Tình hình và nhiệm vụ cách mạng Việt Nam sau CMT8-1945

Một phần của tài liệu Vai trò trí thức cách mạng sài gòn gia định trong công cuộc kháng chiến chống pháp (1946 1954) (Trang 31 - 37)

7. Kết cấu của luận văn

1.2.2.Tình hình và nhiệm vụ cách mạng Việt Nam sau CMT8-1945

Sau thành công của CMT8-1945, bên cạnh những điều kiện thuận lợi cơ bản, tình hình KT-XH Việt Nam đứng trước vô vàn khó khăn, với những nhiệm vụ cách mạng mới, đầy thử thách.

* Tình hình kinh tế - xã hội

Kinh tế đất nước vốn nghèo nàn, lạc hậu, lại bị kiệt quệ hơn do chính sách vơ vét, tham tàn của đế quốc, phát xít trong mấy mươi năm thống trị. Sau cách mạng, công nghiệp lạc hậu và đình đốn; nông nghiệp tiêu điều, ruộng đất bị bỏ hoang do hạn hán và lụt lội; thương nghiệp ngưng trệ, bế tắc, hàng hóa khan hiếm; tài chính cạn kiệt, kho bạc trống rỗng. Nạn đói đầu năm 1945 chưa qua khỏi thì nguy cơ của một nạn đói mới đã xuất hiện. Về văn

hóa, chính sách ngu dân, lạc hậu, phản động của chủ nghĩa thực dân đã để lại một di sản thảm hại với hơn 90% dân số không biết chữ. Các tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc, mê tín, dị đoan... trầm trọng và nặng nề.

* Tình hình đấu tranh cách mạng

Sau ngày độc lập, lực lượng chống phá, phản kích phong trào giải phóng dân tộc; các thế lực phản động quốc tế tập trung tìm mọi cách tiêu diệt cách mạng Việt Nam. Ở miền Bắc, 20 vạn quân Tưởng vượt biên giới vào Việt Nam. Quân Tàu Tưởng lộng hành, âm mưu vô hiệu hóa, gây sức ép, đòi hỏi chính quyền cách mạng thỏa mãn yêu cầu cung cấp lương thực, thực phẩm. Không những thế, chúng còn lôi kéo lũ phản động người Việt lưu vong về mưu đồ cướp chính quyền cách mạng, lập chính quyền phản động. Tổ chức "Quốc dân quân", lực lượng vũ trang khủng bố mang tên "Thiết huyết đoàn", "Thần lôi đoàn", "Bàn tay máu " được thiết lập dựa vào sự dung túng của quân Tưởng, chúng tiến hành cướp của, giết người vô tội, ám sát cán bộ.

Tại miền Nam, tình hình nghiêm trọng hơn rất nhiều. Hơn 2 vạn quân Anh kéo vào miền Nam, ngang nhiên vi phạm quy định của Hội nghị Pốtxđam, thay vì tước khí giới, chúng cho quân Nhật làm nhiệm vụ cảnh sát trong thành phố và đòi lực lượng vũ trang cách mạng giao nộp vũ khí. Cấm báo chí không được xuất bản và thiết quân luật, ai trái lệnh sẽ bị xử tử,… Quân Nhật chiếm các trại giam, thả quan Pháp bị bắt giữ hồi Tổng khởi nghĩa, thả lính Pháp bị giam trong đêm Nhật đảo chính, trang bị lại vũ khí cho chúng. Lũ phản quốc thi nhau ngóc đầu dậy hoạt động, tiếp tay, kích động dân chúng và vu khống đả kích UBND Nam Bộ. Một số phần tử phản động trong các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo lợi dụng thần quyền và lòng sùng đạo để hoạt động chia rẽ nội bộ các tín đồ và giữa các tôn giáo.

Pháp thể hiện quyết tâm "giải phóng" Đông Dương bằng tuyên bố của Đờ Gôn về "Những điều kiện tổng quát của quy chế Đông Dương sẽ được hưởng", khẳng định đặt lại ách thống trị với sự giúp đỡ của Anh và Mỹ. Vào 0 giờ

ngày 23/9/1945, được sự hỗ trợ của quân Anh, Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Từ Sài Gòn, quân Pháp đánh lan rộng ra các tỉnh ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Nhân dân Sài Gòn – Gia Định và toàn Nam bộ bước vào một thời kỳ đấu tranh cách mạng mới với nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc.

