7. Kết cấu của luận văn
2.2.1. Khắc phục những khó khăn tài chính
Trước những khó khăn, Đảng và Chính phủ xác định nền tài chính kháng chiến trong giai đoạn đầu phải dựa trên sự ủng hộ của toàn dân, phải thoát ly hẳn sự ràng buộc với Ngân hàng Đông Dương của Pháp. Tại vùng tự do, chính quyền đã tổ chức "Tuần lễ vàng", đóng góp vào “Quỹ độc lập”, góp phần giải quyết khó khăn trước mắt về tài chính. Đồng thời, thực thi nhiều biện pháp xây dựng nền tiền tệ Việt Nam. Để tạo niềm tin cho nhân dân, Chính phủ đã ra sắc lệnh phát hành tiền Việt Nam (31/1/1946) và sắc lệnh số 48/SL (25/5/1947) cho phép lưu hành một số giấy bạc trong toàn quốc. Đây là một thắng lợi có ý nghĩa về chính trị và kinh tế rất lớn, về căn bản làm cho tiền Việt Nam thay thế tiền Đông Dương.
Ở Nam Bộ, do cách xa Trung ương, nên sự chi viện bị hạn chế trong điều kiện chiến tranh đang lan rộng, giao thông liên lạc khó khăn. Hơn nữa, cơ quan in ấn chưa có điều kiện để phát hành ngay tờ bạc tài chính Việt Nam như ở Bắc và Trung Bộ. Nên sau khi nắm được chính quyền, Xứ ủy Lâm thời Nam bộ xác định nền kinh tế thời kỳ này là tự cấp tự túc, và ra chủ trương di chuyển kho quỹ và hàng hóa ra khỏi thành phố để tự lực và duy trì lâu dài. Số tiền in trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến không đủ, mỗi đơn vị phải tự lo liệu lấy các khoản chi tiêu bằng cách dựa vào nhân dân địa phương,
động viên nhân dân ủng hộ kháng chiến. Khắp các địa phương, nhất là trong vùng tự do, các đoàn thể nhân dân và nhiều cá nhân đã chủ động gây nhiều loại quỹ khác nhau để giúp đỡ kháng chiến. Phần lớn các nơi đều lập ra Quỹ nuôi quân, Quỹ huấn luyện dân quân, Quỹ bình dân học vụ…
Rất nhiều trí thức đã đứng ra ủng hộ chính quyền cách mạng bằng hình thức, quyên góp, quyên thu, tổ chức Tuần lễ vàng,… Luật sư Trịnh Hồ Thị là người phụ trách Cục thuế quan và Thương cảng Sài Gòn, đã đứng ra quyên thu và giúp chuyển tiền bạc, của cải ra căn cứ cho chính quyền cách mạng trước sự kiểm soát gắt gao của địch. Luật sư Lê Đình Chi nhân danh trí thức kêu gọi tham gia ủng hộ tài chính cho kháng chiến, dùng tài sản của mình mua súng đạn. Kỹ sư Huỳnh Thiện Lộc và Tôn Đức Thắng được Xứ ủy giao nhiệm vụ áp tải vàng thu được qua “Tuần lễ vàng” ở Sài Gòn – Gia Định, vùng Nam bộ, ra Trung ương.
Cùng với những giải pháp trước mắt, Xứ Ủy chỉ thị cho việc chuẩn bị ra đời một cơ sở in bạc của Việt Nam ngay tại Nam Bộ. Nhiều phương án được đưa ra góp ý thảo luận với sự chung tay của những trí thức, chuyên gia kinh tế: tổ chức in bí mật tại nội thành Sài Gòn; in ở nước ngoài (như Thái Lan). Phương án cuối cùng là tổ chức in tại vùng căn cứ kháng chiến Nam Bộ. Các đồng chí ở UBKCHC và Sở Tài chính Nam Bộ được phân công chuẩn bị các máy móc, thiết bị vật tư, nguyên liệu; đồng thời vận động anh em công nhân, trí thức, tư sản dân tộc mua sắm và bí mật chuyển mọi phương tiện từ nội thành ra bưng biền để sẵn sàng tổ chức in tờ bạc tài chính, kể cả việc lôi kéo một số công nhân nhà in có kỹ thuật cao ở Sài Gòn đi kháng chiến. GS. Phạm Văn Hộ giảng viên ngành khắc chạm đồng, đá của Trường Mỹ thuật Gia Định được mời ra vùng kháng chiến tham gia tổ chức sản xuất tiền.
Ngày 1/11/1947, Chính phủ ban hành Sắc lệnh 102/SL, cho phép in bạc Việt Nam tại Nam Bộ. Trên cơ sở đó Ban ấn loát đặc biệt Nam Bộ được thành lập tại chiến khu Đồng Tháp Mười, trực thuộc UBKCHC Nam Bộ. Phần lớn
các thành viên của UBKCHC Nam Bộ đồng thời là thành viên của Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ. Kỹ sư Ngô Tấn Nhơn, phái viên Chính phủ tại Nam Bộ trực tiếp làm Trưởng ban. Ngoài ra còn có một số ủy viên phụ trách tham dự như Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh (Phó ban), Kha Vạn Cân, Họa sĩ Huỳnh Văn Gấm, Lê Văn Lưỡng, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Nam Bộ, Hồ Văn Thế, nguyên Phái viên Bộ Tài chính,… Các đồng chí Lê Thiên, Phạm Văn Bảo, Ngô Văn Hoa là những cựu sinh viên Trường Mỹ thuật Gia Định được huy động thành lập Tổ vẽ mẫu do họa sĩ Huỳnh Văn Gấm làm tổ trưởng. Ban đã tập hợp được nhiều kỹ sư tay nghề khá như: kỹ thuật in offset có Lê Thân, Hoàng Ngọ, Đinh Nhân Quý, Nguyễn Văn Thông; thợ khắc có GS. Nguyễn Văn Hộ, Bùi Văn Trừng; thợ làm bản kẽm có Bùi Văn Trăm, Dao Cẩm Thím; thợ cơ khí có Lê Văn Xỉnh, Ba Gia. Công nhân in được tập hợp thông qua Liên hiệp Công đoàn Nam Bộ. Nhiều bộ đội trẻ từ Bộ Tư lệnh Nam Bộ, các em học sinh các Trường Trung học kháng chiến Nam Bộ... được tuyển chọn đào tạo thành công nhân kỹ thuật ấn loát đặc biệt.
