Bản năng tính dục với sự đổi thay cuộc sống và những xung đột nộ

Một phần của tài liệu Bản năng tình dục trong người đẹp say ngủ (y KAWABATA) và hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (g MARQUEZ) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 53 - 61)

nội tâm

Cuộc sống con người không phải là một dòng chảy xuôi chiều mà trong đó luôn tiềm ẩn những đổi thay, bất định. Giữa cuộc đời phồn tạp ấy, con người tồn tại với bao nỗi lo toan: đó là cuộc đấu tranh giành sự sống, là cuộc mưu sinh, là những toan tính đời thường, là những mối quan hệ… tất cả những cái đó nhiều lúc khiến cho con người rơi vào những trạng thái căng thẳng, nhiều lúc

tưởng chừng bế tắc. Hình như lúc như vậy, bản năng sống lại làm dịu đi những suy nghĩ bộn bề. Đặc biệt là bản năng tính dục, trong một chừng mực nào đó, dường như vấn đề tính dục nó giúp cho cuộc sống con người giảm đi bao nhàm chán, vô vị và giải tỏa được nỗi cô đơn và những xung đột nội tâm. Tính dục có thể ví như một biệt dược, một liệu pháp để giải thoát cho con người khỏi những đổi thay của cuộc sống. Ở nhiều tác phẩm của Kawabata, đặc biệt là trong Người đẹp say ngủ, yếu tố tính dục cũng có những khả năng ấy.

Eguchi - nhân vật chính trong tác phẩm, là một ông già đã sáu mươi bảy tuổi. Sáu mươi bảy năm trải qua bao nhiêu biến động trong cuộc đời cùng với những cuộc phiêu lưu tình ái, giờ đây ông lại có một ham muốn lạ là bước tới ngôi nhà bí mật - một lầu xanh hiện đại, nơi đó có những “người đẹp say ngủ” để tìm lại phần nào tuổi xuân của chính mình. Đến với ngôi nhà ấy, Eguchi và những người khách như ông có thể vứt bỏ sự ngụy tạo bên ngoài của cuộc sống bộn bề ngoài kia để sống trung thực với cảm xúc, với khát vọng của bản thân để tìm về nơi chính mình. Còn các cô gái điếm trong ngôi nhà này đều được uống thuốc ngủ - tất cả họ không còn khả năng tri nhận, không được biết những gì diễn ra với bản thân: “Cô gái đang ngủ say và không biết mọi chuyện đang diễn ra với cô” [48, 19]. Trước sự hiến dâng im lặng ấy, Eguchi cũng đã lặng lẽ chiêm ngưỡng và khám phá thể xác nguyên sơ, đồng trinh của những cơ thể nữ: “Eguchi nín thở: nàng đẹp quá, đẹp hơn ông tưởng. Nhan sắc của nàng không phải là một sự ngạc nhiên duy nhất… Eguchi cảm thấy trong lồng ngực ông một trái tim mới mẻ đang đập rộn ràng” [48, 18]. Và trong một thời gian ngắn ngủi, nó làm cho Eguchi tìm lại được tự tin và thấy cuộc sống ý nghĩa hơn “đối với các cụ, nàng chính là cuộc sống. Một cuộc sống người ta có thể sờ mó được một cách tự tin”. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những người thiếu nữ Eguchi đã tìm ra vô vàn những điều thú vị, hấp dẫn. Điều đó đã thôi thúc ông đến với ngôi nhà bí mật này không chỉ một lần.

Nhưng đứng trước vẻ đẹp thân xác như gọi mời ấy mà Eguchi “không làm gì” và cũng không được làm gì vì ngôi nhà bí mật có luật lệ riêng. Điều đó càng làm ông đau đớn vì nó đã khơi gợi một hiện thực tàn khốc về tuổi già và cái chết. Cũng vì ám ảnh ấy mà ông đã định “phát vào người cô một cái thật