* Nhiệm vụ cách mạng giai đoạn 1946-1954

Sau ngày thực dân Pháp nổ súng xâm lược, Thường vụ Trung ương Đảng đã họp khẩn cấp, nhất trí với quyết tâm kháng chiến của Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ. Ủy ban đã ban hành lệnh: chợ búa không họp, cửa tiệm không mở, công nhân các nhà máy đồng loạt nghỉ việc; phá nhà máy đèn; bày ngổn ngang bàn ghế, tủ giường, cây xanh, trụ đèn... để cản bước tiến của quân địch; lập ra các ổ chiến đấu tiến công địch; các lực lượng vũ trang hình thành một vòng vây xung quanh thành phố, chặn đánh địch hành quân ra ngoại thành và cách tỉnh lân cận.

Tại phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 26/9/1945, Hồ Chủ tịch đã viết lời hiệu triệu gửi đồng bào Nam Bộ: "Thà chết tự do, không sống nô lệ". Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà. Các địa phương tổ chức quyên góp tiền bạc, áo quần, thuốc men, lương thực thực phẩm, quân số... giúp Nam Bộ kháng chiến.

Trong lúc miền Nam đang anh dũng chiến đấu, ngày 25/11/1945, thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị: "Kháng chiến kiến quốc". Chỉ thị là xác định những nội dung cơ bản về chiến lược cách mạng:

- Kẻ thù chính, nguy hiểm nhất lúc này là thực dân Pháp xâm lược, cả dân tộc phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng.

- Nhiệm vụ chiến lược: Cuộc cách mạng Đông Dương vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng. Cuộc cách mạng ấy đang tiếp diễn, nó chưa hoàn

thành, vì nước ta chưa hoàn thành độc lập. Từ nhiệm vụ chiến lược đó, khẩu hiệu vẫn là “Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết”.

Chủ trương giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt ngay từ kháng chiến cục bộ ở miền Nam, trong điều kiện đã có chính quyền cách mạng. Cuộc kháng chiến này tiếp tục sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trong đó đồng thời với nhiệm vụ cấp thiết giải phóng dân tộc, phải tiến hành nhiệm vụ kiến quốc [21, tr.27-34]. Chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc" thể hiện sự sáng tạo của Đảng trong việc hoạch định đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, là ngọn cờ hướng đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong giai đoạn lịch sử có tính bản lề, cho cả những năm kháng chiến chống Pháp đánh Mỹ tiếp theo.

Tại hội nghị Quân sự toàn quốc lần thứ nhất (19/10/1946) Đảng nhận định "không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp", và đề ra những chủ trương, biện pháp cụ thể cả về tư tưởng và tổ chức để quân dân cả nước sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới. Trong chỉ thị “Công việc khẩn cấp bây giờ” (5/11/1946), Hồ Chủ tịch đã nêu lên những việc có tầm chiến lược, toàn cục khi bước vào cuộc kháng chiến và khẳng định lòng tin vào thắng lợi cuối cùng.

Ngày 12/12/1946, trước những hành động ngang ngược của thực dân Pháp, vi phạm điều khoản trong Hiệp định Sơ bộ 6/3 và Tạm ước 14/9, đẩy tình hình có những diễn biến phức tạp, TƯ Đảng đã ra Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”, có ý nghĩa như một “Cương lĩnh kháng chiến” của Đảng, xác định rõ những vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam:

- Mục đích: Đánh thực dân Pháp xâm lược, giành thống nhất và độc lập. - Tính chất: Trường kỳ kháng chiến, toàn diện kháng chiến.

- Chính sách: Liên hiệp với dân tộc Pháp, chống phản động thực dân Pháp; Đoàn kết với Miên, Lào và các dân tộc yêu chuộng tự do, hòa bình; Đoàn kết chặt chẽ toàn dân; Thực hiện toàn dân kháng chiến; Bảo vệ dân,

được lòng dân; Nêu tên "Hội Liên hiệp quốc dân" mà cổ động kháng chiến; Phải tự cấp, tự túc về mọi mặt [17].

