Các phương thức định danh

Một phần của tài liệu Khảo sát các địa danh huyện hoa lư, tỉnh ninh bình luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 50 - 57)

123 451 234 567 89 10 11 12 Quan hệ giữa thành tố A (danh từ chung) với thành tố B (tên riêng) trong

2.1.5. Các phương thức định danh

Có thể hiểu một cách tổng quát rằng: phương thức định danh là phương pháp và cách thức dùng để gọi tên hoặc đặt tên cho một sự vật, hiện tượng nào đó trong đời sống tự nhiên và xã hội. Phương thức định danh phụ thuộc vào nguyên tắc đặt tên, trên cơ sở sử dụng các yếu tố có nghĩa để định danh cho đối tượng phù hợp với đặc điểm, tính chất, mối quan hệ của đối tượng với văn hóa, tâm lý, nguyện vọng của người định danh. Trong phương thức định danh bao gồm cả cấu tạo địa danh và ý nghĩa của nó, giữa cấu tạo và ý nghĩa có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trên cơ sở cấu tạo ta có thể hiểu ý nghĩa của địa danh, và ngược lại từ ý nghĩa của các yếu tố ta có thể hiểu cấu tạo của nó.

Về phương thức định danh đã có nhiều tác giả đi trước nghiên cứu, chẳng hạn Lê Trung Hoa khi nghiên cứu địa danh ở Thành Phố Hồ Chí Minh đã đưa ra 3 phương thức định danh chủ yếu: 1) phương thức tự tạo, 2) phương thức chuyển hóa, và 3) phương thức vay mượn. Nguyễn Kiên Trường, khi nghiên cứu về địa danh Hải Phòng cũng đã đưa ra ba phương thức định danh: 1) phương thức ghép số và địa danh, 2) phương thức chuyển hóa, 3) phương thức vay mượn. Trong khi đó Từ Thu Mai chỉ đưa ra hai phương thức: 1) phương thức cấu tạo mới, 2) phương thức chuyển hóa. Mặc dù vẫn chưa có sự thống nhất trong quan điểm về phương thức định danh của các tác giả nhưng chúng ta có thể thấy các quan điểm trên có nhiều điểm chung, trong đó điểm

chung lớn nhất đó là các tác giả đã chỉ ra phương thức sử dụng chung, phổ biến trong các địa danh là phương thức chuyển hóa. Trước thực tế nghiên cứu địa danh Hoa Lư, trên cơ sở tiếp thu, lĩnh hội những ý kiến của các tác giả đi trước, ở luận văn này chúng tôi sử dụng những phương thức định danh sau: phương thức ghép, phương thức tự tạo, phương thức định danh ngẫu nhiên, phương thức chuyển hóa, phương thức vay mượn, phương thức rút gọn và phương thức định danh dựa vào những câu chuyện, truyền thuyết, thần thoại, cổ tích, sự tích…

2.1.5.1. Phương thức ghép

a) Ghép các yếu tố Hán Việt để đặt tên: phương thức này sử dụng trong hầu hết các nhóm địa danh trên địa bàn Hoa Lư, nhưng phổ biến hơn cả là trong nhóm địa danh cư trú hành chính và công trình xây dựng.

Ví dụ: thôn Trường Thịnh (Tr.Yên), thôn Phong Phú (N.Giang), làng Phú Gia (N.Khang), xóm Tiến Thịnh (N.Khang), đền Hạ Kê Từ (N.Vân), đền Hành Khiển (N.Hòa), chùa Nhân Lý (N.Mĩ), chùa Thiên Tôn (TT.Thiên Tôn)…

b) Ghép bằng chữ và con số

Ví dụ: thôn Tân Dưỡng 1, thôn Tân Dưỡng 2 (N.Vân), xóm Phấn 1, xóm Phấn 2 (N.Khang)…

c) Ghép tên với yếu tố chỉ vị trí hoặc phương hướng

Ví dụ: thung Bái Ngoài (N.Hải), đồng Trước Điện (N.Giang), làng Khê Đầu Thượng, làng Khê Đầu Hạ (N.Xuân), thôn Đông Thành (Tr.Yên), phố Cầu Đông (Tr.Yên)…

d) Ghép tên với các nhân vật lịch sử, các nhân vật liên quan đến đối tượng Ví dụ: đền Vua Đinh, đền Vua Lê (Tr.Yên), cống Ông Sởng, cống Bà Loan (N.Giang), đình Bà Khả (N.Hải), chùa Bà Ngô (Tr.Yên), đền Bà Mốc (N.Hải), đền Ông Tiền Sai (N.Thắng)…