mạnh hoặc véo cô” [48, 51] hay “đẩy cả thân xác nàng ra khỏi chăn để mặc nàng chống chọi với mùa đông”. Rồi qua các lần tiếp xúc, Eguchi lại có ý định vượt qua điều cấm kỵ của ngôi nhà bí mậy này để phá hoại sự trinh trắng của các cô “tưởng như ông già Eguchi không còn có thể tự kiềm chế được như lần trước với cô gái đêm hôm đó. Và ông có ý định muốn phá bỏ quy định của ngôi nhà” [48, 44]. Và “như để hưởng dần niềm khoái lạc, ông nhắm mắt lại, đứng yên không nhúc nhích. Nguyên bằng cách đó đã khiến cho từ trong đáy lòng bùng lên một cơn thèm khát dục tình cháy bỏng” [48, 44]. Ham muốn dục tình dẫn ông tới hành động ông lay, ông lắc, ông giật người nàng một cách thô bạo để nàng tỉnh thức. Nhưng càng lay gọi thì tình trạng vô thức của các cô gái càng thể hiện rõ, Eguchi càng nhận ra một điều rằng ông đang cô đơn trên cõi đời này. Và cảm giác cuộc đời đang quên lãng, không để ý đến sự tồn tại của ông. Vì thế, mặc dầu trong lòng cũng động lòng trắc ẩn trước những tấm thân nhỏ bé ấy, nhưng Eguchi vẫn muốn thể hiện khả năng tình dục của mình như để chống lại thực tại khắc nghiệt của định mệnh và chứng tỏ mình còn sung sức hơn những ông già khác. Qua đó, người đọc đã nhận ra một điều rằng, Eguchi làm thế không phải tại ông ác tâm hay tàn nhẫn gì mà tất cả xuất phát từ một mong muốn chứng tỏ mình chưa đến độ lão suy và muốn chứng tỏ sự có mặt của mình trên cõi đời này còn có ý nghĩa.

Nhưng nếu đến đây chỉ tìm thấy sự buồn bã, cô đơn để đến độ phải tìm mọi cách để chứng tỏ mình như thế thì Eguchi đã không quay trở lại ngôi nhà này lần thứ năm. Thực ra, đến đây ông còn phát hiện ra nhiều điều khác hấp dẫn và có ý nghĩa trong cuộc sống. Cứ mồi lần chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các cô gái, Eguchi lại tự soi thấu mình. Dường như những tấm thân ngà ngọc ấy như là những chiếc gương phản chiếu lại tuổi trẻ và giúp ông tận hưởng những phút giây hạnh phúc hiếm hoi trong cuộc sống này: “trước tấm thân trần của người con gái ngủ, những tội lỗi của một đời được “rửa đi” như Đức Phật từ bi cứu khổ cứu nạn cho những cuộc đời ông lão gần đất xa trời” (Thụy Khuê). Để lấp đầy chỗ trống của cái cô đơn, Eguchi lần tìm lại những mảnh tình đã chìm sâu trong tiềm thức. Trước các cô gái say ngủ, tất cả hiện lên ngày một rõ hơn, ở đó, ông tha hồ “thả hồn vào kỉ niệm về những bạn tình của một thời đã trôi qua

vĩnh viễn, trong lúc ôm ấp một cô gái đẹp say ngủ mà không thể thức dậy được” [48, 27]. Đối với Eguchi, thiên tính nữ vĩnh hằng đã ban phát cái cảm giác được sống như một người đàn ông đúng nghĩa.

Cơ thể nữ cũng là biểu tượng cho tính dục trong Người đẹp say ngủ. Cơ thể nữ trong sáng tác của Kawabata được bắt nguồn từ tư tưởng tôn vinh vẻ đẹp thiên tính nữ tư thời kỳ xa xưa của văn hóa Nhật Bản với xã hội mẫu hệ cho đến thời kỳ Heian với dòng văn học nữ lưu, và đặc biệt đến thế kỷ XX thì trào lưu nữ quyền phát triển mạnh mẽ. Hơn thế, xã hội Nhật Bản phát triển với làn sóng Tây phương và nhiều mối giao lưu khác thì cơ thể nữ trở thành biểu tượng cho thú vui nhục dục, những khát vọng hưởng thụ cao độ của thế hệ con người hiện đại. Bị ảnh hưởng bởi trường phái Tân cảm giác, cơ thể nữ trong sáng tác của Kawabata cũng mang màu sắc nhục dục này. Trong tác phẩm, vô vàn những cơ thể nữ được phơi bày trên trang giấy qua con mắt chiêm ngắm và ở trong tiềm thức của Eguchi được gọi về. Nó khiến cho Eguchi liên tưởng đến hai bộ phận của cơ thể nữ giới “một ý thức lạ đến với ông: tại sao bộ ngực của loài người giống cái, sau cả một chuỗi thời gian phát triển dài…lại có được hình dạng mỹ lệ đến như thế? Vẻ đẹp tuyệt vời của cặp vú người đàn bà phải chăng là niềm tự hào cao siêu nhất của lịch sử phát triển nhân loại?” [48, 28].

