Sự kế thừa chính sách đối ngoại thời V.Putin và bước phát triển mới dưới thời D.Medvedev.

Một phần của tài liệu Luận văn CHÍNH SÁCH đối NGOẠI của LIÊN BANG NGA dưới THỜI TỔNG THỐNG d MEDVEDEV (2008 2012) (Trang 44 - 48)

D. Medvedev

2.1.1. Sự kế thừa chính sách đối ngoại thời V. Putin và bước phát triển mới dưới thời D.Medvedev. dưới thời D.Medvedev.

Ngày 7/5/2008, ông D. Medvedev bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống với rất nhiều thuận lợi từ "di sản" của chính quyền Tổng thống V. Putin. Thuận lợi lớn nhất, xét dưới góc độ nội trị, chính là kinh tế Nga tăng trưởng liên tục trong suốt hai nhiệm kỳ (8 năm) của ông V. Putin. Xét dưới góc độ đối ngoại, chính sách vừa cứng rắn, vừa có tính thực dụng cao của chính quyền Putin đã nâng vị thế nước Nga lên một tầm cao mới. Cựu Thủ tướng Anh T. Blair đã từng nhận xét: "Nước Nga dưới thời Putin đã mạnh lên rất nhiều, khiến thế giới phải tính đến họ trong mọi vấn đề, dù là vấn đề nhỏ nhất" [18]. Tuy nhiên, để có được vị thế ngày càng quan trọng trên thế giới, mâu thuẫn giữa Nga với các nước phương Tây cũng gia tăng.

Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi đắc cử, Tổng thống Dmitry Medvedev đã tuyên bố tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại do Vladimir Putin đã đề ra. Đó chính là đường lối "tự chủ và có định hướng ưu tiên phát triển quan hệ với các láng giềng gần""Định hướng cơ bản của chính sách đối ngoại (thông qua năm 2000) vẫn là những nguyên tắc chỉ đạo cho hoạt động đối ngoại của Liên bang Nga" (nội dung cơ bản của định hướng này là nguyên tắc "thực dụng, đa phương, thúc đẩy lợi ích quốc gia nhưng không gây đối đầu"). Tuy nhiên, đường lối chính thức trước đây đã không còn thực sự phù hợp với Nga trong giai đoạn này và cần có những điều chỉnh thích hợp để lấy lại uy tín và hình ảnh của Nga trên trường quốc tế.

Ngày 15/7/2008, tại thủ đô Moskva, Tổng thống Nga Medvedev trong cuộc hội kiến các đại sứ thường kỳ đã phát biểu, thể hiện thái độ của Nga đối với hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ xây dựng ở Đông Âu, ông nói: "Đó là một sự thử thách thức đối với quan hệ đối tác giữa Nga với Mỹ và châu Âu", Nga sẽ buộc phải có những biện pháp đáp trả thích hợp [3;tr.295]

Medvedev tuyên bố Nga sẽ tiếp tục thi hành những chính sách ngoại giao tích cực, chỉ trích kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu của Mỹ và sự bành trướng sang phía Đông của Kosovo. Cho dù trong ngữ khí của Tổng thống Medvedev không có vẻ cứng rắn và cương quyết như nguyên Tổng thống Putin, nhưng bài phát biểu đó đã cho thấy chính sách ngoại giao của hai vị không có sự khác biệt về chất. "Nước Nga thực sự đã mạnh trở lại, có thể gánh vác những trọng trách giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, thế giới bây giờ không chỉ lắng nghe ý kiến của Nga mà hơn thế, quốc tế coi trọng nước Nga sẽ lựa chọn quyết định nào". Ông kêu gọi đại sứ của Nga tại nước ngoài phải tích cực tham gia vào các vấn đề ngoại giao, không những chỉ bình luận mà con phải phê phán nhiều hơn nữa cách làm của một số quốc gia "vì bảo vệ lợi ích của mình hay các tập đoàn mà làm tổn hại đến luật quốc tế". Trốn tránh vấn đề này với chúng ta là một lựa chọn dễ dàng, có thể nói quan hệ giữa Kosovo đối với Liên minh châu Âu cũng giống như Iraq đối với Mỹ, song điều quan trọng hơn chính là: Quyền lực của luật pháp quốc tế thêm một lần nữa bị lung lay [3;tr.296]. Medvedev không phê phán đích danh một quốc gia nào nhưng chỉ rõ: "Chúng ta không thể chấp nhận một quốc gia nào có ý định cổ súy cho những quan điểm của phần tử phát-xít, hay tự cho có "sứ mệnh truyền bá văn minh và giải phóng" [3;tr.296].