2.1.5.2. Phương thức tự tạo (phương thức cấu tạo mới)

Phương thức tự tạo hay cách gọi phương thức cấu tạo mới trong quan niệm của Từ Thu Mai là “phương thức mà người định danh sử dụng các yếu tố ngôn ngữ có sẵn tạo ra một tên gọi mới theo cách của mình để định danh cho sự vật, hiện tượng” [33; tr.102]. Hay nói cách khác, chủ thể định danh sử dụng những yếu tố ngôn ngữ trong hệ thống từ vựng chung, dựa vào những đặc điểm chính của bản thân đối tượng: hình dáng, kích thước, tính chất, màu sắc hoặc những đặc điểm có liên quan đến đối tượng: phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo, con vật nuôi, cây cối, các sự kiện lịch sử, để định danh cho đối tượng. Đây là phương thức cơ bản nhất trong các phương thức tạo ra địa danh.

- Địa danh gọi tên theo đặc điểm hình dáng, kích thước của đối tượng: núi Đụn (TT.Thiên Tôn), núi Quan Văn, núi Quan Võ (N.Hải), núi Nấm (N. Thắng), núi Hàm Rồng (N.Xuân), đồng Gồ (N.Giang)…

- Địa danh gọi tên theo đăc điểm màu sắc của đối tượng: núi Bạc (N.Vân), núi Vàng (N.Hải), núi Lưng Tràm (N.Xuân)…

- Địa danh gọi tên theo tính chất của đối tượng: hang Tối, hang Sáng (Tr.Yên), thung Nắng, thung Râm (N.Hải), đồng Chua (N.Mĩ), núi Lở (N. Hòa), núi Mòn (N. Xuân)…

- Địa danh gọi tên theo tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục: núi Ma (N.Xuân), đền Thờ Bác Hồ (TT.Thiên Tôn), đền Thờ Công Chúa Phất Kim (Tr.Yên), núi Chùa Am (Tr.Yên), núi Chùa Bà (N.Xuân)…

- Địa danh gọi tên theo ước muốn, ước nguyện: làng Phú Gia (N. Khang), xóm Hòa Thiện (N.An), xóm Hòa Bình (N.Hải)…

- Địa danh gọi theo tên các loại cây: sông Chanh (N.Giang), núi Măng (N.Hải), bến Cây Gạo (N.Giang), sông Ngô Đồng (N.Hải), đồng Ổi (N.Mĩ), đồng Gạo (N.Giang), chùa Sắn, chùa Thông (N.Hải), đình Sen (N.Thắng)…

- Địa danh gọi theo tên các loài động vật, côn trùng: núi Cóc (N.Hải), núi Voi (N.Mĩ), núi Kiến (Tr.Yên), chùa Gà (N.Hòa) đồng Cá Chép (N.Mĩ), đồng Ốc (N.Khang)…

- Địa danh gọi theo tên người: nhà thờ Nguyễn Thế Trường (N.Mĩ), đền Trần Quý Minh (Tr.Yên), đường Xuân Thành (N.Xuân)…

- Địa danh gọi theo vị trí, phương hướng của đối tượng so với đối tượng khác: xóm Đông Đình, xóm Tây Đình (N.Mĩ), thôn Khê Thượng, thôn Khê Hạ (N.Xuân), thôn Khê Ngoài, thôn Khê Trong (N.Hải)…

- Địa danh gọi tên theo những sự kiện, biến cố lịch sử: thành Dền, tường Đông, núi Chợ, phủ Chợ (Tr.Yên), gắn liền với lịch sử hình thành đô thị Hoa Lư (Hoa Lư là đô thị đầu tiên trong lịch sử Việt Nam), sông Sào Khê (N.Thắng), bên bến sông này là nơi Lý Công Uẩn hạ chiếu dời đô để xuống thuyền tiến về Thăng Long.

- Địa danh sử dụng các số thứ tự, chữ cái: đội 1,2 (N.Thắng), xóm 6,7 ( N.Hải), đường 12C(N.Hòa), tổ dân phố 8,9 (TT.Thiên Tôn)…

2.1.5.3. Phương thức chuyển hoá

Địa danh đặt theo phương thức này có hai dạng: chuyển hóa trong nội bộ địa danh và chuyển hóa giữa các loại địa danh.

a) Chuyển hóa trong nội bộ địa danh: phương thức này xuất hiện trong cấu tạo địa danh Hoa Lư cả ở nhóm địa danh tự nhiên và nhóm địa danh nhân văn.

