Bất kỳ một câu chuyện nào được viết ra cũng cần phải có người kể hay nói cách khác đó là hình tượng nhân vật người kể chuyện. “Hình tượng người kể chuyện đóng vai trò trung gian giữa chủ thể sáng tạo và tác phẩm, đồng thời vừa là đại diện cho tác giả vừa thuộc về thế giới được miêu tả trong tác phẩm” [79, 121]… Hình tượng nhân vật người kể chuyện cũng là một trong những vấn đề trung tâm của thi pháp văn xuôi hiện đại.
Một trong những vấn đề trung tâm của một câu chuyện được kể ra chính là hình tượng người kể chuyện. Nhân vật người kể chuyện này đóng vai trò rất quan trọng trong việc dẫn dắt, gợi dẫn người đọc. Vì thế, tìm hiểu hình tượng
này là một trong những vấn đề rất quan trọng để hiểu tác giả, tác phẩm. Theo
Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán chủ biên) thì hình tượng người kể chuyện đem lại cho tác phẩm một cái nhìn, một sự đánh giá bổ sung về mặt tâm lý, nghề nghiệp hay lập trường xã hội cho cái nhìn tác giả, làm cho sự trình bày, tái tạo con người và đời sống trong tác phẩm thêm phong phú, nhiều bối cảnh. Còn Đỗ Hải Phong trong cuốn Tự sự học thì nói rằng “người kể chuyện là một trong những thức thể hiện quan điểm tác giả trong tác phẩm”. Tuy nhiên, “thái độ của người kể chuyện đối với thế giới câu chuyện được kể lại có thể phần nào trùng khít với quan điểm của tác giả nhưng không bao giờ trùng khít hoàn toàn” [79, 119]. Như vậy, tác giả không bao giờ trực tiếp đứng ra kể lại câu chuyện mà thường sáng tạo ra nhân vật khác (người kể chuyện) để thay mình đứng ra kể chuyện. Chính vì thế, người kể chuyện vừa là người thay mặt tác giả kể, vừa là nhân vật trong tác phẩm. Tuy vậy, mức độ hóa thân thành vai trò người kể chuyện là khác nhau, tạo ra những hình thức thể hiện khác nhau. Người ta thường chia ra thành hai dạng : người kể chuyện ở ngôi thứ nhất và người kể chuyện ở ngôi thứ ba. Hay “có thể chia ra người trần thuật lộ diện và người trần thuật ẩn tàng. Người trần thuật lộ diện là người trần thuật theo “ngôi thứ nhất”, còn người trần thuật ẩn tàng là người trần thuật theo “ngôi thứ ba”” [34, 222]. Nguyễn Thị Thu Thủy trong Tự sự học có phân biệt “Theo lí thuyết về điểm nhìn, một truyện phải được, kể theo một thức, một điểm nhìn nào đó. Hoặc là theo cách mà nhân vật mang tiêu điểm (nhân vật tiêu điểm hóa, phản ánh điểm nhìn của tác giả) người kể ẩn hoặc là theo cách mà nhân vật mang tiêu điểm đồng thời là người kể chuyện (truyện kể ngôi thứ nhất). Hoặc là theo cách mà nhân vật người kể chuyện đồng thời là người tiêu điểm hóa hàm ẩn. Tức là cái thức hay điểm nhìn phải được thể hiện ở nhân vật hoặc người kể chuyện”. Và trong bài viết của mình, Nguyễn Thị Thu Thủy đã phân biệt người tiêu điểm hóa với người kể chuyện. Đồng thời làm rõ khái niệm người kể chuyện hiển ngôn (xuất hiện bằng đại từ ngôi thứ nhất) bao gồm người kể chuyện xưng “tôi” đóng vai trò dẫn truyện (người kể chuyện khác người tiêu điểm hóa) và người kể chuyện hàm ẩn kể theo điểm nhìn của chính mình (người kể chuyện trùng với người tiêu điểm hóa)”. Và cũng kết luận rằng: người kể chuyện ở ngôi thứ
ba có hai kiểu: người kể chuyện hàm ẩn kể theo điểm nhìn nhân vật và truyện kể có người kể chuyện hàm ẩn kể theo điểm nhìn của mình. Ngoài ra, người kể chuyện có thể phân chia thành người kể chuyện “tham gia vào truyện” và người kể chuyện “bàng quan” đứng ngoài. Thực ra, đó cũng chính là người kể chuyện ở ngôi thứ nhất xưng “tôi” với người kể chuyện ở ngôi thứ ba.
