Bản năng tính dục với vấn đề thân phận con người

Một phần của tài liệu Bản năng tình dục trong người đẹp say ngủ (y KAWABATA) và hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (g MARQUEZ) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 50 - 53)

Khi nhắc tới bản năng là nói tới phần tự nhiên nhất ở mỗi con người. Bản năng gắn liền với sự sống và khả năng sống của mỗi con người. Đó là sống đến tận cùng và thỏa mãn đến tận cùng những ham muốn sống bằng chế độ thích hợp nhất. Bản năng luôn hòa cùng dòng chảy quá trình sống, bản năng đó trung tính - không tốt, không xấu và không có định hướng trước. Tuy nhiên bản năng con người khác xa bản năng của loài vật bởi bản năng của con người bị khuynh hướng đạo đức, thiết chế xã hội chi phối và ràng buộc, áp đặt cho nó từ bên ngoài. Trong Người đẹp say ngủ, bản năng tính dục gắn liền với thân phận con người.

Vấn đề thân phận con người luôn được triết học và văn học của mọi thời đại đề cập. Và đến thế kỷ XX ở cả phương Tây và phương Đông, sau cuộc biến động của thế chiến thứ nhất và thế chiến thứ hai thì vấn đề thân phận trở thành một mối quan tâm hàng đầu. Con người vốn luôn “mang sẵn một thân phận”. Và đặc biệt, trong thời kỳ “kỹ trị”, văn minh cơ giới với những kỹ thuật hiện đại phát triển mạnh, tình trạng bóc lột lao động càng tinh vi; giữa lúc nhân phẩm con người bị coi khinh, bị rẻ rúng thì “thân phận con người” đã trở thành trung tâm của triết học và văn học thời đại. Suy tư về thân phận - một vấn đề triết học lớn được đặt ra một cách cấp thiết trong thời hiện đại. Sự hiện hữu của con

người trong thế giới này có nghĩa lí gì? Nó sẽ ra sao trong vòng xoáy của xã hội hiện đại này? Nhật Bản là một trong những nước lớn của châu Á chịu ảnh hưởng sâu sắc của quy luật ấy, nhiều tác phẩm văn học đã ra đời và đặt ra vấn đề thân phận con người. Ta cũng tìm thấy được điều đó trong nhiều tác phẩm của Kawabata và đặc biệt là trong Người đẹp say ngủ. Nhắc tới thân phận ta thường nghĩ tới kiếp người nhỏ bé với số phận mong manh, vô định, đáng thương. Nó cũng gợi lên một cái gì đó cô đơn, buồn khổ không lối thoát. Người đẹp say ngủ cũng gợi lên trong lòng độc giả nỗi buồn sâu, buồn lặng trước những thân phận ấy. Kawabata nhiều lúc cũng nhìn thế giới như các nhà hiện sinh đã nhìn. Nhưng từ những trăn trở về thân phận con người trong xã hội hiện đại với cơ chế thị trường hiện nay, Kawabata vẫn tin vào sự sống, vào cái đẹp mặc dầu đó là cái đẹp toát ra từ một lầu xanh hiện đại. Đây là cái nhìn đạt tới chiều sâu triết học được hiển thị qua những suy tư, trăn trở của nhân vật Eguchi.

Tác phẩm bắt đầu với không gian của một lầu xanh đặc biệt - một không gian sâu lắng, tịch mịch, gợi buồn và bắt đầu gợi lên một cái gì đó về số mệnh con người. Các ông già đến đây là những vị khách đã đến tuổi gần đất xa trời mà vẫn muốn tận hưởng những lạc thú, những đam mê nhục dục bên các thiếu nữ còn trinh nguyên trong tình trạng “say ngủ”. Các vị khách này dường như đã già cả tới mức không chút sinh khí, mỗi người đều mang một thân phận đáng thương. Tại sao họ không tìm đến những nơi khác mà lại tìm đến nhà chứa đặc biệt này? Hầu như tất cả họ cũng như Eguchi - nhân vật chính trong tác phẩm, đều khao khát tìm lại vẻ đẹp, tìm lại sức sống một thời trên cơ thể ngọc ngà của những thiếu nữ trong tình trạng vô thức. Vì những người già tới đây đều ý thức được tuổi già của mình, họ đến đây để nằm ngủ thanh thản bên cạnh một cô gái và tìm lại niềm vui ngày xưa. Hơn nữa, đến đây, họ tha hồ chiêm ngưỡng vẻ đẹp xuân sắc mà không phải mặc cảm xấu hổ vì các cô gái đều đã được uống thuốc mê. Cũng vì vậy, họ không phải chịu những hậu quả về sau này. Trước vẻ đẹp của những tấm thân thiếu nữ, Eguchi luôn sống trong sự lưỡng phân: vừa tự huyễn hoặc mình đang còn sung sức, chưa lão suy như các lão già khác, mặt khác ông lại ý thức rõ ràng tình trạng bất lực, tuyệt vọng, sự đe dọa tuổi già đối với bản thân - “tình trạng già nua đáng sợ của những cụ già thảm hại vẫn