- Trong nhóm địa danh tự nhiên: thung Nắng→ hang Thung Nắng (N. Hải), hang Diêm→ núi Hang Diêm (N.Xuân), hang Bản→ núi Hang Bản (N.Xuân), hang Hạnh→ núi Hang Hạnh (N.Xuân)…

+ Địa danh chỉ đối tượng cư trú hành chính: làng La Mai→ thôn La Mai (N.Giang), làng Khả Lương→ thôn Khả Lương (N.Thắng), làng Tuân Cáo→ thôn Tuân Cáo (N.Thắng)…

+ Địa danh chỉ công trình xây dựng: đình Các→ chợ Đình Các (N.Hải), trạm bơm Ninh Giang→ cống Trạm Bơm Ninh Giang (N.Giang)…

+ Địa danh chỉ công trình giao thông: cầu Yên→ ngã ba Cầu Yên (N. An), đường Xuân Thành→ cầu Xuân Thành (N.Xuân)…

b) Chuyển hóa giữa các loại địa danh

- Địa danh cư trú hành chính chuyển sang địa danh chỉ công trình xây dựng: xã Ninh Hòa→ chợ Ninh Hòa (N.Hòa), thôn Khả Lương→ chùa Khả Lương (N.Thắng), thôn Bộ Đầu→ chùa Bộ Đầu (N.An), làng Yên Thành→ đình Yên Thành (Tr.Yên)…

- Địa danh tự nhiên chuyển sang địa danh cư trú hành chính: núi Phú Gia→ thôn Phú Gia (N. Khang), núi Thiên Tôn→ thị trấn Thiên Tôn (TT. Thiên Tôn)…

- Địa danh tự nhiên chuyển sang công trình xây dựng: hang Muông→ đền Hang Muông (N.Hải), hang Bim→ đền Bim (Tr.Yên), thung Nắng→ hang Thung Nắng (N.Hải)…

- Địa danh công trình xây dựng chuyển sang địa danh tự nhiên: chùa Am→ núi Chùa Am (Tr.Yên), chợ→ núi Chợ (Tr.Yên), đền→ núi Đền (N. Xuân)…

- Địa danh công trình xây dựng chuyển sang địa danh công trình giao thông: chợ Cầu Yên→ cầu Yên (N.An), chùa Bàn Long→ cầu Bàn Long (N.Xuân), hầm Vụng Quao→ cầu Vụng Quao (N.Xuân)

2.1.5.4. Phương thức vay mượn

Phương thức này xuất hiện không nhiều trong địa danh Hoa Lư, chỉ xuất hiện trong một vài trường hợp, tiêu biểu như: xóm Phú Thọ (N.Khang), làng Yên Thành (Tr.Yên), là những địa danh mà người dân Hoa Lư vay mượn tên

gọi trong cách định danh ở những địa phương khác để gọi tên đối tượng ở địa bàn. Xóm Phú Thọ định danh theo tên gọi đơn vị hành chính tỉnh Phú Thọ, làng Yên Thành gọi theo cách định danh đơn vị hành chính huyện Yên Thành (Nghệ An). Và một số trường hợp vay mượn địa danh của người Hán (Trung Quốc) để định danh cho đối tượng, Ví dụ: đường Tràng An (N.Xuân), (Tràng An là địa danh chỉ đơn vị cư trú của người Hán - kinh đô cổ của người Trung Quốc), núi Thanh Lâu (Tr.Yên), (Thanh Lâu là địa danh tồn tại trong cách định danh của người Trung Quốc trước đây). Qua một số địa danh này ta có thể thấy sự tiếp xúc với người Hán, văn hóa Hán của cư dân Hoa Lư là rất sớm và đậm nét, ảnh hưởng lâu dài đến đời sống văn hóa, ngôn ngữ của người Hoa Lư.

Ngoài việc vay mượn những địa danh ở nơi khác để đặt tên, địa danh Hoa Lư còn có một số cách định danh mượn nhân danh làm địa danh. Ví dụ: lăng vua Đinh Tiên Hoàng, lăng vua Lê Đại Hành (Tr.Yên) - lăng mang tên hai vị vua gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc: năm 938 Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 xứ quân thống nhất giang sơn, lên ngôi Hoàng Đế lập ra triều đại nhà Đinh và trở thành Hoàng Đế đầu tiên của Việt Nam sau 1000 năm Bắc thuộc, lấy Hoa Lư làm kinh đô, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, sau triều đại nhà Đinh là triều đại Tiền Lê mà người đứng đầu là Lê Hoàn - người anh hùng gắn liền với những cuộc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài đầy hiển hách, vẻ vang. Ngoài ra còn một số địa danh mang tên nhân vật như: đền thờ Công Chúa Phất Kim ( thờ Phất Kim - con gái vua Đinh) (Tr.Yên), đền Trần Quý Minh (Tr.Yên)…