Như vậy, có thể hiểu rằng, người kể chuyện (hay người trần thuật) là khái niệm để chỉ người thay mặt tác giả, đại diện cho tác giả kể lại câu chuyện trong tác phẩm, là người dẫn dắt, định hướng và khơi gợi khả năng đối thoại, tranh luận cho người đọc và là người làm điểm tựa cho tác giả bộc lộ quan điểm của mình. Người kể chuyện đồng thời cũng là người đóng vai trò là một nhân vật tham gia vào tác phẩm. Và dựa vào mức độ hóa thân và tham dự vào tác phẩm mà ta có thể nhận ra được người kể chuyện trong tác phẩm.
Ở Người đẹp say ngủ và Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, nhân vật chính đều là những ông già chiêm nghiệm, suy tư, kể chuyện mình đặc biệt đó là câu chuyện về đời sống tình dục. Tuy nhiên, về cơ bản, nhân vật người kể chuyện trong Người đẹp say ngủ và Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi
có sự khác nhau rõ rệt. Một bên là người kể chuyện ở ngôi thứ ba hàm ẩn, một bên là người kể chuyện ở ngôi thứ nhất xưng “tôi”. Trong Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, nhân vật “tôi” tự kể chuyện về cuộc đời mình. Ngay câu đầu tiên của tác phẩm, nhân vật “tôi” đã đóng vai trò dẫn dắt câu chuyện: “Vào cái năm tròn 90 tuổi, tôi muốn tự thưởng cho mình một đêm tình cuồng điên với một thiếu nữ còn trinh nguyên” [76, 01]. Và từ đó nhân vật “tôi” bắt đầu dẫn dắt người đọc đi vào chuyện đời mình cùng với những mối tình “một đêm” và quan trọng nhất là kể về câu chuyện tình muộn màng của ông với cô bé. Ở
Người đẹp say ngủ Kawabata có sự kết hợp giữa trần thuật bên trong (nhiều đoạn nhân vật Eguchi tự kể chuyện mình) với người trần thuật bên ngoài (người kể chuyện hàm ẩn - người dẫn truyện), người kể chuyện vừa có cái nhìn chủ quan vừa có cái nhìn khách quan bên ngoài. Trong khi đó, ở Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, nhân vật người kể chuyện xưng “tôi” tự kể truyện và kể về chuyện của mình. Vì thế, người kể chuyện ở đây chủ yếu kể về dòng tâm
trạng, dòng kí ức của mình về cuộc đời, về những cuộc tình và về cô bé - người đã đưa đến cho ông một niềm vui sống, một tình yêu ngọt ngào khi tuổi đã già. Cuộc sống của “tôi” gần như đã thay đổi hoàn toàn từ khi cô bé Delgadina xuất hiện. Vì nhân vật tự kể chuyện về bản thân nên đọc lên ta thấy rất cụ thể, sống động và đáng tin. Và vì đó là điểm nhìn bên trong nên nhân vật có thể kể lại những chuyện thầm kín nhất cùng với tâm trạng thực của mình. Nhân vật “tôi” bắt đầu được thử nghiệm bài học làm tình đầu tiên lúc còn là một cậu học sinh tiểu học. Và nhân vật đã kể lại rất tỉ mỉ lần ấy cùng với những cảm giác của mình “…ngay lập tức, người đàn bà trần như nhộng…ôm choàng lấy tôi từ phía sau…bà ta đè ngửa tôi xuống…cởi quần tôi với tài khéo léo bậc thầy, rồi nằm lên người tôi nhưng nỗi sợ hãi chạy lạnh buốt trong người khiến tôi không thể tiếp nhận bà ta trên cương vị một người đàn ông” [76, 52]. Nhưng những lần sau đó, “tôi” đã “khát khao được gặp bà… khóc to thành tiếng với tình yêu cuồng điên” với bà. Trước đó, nhân vật “tôi” còn kể cho người đọc nghe về những câu chuyện làm tình khác với cô Xemina “có đôi mắt mèo hoang, một thân hình bốc lửa” hay những mối tình chóng vánh khác mà chỉ có điểm nhìn bên trong thì mới kể được một cách chân thực đến như thế. Và điều làm cho người đọc thật sự ngỡ ngàng đó là câu chuyện tình yêu nảy nở ở tuổi 90. Và