Đấu tranh trên mặt trận báo chí

Một phần của tài liệu Vai trò trí thức cách mạng sài gòn gia định trong công cuộc kháng chiến chống pháp (1946 1954) (Trang 66 - 73)

7. Kết cấu của luận văn

2.3.2. Đấu tranh trên mặt trận báo chí

Sau ngày Nam Bộ kháng chiến, trong rất nhiều hình thức đấu tranh, ở nội thành, mặt trận báo chí luôn được chú trọng, và đã phát huy hiệu quả với sự góp sức của nhiều trí thức báo giới. Báo chí ở nội thành Sài Gòn – Gia Định được Xứ ủy, Thành ủy Sài Gòn – Gia Định quan tâm tổ chức thành một mặt trận đấu tranh tư tưởng – văn hóa hết sức quyết liệt.

Một trong những tờ báo đi tiên phong đấu tranh chống Pháp ở nội thành Sài Gòn - Gia Định là tờ JusticeCông Lý, của “Nhóm Văn hóa Mác-xít” do nhà văn Thiếu Sơn làm chủ bút. Mặt trận Việt Minh ở Sài Gòn – Chợ Lớn cũng đã xuất bản tờ Thông tin Kháng chiến, về sau đổi thành báo Chống Xâm Lăng, do đồng chí Trịnh Đình Trọng phụ trách, quy tụ được nhiều trí thức cách mạng tham gia diễn đàn đấu tranh như Nguyễn Mạnh Hoàn, Liễu Châu, Trần Bạch Đằng, Quế Lâm,…

Một hệ thống báo chí hùng hậu được phát hành ở nội thành và chiến khu như Công Đoàn, Tiền Đạo, Tổ Quốc, Tiếng Súng Kháng Địch, Dân Chủ, Hi Sinh, Tu Dưỡng, Kèn gọi Lính, Tin Điển, Nam Kỳ, Kiến Thiết, Tân Việt,… được đông đảo quần chúng ủng hộ và tìm đọc, với lượng phát hành kỷ lục. Tổng Công đoàn Nam bộ cũng tham gia diễn đàn với việc xuất bản tờ báo

Công Đoàn do Nguyễn Lưu phụ trách, sau đổi thành báo Cảm Tử do nhà báo Lý Chính Thắng điều hành, đặt tòa soạn tại An Phú Đông, Gia Định. Tổng bộ Văn báo thành lập “Ban biên tập xóm Thơm” (4/1946), gồm nhiều nhà báo tên tuổi như Lý Vĩnh Khuông, Ái Lan, Lê Văn Ngôn, Trần Văn Khê, Nguyễn Văn Hiếu, Triệu Công Minh…

Đội ngũ trí thức tham gia trên mặt trận này đã góp phần đánh đổ những luận điệu xuyên tạc, âm mưu thành lập chính phủ Nam Kỳ tự trị của thực dân Pháp trên các báo phản động như Phục Hưng, Tương Lai, Tiếng Gọi Bình Dân. Các nhà báo trẻ như Trần Bạch Đằng, Phạm Thiều, Huỳnh Tấn Phát, Thiếu Sơn, Lý Vĩnh Khuông, Lê Thọ Xuân, Trần Văn Nguyên, Thiếu Sơn, Dương Tử Quang, Vĩnh Sanh, Vũ Tùng,… có nhiều bài viết đấu tranh đòi tự

do ngôn luận, tự do báo chí, đòi độc lập, trưng cầu dân ý thống nhất đất nước, ủng hộ chính phủ Cụ Hồ trên các báo. Nhiều tờ báo công khai đòi thực dân Pháp thả trí thức yêu nước như nghị sĩ quốc hội Hoàng Minh Châu, luật sư Đỗ Minh Sảng, kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích. Tờ Nam Kỳ cho đăng toàn văn bức thư Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Nam Bộ; tờ Justice kêu gọi yêu cầu giải tán chính phủ tự trị; tờ Lendemains (của nhóm Văn hóa Mác xít) lên tiếng đấu tranh chống chia cắt đất nước,…

Phong trào báo chí phát triển mạnh, một cuộc họp bàn việc thành lập tổ chức báo chí thống nhất được triệu tập, với sự tham gia đông đảo các nhà báo tên tuổi như Vũ Tùng, Thiếu Sơn, Triệu Công Minh, Nguyên Dân, Thanh Sơn,…

