123 451 234 567 89 10 11 12 Quan hệ giữa thành tố A (danh từ chung) với thành tố B (tên riêng) trong
3.1.1. Khái niệm văn hoá
Quá trình hình thành ngôn ngữ, lịch sử loài người cũng đồng thời với sự sáng tạo ra văn hóa. Văn hóa cũng như ngôn ngữ có lịch sử tồn tại và phát triển lâu dài, gắn liền với đời sống của con người, nó là sản phẩm sáng tạo của loài người, là một trong những thước đo đời sống văn minh của con người và ngược lại đời sống con người cũng được nâng lên khi đã có văn hóa. Văn hóa rất gần gũi với con người, gắn bó chặt chẽ với từng cá nhân và với toàn cộng đồng.Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu một cách tường tận và thấu đáo về văn hóa, để hiểu rõ về nó và đưa ra cách lý giải chuẩn xác về thuật ngữ này không phải là điều đơn giản. Đã có rất nhiều cách hiểu khác nhau về văn hóa, trên những góc độ khác nhau thì cách hiểu về văn hóa là không giống nhau.
Hoàng Phê trong “Từ điển tiếng Việt” đưa ra khái niệm văn hóa là: “tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử” [39; tr.1100]
Ở phương diện khác Hồ Chí Minh lại hiểu “ Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với những biểu hiện của nó do loài người sản sinh ra nhằm thích ứng nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” [dẫn theo Vũ Khiêu (chủ biên), 2000, tr. 747-748].
Trên quan điểm chấp nhận thu hẹp ngoại diên để mở rộng nội hàm GS Phạm Đức Dương quan niệm rằng: “Văn hóa là tất cả những gì do con người sáng tạo ra trong quá trình ứng sử với tự nhiên và xã hội” [16; tr.15].
Ở một góc độ khác thì nhà nghiên cứu Phan Ngọc lại cho rằng: “Văn hóa là một quan hệ. Nó là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng trong óc một cá nhân hay một tộc người với cái thế giới thực tại ít nhiều đã bị cá nhân này hay tộc người này mô hình hóa theo cái mô hình tồn tại trong biểu tượng. Điều biểu hiện rõ nhất chứng tỏ mối quan hệ này, đó là văn hóa dưới hình thức dễ thấy, biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của cá nhân hay tộc người khác các kiểu lựa chọn của các cá nhân hay tộc người khác” [36;tr.21-22].
Tổ chức UNESCO thì quan niệm: “Văn hóa nên được xem là tập hợp các đặc điểm nổi bật về tinh thần, vật chất, tri thức và tình cảm của xã hội hay một nhóm xã hội, và ngoài văn học và nghệ thuật, nó còn bao gồm lối sống, hệ thống giá trị, các truyền thống và tín ngưỡng” (dẫn theo [35; tr.181-182]).
Đào Duy Anh trong “Văn hóa sử cương” có đưa ra cách hiểu về văn hóa như sau “Văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và cảm xúc quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm cả nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và tín ngưỡng” [1; tr13].
Trần Ngọc Thêm định nghĩa: “Văn hóa là hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” [44; tr.20].
Trong giới nghiên cứu vẫn chưa có cách hiểu thống nhất nào về khái niệm văn hóa, tuy nhiên trong quan niệm của các tác giả ta thấy họ gặp nhau ở một điểm: xem văn hóa là sản phẩm do con người sáng tạo ra, khu biệt với những gì là tự nhiên, và sản phẩm văn hóa tồn tại ở cả dạng vật chất và tinh thần. Trên cơ sở ý kiến của các nhà nghiên cứu, chúng tôi đồng tình với quan niệm của các nhà nghiên cứu khi xem văn hóa là phức thể tổng hợp bao gồm
cả sản phẩm vật chất và sản phẩm tinh thần do con người sáng tạo ra. Sản phẩm vật chất thuộc lĩnh vực văn hóa vật thể còn thuộc lĩnh vực văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần.
Từ cách hiểu như trên, khi nghiên cứu địa danh Hoa Lư chúng tôi thấy có một vài đặc điểm liên quan chặt chẽ đến nội dung của văn hóa đó là: các công trình xây dựng (đền, chùa, phủ, lăng…) thuộc văn hóa vật thể, còn những yếu tố thuộc văn hóa phi vật thể như: các phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội…
Hoa lư là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, từng là cố đô của Việt Nam. Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền của Việt Nam. Kinh đô này tồn tại 42 năm (968-1010), gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý, với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh tống, dẹp chiêm và phát tích quá trình định đô Hà nội, năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội). Và đây cũng từng là trung tâm phật giáo của nước ta, chính vì thế các địa danh di tích, tôn giáo, tín ngưỡng ở nơi đây chiếm số lượng khá lớn và có giá trị văn hóa lớn lao trong đời sống văn hóa của người dân địa phương, cũng như góp phần to lớn tạo nên giá trị tinh thần quý báu và nét đẹp văn hóa của dân tộc. Nghiên cứu địa danh từ góc độ văn hóa tạo nên ý nghĩa mới mẻ, độc đáo sâu sắc cho địa danh.