Nghệ thuật miêu tả những xung đột nội tâm nhân vật

Một phần của tài liệu Bản năng tình dục trong người đẹp say ngủ (y KAWABATA) và hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (g MARQUEZ) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 84 - 88)

Ngoài những thủ pháp nghệ thuật khác được sử dụng trong tác phẩm thì việc đi sâu miêu tả những xung đột nội tâm nhân vật cũng là một cách Kawabata sử dụng thành công để thể hiện bản năng tính dục.

Nhà văn không những là con người của sự đẹp, trước hết, họ là con người của sự thật. Để phản ánh được sự thật ấy, cuộc sống ấy thì nhà văn phải biết sống, sống hết mình và phải xúc động tận đáy lòng cùng với một tâm hồn quảng đại thì mới viết được những trang văn sâu sắc, nhất là ở việc thể hiện đời sống nội tâm nhân vật. Viết về đời sống con người cho đúng bản chất đã là một việc khó, đi sâu khai thác nội tâm con người càng khó khăn hơn. Vì nội tâm con người là cả một thế giới ẩn khuất bên trong đa dạng và phức tạp, nhất là góc khuất của những bí ẩn của ham muốn bản năng trong mỗi con người mà không phải ai cũng có thể thổ lộ. Thật sự tinh tế và bản lĩnh, những cây viết mới dám đi sâu vào lĩnh vực này. Kawabata đã thể nghiệm và rất thành công trong việc

đi sâu khai thác nội tâm con người. Hầu như, ta tìm thấy ở Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô, Tiếng rền của núi … là những dòng tâm trạng, những suy nghĩ, những chiêm nghiệm, những suy tư trăn trở của con người với cuộc sống, với mọi người xung quanh và ngay với chính bản thân mình.

Người đẹp say ngủ, đó là những xung đột, những giằng xé trong tâm hồn Eguchi giữa một bên là khao khát dục vọng mãnh liệt với một bên là nguyên tắc đạo đức tình thương; một bên là muốn níu kéo tuổi thanh xuân dồi dào sinh lức với một bên là tuổi già và cái chết đang cận kề. Bắt đầu đến với ngôi nhà say ngủ chỉ là để thỏa mãn sự hiếu kì nhưng rồi qua năm lần đến nơi này với những cô gái trẻ ông đã ý thức rõ hơn về tuổi già, tự soi chiếu bản thân mình và tìm ra ý nghĩa cuộc sống. Ngay đêm đầu tiên đến đây, Eguchi đã bắt đầu nhìn thấy “hôm nay tuổi già như bắt đầu bước vào đời ông. Nỗi khổ tâm của những người khách đến đây bây giờ không còn xa vời đối với Eguchi nữa” [48, 16]. Và khi nhận ra được điều đó thì Eguchi đã có một thoáng đau lòng, cảm thấy mình cô đơn, lạc lõng với thế giới này, cảm giác sự tồn tại của mình như là vô nghĩa. Nhất là khi nằm bên cạnh một người mà người ấy cũng không còn khả năng để trò chuyện. Dường như mọi quan hệ với tha nhân đều đã đóng kín. Điều đó, càng làm ông tuyệt vọng. Và với hoàn cảnh ấy chỉ có tình dục mới giải tỏa được những ẩn ức trong lòng.

Năm lần đối diện với những thân thể mĩ miều đầy khêu gợi của các cô gái đẹp, Eguchi không khỏi khao khát được thỏa mãn tình dục. Hơn một lần Eguchi muốn làm cái điều vượt qua quy định bất thành văn của ngôi nhà. Ông đã véo thịt, hôn khắp người cô gái và có lần Eguchi nghĩ rằng mình phải phục thù cho các ông khách tới đây vì ông chưa đến nỗi phải “nghỉ ngơi hoàn toàn” [48, 16]. Ý nghĩ ấy xuất phát từ nỗi dằn vặt trong cõi lòng, rằng mình chưa đến nỗi già nua tệ hại, hơn thế Eguchi lại đang đứng trước những vẻ đẹp khêu gợi khó có thể chối từ. Năm lần đến với ngôi nhà có người đẹp say ngủ là mỗi lần ông tự đối diện với bản thân, tìm về chính mình. Suốt cuộc đời ông, đời sống tình dục dường như đã là một trong những nguồn vui để ông vui sống. Và giờ đây khi đối diện với điều đó Eguchi không thể làm ngơ được. Tất cả kí ức về những mối tình đã qua dội về rất rõ trong ông từ đường nét cơ thể làn môi,