Ngày 10/10/1946, tổ chức Báo chí Thống nhất chính thức thành lập và cùng nhau ra bản Tuyên ngôn, nhằm thể hiện chính kiến và sự ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh sau Hiệp định sơ bộ và bản Tạm ước. Hai tờ tuần báo Việt BútJustice đi đầu trong việc thành lập tổ chức Báo chí Thống nhất và ra tuyên ngôn. Sau đó, các báo Tân Việt, Quần Chúng, Dân Quyền, Văn Hóa,

Sud, Lendemains (Những ngày mai)... lần lượt gia nhập. Bản Tuyên ngôn được đăng trên các báo và gửi đến chính phủ Việt Nam, chính phủ Pháp để bày tỏ lập trường quan điểm và cương lĩnh của giới trí thức Sài Gòn – Gia Định. Bản tuyên ngôn xác định "mục đích của sự hoạt động là thống nhất ba kỳ và sự tự do của Tổ quốc", khẳng định "ủng hộ triệt để Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa".

Nhằm phát triển hơn nữa thế mạnh của mặt trận báo chí, tập hợp sự đoàn kết lực lượng trí thức trong một tổ chức đấu tranh thống nhất, ngày 23/10/1946, Nghiệp đoàn báo chí Nam bộ được thành lập. Nghiệp đoàn chủ trương chống hà khắc đối với trí thức, đòi tự do báo chí, tự do ngôn luận, đồng thời, góp phần tuyên truyền, chỉ trích mạnh mẽ tư tưởng phản động của nhóm “Phân ly”, âm mưu “Nam kỳ tự trị”, đấu tranh đòi Pháp công nhận

“Nam bộ là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam”. Để phổ biến những quan điểm này, “Báo chí Thống nhất” đã mở mục “Diễn đàn dân chúng” trên các báo.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Đảng phân công phục trách công tác trí vận và báo chí Sài Gòn. Chủ trương liên kết tổ chức Báo chí Thống nhất với Liên đoàn Văn hóa cứu quốc nhằm tập hợp đội ngũ nhà văn và nhà báo trong một mặt trận đấu tranh. Sự kết hợp của hai tổ chức đã đẩy phong trào đấu tranh trên mặt trận văn chương, văn nghệ lên cao, thông qua các hình thức bút ký, thơ yêu nước, thơ trào phúng, châm biếm, các vở kịch ngắn, ca khúc cách mạng,… Ngoài ra, một nhóm các văn sĩ, ký giả của 14 tờ báo dân chủ đã kết hợp với Hội Pháp Việt, Hội Nhân quyền, Đảng Xã hội, Nhóm Văn hóa Mác xít thành lập tổ chức “Lực lượng dân chủ đoàn kết bảo vệ tự do báo chí”, đấu tranh không khoan nhượng với nhóm báo chí “Phân ly”.

Năm 1947, trước những điều kiện đấu tranh mới, thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn quyết định thay thế báo Chống Xâm Lăng bằng tờ Tổ Quốc Trên Hết, mức độ hoạt động công khai và phổ biến hơn, bên cạnh các báo Tri thức Kháng chiến, Sinh viên Kháng chiến, Cứu quốc Nội thành,… Đặc biệt là sự hiện diện của tờ Tiếng nói Kháng chiến (La Voix De Maquis) bằng tiếng Pháp do trí thức Trần Xuân Nhị phụ trách, đã tuyên truyền vận động trí thức Việt – Pháp tham gia kháng chiến.

Ban thường trực Liên hiệp báo chí ra nghị quyết "phản đối biện pháp chuyên chế ấy của nhà cầm quyền" Pháp - Bảo Đại. Hai mươi chín nhà văn, nhà báo Sài Gòn cũng ra tuyên bố "cực lực phản đối chế độ báo chí hiện thời" và đòi Pháp - Bảo Đại "ngưng việc khống chế dư luận, ngưng việc đình chỉ (các tờ báo) trái với quyền tự do ngôn luận". Trên trang nhất các báo đăng nhiều bài có nội dung phản đối chiêu bài Bảo Đại: "Đi ngược dòng dân chủ... Một cuộc hội nghị bảo hoàng ở Sài Gòn" (báo Kiến Thiết, ngày 1/3/1947); “Ông Trần Trọng Kim và Phan Văn Giáo quay về đi! Dân chúng không muốn

lập lại chế độ quân chủ” (báo Lên Đàng, ngày 9/3/1947); "Cuộc vận động khôi phục quân quyền" (báo Dư Luận); phóng sự điều tra "Trên đường về của vua chúa", nhằm công kích vua Bảo Đại (Báo Dân Quý)... [24, tr.394]. Lực lượng báo chí đã góp phần làm thất bại âm mưu dựng lên chính phủ Bảo Đại, ngăn cản Thỏa hiệp Hạ Long và Hiệp định Elyseé.

