Có ai đó đã từng ví việc viết văn như là việc thả diều, con diều dù có bay cao, bay xa bao nhiêu thì cũng gắn chặt với mặt đất bằng một sợi dây vững chắc. Thực tế đời sống là một mảnh đất ươm mầm cho văn học nghệ thuật. Chính vì thế, khi lí giải nguyên nhân cho sự tiếp nhận và sáng tạo của G.Marquez chúng ta cũng cần phải tìm về cuộc sống, tìm về xã hội Nhật Bản và Côlômbia trong thế kỷ XX với những biến động mạnh mẽ của nó.
Ta biết rằng sự đoạn tuyệt của Nhật Bản với thế giới bên ngoài kéo dài hơn hai thế kỷ cho đến cuộc cách mạng mở ra kỷ nguyên Meiji (Minh Trị) nửa cuối thế kỷ XIX theo sau đó là công cuộc công nghiệp hóa mãnh liệt của đất nước, công cuộc công nghiệp hóa đầu thế kỷ XX được coi là một hiện tượng riêng, một phép màu, nó tỏa những ánh sáng chói chang xuống nền văn minh Nhật Bản. Kinh tế phát triển mạnh mẽ tất nhiên kéo theo sự thay đổi nhiều mặt, trong đó văn hóa cũng thay đổi như một sự hòa nhập chung. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực thì thời kỳ này lại tiếp nhận thêm cả một luồng văn hóa lai căng. Xã hội Nhật Bản thời hiện đại đã khuyếch trương lối sống tự do, phóng túng của những người Nhật. Giới trẻ những năm sáu mươi của thế kỷ XX cùng với sự nổi loạn, cái chết và bản năng luôn song hành với những câu khẩu hiệu “cuộc cách mạng tình dục”, “sự nổi loạn của bản năng”…Văn hóa Mỹ và phương Tây tràn vào Nhật làm cho văn học Nhật trở nên phức tạp - mọi thứ văn học lai căng, dung tục, sống gấp, sống vội… của chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa hiện đại đã ảnh hưởng khá lớn đến đời sống tinh thần Nhật. Sự thay đổi đến chóng mặt ấy làm cho nhiều nhà văn bị tổn thương và loay hoay tìm kiếm lối đi cho mình. Không ít nhà văn rơi vào bi quan, yếm thế. Đứng trước cuộc sống xô bồ ấy, Kawabata đã tự khép mình, sống trầm mặc, kiếm tìm lại những nét đẹp cổ xưa của Nhật Bản. Cũng vì thế khi Người đẹp say ngủ ra đời, nó đã được xem là một dấu mốc vì trong tác phẩm này, Kawabata ít nhiều đã học tập kỹ thuật sáng tác phương Tây.
Nhận xét về tầm ảnh hưởng của phương Tây đối với Nhật Bản và công cuộc hiện đại hóa văn học Nhật, nhà văn Kenzaburô Oe (giải Nobel văn học 1994) đã nhận xét rằng: “Công cuộc hiện đại hóa Nhật Bản để lộ ra lịch sử của một nước Châu Á cố tách mình ra khỏi khối Châu Á và trở thành một nước kiểu Âu. Với văn học Nhật Bản, người ta cũng hướng về Châu Âu, Nga, Mỹ. Hiện nay nhà văn Nhật vẫn nhìn về phương Tây mà giờ đây bao gồm cả Đông Âu và Mỹ Latinh” [81]. Chính sự mở rộng giao lưu ấy cũng đã giới thiệu được nền văn học Nhật Bản với thế giới. Cũng vì vậy mà có sự gặp gỡ tình cờ của G.Marquez với một tác phẩm độc đáo của Kawabata - Người đẹp say ngủ. Từ đó, G.Marquez mới biết rõ hơn về văn hóa Nhật Bản. Và chính sự thay đổi mạnh mẽ của Côlômbia thế kỷ XX đã góp phần làm nền cho cuộc gặp gỡ đó. Ta biết rằng Côlômbia nói riêng, Mỹ Latinh nói chung có một nền văn minh duy nhất, trải ra trong một thời gian dài là ngoại tại với nó, đó chỉ là bản sao chụp trung thành nền văn minh Châu Âu. Một tầng lớp trí thức đã chăm chú theo dõi tư tưởng Châu Âu và tìm thấy ở đó một sự thỏa mãn, một sự say mê. Và đặc biệt là trong văn học, ta tìm thấy ở thời kỳ đầu rất nhiều tác phẩm gần như là sao chép lại những tác phẩm nổi tiếng ở Châu Âu nhưng thời kì đó đã qua - nền văn minh Côlômbia đã có sự thay đổi bước ngoặt. Bước sang thế kỷ XIX - XX, ý thức dân tộc của Mỹ Latinh đã được hình thành và phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt cư dân được đô thị hóa, văn hóa Côlômbia bắt đầu hội nhập. Họ không chịu chấp nhận hoàn toàn di sản Châu Âu, Mỹ Latinh đang tạo ra một nền văn minh độc đáo của riêng nó. Sự mở cửa rộng rãi này chính là nguyên nhân cho quá trình tiếp xúc văn hóa trong đó có văn học giữa hai châu lục. Cũng nhờ quá trình toàn cầu hóa ấy, Marquez đã có điều kiện để đọc và học tập được nhiều về bút pháp của Kawabata qua một lần tình cờ được đọc Người đẹp say ngủ. Tuy nhiên, tác phẩm của ông không phải là “bản sao” mà đó là sự tiếp nhận có sáng tạo. Mỗi tác phẩm là một tâm tư, tình cảm riêng, cá tính riêng cùng với cách ứng xử văn hóa riêng của mỗi tác giả ở những châu lục khác nhau trong quá trình hiện đại hóa dân tộc và công cuộc toàn cầu hóa. Nếu tác phẩm của Kawabata mang đậm tâm hồn Nhật Bản thì tác phẩm của Marquez cũng đậm đà bản sắc Mỹ Latinh.