những nụ hôn… đã đánh động dục tính trong Eguchi. Lần thứ hai đến với ngôi nhà bí mật “tưởng như ông già Eguchi không còn có thể tự kiềm chế được như lần trước với cô gái đêm hôm đó” [48, 44]. Bản năng tính dục dường như đã bắt đầu bừng tỉnh, nỗi ham muốn xác thịt trào dâng. Tuy nhiên, đúng vào lúc đó thì Eguchi phát hiện ra rằng cô gái vẫn còn trinh, và trong lòng ông dấy lên một tình thương vô hạn “trong lòng ông già Eguchi nỗi lên một thứ tình cảm xót xa gần như của người cha đối với con” [48, 49]. Và như vậy, bản năng tình dục của Eguchi đã bị kiềm chế, nguyên tắc tình thương đã chiến thắng. Tình thương cũng như một bản năng, nó là bản tính vốn có trong mỗi con người ngay từ lúc sinh ra. Và với Eguchi, bản tính ấy bây giờ cũng đang trỗi dậy khi nhìn thấy những số phận đáng thương của các cô gái. Người đẹp say ngủ được ra đời khi vấn đề “cách mạng tình dục” đang nổ ra mạnh mẽ với nhiều kiểu tự do luyến ái ở Nhật Bản. Đời sống tình dục được phơi bày ngồn ngộn trên trang giấy. Miêu tả những xung đột trong lòng Eguchi giữa một bên là những khao khát dục tình khó kiềm chế với một bên là nguyên tắc tình thương. Kawabata muốn gửi một thông điệp hãy luôn giữ lấy bản tính Người. Miêu tả được những chuyển biến tế vi ấy trong tâm trạng Eguchi chứng tỏ rằng Kawabata đã có một tâm hồn thật sự nhạy cảm và tinh tế.

Không chỉ bộc lộ những suy tư trăn trở trong đời sống tình dục của bản thân Eguchi còn đặt mình vào suy nghĩ của những ông già lui tới ngôi nhà này và nghĩ tới số phận các cô gái ngủ say. Một mặt Eguchi rất thông cảm hiểu được những ông già tới đây vì ông biết được rằng họ đã quá già để tận hưởng những cuộc truy hoan cuồng say, họ không tự tin vào bản thân nên phải tìm tới những cô gái vô thức để thoải mái tận hưởng những phút dây lạc thú mà không sợ xấu hổ. Đến đây họ cũng có thể mơ về quá khứ tốt đẹp. Eguchi đã nghĩ “phải chăng, đấy chính là một trong những cách an ủi thảm hại đối với người già: thả hồn vào những kỉ niệm về những người bạn tình của một thời đã trôi qua vĩnh viễn, trong lúc ôm ấp một cô gái đẹp đang say ngủ và không thể thức dậy được?” [48, 27]. Rồi khi nói chuyện với bà chủ sau vài đêm tới ngôi nhà, Eguchi đã nhìn thấy “người đàn bà ngồi tiếp ông, nói cho cùng chỉ là một kẻ mối lái lạnh lùng, có còn biết phẩm giá con người là cái gì đâu” [48, 41]. Bà ta