Dường như, chiêm ngắm vẻ đẹp của nữ giới với đời sống dục tính đa dạng chính là một trong những nơi để giải tỏa những ẩn ức trong cuộc sống và tâm hồn. Eguchi tìm đến đây vì ở trong gia đình không có ai hiểu ông, vợ không hiểu, con cũng không hiểu ông, được một đứa gần gũi với ông nhất thì cũng làm ông phiền lòng vì đã mất trinh trước khi lên xe hoa. Cũng như vậy, Shinamura trong Xứ tuyết chán ngán cảnh đơn điệu nơi chốn phồn hoa, chàng đã tìm đến xứ tuyết bên các geisha để chiêm nghiệm cuộc sống, để gột rửa tâm hồn. Vì những đổi thay trong cuộc sống, trong tâm hồn con người là những điều không thể tránh khỏi trước bộn bề của cuộc sống. Ta tìm thấy rất nhiều những sự đối cực, sự sóng đôi trong Người đẹp say ngủ và một số tác phẩm khác như Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Tiếng rền của núi… những vấn đề về tuổi già - tuổi trẻ, sự sống - cái chết, nguyên sơ - tha hóa, tội lỗi - trong sạch, ham muốn - kiềm chế, bản năng - đạo đức… Những đối cực ấy cũng chính là những mâu thuẫn, những

khủng hoảng thậm chí là những bế tắc của con người trong xã hội. Nhật Bản thế kỷ XX với những luồng ảnh hưởng nhất là ảnh hưởng của lối sống Tây phương, con người dường như chỉ lao vào tự do luyến ái, tích cực hưởng lạc và sắc dục. Hơn nữa trước văn minh vật chất, con người trở nên lạc lõng, bị bỏ rơi dẫn đến sự khủng hoảng, tê liệt tinh thần. Trước tình trạng ấy, tìm đến tình dục như là một nơi để giải tỏa tâm hồn và trốn chạy cuộc sống với vô vàn những đổi thay, bộn bề ở bên ngoài. Vấn đề tính dục trong Người đẹp say ngủ vì thế mà gắn liền với những đổi thay trong cuộc sống và những xung đột nội tâm.

Bản năng tính dục mà Kawabata đề cập đến trong tác phẩm không phải là những dòng khêu gợi dục tính mà đó là lời cảnh tỉnh, lời kêu gọi con người phải có cách sống đúng mực trước những đổi thay liên tục của cuộc sống đời thường. Và ông cũng muốn nhắn gửi tới mỗi một người Nhật Bản rằng phải luôn giữ gìn được bản sắc trong đó có cả vấn đề văn hóa tình dục.

2.2.3. Tính dục với cảm thức thẩm mỹ của Y. Kawabata

Trong ba nền văn hóa phương Đông, nếu Ấn Độ được coi là duy linh, Trung Quốc duy lý thì Nhật Bản lại được coi là duy mỹ, duy tình. Tôn thờ cái Đẹp dường như đã trở thành truyền thống văn hóa của người Nhật Bản. Và đặc biệt những người yêu mến văn chương xứ Phù Tang luôn dễ dàng nhận thấy bốn nguyên lý cơ bản đó là: mono no aware, sabi, wabi và yugen. Cảm thức thẩm mỹ của Kawabata cũng bắt nguồn từ truyền thống ấy. Hơn thế, Kawabata lại có một vốn hiểu biết khá sâu rộng về văn hóa phương Tây. Vì thế quan niệm về cái Đẹp của ông vừa mới lạ, mạnh mẽ, vừa sâu sắc, bí ẩn. Nhật Bản là một dân tộc duy mỹ. Và cái Đẹp ấy đã góp phần rất lớn bồi đắp tâm hồn và những trang văn của Kawabata. Đào Thị Thu Hằng trong Văn hóa Nhật Bản và Yasunari Kawabata đã có lý khi cho rằng: “Phương Đông cùng với văn hóa truyền thống đã nuôi dưỡng tâm hồn Kawabata, tưới đẫm trang văn ông bằng một tinh thần an nhiên, tự tại, bằng cảm thức tôn vinh cái đẹp bình dị, sâu lắng, thâm trầm” [39, 25]. Đọc Người đẹp say ngủ, người đọc cũng không khó để nhận thấy rằng, bản năng tính dục luôn gắn liền với cảm thức thẩm mỹ của Kawabata và văn hóa truyền thống Á Đông.

