Giọng điệu trần thuật

Một phần của tài liệu Bản năng tình dục trong người đẹp say ngủ (y KAWABATA) và hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (g MARQUEZ) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 98 - 106)

Giọng điệu trần thuật cũng là một trong những điểm gặp gỡ giữa hai tác phẩm Người đẹp say ngủ Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi. Tất nhiên nó có những điểm khác nhau nhất định, Marquez vừa học tập, vừa có những sáng tạo cho riêng mình.

Giọng điệu là một trong những khía cạnh quan trọng góp phần tạo nên phong cách cho mỗi nhà văn. Đó là một trong những biểu hiện quan trọng trong tác phẩm văn học. Đồng thời, đó là nhân tố kết nối các thành phần khác góp phần tạo nên chỉnh thể tác phẩm. Từ xưa trong văn học, giọng văn đã được các nhà nghiên cứu để ý và gọi đó là “tình điệu”, hay là “khí văn”, “hơi văn”. Trong văn học hiện đại, vấn đề giọng điệu càng được đề cập đến rất nhiều. G.N.Pospelov coi giọng điệu là “cái kiểu cách dùng để kể câu chuyện”. Nguyễn Thái Hòa trong Những vấn đề thi pháp của truyện thì khẳng định “giọng điệu chính là mối quan hệ giữa chủ thể và hiện thực khách quan thể hiện bằng hành vi ngôn ngữ trong đó bao hàm cả việc định hướng đánh giá và thói quen cá nhân sử dụng ngôn từ trong những tình huống cụ thể” [43, 154]. Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa giọng điệu là “thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả, thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm…” [34, 134]. Xét về bản chất giọng điệu, Nguyễn Văn Hạnh trong Rabindranath Tagore với thời kì phục hưng Ấn Độ cũng cho rằng: “Bản chất của giọng điệu trong tác phẩm được nhận thức không phải như một yếu tố tự nhiên, thiên bẩm, mà là sản phẩm của một quá trình sáng tạo gắn liền với quan niệm nghệ thuật, cách nhìn thế giới của nhà văn. Nói một cách khái quát hơn, giọng điệu là một biểu hiện của mối quan hệ giữa nhà văn với cuộc đời. Nếu quan niệm tác phẩm là đơn vị trung tâm của văn học, là đối tượng của mọi nghiên cứu văn học, dù trực tiếp hay là gián tiếp thì giọng điệu là một phạm trù thẩm mỹ của tác phẩm, được hình thức

hóa qua những phương tiện biểu hiện của tác phẩm, là hệ quy chiếu của các yếu tố: thời đại, thể loại, tài năng, cá tính sáng tạo phong cách nhà văn” [36, 197].

Có rất nhiều ý kiến về vấn đề giọng điệu trong văn chương nhưng đều có những điểm gặp gỡ. Cụ thể như sau: Trước hết giọng điệu là một phạm trù thẩm mỹ của tác phẩm văn học; là thái độ, tình cảm, lập trường, lối biểu đạt tư tưởng của nhà văn với hiện tượng được miêu tả, thể hiện trong lời văn nghệ thuật; giọng điệu là kiểu cách dùng để kể câu chuyện của riêng mỗi tác giả. Vì thế, mỗi người sẽ có một giọng điệu riêng đặc trưng góp phần hình thành phong cách cho mỗi nhà văn; giọng điệu là mối quan hệ giữa chủ thể và hiện thực khách quan thể hiện bằng hành vi ngôn ngữ trong đó bao hàm cả việc định hướng đánh giá và thói quen cá nhân sử dụng ngôn từ trong những tình huống cụ thể. Trong quá trình tiếp nhận, người đọc muốn hiểu rõ tác phẩm với thông điệp mà tác giả muốn gửi đến thì trước hết cần nắm bắt cho được giọng điệu của nó. Bởi giọng điệu luôn mang nội hàm tư tưởng thẩm mỹ với nội dung tình cảm, thái độ ứng xử của mỗi nhà văn trước hiện thực cuộc sống. Giọng điệu mang thần thái của tác phẩm nên chưa có nó thì tác phẩm chưa thể ra đời cho dù đã có đủ các tư liệu khác. Theo Hoàng Ngọc Hiến: “sự phong phú, tính đa nghĩa, ý vị đậm đà của bài văn trước hết là ở giọng”. Giọng điệu vừa có ý nghĩa rất quan trọng quyết định phong cách của mỗi nhà văn vừa là cái gốc để định hướng tiếp nhận tác phẩm cho độc giả. Mỗi nhà văn tài năng đều tạo dựng cho mình một giọng điệu riêng không lẫn vào ai được. Thậm chí đọc tác phẩm xong là ta cũng đoán định được tác giả của nó là ai. Và có làm được như vậy thì nhà văn cùng với tác phẩm của họ mới sống được trong lòng độc giả. Y.Kawabata và G.Marquez cũng đã tạo dựng cho mình được những giọng điệu riêng độc đáo. Đọc tác phẩm của Kawabata ta cảm nhận được một giọng điệu chung là nhẹ nhàng, khoan hòa, sâu lắng, trầm tĩnh. Điều đó tạo cho hầu như các tác phẩm của ông đều có vẻ trầm buồn. Ngược lại, Marquez lại sở hữu một hơi văn dồn dập, gấp gáp, hồn nhiên, sôi nổi. Là một nhà văn của hiện thực huyền ảo, ông đã mang đến cho độc giả những câu chuyện kì ảo với lối kể tự nhiên “cứ như không” tạo được sự lối cuốn và sức hấp dẫn kì diệu. Tuy nhiên, Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi không giống với các tác phẩm mang tính huyền

