7. Kết cấu của luận văn
2.2.3. Phong trào sản xuất và cải cách ruộng đất
Trong bối cảnh đất nước đầy khó khăn, Xứ Ủy Nam Bộ chủ trương đẩy mạnh phát triển tăng gia sản xuất ở vùng địch chưa lấn chiếm. Trong thư "Gửi nông gia Việt Nam", Hồ Chủ tịch phân tích tầm quan trọng của tăng gia sản xuất, vai trò của nông gia trong một đất nước "dĩ nông vi bản" như Việt Nam, Người kêu gọi: "Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa", như một cách thiết thực của góp phần giữ vững quyền tự do, độc lập. Thực hiện lời kêu gọi, Nha canh nông, Tổng hội cứu tế đã có việc làm thiết thực giúp cho cuộc tăng gia sản xuất có hiệu quả, dân được vay vốn, hội viên về tận cơ sở giúp đồng bào sản xuất.
Chính sách tăng gia sản xuất được đề ra và thực hiện trong suốt thời gian kháng chiến. Khuyến khích mọi thành phần xã hội từ nông dân, công nhân, tư sản, địa chủ, đến trí thức đều ra sức sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu phục vụ xã hội, phục vụ kháng chiến. Trước hết là tăng gia sản xuất nông nghiệp, đảm bảo lương thực; tăng gia sản xuất trong thủ công nghiệp, công nghiệp, đảm bảo cái mặc, cái phục vụ sản xuất, chiến đấu, góp phần đảm bảo trọng tâm của vấn đề tự cấp, tự túc của kinh tế kháng chiến.
Đối với sản xuất nông nghiệp, ruộng đất là vấn đề quan trọng nhất. Cải cách ruộng đất được tiến hành khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, nhiệm
vụ giải phóng dân tộc cố nhiên vẫn được đặt ở vị trí hàng đầu, đồng thời vẫn tiếp tục thực hiện chính sách dân chủ, chính sách ruộng đất. Chính phủ thực hiện chính sách ruộng đất qua từng bước một: Bước thứ nhất (1945-1949); Bước thứ hai (1949-1953); Bước thứ ba (1953-1957), nhằm bảo vệ quyền lợi, tạo điều kiện cho nông dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Trong hai năm 1947-1948, nhiều ruộng công, ruộng bỏ hoang và đồn điền tịch thu của thực dân Pháp và Việt gian đã được đem chia cho dân nghèo.
Để tập trung sức dân cho kháng chiến, năm 1949, sắc lệnh giảm tô, tạm chia ruộng đất hoang cho nhân dân, xóa các thứ thuế, giúp đỡ đồng bào miền núi, tăng lương cho cán bộ, giải quyết những vấn đề tôn giáo, giúp đồng bào tản cư ổn định cuộc sống. Tháng 12/1953, luật cải cách ruộng đất được quốc hội thông qua, đã có tác dụng to lớn trong việc động viên nhân dân ở hậu phương cũng như bộ đội ở tiền tuyến, nhân dân vùng tự do, vùng tạm chiếm hăng hái đẩy mạnh sản xuất kháng chiến.
Khác với một số nước, giải quyết vấn đề cách mạng ruộng đất ở Việt Nam theo một kiểu đặc biệt, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam: vấn đề ruộng đất không chỉ là vấn đề giai cấp, mà chứa đựng yếu tố dân tộc, phải giải quyết trên cơ sở mối quan hệ biện chứng. Chính sách đã đem lại ruộng đất cho nông dân, động viên và bồi dưỡng sức dân, kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.
2.3. Trong phát triển văn hóa, giáo dục và y tế