câu chuyện tình đó được bắt đầu với những lần nhân vật “tôi” đến với lữ điếm gặp gỡ cô gái ngủ say và nảy sinh tình cảm. Điều này làm ta nghĩ tới nhân vật Eguchi trong Người đẹp say ngủ. Những lần đến với lữ điếm có những người đẹp say ngủ thì điểm nhìn đã được người kể chuyện chuyển sang cho Eguchi, để Eguchi tự kể, tự bộc bạch. Cả hai tác phẩm của hai tác giả dù là ở hai nền văn hóa, hai dòng văn học khác nhau nhưng đều kể chuyện về những ông già đi tìm tuổi xuân bên cạnh các cô gái ngủ say. Mặc dù trong Người đẹp say ngủ - nhân vật Eguchi trong năm đêm tìm đến sáu cô gái còn nhân vật “tôi” trong
Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi chỉ đến với một cô gái duy nhất nhưng trong cách cảm nhận, cách kể, cách tả đều tỉ mỉ như nhau. Đó là những cảm nhận về nét đẹp của cặp mắt, đôi môi, lông mày, cặp vú, ngón tay, bàn chân… Tuy nhiên, nhân vật “tôi” trong Hồi ức về những cô gái điếm buồn của
tôi xuất phát từ một người đang yêu say đắm nên cách tả, cách kể có phần nâng niu, trân trọng hơn và xen lẫn cả cảm xúc hân hoan.
Ngoài những kí ức về những mối tình của mình thì nhân vật “tôi” còn kể về những đổi thay trong cuộc sống từ khi ông bắt đầu yêu. Ta thấy rằng nhân vật “tôi” trong Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi đã lấy câu chuyện về cuộc sống của chính mình làm trục chính cho mạch truyện và việc tìm đến bé gái say ngủ là một sự kiện và sự kiện này là sự kiện quan trọng nhất góp phần làm cho câu chuyện được hấp dẫn và bất ngờ. Việc kể về cuộc đời trong quá khứ và hiện tại cũng chỉ để làm rõ hơn vai trò của sự tác động do mối tình đầu đưa lại. Điều này khác với người kể chuyện trong Người đẹp say ngủ. Ở Người đẹp say ngủ, người trần thuật ở ngôi thứ ba hàm ẩn kể lại câu chuyện. Ở đây, người kể chuyện kể về chuyện những người đẹp say ngủ trong lữ điếm làm trục chính, sau đó bắt đầu để nhân vật hồi tưởng lại câu chuyện mình từ thời trai trẻ và những cảm xúc thực tại khi ở bên cạnh những cô gái ngủ say. Đó cũng là một điểm sáng tạo của Marquez khi chọn kể chuyện này. Ở Người đẹp say ngủ, người kể chuyện ở ngôi thứ ba hàm ẩn trao điểm nhìn cho nhân vật Eguchi, đẩy nhân vật ra để kể, đối thoại với độc giả, điều này cũng tạo sự hấp dẫn, cuốn hút độc giả bởi sự đa thanh, đa giọng trong tác phẩm. Còn ở trong Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, nhân vật “tôi” trực tiếp kể lại chuyện của mình. Vì thế ở đây người đọc càng có được độ tin cậy lớn, nó chẳng khác nào là một cuốn tiểu thuyết tự thuật. Và ngay ở tên tác phẩm cũng đã phần nào làm cho người đọc vừa tò mò, vừa tin tưởng vì đó là những hồi ức được kể lại của “tôi”.
Tóm lại, hình tượng nhân vật người kể chuyện đã được Marquez tiếp thu từ Người đẹp say ngủ của Kawabata. Đó là câu chuyện về cuộc đời của những ông già với mô típ người đẹp say ngủ. Nhưng không giống Kawabata, Marquez đã kể lại câu chuyện bằng ngôi thứ nhất đầy sáng tạo nên tác phẩm của ông cũng không kém phần hấp dẫn người đọc. Khi nhà văn để cho nhân vật tự cất lên tiếng nói của mình, nó cũng sẽ giúp độc giả khám phá một bình diện mới có tính chất toàn vẹn - một “bản ngã” đích thực. Với hình thức kể chuyện mang tính hồi ức này (để cho nhân vật tự kể lại đời mình) thì mới tự phô diễn được
cái “tôi” sâu thẳm của nhân vật một cách sâu sắc, tự nhiên và đầy thuyết phục độc giả như thế.