ảo. Và ở trong phạm vi luận văn này, chúng tôi chỉ khảo sát giọng điệu Marquez đã sử dụng để thể hiện bản năng tính dục trong tác phẩm từ những tiếp nhận và sáng tạo ở Người đẹp say ngủ của Y.Kawabata.

Sắc thái giọng điệu ta dễ nhận thấy nhất trong Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi là hoài niệm tiếc nuối. Đây cũng là một điều dễ hiểu vì tác phẩm là một cuốn tiểu thuyết nhỏ được viết dưới dạng hồi ức. Nhân vật xưng “tôi” trong tác phẩm tự thuật về những gì đã trải qua trong đời đặc biệt là bản thống kê về chuyện chăn gối và câu chuyện tình yêu khi đã về già. Bởi vậy, hoài niệm là chất giọng bao trùm hồi ức ấy. Điều này tạo được sự lôi cuốn và tin cậy ở độc giả. Đọc tác phẩm, ta như sống với một con người thật đang kể về những câu chuyện tình và cuộc đời mình cũng rất thật. Hồi ức ấy được bắt đầu từ cái mốc buổi sáng sinh nhật lần thứ chín mươi của nhân vật “tôi”, và cũng từ đó, ông nhớ lại cuộc đời mình với những tiếc nuối. Ông đã tiếc vì “đã sống chưa trọn vẹn, chưa thực sự như ý”. Ông đã tự nhận xét rằng “tôi là hạng người vô danh tiểu tốt chẳng để lại cho đời bất cứ thứ gì ngoại trừ những việc tôi sắp cố gắng kể ra đây trong kí ức về mối tình lớn của mình” [76, 03]. Và từ đó ông bắt đầu hoài niệm về cuộc đời mình, đặc biệt là hoài niệm về những cuộc tình với rất nhiều hạng đàn bà mà ông đã trải qua trong đời. Mối quan hệ ấy nhiều đến mức ông đã nghĩ “bản thống kê chăn gối là phần chính của bản danh mục những điều hèn mọn trong cuộc sống phóng túng của chính mình” [76, 03]. Có lẽ vì cuộc sống xã hội chẳng có gì thú vị với ông nên ông đã có một cuộc sống tình dục phóng túng như vậy. Cuộc đời của ông đã bắt đầu như được sống lại từ khi được gần gũi, được chăm lo cho cô bé - người mà ông đã gần gũi khi đến ngôi nhà chứa của bà Rosa. Nhưng rồi chính tình yêu mạnh mẽ ấy đã làm ông nổi máu ghen đến mức điên cuồng, hét lên “đồ con điếm” khi thấy cô bé trở lại với một thân thể người lớn hơn và còn có cả đồ trang sức đắt tiền. Nhưng rồi sau đó ông lại hối tiếc vì những điều mình làm. Ông đã hôn lên từng phần thân thể cô bé để sám hối “một lời xin lỗi dài và tôi hứa sẽ còn lặp đi lặp lại mãi mãi và một lần nữa lại bắt đầu lại từ đầu”, chính những mâu thuẫn đó là trạng thái tâm lí có trong một tình yêu mãnh liệt. Và cũng từ đấy, ông lại bắt đầu hồi tưởng những kí ức đã qua trong đời. Tất cả kí ức được gọi về tùy theo diễn biến