nghĩ rằng tất cả những người đàn ông tới đây cũng chỉ làm cái điều ấy khi đã đến tuổi nghỉ ngơi hoàn toàn ngoài ra bà không cần nghỉ tới cái gì khác. Điều đó càng làm ông cảm thấy tủi hổ, buồn, thấy sự tồn tại dường như vô nghĩa của mình và những ông già khác khi tới đây. Thực ra các ông già tới đây cũng là để quên đi nỗi đau tuổi già và cái chết. “Ông bỗng như bắt đầu hiểu được nỗi sung sướng của ông già vẫn lui tới ngôi nhà này. Biết đâu ngoài nỗi tuyệt vọng, hoảng sợ và bất hạnh đến với tuổi già, họ còn tìm thấy ở đây cả một sự dâng hiến của một cô gái thanh xuân khiến họ được hưởng một cảm giác đủ đầy? Chắc chắn ai đã đến tuổi già rất cao, làm sao có thể được hưởng dù chỉ trong một khoẳnh khắc cái cảm giác quên sạch mọi thứ, thả mình trong vòng ôm của một cô gái lõa lồ” [48, 53]. Nhưng mặt khác khi tưởng đến việc đặt bên cạnh những cô gái trinh trắng, tươi đẹp đến mê hồn lại là những lão già gần như đã hết sinh khí thì ông lại cảm thấy ghê tởm họ. Nghĩ đến những bàn tay già nua, khô héo như những bàn tay ma sờ soạng, vuốt ve trên những cơ thể nõn nà, trong trắng mà tuổi đời mới bằng tuổi con, tuổi cháu của họ, Eguchi không khỏi cảm thấy chạnh lòng. Không chỉ có thế, trong lòng Eguchi còn trào dâng bao nỗi trăn trở về hình ảnh các cô gái ngú say. Đến với lữ điếm này, tất nhiên Eguchi nhìn các cô gái như những trò giải trí đến để thỏa mãn sự hiếu kì nhưng khi trực tiếp đối diện với họ trong tình trạng vô thức, ông đã suy nghĩ rất nhiều.

Ở bên cạnh các cô gái, ông đã nghĩ rằng :“Người đẹp say ngủ phải chăng là một kiểu đức Phật? Là Phật nhưng lại đang sống. Mùi thơm tho của da thịt, mùi hương của tuổi trẻ phải chăng mang lại cho các ông già một kiểu tha thứ và an ủi” [48, 77]. Có thể thấy, năm đêm nằm bên cạnh những cô gái đẹp, trong Eguchi luôn dấy lên những xung đột nội tâm mạnh mẽ. Có thật sự tinh tế, thật sự đặt mình vào nhân vật để cùng sống thì Kawabata mới viết lên được những trang văn - những trang đời như vậy.

Trong Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, G.Marquez cũng đã đi sâu miêu tả những xung đột nội tâm nhân vật. Đó là tâm trạng của nhân vật “tôi” khi đối diện với một ham hố xác thịt đến cuồng điên với một tình yêu thực sự đã nảy nở trong lòng. Đó là những buồn - vui, những mâu thuẫn của những tâm hồn biết yêu đang yêu và cũng ghen tuông dữ dội. Đó là những xung đột,

những suy ngẫm trong tâm hồn về cuộc sống, về cách sống từ trước đến nay của bản thân. Tất cả những cuộc đấu tranh nội tâm ấy cuối cùng cũng trả lại cho nhân vật “tôi” một niềm vui sống, một cuộc sống có ý nghĩa thực sự.

Bản năng tính dục - đó là một biểu hiện mãnh liệt của bản tính tự nhiên, bản tính Người. Xét một góc nào đó thì đây cũng là một trong những phần Người nhất của mỗi con người. Miêu tả những xung đột trong đời sống nội tâm nhân vật với những ẩn ức tính dục, Kawabata và cả G.Marquez mang tới một cách nghĩ, một cách nhìn tiến bộ về đời sống tình dục cho những người đọc cùng thời và ngay cả thời nay. Qua miêu tả xung đột nội tâm ấy, tác giả đã chỉ ra cho con người hiểu hơn phần Người của mình. Một tác phầm văn học chân chính luôn là một tác phẩm làm cho con người nhận rõ diện mạo của mình, vạch rõ đâu là tốt, xấu, cao cả, thấp hèn… thấy hết để có thể tự điều chỉnh “hãy nhìn xem ngay tại đây, ngay tại chỗ này, những gì mà con người chưa nhận ra vì một lí do nào đó” (Giới thiệu Đoạn đầu đài của Aimatop). Kawabata cũng muốn chỉ ra được điều đó - muốn thanh lọc tâm hồn con người và ông đã làm được như vậy. Đó cũng chính là thiên chức cao cả của những người cầm bút.

Một phần của tài liệu Bản năng tình dục trong người đẹp say ngủ (y KAWABATA) và hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (g MARQUEZ) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 84 - 88)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(122 trang)
w