ Sẽ xây dựng mối quan hệ chặt chẽ và hợp tác có hiệu quả với Chính phủ Ukraina để củng cố rất nhiều liên hệ giữa hai quốc gia", và thêm rằng "điều này phù hợp với lợi ích nền tảng của nhân dân hai nước Nga - Ukraina".
Cả Nga và Ukraina muốn mối quan hệ đang tồn tại phải được thay đổi, trong bối cảnh các vấn đề an ninh năng lượng đang xoay chuyển mối quan tâm ở Ukraina, Nga và EU. Các nền kinh tế gắn kết với nhau chặt chẽ đến nỗi, mỗi một khoảng trống kinh tế đã trở thành vấn đề cho tương lai. Nga cũng ủng hộ vị trí năng động của Ukraina và đưa ra một kịch bản sẵn sàng cho phát triển. Nga đã đề nghị chính phủ mới của Ukraina tham gia vào Liên minh Hải quân của 3 nước Nga, Belarus và Kazakhstan đã chính thức đi vào hoạt động kể từ 01/01/2010 [50, 18/11/2009]. Nga cũng tận dụng tối đa những lợi thế của mình, đó không chỉ là sức mạnh quân sự, hạt nhân mà cả dầu khí. Những ràng buộc về năng lượng chính là một lợi ích quốc gia mà Nga muốn các nước cân nhắc và lựa chọn hợp tác với Nga.
Thỏa thuận kí giữa Tổng thống Nga D.Medvedev và Tổng thống V. Yanukovych về việc kéo dài thời gian thuê căn cứ hải quân của Nga tại Crime thêm một phần tư thế kỷ nữa và giảm giá khí đốt cho Ukraina trong vòng 10 năm tới là thắng lợi về chính trị rất quan trọng của Nga. Như vậy, Nga đã kéo Ukraina trở lại thành một đối tác chiến lược của mình. Đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy sự khẳng định trở lại vị thế của Nga đối với cả những quốc gia "hậu Xô viết", các quốc gia gần nhất của Nga và đối với toàn thế giới sau khi Nga ký thỏa thuận khí đốt và hạm đội biển Đen. Thỏa thuận này giúp Nga kiểm soát toàn bộ Biển Đen, khu vực có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đa số các thành viên châu Âu thuộc NATO và điều cốt yếu nhất: Biển Đen là cửa ngõ vào Kavkaz và Trung Á - địa bàn chiến lược về năng lượng, "huyết mạch" dầu khí của Nga.
Ngoài Ukraina, quan hệ của Nga với nhiều nước SNG được cải thiện hơn so với trước như Mondova, Uzbekistan... Nga thi hành chính sách năng lượng mới, chuyển đổi cơ chế từ bao cấp sang thị trường. Nga đã lấy lại được tầm ảnh hưởng của mình đối với 3 nước cộng hòa thuộc Liên xô cũ là Ukraina, Kyrgyzstan và Gruzia. Có thể thấy, sự sụp đổ của chính quyền "màu cam" ở Ukraina, Gruzia, sự tái khởi động quan hệ Nga - Mỹ, cũng như thỏa thuận chiến lược với Ukraina đều đã tạo điều kiện chính trị bên ngoài lý tưởng cho Nga. Nga cũng mong muốn các thành viên trong tổ chức SNG thắt chặt hợp tác, củng cố tổ chức, mở rộng quan hệ đối tác với tất cả các bên và đạt được nhiều thành công, phù hợp với tiềm năng. Năm 2009, nhiều biện pháp chống khủng hoảng được triển khai thành công và là cơ sở cho hơn 20 văn kiện được các bên ký kết, trong đó có Hiệp định hợp tác xây dựng hệ thống các trung tâm thương mại liên chính phủ nhằm thúc đẩy việc buôn bán hàng hóa, dịch vụ giữa các nước trong cộng đồng.
Trong lĩnh vực an ninh, Nga chủ trương tăng cường hợp tác với các nước, đảm bảo an ninh cho nhau, cùng nhau chống lại những nguy cơ và
thách thức chung như: chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chủ nghĩa cực đoan, vận chuyển buôn bán ma túy, tội phạm xuyên quốc gia, nhập cư trái phép. Đặc biệt là vô hiệu hóa nguy cơ khủng bố và buôn bán ma túy từ Afghanistan, không để xảy ra mất ổn định tình hình tại Trung Á và Kavkaz. [9]
Trong điện mừng gửi kỳ họp lần thứ 28 Hội đồng lãnh đạo các cơ quan an ninh đặc biệt của SNG, họp ngày 02/06/2010 tại Yekaterinburg, Tổng thống Medvedev đã kêu gọi các cơ quan đặc biệt trong cộng đồng tập trung nỗ lực để ngăn chặn việc cung cấp tài chính cho bọn khủng bố quốc tế. Tổng thống khẳng định trong thời gian qua, Hội đồng lãnh đạo các cơ quan an ninh đặc biệt của SNG đã trở thành diễn đàn thảo luận và giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến an ninh khu vực. Nhờ tập trung nỗ lực và khả năng phối hợp nên các nước SNG đã thực hiện thành công một loạt chiến dịch nhằm chống khủng bố, hành động cực đoan, buôn bán ma túy, tội phạm và di cư trái phép, góp phần duy trì an ninh và ổn định trong khu vực này. Đồng thời, chính quyền Nga cũng thúc giục lãnh đạo các cơ quan an ninh đặc biệt của SNG phối hợp hành động chặt chẽ nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu hàng quân sự và hàng hóa đa công dụng, đồng thời xem xét hoạt động của Trung tâm chống khủng bố SNG.