Trong quan niệm về cái Đẹp của người Nhật thì cái tự nhiên bao giờ cũng được đề cao. Vì thế vẻ đẹp thiên tính nữ cùng với bản năng tính dục ở một góc độ nào đó được phản ánh đều rất đẹp, vì nó là phần tự nhiên nhất trong mỗi con người. Tính dục trong Người đẹp say ngủ được phản ánh một cách rất tự nhiên. Nó không hề gợi sự thô bỉ, dung tục, ngược lại nó còn có tác dụng “thanh lọc” tâm hồn con người. Đến với Người đẹp say ngủ, ta không thể quên những trang văn miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ mà Eguchi đã cảm nhận: “vai cô tròn trĩnh như vai trẻ con che mất mắt ông già Eguchi. Ông bỗng nghĩ cái vai tròn trần đó vừa khít vào lòng bàn tay để khum của ông và ông thèm úp bàn tay lên cái vai mịn màng ấy nhưng rồi lại thôi. Cô gái vẫn đang ngủ say. Eguchi nhận ra cả dóng xương quai xanh mặc dù lớp thịt phủ lên hơi khó nhận thấy. Ông thèm được vuốt ve dọc theo cái xương nhô lên ấy nhưng cũng lại không thực hiện… ánh sáng dịu dịu từ trên trần tỏa xuống và hắt ra từ tấm rèm nhung đỏ làm nhẹ đi những đường nét trên khuôn mặt cô gái…” [48, 72]. Hay những lần Eguchi nhớ lại vẻ đẹp của cô người yêu đầu đời, một vẻ đẹp làm thổn thức trái tim của chàng trai trẻ một thời và mãi mãi “… chàng nhớ đến vẻ đẹp kín đáo của người tình và không sao xua được những ám ảnh ấy… đêm ấy tuyết khô rơi hạt nhỏ như bụi. Eguchi lúc đó còn trẻ đã choáng váng trước vẻ đẹp tuyệt diệu của tấm thân người tình đến nỗi nghẹt thở và nước mắt chàng trào ra” [48, 31]. Vẻ đẹp ấy sở dĩ có sức ám ảnh lớn như vậy không phải chỉ được nhìn nhận dưới con mắt của một người bình thường mà được cảm nhận bằng cả tâm hồn, cả trái tim của kẻ đang yêu, cùng với sự thanh khiết trong tâm hồn của người tình. Tất cả cộng gộp và làm nên cái đẹp.

Tính dục trong tác phẩm không hề dung tục, nó nhằm mục đích tôn vinh vẻ đẹp con người. Eguchi đã được Kawabata tái hiện với rất nhiều mối tình từ thời trai trẻ cho tới khi ông sáu mươi bảy tuổi. Mặc dầu nhiều lúc đó là sự dan díu với người đã có chồng con, hay đối với những cô gái trẻ, khi ông đã lập gia đình mà người đọc vẫn thấy không đáng trách, đáng ghét, không thấy tầm thường. Cảm thức thẩm mỹ trong Kawabata dường như đã lây lan vào tâm hồn người đọc tạo nên sự đồng vọng.

Và những người đẹp trong lữ điếm ta cũng không nhìn họ với tư cách là một gái điếm. Vì dường như ở trong lữ điếm ấy, họ vẫn là những cô gái trinh trắng với sự dâng hiến thầm lặng, họ là những thực thể thẩm mỹ vô cùng toàn vẹn. “Đẹp, trinh trắng và câm lặng, họ là những mẫu vật tự nhiên của tạo hóa, không sức đề kháng nhưng lại có khả năng tôn vinh vẻ đẹp con người. Họ đã mang lại cho chất aware trong tác phẩm Kawabata một diện mạo mới: sự dâng hiến xót xa trong niềm tự nguyện bắt buộc” [39, 30]. Người đẹp say ngủ không rơi vào những khao khát dục tình tầm thường mà được ngợi ca cũng vì như vậy. Tác phẩm không đơn thuần là thú vui của những ông già bất lực muốn tìm lại cảm giác mà sâu sắc hơn. Cùng với nhiều tác phẩm khác của Kawabata, Người đẹp say ngủ đã được xây dựng trên nền tảng triết học, mỹ học nhằm tôn vinh vẻ đẹp con người.

Đối với người Nhật nói chung, Kawabata nói riêng thì cái Đẹp phải là cái đẹp tự nhiên. Và bản năng tính dục cũng được nhìn nhận dưới một góc độ triết học, mỹ học về con người. Ở một chừng mực nhất định, bản năng đó cũng chính là cái Đẹp. Chiêm ngắm cái đẹp của những cô gái trong lữ điếm, Eguchi đã nghĩ rằng: “chính thân thể người đàn bà là nguyên nhân lôi cuốn người đàn ông vào “thế giới tội lỗi”” [48, 89]. Nhiều lần tim ông đập rộn ràng người ông run lên “tưởng như ông già Eguchi không còn có thể tự kiềm chế được… và ông nảy ra ý định phá bỏ quy định của ngôi nhà”. Đứng trước cái đẹp mời gọi, ông già Eguchi - người chưa đến mức nghỉ ngơi hoàn toàn như những ông già khác, đã “nhắm mắt lại đứng yên không nhúc nhích. Nguyên cách đó đã khiến cho từ trong đáy lòng bùng lên một cơn thèm khát dục tình cháy bỏng” [48, 44]. Rồi có lúc nỗi thèm khát dục tình dâng lên mạnh mẽ “cưỡng bức một cô gái như thế này, đấy chính là bản năng của ông muốn khơi gợi lại sức trẻ ngày xưa… nỗi thèm khát ấy sôi sục trong huyết quản ông già Eguchi” [48, 107].

Một phần của tài liệu Bản năng tình dục trong người đẹp say ngủ (y KAWABATA) và hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (g MARQUEZ) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 53 - 61)