tâm trạng nhân vật “tôi”. Đó là hồi ức về những đêm làm tình với những cô gái điếm ở khu phố dành cho những người Hoa hay hoài niệm về những mối tình chớp nhoáng, những cuộc truy hoan khác nữa. Hầu như kí ức cứ được gọi về theo trạng thái tâm lý với những hoàn cảnh riêng ở hiện tại. Và nhờ thế, người đọc có thể thấy được đời sống tình dục đa dạng của nhân vật. Đối với nhân vật “tôi” bản năng tính dục vô cùng mạnh mẽ, nó quyết định rất nhiều tới đời sống xã hội của ông. Bản năng ấy dường như theo suốt cuộc đời ông, bắt đầu từ năm mười hai tuổi cho đến bấy giờ - khi ông đã chín mươi. Nhờ giọng hoài niệm tiếc nuối này mà đời sống tình dục trong suốt cuộc đời nhân vật được kể lại một cách rất sống động. Mặc dầu trong tác phẩm có những chỗ mô tả khá chi tiết về đời sống tình dục, hay mô tả sự kích động dục tính nhưng không hề gợi lên trong lòng người đọc một sự thô tục, có lẽ một phần bởi giọng kể, cách kể này.

Giọng tiếc nuối hoài niệm trong tác phẩm là điểm mà G.Marquez đã tiếp nhận được từ trong Người đẹp say ngủ của Kawabata. Người đẹp say ngủ của Kawabata cũng mang giọng tiếc nuối hoài niệm. Đó là những suy nghĩ, những dòng hồi tưởng về quá khứ với nhiều điều tiếc nuối về một thời đã qua của nhân vật Eguchi. Đây là dòng hồi tưởng của một ông già 67 tuổi hồi tưởng về đời mình thông qua những lần đến với ngôi nhà có người đẹp say ngủ. Trong tác phẩm của mình, Marquez cũng bắt đầu từ việc nhìn nhận của một ông già 90 tuổi về quá khứ nên giọng tiếc nuối, hoài niệm cũng được ông sử dụng thành công.

Trong Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, đi liền với giọng hoài niệm tiếc nuối là giọng trầm tư, triết lí. Giọng trầm tư triết lí thường gặp ở những tác phẩm men theo dòng suy nghĩ của nhân vật chính và đặc biệt là ở những người đã có tuổi. Chất trầm tư, triết lí luôn gắn với sự từng trải bởi nó đã được đúc kết qua thời gian. Trầm tư triết lí là những trạng thái tự nhiên của con người, đó là những khoảng lặng tâm linh đưa con người trở về với chính mình. Đó cũng là lúc thật nhất trong suy nghĩ con người. Nhân vật “tôi” trong tác phẩm là một ông già 90 tuổi làm nghề biên tập báo, cuộc sống riêng tư cũng như xã hội đã trải qua bao thăng trầm, bởi vậy khi suy nghĩ về những gì đã qua thì giọng điệu trầm tư triết lí cũng là một điều dễ hiểu. Ban đầu là những suy tư

về một cuộc đời mà theo ông thì đó là một cuộc đời đáng bỏ đi ngay từ đầu. Và đặc biệt, đó là những suy tư, triết lí trong đời sống tình dục. Khi nói về tuổi tình dục của mình, nhân vật “tôi” đã cười nhạo “những chàng trai tám mươi đã sợ hãi và xem đó chỉ là những hiểm nguy khi người ta còn đang sống” và “cuộc đời sẽ thắng nếu người già chỉ quên đi những điều không hệ trọng và không mấy khi lãng quên những chuyện mà chúng ta thực sự quan tâm” [76, 05]. Giọng trầm tư triết lí đặc biệt có trong những suy nghĩ của ông về vấn đề tình dục. Cả cuộc đời, bản năng tính dục luôn luôn khống chế ông để rồi những mối tình một đêm nhiều không kể hết và nhiều lúc, nỗi ham hố xác thịt cuồng nhiệt đến mức chưa kịp cởi hết xiêm y, để rồi từ đó ông kết luận rằng : “tình dục là liều thuốc an ủi khi người ta không có đủ tình yêu” [76, 32]. Cho đến năm 90 tuổi, ông đã trải qua một đêm tình khác lạ với một cô bé ngủ say. Đêm ấy thật khác với những đêm tình mà mấy chục năm nay ông đã trải. Đó là lần đầu tiên ông nhận ra “niềm thích thú thực sự khi được ngắm nhìn thân thể người phụ nữ mà không bị áp lực của dục vọng hay bối rối vì ngượng ngùng” [76, 15]. Triết lí này cũng gần gũi với triết lí của Eguchi trong Người đẹp say ngủ của Kawabata, tuy cách diễn giải khác nhau nhưng đều có chung cảm nhận ấy. Eguchi sau những lần đến với ngôi nhà có người đẹp say ngủ cũng đã nhận ra rằng “đến đây ngủ như ngủ với đức Phật nấp kín đâu đây vậy” [48, 22].