Cuối năm 1947, giới báo chí yêu nước đã tiến hành thành lập Hội liên hiệp ký giả Dân chủ Nam Bộ. Sau đó, tháng 12/1947 Nghiệp đoàn ký giả chuyên nghiệp cũng được thành lập tại câu lạc bộ báo chí Nam bộ ở nội thành Sài Gòn nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, tính chiến đấu và bản lĩnh cách mạng cho các nhà báo, tờ báo. Nghiệp đoàn ký giả chuyên nghiệp do nhà báo Pháp Soulie làm chủ tịch, đã tập hợp nhiều ký giả người Pháp, người Việt và người Hoa. Sự ra đời của 2 tổ chức này là nhân tố quan trọng thúc đẩy phong trào báo chí yêu nước phát triển, làm động lực cho các phong trào đấu tranh chính trị ở các đô thị lớn như Sài Gòn – Gia Định.

Trên cơ sở lớn mạnh của các tổ chức chính trị báo giới ở Sài Gòn – Gia Định, Xứ ủy ra nghị quyết thành lập Hội liên hiệp báo chí Nam Bộ vào cuối năm 1948. Ban chấp hành gồm nhiều ký giả tên tuổi như Lê Thọ Xuân, Trúc Chi, Nam Quốc Cang, Triệu Công Minh. Hội Liên hiệp Báo chí kết hợp cùng với Liên hiệp Văn nhân đã thúc đẩy phong trào đấu tranh trên mặt trận tư tưởng ở Nam bộ ngày càng lên cao. Liên đoàn Thanh niên Việt Nam Nam Bộ chủ trương phát hành tờ Thanh Niên; Mặt trận Liên Việt Sài Gòn – Chợ Lớn đã xuất bản tờ Liên Việt, xâm nhập vào trong các trường học, công sở, khu dân cư, tập hợp quần chúng làm cho số lượng thành viên của Hội ngày không ngừng tăng lên. Một ban biên tập phát thanh hàng ngày cũng được thành lập, biên tập các tin tức nước ngoài từ các đài Việt Nam (Việt Nam), AFP (Pháp), UPI (Mỹ), REUTER (Anh), để phục vụ thông tin kháng chiến.

Tháng 3/1949, sau tin Pháp ký thỏa ước đưa Bảo Đại về thành lập “chính phủ Quốc gia”, Thành ủy Sài Gòn chỉ đạo phát hành số báo đặc biệt trên tờ

Tổ Quốc Trên Hết nhằm vạch rõ âm mưu đẩy mạnh cuộc chiến xâm lược Việt Nam. Sau khi bị mật thám phát hiện bắt giữ chủ tịch hội là dược sĩ Phạm Hữu Hạnh và 21 thành viên khác, báo chí đã lên tiếng phản đối, đấu tranh giữ dội, buộc chính quyền Pháp phải trả tự do cho hàng trăm trí thức và công chức yêu nước. Sự kiện nhà báo Nam Quốc Cang bị ám sát, đám tang của ông đã biến thành cuộc biểu tình của hàng vạn quần chúng. Trước sự đàn áp, bắt bớ của Pháp, nhiều ký giả đã rời Sài Gòn - Gia Định ra vùng giải phóng để tiếp tục kháng chiến như Triệu Công Minh, Mai Văn Bộ, Dương Tử Giang, Vũ Tùng, … Ở nội thành lại xuất hiện nhiều cây viết mới như Bằng Giang, Sơn Tùng, Lê Ba, Quốc Phượng, …

Những hoạt động đấu tranh chính trị của trí thức Sài Gòn – Gia Định trên mặt trận báo chí trong các nội thành đã làm lung lay chính quyền thực dân, đồng thời hỗ trợ tích cực cho những hoạt động kháng chiến trên các mặt trận quân sự. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen anh em báo chí trí thức Sài Gòn – Gia Định, Nam bộ: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để giành lại quyền thống nhất và độc lập cho tổ quốc”[33, tr.131].