Trên cơ sở những vấn đề có tính chiến lược của hai văn kiện lớn là “Chỉ thị Toàn dân kháng chiến” của Thường vụ TƯ và “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 9-1947, Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết cuốn "Kháng chiến nhất định thắng lợi". Đường lối kháng chiến kiến quốc của cách mạng Việt Nam được thể hiện cụ thể:

+ Mục đích kháng chiến: tiếp tục sự nghiệp CMT8, đánh thực dân Pháp xâm lược, hoàn thành giải phóng dân tộc, giành độc lập và thống nhất đất nước.

+ Tính chất kháng chiến: là chiến tranh nhân dân, chiến tranh chính nghĩa. Vì vậy, cuộc kháng chiến của ta có tính chất dân tộc giải phóng và dân chủ mới.

+ Chính sách kháng chiến: Liên hiệp với dân tộc Pháp, chống phản động thực dân Pháp. Đoàn kết với Miên - Lào và các dân tộc yêu chuộng tự do, hoà bình. Đoàn kết chặt chẽ toàn dân, thực hiện toàn dân kháng chiến; phải tự cấp, tự túc về mọi mặt.

+ Nhiệm vụ kháng chiến: Đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược giành độc lập và thống nhất thật sự cho dân tộc. Trong quá trình kháng chiến, tiến hành từng bước chính sách ruộng đất của Đảng nhằm bồi dưỡng sức dân, củng cố khối liên minh công nông, phân hoá cô lập kẻ thù.

+ Phương châm kháng chiến: tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, thực hiện kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mạnh là chính. Kháng chiến toàn dân là toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang, có ba thứ quân làm nòng cốt, thực hiện mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi làng xóm là một pháo đài. Kháng chiến lâu dài là để chống âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của Pháp, để có thời gian để củng cố, xây dựng lực lượng, nhằm chuyển hoá tương quan lực lượng từ chỗ ta yếu hơn đến mạnh hơn và đánh

thắng địch. Kháng chiến dựa sức mình, trước hết phải độc lập về đường lối chính trị, chủ động xây dựng và phát triển thực lực của cuộc kháng chiến, đồng thời coi trọng viện trợ quốc tế. Kháng chiến toàn diện là đánh địch về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, ngoại giao:

- Kháng chiến về chính trị: tăng cường xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân;

- Kháng chiến về quân sự: Thực hiện vũ trang toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, tiêu diệt địch, giải phóng nhân dân và đất đai, thực hiện du kích chiến tiến lên vận động chiến, đánh chính quy, du kích. Bảo toàn thực lực, kháng chiến lâu dài, vừa đánh vừa võ trang, vừa đánh vừa đào tạo cán bộ. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Kháng chiến về kinh tế: Phá hoại kinh tế địch như đường giao thông, cầu, cống; xây dựng kinh tế tự cung tự cấp, tập trung phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp và công nghiệp quốc phòng theo nguyên tắc “Vừa kháng chiến vừa xây dựng đất nước”.

- Kháng chiến về văn hoá: Xoá bỏ văn hoá thực dân, phong kiến, xây dựng nền văn hoá dân chủ mới theo nguyên tắc: dân tộc, khoa học, đại chúng.

- Kháng chiến về ngoại giao: Thực hiện thêm bạn bớt thù, biểu dương thực lực; liên hiệp với dân tộc Pháp, chống phản động thực dân Pháp, sẵn sàng đàm phán nếu Pháp công nhận Việt Nam độc lập.

Đường lối kháng chiến của Đảng với những nội dung cơ bản như trên là đúng đắn và sáng tạo, vừa kế thừa được kinh nghiệm của tổ tiên, đúng với các nguyên lý về chiến tranh cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, vừa phù hợp với hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ. Đường lối kháng chiến của Đảng được công bố sớm đã có tác dụng đưa cuộc kháng chiến kiến quốc từng bước đi tới thắng lợi vẻ vang ở Sài Gòn – Gia Định, Nam bộ và trong cả nước.

CHƯƠNG 2

TRÍ THỨC CÁCH MẠNG SÀI GÒN - GIA ĐỊNH

TRONG CÔNG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1946-1954) 2.1. TRONG XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN VÀ ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ

Một phần của tài liệu Vai trò trí thức cách mạng sài gòn gia định trong công cuộc kháng chiến chống pháp (1946 1954) (Trang 31 - 37)