Giọng điệu này cũng còn được thể hiện trong những sự đúc rút của nhân vật qua những kinh nghiệm của bản thân. Đi gần hết đường đời với bao trải nghiệm cuộc sống, ở vào cái tuổi 90, tình yêu thật sự mới bắt đầu xuất hiện khiến ông không khỏi suy tư, chiêm nghiệm “cuộc đời không phải như dòng sông mờ đục của Heraclit mà là một dịp duy nhất được xoay trên qua xiên ngang và tiếp tục được nướng tiếp ở mặt khác trong 90 năm nữa” [76, 51]. Tác giả đã gửi điểm nhìn của mình vào nhân vật “tôi” để triết lí, để suy tư, chiêm nghiệm. Viết tác phẩm này khi tuổi đã ngoài 70, vì thế quan niệm của nhân vật “tôi” trong tác phẩm hay cũng chính là những suy nghĩ của bản thân Marquez trước những vấn đề tình yêu với tuổi tác, tính dục với cuộc đời mỗi con người. Tình yêu không có tuổi tác của nó, bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể yêu và cũng yêu chân thành, cuồng nhiệt. Và sức mạnh của tình yêu là vô cùng to lớn, nó

làm cho con người ta hướng thiện và cũng phần nào quên đi nỗi đau buồn của thực tại mà vui sống. Cơ sở cho những khái quát đó chính là ở chất giọng trầm tư triết lí. Chất giọng này ta cũng bắt gặp rất nhiều trong tác phẩm. Đó là những lúc ông trăn trở về cô bé, suy nghĩ về cô rồi nghĩ tới đời mình… Chất giọng này luôn hòa quyện hỗ trợ, đan xen nhau tạo cho tác phẩm một sự sâu lắng, tạo độ tin cậy cuốn hút người đọc vào những suy tư của nhân vật đặc biệt là vấn đề tình dục, tình yêu ở nhân vật “tôi”.

Trầm tư triết lí cũng là chất giọng được Kawabata sử dụng trong Người đẹp say ngủ. Giọng điệu này gắn với những dòng hoài niệm của Eguchi ở hiện tại qua những lần đến với người đẹp say ngủ, đồng thời lại là những suy tư về quá khứ của cuộc đời. Trải qua 67 năm trong đời, Eguchi nghiệm ra rằng : “Thật ra, khi đụng đến quá khứ thì kí ức con người ta in hình sự việc đâu có căn cứ vào thời điểm xảy ra từ lâu nhiều hay lâu ít. Nhiều khi chuyện xảy ra từ thời thơ ấu cách đây sáu chục năm mà vẫn được giữ lại trong kí ức rõ nét hơn cả việc mới xảy ra hôm qua. Nhất là khi về già, con người ta lại dễ dàng tái hiện trong đầu óc những kỉ niệm xa xưa. Hơn nữa, nhiều khi chính sự việc xảy ra từ thời thơ ấu mới thực sự tạo nên tính cách riêng cho mỗi chúng ta và quyết định số phận cho cả một cuộc đời” [48, 25]. Và từ đó, những suy nghĩ về cuộc sống, về con người, về đời sống tình dục, những quan niệm về vẻ đẹp của người phụ nữ… theo suốt dòng tâm trạng của Eguchi.

Như vậy, cùng với giọng tiếc nuối hoài niệm thì giọng trầm tư triết lí cũng là một giọng điệu nổi bật trong Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi. Đây là hai giọng điệu đặc trưng được Marquez tiếp nhận ở Người đẹp say ngủ. Mặc dầu đây không phải là những chất giọng nổi bật trong phong cách sáng tác của Marquez nhưng đã được ông sử dụng rất linh hoạt. Ngoài ra, trong tác phẩm này, ta còn tìm thấy một chất giọng nữa - đó là giọng điệu hồn nhiên, sôi nổi.

Giọng điệu hồn nhiên sôi nổi là một trong những giọng điệu được Marquez sử dụng để góp phần thể hiện bản năng tính dục trong tác phẩm. Đây là giọng điệu tiêu biểu cho phong cách sáng tạo của Marquez. Hồi ức về những

cô gái điếm buồn của tôi là một tác phẩm đặc biệt, nó được tạo nên chủ yếu bởi

Một phần của tài liệu Bản năng tình dục trong người đẹp say ngủ (y KAWABATA) và hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (g MARQUEZ) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 98 - 106)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(122 trang)
w