Hợp tác trong lĩnh vực nhân văn là một trong những nhiệm vụ được đặt ra trên cơ sở giữ gìn và phát huy di sản văn hóa - văn minh chung, di sản trong điều kiện toàn cầu hóa là nguồn lực quan trọng của toàn thể SNG nói chung và từng nước thành viên nói riêng. Nước Nga cũng dành sự chú ý đặc biệt cho việc hỗ trợ kiều bào ở các nước SNG, cho việc xây dựng trên cơ sở tương hỗ những thỏa thuận về bảo vệ quyền lợi của họ về giáo dục, ngôn ngữ, lao động, nhân đạo, các quyền lợi và quyền tự do khác [9].
Chính quyền của Tổng thống Medvedev cũng đạt được những bước tiến mới trong việc củng cố tính gắn kết Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Bắt đầu từ ngày 1/7/2011, Liên minh Thuế quan giữa Nga, Belarus và
Kazakhstan đi vào hoạt động (Hiệp định được ký vào tháng 1/2010). Một hiệp định thương mại tự do giữa các thành viên SNG cũng đã được ký vào tháng 11/2011 và sẽ có hiệu lực từ năm 2012. Thành công này giúp làm tan dần những nghi kỵ còn giữa Nga với các thành viên SNG.
Trong Thông điệp liên bang ngày 23/12/2011, khi đánh giá về thành công trong hoạt động đối ngoại, Tổng thống D. Medvedev đã không nhắc tới cuộc chiến ở Nam Ossetia tháng 8/2008. Có thể nói, đây là một trong những thành công rất quan trọng của chính quyền Medvedev. Phản ứng có tính chấp nhận "sự đã rồi" của các nước phương Tây cho thấy cách ứng xử hợp lý "vừa cứng, vừa mềm" của chính quyền Tổng thống D. Medvedev.
Kết quả năm 2008 từ quan điểm chính sách đối ngoại của Nga trên không gian hậu xô viết có một số điểm mâu thuẫn. Ông A.Vlasov, lãnh đạo trung tâm nghiên cứu không gian hậu xô viết, khi trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói nước Nga, đã nói: "Một mặt, có thể không nghi ngờ gì khi nói rằng quyết định thành lập không gian hải quan chung, là giải pháp có tính nguyên tắc. Điện Kremly có thể mang vào đề án này những đóng góp, tuy có những mâu thuẫn và những vấn đề trong việc đạt tới đồng thuận, nhưng đã đưa đề án đến một kết quả khả quan. Mặt khác, về toàn diện, quá trình hội nhập trong không gian SNG vẫn tiếp tục. Vấn đề không phải ở chỗ Gruzia ra khỏi thành phần SNG, hoặc ở chỗ liên hệ với Ukraina trở nên lỏng lẻo, đặc biệt trong bối cảnh tranh cử tổng thống, trong quan điểm mâu thuẫn của ban lãnh đạo mới Moldova, phần lớn có tham vọng đối tác với EU hơn là với Nga. Vấn đề là ở chỗ vẫn chưa xuất hiện một đề án chính trị lớn, có thể trở thành một sáng kiến mới của Nga trong mối quan hệ với các đối tác trong cộng đồng SNG." [8b, 2/1/2010]
Nga mong muốn thúc đẩy liên hệ trên không gian hậu xô viết thông qua các cơ cấu như "Thế giới Nga", quỹ hợp tác nhân văn liên chính phủ và một loạt các đề án giáo dục xã hội nhân văn khác. Nhưng hiện tại các đề án đó
chưa có tính chất hệ thống và chưa có sự tham gia của ngân sách nhà nước. Hậu quả là không gian tiếng Nga bị thu hẹp tại các nước Liên Xô cũ. Vị thế của Nga tại các cơ chế giáo dục đại học các nước SNG giảm đi, thay vào đó là ảnh hưởng của EU, Mỹ, và thời gian gần đây Thổ Nhĩ Kì thâm nhập mạnh mẽ vào Trung Á và Nam Kavkaz, vào không gian mà đáng tiếc là Nga đã không