Tiếp đà chiến thắng trên mặt trận quân sự trong năm 1950, hoạt động đấu tranh báo chí trong nội thành Sài Gòn – Gia Định cũng có những bước phát triển. Sở Thông tin tuyên truyền Nam bộ xuất bản tờ Cứu Quốc Nam Bộ, là cơ quan ngôn luận của Mặt Trận Việt Minh. Đài phát thanh tiếng nói Sài Gòn – Chợ Lớn Tự do được thành lập với nỗ lực của các kỹ sư Lê Văn Huấn, Nguyễn Khắc Cần, Lê Văn Thời,.. tuyên truyền chính sách của Đảng và chính phủ kháng chiến. Đài có sự tham gia của các trí thức là phát thanh viên người Hoa, người Khơ me, người Pháp; các nhạc sĩ, ca sĩ, nhà văn nhà báo nổi tiếng như Quách Vũ, Lưu Cầu, Viễn Phương, Thiếu Sơn, Nguyễn Văn Nguyễn, Chín Minh,… Tháng 12/1950, đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn thành lập Ban

thông tin và phát hành tờ báo Cứu quốc Đặc khu Sài Gòn – Gia Định nhằm tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách kháng chiến.

Tham gia mặt trận báo chí còn phải kể đến hoạt động của các nhà in, trong đó mạnh nhất là nhà in Trần Phú. Từ năm 1951 đến 1954, nhà in đã liên tục in và phát hành nhiều sách báo, tạp chí cách mạng như Tạp chí Nghiên cứu, báo Nhân dân Miền Nam, báo Kinh nghiệm Tuyên truyền, báo Văn nghệ Miền Nam, báo Lá Lúa,…

Sau Đại hội 2/1951, Đảng chủ trưởng ra đời tạp chí Lý luận Nghiên cứu, do Hà Huy Giáp làm chủ nhiệm, nhà báo Nguyễn Văn Nguyễn làm chủ bút, nhà báo Đức Tân là thư ký tòa soạn; và xuất bản tờ báo Nhân dân Miền nam do các trí thức Nguyễn Văn Nguyễn, Lưu Quý Kỳ, Trần Bạch Đằng thay nhau làm chủ bút; ngoài ra có nhiều nhà báo - nhà chính trị nổi tiếng tham gia như Hà Huy Giáp, Ung Văn Khiêm, Phạm Thiều, Trịnh Đình Trọng,…

Trong cao trào đấu tranh chính trị trong những năm 1950-1952, nhiều tờ báo ra đời, đáp ứng những nhiệm vụ mới, ngoài nhiệm vụ chính trị là đấu tranh văn hóa, văn nghệ. Tiêu biểu như tờ Tiếng Chuông, Ánh Sáng, Việt Thanh, Nhân Loại, Cố Gắng, Tin Tức, Phá Ngục, Tung Xiềng,… đã góp phần nâng cao cuộc chiến chống ngoại xâm trên các trang báo. Bên cạnh văn thơ yêu nước, các tờ Ánh Sáng, Tiếng Chuông,… còn cho đăng nhiều phóng sự về đời sống công nhân Ba Son, xe lửa Dĩ An. Năm 1953, các nhà báo Nguyễn Văn Hiếu, Bùi Đức Tịnh chuyển qua hoạt động vận động trong giáo dục tư thục, và xuất bản “Phần Văn hóa” thông qua tờ Việt Nam giáo khoa Tập san. Tờ Việt Nam Giáo Khoa Tập San của cơ quan lãnh đạo văn hóa cách mạng tập hợp nhiều cây bút chiến xuất sắc, nhiều trí thức tên tuổi như Bùi Đức Tịnh, Thành Nguyên, Nguyễn Bảo Hóa, Thuần Phong,…

Những năm 1953-1954, báo chí Sài Gòn – Gia Định góp phần vào gây dựng lại phong trào cách mạng ở nội thành, đấu tranh đòi độc lập dân tộc và hòa bình. Đỉnh cao của cuộc đấu tranh giai đoạn này là cuộc triển lãm sách

báo chống chiến tranh xâm lược, bản kiến nghị ngày 1/8/1954 của hơn 500 nhà trí thức và cuộc mít tinh chào mừng Hiệp định Geneve thắng lợi.

Một phần của tài liệu Vai trò trí thức cách mạng sài gòn gia định trong công cuộc kháng chiến chống pháp (1946 1954) (Trang 66 - 73)