thường lui tới ngôi nhà này chẳng bao lâu nữa cũng sẽ xẩy ra với ông. Chiều rộng bao la, chiều sâu vô đáy của những ham muốn xác thịt mà ông đã thăm thú được ít nhiều trong sáu mươi bảy năm qua càng bộc lộ ra một điều là con người ta không thể vơ hết mọi thứ vào bản thân được. Xung quanh những ông già ngày một ốm o vẫn cứ lớn lên từng lớp, từng lớp vô vàn những thiếu nữ xinh tươi, da thịt mơn mởn. Các ông già bất lực nhìn theo những niềm vui mỗi ngày một lùi xa thêm, càng tiếc nuối những tháng ngày hạnh phúc của một thời đã trôi qua không bao giờ còn trở lại” [48, 42-43]. Tuổi xuân đã trôi qua, bây giờ chỉ còn là thân xác của một lão già không còn sức lực, không còn được thõa mãn những thú vui tuổi trẻ. Một điều đáng buồn hơn là nằm bên cạnh các người đẹp, nhưng các cô ấy lại đang chìm trong vô thức với giấc ngủ triền miên không một sự sẻ chia, giao cảm, không một lời tâm sự. Sự dâng hiến vô thức ấy, vẻ đẹp xuân sắc ấy của họ lại càng tô đậm hơn “tình trạng già nua đáng sợ” của Eguchi cũng như các vị khách khác. Sống trong ngôi nhà bí mật đó, Eguchi dường như chỉ còn một nỗi buồn thảm và cô đơn với một núi nỗi niềm chồng chất. Eguchi ban đầu tìm đến ngôi nhà bí mật chỉ để giải khuây và thỏa mãn trí tò mò nhưng khi trải qua mấy đêm với các cô gái, Eguchi đã có những nếm trải, những suy nghĩ rất đáng thương. Trước khi đến đây, Eguchi vẫn tự tin mình chưa lão suy như những cụ già khác, nhưng dần dần ông cũng nhận ra được mình đã già, sẽ già như những ông già khác thường lui tới đây. Hơn thế, ám ảnh về tuổi già, cái chết như định mệnh quấn lấy Eguchi từ lúc ông tìm đến ngôi nhà bí mật này. Chính sự trẻ trung, trong trắng, đẹp đẽ của các cô gái cũng trở thành nỗi ám ảnh tuổi già “ông tự hỏi, không khéo các ông già khác đã mang tới đây niềm vui thảm hại của họ, lòng thèm khát một cách bất lực và nỗi buồn mênh mông của họ nhiều hơn là Eguchi tưởng chăng ?” [48, 48] và “sự trinh trắng của họ làm nổi bật sự xấu xí của tuối già”. Trước những cô gái trong tình trạng vô thức ấy, ông càng buồn bã nghĩ đến thân phận của mình “số phận ông, con người ông hoàn toàn vô nghĩa đối với cô gái này” [48, 21]. Kawabata đã khéo léo trong việc tạo ra những tình huống “mất ngủ” của nhân vật để từ đó ông đã soi thấu và những góc khuất tâm hồn con người. Đó là những suy tư về nhân thế với những ám ảnh về cái chết, những nỗi niềm, những trăn trở về quá khứ, thực

tại và cả tương lai… những trang văn chứa đầy những dòng độc thoại của Eguchi cũng chính là những trang đời đau xót nhất về thân phận con người.

Và các cô gái bán mình ở đây cũng rất đặc biệt với số phận đáng thương. Họ cứ theo lịch hẹn để đến, nằm đấy chờ đợi mà không biết đêm nay mình phải tiếp vị khách như thế nào, số phận của mình rồi sẽ đến đâu, chuyện gì sẽ xảy ra với bản thân sau những đêm như vậy… họ đến đây làm việc như một cái máy vậy. Các ông khách tới đây cũng chẳng thèm bận tâm xem họ là ai, tính tình như thế nào… và có tò mò thì cũng không được biết vì đó là một trong những quy định chung của nơi này. Cũng vì thế mà các cô gái ở đây không được miêu tả về tính cách, địa vị… mà tất cả đều nằm trên những đường nét của cơ thể. Mỗi cô gái với hình dáng, tuối tác khác nhau nhưng tất cả đều gợi lên một thân phận chung đáng thương - đó là thân phận của những người dưới đáy xã hội, bị xã hội bỏ rơi và có nguy cơ bị cuộc đời quên lãng. Họ đều là những cô gái bán mình cho các lão già không chút sinh khí. Không còn mơ ước gì hơn là được chết bên cạnh một cô gái đẹp. Và cái nhà chứa hiện đại - nơi họ đang làm việc là một kiểu nhà chứa tuy không thô bạo nhưng lại rất dã man. Kawabata đã dùng lối nhấm nháp của cái thú thanh tao để mô tả lối hưởng lạc của những kẻ đã gần đất xa trời mà vẫn ham thú nhục dục. Thật sự cảm thông chua xót trước những kiếp người nhỏ bé, những thân phận mỏng manh, đáng thương thì Kawabata mới viết lên được những trang văn giàu nhân sinh như vậy.

Đọc tác phẩm ta thấu cảm được sự gắn bó giữa thân phận con người với bản năng tính dục. Yếu tố tính dục nhiều lúc đã trở thành cứu rỗi cho những tâm hồn già nua cằn cỗi, những mảnh đời đáng thương...

Một phần của tài liệu Bản năng tình dục trong người đẹp say ngủ (y KAWABATA) và hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (g MARQUEZ) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 50 - 53)