Điểm quan trọng nhất của chính sách ngoại giao mới dưới thời Medvedev chính là "sự phát triển và bổ sung" đựa trên đường lối ngoại giao đã được Putin đề ra 8 năm trước. Khoảng cách 8 năm, so sánh quan niệm chính sách ngoại giao của hai vị Tổng thống Nga có thể nhận thấy, vị trí hiện

tại và sự định vị của nước Nga trên thế giới theo quan điểm của Medvedev đã có sự thay đổi so với quan điểm của Putin.

Từ Dự thảo chính sách ngoại giao của tân Tổng thống được công bố cho thấy: phần đầu tiên của bản dự thảo cho thấy nó là sự bổ sung và phát triển của bản dự thảo đã được Putin phê chuẩn 8 năm trước. Nếu so sánh hai bản dự thảo, chính sách "hội nhập tích cực" của Nga trong 8 năm qua đã có sự thay đổi cơ bản về chất. Như việc bản dự thảo trước đã phê phán gay gắt một thế giới đơn cực, đồng thời chỉ rõ "Nga sẽ đấu tranh để xây dựng một thế giới đa cực". Bản dự thảo mới cho thấy nhiệm vụ này đã được hoàn thành một cách thuận lợi và còn nhắc tới việc "phương Tây đã mất đi tương lai duy trì sự chi phối và lũng đoạn của mình đối với tiến trình toàn cầu hóa" [3; tr.297].

Phần về "Trọng điểm khu vực" còn cho thấy rõ một vài thay đổi trong chính sách ngoại giao của Nga. Ví dụ: "Củng cố quan hệ ngoại giao Nga - Belarus" 8 năm trước vốn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thì đến lúc này Điện Kremli thừa nhận mối quan hệ liên minh này đã không tồn tại, đồng thời đề cập đến việc tạo ra những điều kiện cho việc Moskva và Minsk quá độ lên quan hệ kinh tế thị trường qua từng giai đoạn.

Dự thảo mới về chính sách ngoại giao của Nga có lẽ từ bỏ một cách dứt khoát Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu. Tám năm trước, Nga vẫn giữ hy vọng tổ chức này sẽ phát triển một cách ổn định và hài hòa, song hiện tại Moskva chỉ có mong muốn xây dựng một thể chế khác để thay thế tổ chức này và đó chính là ký kết một bản "Hiệp ước an ninh châu Âu mới". Dự thảo mới còn cho thấy, nước Nga cần phải phát triển mối quan hệ ngoại giao với những đối tác chiến lược là Trung Quốc, Ấn Độ và Braxin. Điểm thay đổi so với bản dự thảo trước chính là trong chính sách ngoại giao lần này, Nga chỉ nhân tiện nhắn đến Iran trong khi đề cập đến mối quan hệ với một loạt quốc gia là Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Angiêri, Arập Xêút, Syria, Lybia và Pakistan.

Tuy vậy, điểm khác biệt cơ bản và quan trọng nhất trong hai dự thảo chính sách ngoại của Medvedev và Putin lại được thể hiện trong phần cuối cùng, tức là phần nói về: "Sự hình thành và thực hiện chính sách ngoại giao".

Phần nội dung này bản dự thảo của Medvedev chỉ rõ: "Chính phủ Nga sẽ lựa chọn những biện pháp nhằm thực hiện chính sách ngoại giao này", trong khi bản dự thảo cũ không hề nhắc đến vai trò của Chính phủ đối với những chính sách ngoại giao của quốc gia [3;tr.298].