Đầu năm 1948, sau một thời gian chuẩn bị tương đối khẩn trương, Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ chính thức đi vào hoạt động, với bộ máy tổ chức gồm hai phân ban A, B.
Phân ban A được thành lập đầu năm 1948 tại rừng tràm Cái Bèo (chiến khu Đồng Tháp Mười), do Thân Trọng Song làm Trưởng Phân ban, Lê Văn Tước làm Phó Phân ban. Phân ban A hoạt động trên cơ sở nguồn cung ứng từ nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, do Ban Tiếp vận công tác Thành của Ban Ấn loát đặc biệt phối hợp với Liên hiệp Công đoàn, Công an Nam Bộ... Phân ban đã in các loại giấy bạc 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng và được phát hành khắp Nam Bộ. Đến cuối năm 1951, Phân ban A bị đánh bom, một số cán bộ, công nhân trở về nội thành, về địa phương, hoặc chuyển đến Phân ban B.
Mặc dù đã rất cố gắng, giấy bạc của Phân ban A sản xuất cũng không cung ứng kịp thời và đầy đủ. Hơn nữa, lãnh đạo Đảng và chính quyền Nam
Bộ nhận thấy cần thiết phải đề phòng khi Phân ban A gặp tình huống xấu không hoạt động được thì phải có một phân ban khác thay thế. Vì vậy, Phân ban B được hình thành vào năm 1949 tại Gò Bún (Đồng Tháp Mười), do họa sĩ Huỳnh Văn Gấm làm Trưởng Phân ban, sau đó là ông Hồ Văn Thế (1952), ông Lê Thân (1953-1954). Phân ban B được trang bị hiện đại, quy mô sản xuất lớn, quy trình hoạt động khép kín; mọi cơ chế tổ chức và hoạt động đều quân sự hóa, thích ứng với chiến trường, khả năng cơ động. Bộ máy Phân ban B cũng được tổ chức chặt chẽ, quy mô hơn, đáp ứng chủ trương của Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ. Phân ban đã in các loại bạc 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng có chữ ký của ông Phạm Văn Bạch Chủ tịch UBKCHC Nam Bộ và ông Nguyễn Thành Vĩnh Giám đốc Sở Tài chính Nam Bộ.
Cuối năm 1950, cuộc kháng chiến bước vào một giai đoạn mới, với những đòi hỏi lớn lao sự chi viện cho chiến trường, trong khi đó tài chính của ta vẫn còn khó khăn. Trước tình hình đó, Đại hội Đảng lần II và hội nghị TƯ đã đề ra chủ trương nhằm chấn chỉnh công tác tài chính và tiến hành 3 vấn đề cần kíp là tài chính, ngân hàng và mậu dịch. Chính sách kinh tế tài chính của Đảng đặt ra giữa lúc cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn mới, đã có tác dụng nhiều mặt đối với vùng tự do. Đó là lý do để xây dựng một nền tài chính hợp lý hơn. Sản xuất phát triển, các nguồn thu tăng, chi giảm, giá cả ổn định đã làm cho hậu phương kháng chiến càng được củng cố, đáp ứng ngày càng cao cho chiến trường, với phương châm của nền tài chính lúc này là "tăng thu giảm chi"[23].
Sau Đại hội Đại biểu lần thứ II, kinh tế, tài chính có nhiều bước phát triển, mậu dịch quốc doanh được thành lập, như một tiền thân của cơ chế quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực phân phối và lưu thông trên nguyên tắc: Đối nội tự do, đối ngoại quản lý, trong ngoài giao lưu, công tư đều có lợi, quốc doanh làm nòng cốt. Ngân hàng quốc gia được thành lập, đồng tiền
ngân hàng thay thế đồng bạc tài chính, tiền tệ từ nay do ngân hàng phát hành và quản lý.
Năm 1952, UBKCHC Nam bộ đã tăng cường nhân sĩ trí thức cho khối kinh tế là kỹ sư Ngô Tấn Nhơn, Lã Hữu Quang. Trên cơ sở đó, đã đi đến thành lập Ban kinh tế do kỹ sư Kha Vạn Cân làm giám đốc, gồm các trí thức Ung Văn Khiêm, Ngô Tấn Nhơn, Kha Vạn Cân, luật gia Nguyễn Thành Vinh. Sang năm 1953 đã quyết định thành lập Ban kinh tài Nam bộ, với nhiệm vụ lớn lao hơn: chăm lo sức dân, đảm bảo sức quân, phục vụ kháng chiến; lãnh đạo quân dân tăng gia sản xuất, nộp thuế nông nghiệp, lập hũ gạo nuôi quân. Nhờ vậy phong trào sản xuất phát triển rầm rộ, với sự tham gia của mọi giới, mọi tầng lớp học sinh, trí thức, công chức, nông dân, nghệ sĩ. Những thành quả này đã góp phần đẩy nhanh và đảm bảo bảo những thắng lợi trên chiến trường trong giai đoạn quyết định 1953-1954.