2.1.5.5. Phương thức rút gọn

Để dễ nhớ, dễ ghi nhận một đối tượng, hay một sự vật hiện tượng nào đó trong tự nhiên cũng như trong xã hội. Trong giao tiếp người ta thường đơn giản hóa những âm tiết trong cách định danh, nghĩa là đơn tiết hóa những từ

đa tiết, điều này đã đem lại những hiệu quả nhất định trong việc nhận định và ghi nhớ địa danh, điều đó cũng phù hợp với tư duy của người Việt và đặc trưng của tiếng Việt (loại hình ngôn ngữ đơn lập).

Phương thức rút gọn xuất hiện trong địa danh Hoa Lư không nhiều tuy nhiên những địa danh định danh theo phương thức này, đã phần nào góp phần tạo nên sự phong phú đa dạng trong hệ thống địa danh nơi đây. Phương thức này chỉ xuất hiện trong những đia danh tự nhiên, địa danh cư trú hành chính và địa danh công trình xây dựng

Ví dụ: - núi Quan Văn→ núi Văn (N.Hải) - núi Quan Võ→ núi Võ (N.Hải) - chùa Cổ Am→ chùa Am (Tr.Yên)

- đền Trần Quý Minh→ đền Trần (Tr.Yên) - làng Khả Lương→ làng Khả (N.Thắng) - làng Hải Nham→ làng Nham (N.Hải)…

2.1.5.6. Phương thức định danh dựa vào những câu chuyện truyền thuyết, giai thoại, cổ tích, sự tích...

Hoa lư là một vùng đất lịch sử, đia danh nơi đây đã đi vào những câu chuyện cổ, những giai thoại mang đậm tính nhân văn, giàu giá trị văn hóa. Hệ thống địa danh tồn tại trong những giai thoại, sự tích ở địa bàn Hoa Lư tuy không nhiều nhưng nó đã góp phần giải thích lịch sử hình thành địa danh. Các địa danh định danh theo phương thức này thường thể hiện một mục đích nhất định nào đó, có thể là lưu giữ hình ảnh đẹp về những con người, những nhân vật giữ vai trò quan trọng và có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển phồn thịnh của đất nước, hay để tỏ lòng biết ơn đối với những anh hùng có công dựng nước và giữ nước, thể hiện niềm tin, tín ngưỡng

vào những thế lực siêu nhiên giúp cho đời sống con người ấm no, hạnh phúc, xã hội thái bình, thịnh vượng…

Ví dụ: đền Cao Sơn (Tr.Yên), theo truyền thuyết thần Cao Sơn là một vị thần núi ở Phụng Hóa - Nho Quan (Ninh Bình), mà từ nhỏ Định Bộ Lĩnh được mẹ đưa vào sống cạnh đền sơn thần trong động, vị thần sau này đã có công phù trợ Lê Tương Dực, diệt được quân Uy mục, nên cũng được dân làng Kim Liên rước về thờ ở trấn phía nam kinh thành, một trong Thăng Long tứ trấn. Cao Sơn đại vương khi đi tuần từ vùng Nam Lĩnh tới vùng Thiên Dưỡng, đã tìm ra một loại cây thân có bột dùng làm bánh có thể thay được gạo, lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang Lang (dân địa phương vẫn thường gọi là cây Quang Lang hay cây Búng Báng). Thần đã dạy bảo và giúp đỡ người dân làm ăn sinh sống, đồng thời bảo vệ khỏi các thế lực phá hoại, vì vậy đã được vua Đinh cho phép dân làng lập đền thờ.

Phủ Khống (Tr.Yên), nơi thờ bảy vị quan trung thần triều đình, gắn liền với các truyền thuyết: khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, 7 vị quan của triều đình mang nhiều quan tài đi trôn theo các hướng rồi cùng tự sát để giữ kín những bí mật về ngôi mộ thật. Một vị tướng trấn giữ thành nam vô cùng cảm kích trước nghĩa khí của 7 vị trung thần liền lập bát nhang thờ cúng ở đây. Sau khi vị tướng này mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và trồng cây thị trước phủ để tưởng nhớ các vị công thần.

Động Hoa Sơn (N.Hòa), tương truyền động này là nơi nuôi ấu chúa thời vua Đinh, trước đây động có tên là động Chùa Bà Đẻ, sau vua Tự Đức đến thăm và đặt lại tên là động Hoa Sơn…

Một phần của tài liệu Khảo sát các địa danh huyện hoa lư, tỉnh ninh bình luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 50 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(115 trang)
w