Tổng thống Medvedev cho rằng, việc thực lực to lớn của nước Nga trong 8 năm trở lại đây không thể hiện tương xứng chính là do những sai lầm của các quan chức và bộ máy ngoại giao. Ông cũng kêu gọi các quan chức ngoại giao phải thể hiện thái độ và hành động tích cực hơn nhằm phòng tránh hiện tượng Mỹ can thiệp sâu và gây chia rẽ trong nội bộ nhóm các nước thuộc SNG. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta hiện nay đã mạnh hơn, chúng ta có đủ các điều kiện và khả năng để thực hiện chính sách của chính mình" [3;tr.299].

Thực tế trong bản "Dự thảo chính sách ngoại giao" của mình, ông không những "kiểm kê" (từ dùng của Medvedev) tất cả những phương thức và phương pháp ngoại giao của Nga mà còn "kiểm kê" tất cả những sự kiện và diễn tiến của tình hình chính trị thế giới hiện tại.

Những điều được phản ánh trong dự thảo cũ 8 năm trước là hiện thực vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Khi đó Tổng thống đương nhiệm của Nga là Yeltsin có dự tính cứu vãn Liên bang Nam Tư, nhưng rồi cũng phải thừa nhận một cách riêng tư với những người thân tín bên cạnh mình rằng: "Chúng ta đã phải dùng nắm tay đấm lên bàn nhưng chẳng có ai lắng nghe cả". Tư tưởng chủ đạo của bản dự thảo là chủ nghĩa cô lập hoặc cũng có thể coi là có phần tự ti, dường như nguyên tắc của Yeltsin là phải tiết kiệm đối với năng lực của mình - không định can thiệp vào công việc của mọi quốc gia mà chỉ đợi đến khi vấn đề đó được đặt thành nhu cầu và nhận thấy bản thân mình đã có đủ thực lực thì mới chọn cách làm.

Nhưng có thể nhận thấy tư tưởng chủ đạo của dự thảo mới đã hoàn toàn khác, phần dẫn nhập của dự thảo có một đoạn vô cùng quan trọng như sau:

"Sự thay đổi và phát triển của những mối quan hệ quốc tế trong giai đoạn đầu của thế kỷ XXI, cùng với sự vững mạnh của thực lực nước Nga hiện tại, đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận thực tế và xu thế tổng thể đang diễn ra quanh nước Nga bằng một nhãn quan hoàn toàn mới, nghiên cứu lại những trọng điểm trong chính sách ngoại giao của Nga; nguyên nhân là vai trò của Nga đối với các nhiệm vụ quốc tế đã được nâng cao so với trước đây. Nga không những có khả năng tham gia một cách đầy đủ vào nghị sự trong các cuộc hội nghị quốc tế, mà còn có thể tham dự vào việc đề xuất và quyết định". Sự khác biệt quan trọng của hai bản dự thảo của hai thời đại đã được thể hiện qua những điểm đó [3;tr.300].

Nhiều nội dung của bản dự thảo mới này rất đáng quan tâm. Đó là, phải sử dụng "ngoại giao kiểu mạng lưới" để thay thế "ngoại giao tập thể", điều đó có nghĩa là: ngày nay không còn tồn tại "tổ chức" cố định với những kỷ luật nội bộ nghiêm minh, các nước sẽ phải đối diện với những vấn đề cụ thể như vấn để của Iran, Triều Tiên, hay Trung Đông,... Vì vậy phải kết hợp các tổ chức lại với nhau để cùng giải quyết. Bước vào một thế kỷ hoàn toàn khác, nhưng nước Nga lại chưa thể ý thức hết được tính phức tạp của thế giới. Bản dự thảo mới cũng nhắc đến vấn đề cạnh tranh toàn cầu và cho rằng khái niệm cạnh tranh này cho đến hiện tại là nhằm nói đến sự cạnh tranh giữa những hình thức phát triển và những xu hướng giá trị khác nhau. Đó là một nhận thức hoàn toàn đúng đắn và nó sẽ giúp tạo ra nhiều cơ hội cho những chính sách ngoại giao của nước Nga.

Một phần của tài liệu Luận văn CHÍNH SÁCH đối NGOẠI của LIÊN BANG NGA dưới THỜI TỔNG THỐNG d MEDVEDEV (2008 2012) (Trang 44 - 48)

w